Hàn Quốc tái áp đặt giãn cách xã hội
Hàn Quốc tái áp đặt hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ hồi đầu tháng khi số ca nhiễm nCoV mới tăng kỷ lục.
Bảo tàng, công viên và các triển lãm nghệ thuật sẽ phải đóng cửa trở lại từ ngày mai, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết, trong khi các công ty được yêu cầu bố trí nhân viên làm việc từ xa.
“Chúng tôi quyết định tăng cường tất cả các biện pháp giãn cách ở khu vực đô thị trong vòng hai tuần kể từ ngày mai đến 14/6″, ông nói.
Người dân được khuyến cáo tránh tụ họp hay đến chỗ đông người, bao gồm các nhà hàng và quán bar, trong khi các cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, kế hoạch tái mở cửa trường học đang diễn ra sẽ không bị trì hoãn.
Video đang HOT
Nhân viên y tế lấy mẫu tại một điểm xét nghiệm nCoV ở Bucheon, phía nam Seoul, hôm 27/5. Ảnh: AFP
Hàn Quốc từng là một trong những điểm nóng Covid-19 nghiêm trọng nhất ngoài Trung Quốc đại lục, song đã kiềm chế được đà lây nhiễm nhờ chương trình “truy vết, xét nghiệm và điều trị” mở rộng, được xem là hình mẫu chống dịch cho toàn cầu.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc gần đây có xu hướng tăng trở lại. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay ghi nhận thêm 79 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất kể từ ngày 5/4, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 11.344. Các ca nhiễm mới, chủ yếu tập trung ở khu vực Seoul, nơi một nửa dân số Hàn Quốc đang sinh sống, đã khiến giới chức phải thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng từ hôm 6/5.
Một cụm dịch mới được phát hiện tại nhà kho của công ty thương mại điện tử Coupang ở Bucheon, phía tây Seoul, với 69 ca nhiễm nCoV. Khoảng 4.100 công nhân và khách đến tòa nhà này đang tự cách ly, hơn 80% đã được xét nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ buộc phải tái áp đặt một chiến dịch giãn cách xã hội toàn diện nếu nước này ghi nhận 50 ca nhiễm mới trong ít nhất 7 ngày liên tiếp.
“Hai tuần tới có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn lây nhiễm ở khu vực đô thị”, ông Park nói. “Chúng ta sẽ phải quay lại giãn cách xã hội nếu chúng ta thất bại”.
Italy huy động 60.000 tình nguyện viên nhắc nhở tuân thủ quy định phòng chống lây nhiễm COVID-19
Giới chức Italy đã đề xuất lập một đội ngũ tình nguyện viên gồm 60.000 công dân có nhiệm vụ nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, trong bối cảnh quốc gia này đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Fiumicino ở Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Sáng kiến lực lượng "hỗ trợ dân sự" này, được tuyển dụng từ những người về hưu, được hưởng trợ cấp và những người thất nghiệp, là "đứa con tinh thần" của Bộ trưởng các vấn đề khu vực Francesco Boccia và Thị trưởng thành phố Bari Antonio Decaro. Họ có nhiệm vụ giải đáp các thắc mắc và nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, hoặc sự cần thiết phải đeo khẩu trang khi tới những khu vực đông người như các bãi biển, công viên và đường phố. Tuy nhiên, những tình nguyện viên này không có quyền phạt người vi phạm.
Trao đổi với báo giới, Thị trưởng Decaro cho biết trên thực tế, một số tình nguyện viên tiềm năng trước đó đã hỗ trợ giao các nhu yếu phẩm hay thuốc men đến những người không thể ra khỏi nhà trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong giai đoạn mới khi các biện pháp hạn chế từng bước được nới lỏng, họ sẽ giúp kiểm soát lượng người ra vào các công viên hay các khu chợ, hoặc giải thích những quy định để vào các bãi biển.
Italy đang từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt từ đầu tháng 3 vừa qua, theo đó cho phép việc qua lại giữa các khu vực và các cuộc gặp gỡ bạn bè, cũng như cho phép các quán bar phục vụ đồ uống song người dân phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách. Tuy nhiên, hàng trăm ca mắc mới và tử vong do dịch COVID-19 vẫn đang được ghi nhận mỗi ngày và giới chức địa phương lo ngại nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát nếu người dân phớt lờ các quy định về phòng chống lây nhiễm.
Những hình ảnh được phát sóng trên truyền hình mới đây cho thấy trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua khi lệnh phong tỏa kéo dài hơn 2 tháng được nới lỏng, người dân trên khắp Italy đã đổ ra đường để tận hưởng các hoạt động giải trí cuối tuần như thói quen trước đây. Nhà chức trách đã cảnh báo hoạt động tụ tập đông người có thể tạo ra những ổ dịch mới, dẫn đến những rủi ro cho các hoạt động sản xuất mới được mở cửa lại từ ngày 18/5.
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, Italy đã nới lỏng lệnh phong tỏa kể từ ngày 18/5, theo đó cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng, cửa hiệu, quán bar, nhà hàng và các hiệu cắt tóc, làm đẹp trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, người dân đã được phép đi lại tự do ở trong phạm vi từng vùng, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách ít nhất là 1m và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Đến ngày 3/6, Italy dự kiến sẽ mở cửa trở lại tất cả các sân bay và cho phép du khách, công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tự do đi lại đến Italy. Ngoài ra, người dân Italy cũng sẽ được tự do đi lại giữa các vùng trên cả nước bắt đầu từ ngày 3/6. Đến ngày 15/6, các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ được phép hoạt động trở lại. Còn đối với ngành giáo dục, các trường học sẽ vẫn chưa được mở cửa trở lại cho đến tháng 9 tới.
Thụy Điển: tử vong do Covid-19 tăng cao, vượt 4.000 ca Theo thống kê của Cơ quan Y tế Cộng đồng Thụy Điển công bố hôm ngày 25/5, tổng số người chết do dịch Covid-19 ở nước này đã vượt 4.000 ca. Cơ quan Y tế Cộng đồng Thụy Điển cho biết, số người chết do Covid-19 đã tăng lên 4.029, trong khi số ca mắc là 33.843. Người dân Thụy Điển tuân thủ...