Hai tháng trước ngưỡng cửa Brexit: Mặc cả phút chót
Quốc hội Anh vừa bỏ phiếu đưa ra quan điểm chính thức của mình về Brexit. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ủng hộ Chính phủ của thủ tướng Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) một số điểm. Tuy nhiên, EU có thể không muốn đáp ứng yêu cầu này.
Khi Quốc hội Anh nắm quyền quyết
Lần đầu tiên kể từ khi tiến trình đàm phán Brexit bắt đầu hơn hai năm trước, Quốc hội Anh đã trực tiếp can thiệp vào thỏa thuận cuối cùng. Tối 29/1, với tỷ lệ sít sao, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất sửa đổi, theo đó cho phép Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) và sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland.
Theo đó, với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, các nghị sỹ Anh đã thông qua điều khoản sửa đổi, trong đó khẳng định họ chỉ ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” nếu điều khoản về giải pháp “lưới an toàn” được dỡ bỏ.
Người Anh sẽ phải hồi hộp chờ đợi thỏa thuận Brexit tới phút chót. Ảnh: AFP
Giải pháp này của EU nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU cho đến khi nào đạt được một giải pháp thay thế để giữ biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, trong trường hợp hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại.
Điều khoản này cũng đảm bảo sẽ không áp đặt thuế quan, hạn ngạch và quy định về nguồn gốc hay tiến trình hải quan đối với mối quan hệ thương mại Anh – EU trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, điều khoản này lại không nói rõ Anh có thể ký thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác trong lúc thực hiện giải pháp trên hay không. Giới nghị sỹ Anh, đặc biệt những người ủng hộ Brexit phản đối gay gắt giải pháp trên do cho rằng nó sẽ khiến Anh bị bó buộc đối với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch thương mại với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, với tỷ lệ 318 phiếu ủng hộ và 310 phiếu chống, các nghị sỹ cũng bác bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Như vậy, đúng như những gì mà các nghị sỹ Anh từng bày tỏ khi bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận mà thủ tướng May đạt được với EU, Quốc hội Anh thực sự đã “ra tay” dựa trên quan điểm của mình. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn của Thủ tướng May nhấn mạnh quốc hội Anh đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels về việc người Anh muốn thay đổi gì để thỏa thuận được thông qua.
Có dễ qua “cửa” EU?
Ngay trong tối 29/1, khi kết quả từ phòng họp Hạ viện Anh được loan báo, EU đã có phản ứng đầu tiên. Từ Brussels, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận “ly hôn” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh, hay còn gọi là Brexit, là không thể đàm phán lại.
Điều đó có nghĩa EU nói không với quan điểm của Quốc hội Anh rằng cần phải thay thế thỏa thuận biên giới với Cộng hòa Ireland bằng các “dàn xếp thay thế khác” nhưng chưa được xác định.
Video đang HOT
Tuyên bố này cũng cho biết EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể, đồng thời tái khẳng định thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc Vương quốc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đại diện cho lãnh đạo châu Âu, đã tham vấn các lãnh đạo châu Âu về việc Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu EU rút lại điều khoản “rào chắn” của thỏa thuận.
Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định giải pháp “rào chắn”, vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, là một phần của thỏa thuận Brexit và khẳng định sẽ không mở lại đàm phán về mục này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AFP/Getty
Điều duy nhất mà quan chức EU nói có là khẳng định lại lập trường từ trước đến nay rằng có thể tìm ra cách điều chỉnh Tuyên bố chính trị được ban hành song song với thỏa thuận “ly hôn” Anh – EU.
Người phát ngôn của Chủ tịch EC cũng cho biết thêm nếu Anh đưa ra “yêu cầu hợp lý” để gia hạn thời hạn Brexit sau ngày 29/3 tới, và nếu các quốc gia thành viên nhất trí, điều này có thể được dàn xếp. Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh thỏa thuận Brexit là “thỏa thuận tốt nhất có thể và không thể đàm phán lại”..
Trọng trách lại trong tay Thủ tướng May
Về cơ bản, nội bộ nước Anh đã thống nhất về các điều khoản Brexit cần phải sửa đổi. Đây cũng có thể coi là ý chí của nước Anh trong cuộc đàm phán cuối cùng với EU. Cục diện xoay vần. Giờ thì Thủ tướng Theresa May – người từng phải hứng chịu những chỉ trích của dư luận Anh và tưởng như không thể tại vị sẽ lại lĩnh trách nhiệm của một “thuyết khách”.
Cái thuận là bà May giờ đã thống nhất được dư luận Anh về tương lai của Brexit. Bất cứ thỏa thuận nào mà Chính phủ đạt được với EU sẽ là thành quả cuối cùng và Quốc hội Anh sẽ phải chấp nhận. Cái khó là bà May giờ lại phải chứng minh rằng với EU rằng một thỏa thuận mới theo yêu cầu của EU sẽ còn tốt hơn văn bản mà EU vẫn coi là “tốt nhất có thể có”.
Từ phía EU, dù luôn cương quyết không đàm phán lại, nhưng những thông điệp “mềm dẻo và linh hoạt” đang được giới chức EU để ngỏ sau khi chứng kiến thỏa thuận Brexit bị thất bại nặng nề ở Hạ viện Anh cách đây hai tuần lễ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng sẽ có khả năng để cải thiện 1 hoặc 2 điều trong thỏa thuận.
Thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Theresa May dày công đàm phán với EU sẽ có thể trở lại với một vài thay đổi theo yêu cầu của Quốc hội. Ảnh: UK Parliament
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hé lộ “vẫn còn thời gian để thương lượng nhưng EU muốn biết những đề nghị từ phía Thủ tướng Anh”.
Còn thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cũng lưu ý EU sẵn sàng vượt qua những ranh giới đỏ về vấn đề liên minh thuế quan và thị trường chung nếu Anh cũng làm điều tương tự.
Dư luận cho rằng việc tìm ra một thỏa thuận “đẹp lòng tất cả” thực sự rất khó xét trong bối cảnh hiện tại, khi “liều thuốc độc” Brexit đang làm phân rã mọi mối gắn kết chính trị truyền thống.
Nhưng với việc kịch bản Brexit cứng có thể xảy ra, gây thiệt hại cho cả đôi bên, hy vọng cả Anh và EU sẽ tìm được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích đôi bên ngay trước hạn chót./.
Thanh Sơn
Theo Baonghean
Quốc hội Anh phủ quyết thỏa thuận Brexit, Thủ tướng đối mặt nguy cơ mất chức
Hạ viện Anh ngày 15/1 đã phủ quyết thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (Brexit) của Thủ tướng Theresa May. Điều này khiến Anh đối mặt với nguy cơ rút khỏi EU trong hỗn loạn hoặc thậm chí đảo ngược quyết định rời liên minh.
Thủ tướng Anh Theresa May (Ảnh: Reuters)
Hạ viện Anh phủ quyết thỏa thuận Brexit
Theo Reuters, thỏa thuận Brexit bị phủ quyết tại Hạ viện Anh sau cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 432 phiếu chống, 202 phiếu thuận, đánh dấu thất bại nặng nề nhất của chính phủ Anh trong lịch sử hiện đại.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra không lâu trước thời hạn ấn định Anh rời EU vào ngày 29/3. Hiện tại, nước Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất nửa thế kỷ qua khi nước này chật vật tìm cách rời liên minh mà họ gia nhập năm 1973 trong khi nhiều ý kiến hoài nghi về việc liệu họ có nên rời liên minh hay không.
Cuộc bỏ phiếu ngày 15/1 đánh dấu lần đầu tiên quốc hội Anh bác bỏ một hiệp ước kể từ năm 1864, đánh dấu sự sụp đổ chiến lược suốt 2 năm qua của chính quyền Thủ tướng May nhằm thu xếp để Anh rời EU một cách suôn sẻ sau ngày 29/3.
Về phần mình, Thủ tướng May cho biết, bà sẽ dành thời gian để tranh luận về chủ đề Brexit vào hôm nay. Bà đề nghị các đảng thương lượng để xác định một con đường cho Brexit. "Rõ ràng Hạ viện không ủng hộ thỏa thuận này, nhưng cuộc bỏ phiếu tối nay không nói lên được liệu chúng ta ủng hộ điều gì, không đề cập đến phương cách hay thậm chí hướng để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Anh", bà May nói.
Về phía liên minh châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, ông lấy làm tiếc về kết quả bỏ phiếu, đồng thời hối thúc chính phủ Anh làm rõ ý định để đưa ra các bước đi tiếp theo sớm nhất có thể.
Bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng May
Công đảng Anh kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng May nhằm mở đường cho bầu cử trước hạn. (Ảnh: PA)
Ngay sau cuộc bỏ phiếu Brexit, lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn, đã kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng May vào 19h hôm nay 16/1.
Bà May trước đó từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu chính quyền của bà vượt qua đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm mới nhất này, bà có thể sẽ tiếp tục hoạch định thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, nếu không thể vượt qua, điều đó sẽ mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới.
Nội bộ nước Anh đang chia rẽ về kế hoạch rời EU, trong khi đa số người dân ủng hộ việc rời liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý lần 1 hồi tháng 6/2016, nhưng đến nay nhiều ngày đã bắt đầu lung lay quan điểm và bắt đầu hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng, các đảng nước này nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến ủng hộ việc trưng cầu lại.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, Thủ tướng May nói với các nghị sĩ ủng hộ Brexit rằng, nếu kế hoạch của bà không được quốc hội chấp thuận thì nhiều khả năng Anh sẽ không rời EU, hơn là việc rời liên minh mà không có thỏa thuận.
Trước đó, Tòa án Công lý châu Âu ECJ ngày 10/12 công bố một văn bản cho biết Anh có quyền đảo ngược điều khoản 50, quy định cách mà một nước thành viên muốn rời khỏi EU. Điều này có nghĩa là Anh có thể đơn phương ngừng Brexit, rút lại thông báo muốn chia tay với khối. Giới quan sát cho rằng, thông báo của ECJ cung cấp thêm cho Anh một lựa chọn về tương lai của họ trong EU trong kịch bản chính quyền bà May không thể cân bằng giữa nội bộ Anh và liên minh.
Minh Phương
Theo Dantri/ BBC
Thủ tướng Anh khẳng định sẽ từ chức trước tổng tuyển cử Ngày 13/12, Thủ tướng Anh Theresa May xác nhận bà sẽ từ chức trước khi nước này tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2022. Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN) Phát biểu tại Brussels (Bỉ), bà May cho biết bà tin rằng đảng Bảo thủ nên được một nhà lãnh đạo khác dẫn đầu bước vào cuộc tổng tuyển cử. Trước...