Hà Nội thu hút thủ khoa: Lời mời đến muộn
Chỉ 10% thủ khoa làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Nhiều bạn khác chọn con đường du học, làm việc cho công ty nước ngoài từ trước khi có lời mời của thành phố.
Nhằm thu hút nhân tài, thành phố Hà Nội đề ra nhiều chính sách đãi ngộ cho những thủ khoa có nguyện vọng làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Hà Nội, từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ đến nay, thành phố tuyển dụng gần 300 người vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 147 thủ khoa, chiếm gần 10% số thủ khoa được vinh danh trong 14 năm qua.
Những thủ khoa không vào nhà nước
Một ngày sau lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc diễn ra tối 28/8 ở thủ đô, Đinh Xuân Chung, thủ khoa ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, sang Hàn Quốc học thạc sĩ theo học bổng của quỹ Pony Chung.
Chung cho biết: “Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, mình muốn xin tiếp học bổng tiến sĩ và hy vọng có thể trở về giảng dạy tại ĐH Kinh tế”.
9X này không phải trường hợp duy nhất từ chối lời mời “trải thảm đỏ”. Phạm Huy Viết, thủ khoa ĐH Ngoại thương, cho hay, cậu chưa có ý định làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Hà Nội. Hiện tại, chàng trai sinh năm 1994 làm việc cho một công ty tư nhân và đã ký hợp đồng lao động một năm.
Nguyễn Thế Phúc – thủ khoa đầu ra của ĐH Bách khoa Hà Nội – cũng lựa chọn du học thay vì nhận lời mời làm việc cho các cơ quan nhà nước. Đầu năm sau, Phúc sẽ du học Hàn Quốc để nâng cao chuyên môn và có thêm vốn sống, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Hữu Dũng đã ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp tư nhân.
Những thủ khoa được tuyên dương năm 2016. Ảnh: Ban tổ chức.
Lời mời đến muộn
Chính sách tuyển dụng thủ khoa đầu ra của thành phố Hà Nội đãi ngộ những cử nhân, kỹ sư mới ra trường, nhằm thu hút nhân tài. Tuy nhiên, số thủ khoa nhận lời mời vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố không nhiều, chỉ chiếm 10%.
Video đang HOT
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là tân cử nhân, kỹ sư xuất sắc không nắm được thông tin, biết đến chính sách quá muộn.
Thông thường, các bạn “săn” học bổng du học từ khoảng năm thứ hai hoặc năm ba. Như trường hợp Xuân Chung, cậu biết học bổng Pony Chung từ năm hai và bắt đầu phấn đấu để đáp ứng các điều kiện của quỹ.
Những trường học, tổ chức cấp học bổng rất nhanh nhạy với việc thu hút nhân tài. Họ sẵn sàng đầu tư cho những bạn trẻ xuất sắc tiếp tục học tập ở nước ngoài, từ đó thu hút chất xám và nguồn lao động chất lượng cao.
Thủ khoa Đinh Xuân Chung sẽ du học Hàn Quốc ngày 29/8 tới. Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, thông tin về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong nước chưa đến được từng bạn trẻ. Phần lớn sinh viên biết đến nó sau khi đã tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa.
Trần Hữu Dũng cho biết, cậu chỉ mới biết đến thông tin về chính sách đãi ngộ của thành phố. Trước đó, Dũng đã ký hợp đồng lao động và sẽ làm việc cho doanh nghiệp tư nhân ít nhất một năm.
Vậy là, lời mời đến muộn khi không ít bạn trẻ như Dũng đã chắc trong tay suất học bổng hay có việc làm tốt tại các công ty lớn.
Một trong những lý do nữa khiến không ít thủ khoa “lăn tăn” khi về làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp của Hà Nội là cơ chế và môi trường làm việc.
Mặc dù chưa có việc làm và đang tìm học bổng du học, Nguyễn Thị Nhàn, thủ khoa ĐH Bách khoa, vẫn chưa quyết định có làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố hay không.
“Mình chưa nắm rõ thông tin về chính sách này, cũng như các vị trí làm việc. Điều đầu tiên mình xem xét không phải chế độ đãi ngộ mà mức độ phù hợp công việc. Mình ưu tiên lựa chọn môi trường làm việc để có thể phát huy hết năng lực, cũng như có cơ hội phát triển chuyên môn”, Nhàn chia sẻ.
Tân cử nhân cho biết thêm, cô phân vân một phần vì lo ngại môi trường làm việc nặng thủ tục hành chính. Những người trẻ mới ra trường lo phải pha trà, bưng nước, “sống lâu mới lên được lão làng”, chứ không được trọng dụng ngay.
Cùng quan điểm, Phạm Huy Viết bày tỏ sự băn khoăn về môi trường sẽ gắn bó. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều thủ khoa khi đứng trước lời mời thu hút nhân tài.
“Mình đang dạy học tại một trường công lập và rất quan tâm chính sách thu hút thủ khoa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mình vẫn chưa nắm hết thông tin về cơ hội của bản thân nếu muốn làm việc trong cơ quan, đơn vị của thành phố”, Nguyễn Thanh Nguyệt, thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay.
Ngày 28/8, Hà Nội sẽ tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2016. Trong 100 thủ khoa được tuyên dương, 50 người là Đảng viên, 33 người là cán bộ Đoàn, Hội.
Đặc biệt, Lại Thành Minh – ĐH Mỹ thuật Việt Nam, và Đinh Nho Minh – Học viện Chính sách và Phát triển, vừa là thủ khoa tuyển sinh đại học vừa là thủ khoa tốt nghiệp.
Sau 14 năm, thành phố Hà Nội đã tuyên dương, trao bằng khen cho 1.533 thủ khoa. Thành phố cũng thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm thu hút thủ khoa. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, chỉ 147 thủ khoa (chiếm gần 10%) về làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Theo Zing
Thủ khoa đầu ra từng làm cửu vạn, lương 2 triệu một tháng
Đó là câu chuyện của thủ khoa Nguyễn Như Phúc. Tốt nghiệp với số điểm 8,25, chàng thủ khoa từng là cửu vạn này phải chấp nhận đi làm với mức lương thấp hơn công nhân.
Nguyễn Như Phúc (sinh năm 1994, Sóc Sơn, Hà Nội), học ngành Lưu trữ học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Nội vụ. Phúc nằm trong top 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô năm 2016, được Thành đoàn Hà Nội tôn vinh.
Chật vật xin việc
Là lớp trưởng Lưu trữ 12B, Như Phúc đạt nhiều bằng khen, thành tích trong các hoạt động của trường. Chàng trai từng xếp loại khá trong nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014, nhận bằng khen của Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ về những thành tích xuất sắc năm 2013, 2014; giấy khen của hiệu trưởng về các thành tích học tập và phong trào năm 2014, 2015. Năm 2016, Phúc tốt nghiệp với điểm học tập toàn khóa 8,25 và điểm rèn luyện xuất sắc.
Nguyễn Như Phúc (ở giữa) trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.
Như Phúc nhận bảng điểm và bằng tốt nghiệp vào ngày ngày 22/8 tới. Sau gần 4 tháng kết thúc học tập, chàng trai chưa có công việc ổn định. Danh hiệu thủ khoa đầu ra vừa là niềm tự hào, vừa là áp lực với Phúc.
Nam thủ khoa cho biết đã nộp bốn bộ hồ sơ và đều... "bặt vô âm tín". Sau hai tháng chờ đợi, chỉ một nơi trả lời với nội dung: "Vị trí lưu trữ đã tuyển đủ".
Thủ khoa ĐH Nội vụ chia sẻ về lý do không được lựa chọn: "Thời gian đầu mới làm hồ sơ, em bị từ chối do phía tuyển dụng nghĩ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, họ đòi hỏi tân cử nhân 1 - 2 năm làm việc thực tế. Khi là sinh viên, em luôn đặt việc học tập hàng đầu, vì vậy thời gian bươn trải lấy vài năm kinh nghiệm rất khó".
Chàng trai cho biết, từ năm thứ ba đại học, Phúc được giới thiệu đi làm chỉnh lý tài liệu lưu trữ trong một tháng. Thực tập và kiến tập, nam sinh làm văn thư, số hóa, bảo quản, chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Có cùng nỗi lo khi xin việc vào các cơ quan nhà nước, Trương Bá Chính - thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: "Thực tế là làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước hiện nay rất khó. Hơn nữa, nhiều nơi đang thực hiện tinh giản biên chế".
Tốt nghiệp trong tháng 7, hiện tại, Chính chưa có việc làm. Thủ khoa đầu ra này đánh giá, kể cả với các công ty tư nhân, công việc cũng không dễ dàng cho sinh viên mới ra trường, bởi họ thường thiếu định hướng, kỹ năng mềm, kiến thức thực tế và không thích ứng được với môi trường làm việc.
Ngoài ra, cậu cũng từng làm nhiều công việc như gia sư, phụ hồ, cửu vạn, trồng rau hữu cơ... Với suy nghĩ khi còn trẻ nên làm nhiều việc để có trải nghiệm thực tế, Phúc làm việc để lấy kinh nghiệm, thêm thu nhập và giúp đỡ gia đình.
Hiện tại, Phúc chưa tìm được công việc ổn định. Cậu đang làm hợp đồng thời vụ cho một dự án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Hà Nội với mức lương mỗi tháng 2 triệu đồng.
Nỗi lo khi xin vào cơ quan nhà nước
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, Phúc đỗ nguyện vọng 2 vào ĐH Nội vụ Hà Nội, theo học Lưu trữ - ngành nhiều người chỉ nghe tên sẽ không biết rõ công việc cụ thể là gì. Chàng trai kể, có người còn khinh thường, vì đây không phải ngành "hot".
"Các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp đều có văn bản, tài liệu và cần lưu trữ. Tuy nhiên, mỗi nơi chỉ cần tuyển 1 - 2 cán bộ về văn thư - lưu trữ. Vì vậy, lượng sinh viên học ngành này xong không có việc làm chiếm tỷ lệ lớn", tân cử nhân nói.
Thủ khoa đầu ra nhìn nhận, xin việc vào cơ quan nhà nước thường kèm nhiều yếu tố, trong đó có "mối quan hệ", khiến nhiều cử nhân không đáp ứng được.
Ước mơ của Phúc là trở thành giảng viên của ĐH Nội vụ, công tác tại khoa Văn thư - Lưu trữ. Bởi trở thành người thầy đứng trên bục giảng là khát khao từ nhỏ của chàng trai này.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2015, 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người. Trong 6 tháng đầu năm 2016, 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế. Vì vậy, cơ hội xin việc vào cơ quan nhà nước của sinh viên sau khi ra trường, kể cả thủ khoa, rất hạn hẹp.
Trong khi đó, bản tin thị trường lao động quý 2/2016 cho hay, cả nước có 1.088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong số đó, 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật. Số thất nghiệp nhiều nhất là nhóm có trình độ đại học trở lên: 191.300 người.
Theo Zing
Nam sinh vừa mừng vừa lo khi biết tin mình là thủ khoa Kể từ ngày biết mình là thủ khoa khối A1 với số điểm 28,95, Trần Trung Dũng (lớp 12 Toán 2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) vừa mừng vừa lo. Bởi nếu Dũng lên Hà Nội học đồng nghĩa với việc phải để mẹ lại một mình trong căn nhà nhỏ. Hoàn thành tâm nguyện của bố Ở kỳ thi...