GS Harvard: ‘Nếu liên tục bị đánh vào tay, học sinh khó sáng tạo’
GS Howard Gardner (ĐH Harvard, Mỹ) cho rằng nếu sống trong môi trường mà làm điều gì bất thường cũng bị phản đối ngay lập tức, trẻ khó có thể sáng tạo.
40 năm trước, GS Howard Gardner được ĐH Harvard tài trợ để nghiên cứu bản chất và nhận thức về tiềm năng của con người. Lúc đó, mọi người trong ngành tâm lý đều tin rằng con người khác nhau về độ thông minh và có thể biết mỗi người thông minh thế nào qua bài kiểm tra IQ.
“Khảo sát của tôi lúc đó không nhằm mục đích đánh đổ quan điểm độc nhất về trí thông minh nhưng nó đã đưa ra kết luận dựa trên thực nghiệm rằng có ít nhất 7 cách để xác định một người thông minh như thế nào”, GS Howard Gardner – “cha đẻ” của thuyết Đa trí thông minh – chia sẻ tại tại hội nghị thường niên “Bản hòa ca trí tuệ”, được tổ chức ngày 9/10.
GS Howard Gardner cho rằng trí thông minh không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ. Ảnh: Hunter College .
Trí tuệ không chỉ đo lường bằng IQ
GS Gardner đánh giá các bài kiểm tra cổ điển thường dự đoán ai sẽ thể hiện tốt ở một môi trường học tập cụ thể, chẳng hạn một trường ở Paris, Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1905, khi các bài kiểm tra này ra đời, nhiều trường học đi theo hướng giáo dục mới thay vì kiểu truyền thống và cổ điển của châu Âu.
Ông nói thêm càng nhìn ra phạm vi bên ngoài trường lớp như nghề nghiệp, sở thích, mối quan tâm cá nhân, chúng ta sẽ càng khó có cùng một định nghĩa duy nhất về trí thông minh của con người.
Vì thế, thuyết Đa trí thông minh ra đời. Bản thân ông cũng không tưởng tượng nổi thuyết thực sự tác động to lớn đến nền giáo dục trên thế giới đến như vậy.
Ông quan niệm trí thông minh là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra sản phẩm mà những giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa. Trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.
Đồng thời, GS từ Harvard khẳng định trí tuệ có thể nuôi dưỡng dù mỗi người có tiềm năng khác nhau.
Ông nếu ví dụ một đứa trẻ có thể có tiềm năng rất lớn để trở thành nhà soạn nhạc nhưng nếu đứa trẻ đó sống trong môi trường không có sẵn nhạc cụ và chưa bao giờ được hát, tiềm năng này sẽ luôn ẩn dật.
“Cuộc đời không công bằng với tất cả. Một số người có sẵn tiềm năng lớn hơn về mặt di truyền để trở thành nhà soạn nhạc, vận động viên, nhà vật lý hoặc nhà thơ. Nhưng nhìn chung, bất kỳ ai cũng có thể cải thiện trí thông minh của mình nếu họ được truyền động lực, được giáo dục tốt, hoặc nếu đó là điều xã hội đang quan tâm”, GS Gardner nói.
Ông lấy dẫn chứng từ việc tuyển sinh của các trường như ĐH Harvard. Cách đây 150 năm, muốn trúng tuyển, thí sinh phải làm bài kiểm tra bằng tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Ngày nay, ông đánh giá bài kiểm tra như vậy “có vẻ buồn cười”.
Thay vào đó, nếu không giỏi lập trình hoặc Toán học, thí sinh rất khó để vào được Harvard. Lúc này, việc thí sinh có thể học ngoại ngữ một cách dễ dàng cũng chẳng có ý nghĩa gì với Harvard.
Theo nhà tâm lý học Gardner, xã hội khác nhau xem trọng những giá trị khác nhau. Ngày nay, xã hội chú trọng nhiều hơn đến kỹ năng mềm. Đây là lĩnh vực thuộc về trí tuệ cá nhân.
“Nếu thông minh theo cách truyền thống, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề khi làm việc một mình. Nhưng khi phải làm việc với người khác, nhất là khi nắm vai trò chủ chốt, nếu không hiểu người khác và không hiểu chính mình, bạn sẽ gặp rắc rối to”, ông nhận định.
Video đang HOT
Đây là những thứ mà các bài kiểm tra IQ hoàn toàn bỏ qua. Với bài kiểm tra đó, không mấy ai chú tâm đến việc hiểu biết về bản chất con người và sự khác biệt giữa các cá thể.
GS Howard cho rằng trẻ nên được giáo dục trong môi trường nơi trí tuệ cá nhân được phát triển một cách tự do kết hợp với ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh đối với cộng đồng, xã hội, thế giới xung quanh. Ảnh: iStock.
Nuôi dưỡng sự sáng tạo và trách nhiệm cho trẻ
Đi liền với nuôi dưỡng trí tuệ là phát triển sự sáng tạo của đứa trẻ. Theo GS Howard Gardner, sáng tạo không chỉ gắn với nghệ thuật mà còn gắn với hoạt động trí óc và thể chất. Cùng một việc, con người có thể làm theo cách người ta từng làm trước đó, có thể làm khác một chút hoặc theo cách mới hoàn toàn.
Sáng tạo có thể lớn như nghiên cứu của Einstein, Marie Curie… hay nhỏ như cách phụ huynh dán các bức tranh nguệch ngoạc của con lên cửa tủ lạnh.
GS Gardner cho rằng cách tốt nhất để sáng tạo là sống trong môi trường mà bất cứ điều gì được chấp nhận cũng là điều được thực thi.
Theo ông, một số người may mắn được sinh ra trong môi trường sáng tạo, theo học ngôi trường tốt. Nhưng nếu sống trong môi trường mà bất cứ khi nào làm điều gì bất thường, họ bị phản đối ngay lập tức, họ khó có thể sáng tạo.
Ông nhấn mạnh học sinh khó có thể sáng tạo ở trường học trừ khi giáo viên và phụ huynh đề cao, khuyến khích sự sáng tạo. Theo ông, một việc có thể hoàn thành theo nhiều cách. Nhưng nếu giáo viên không tin tưởng, học sinh cũng không tin mình có sẵn sự sáng tạo trong ADN.
“Nếu khi ở trường và ở nhà, học sinh liên tục bị đánh vào tay, chúng cũng rất khó để sáng tạo”, nhà giáo dục từ ĐH Harvard nói.
Ông đề cao tính sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm khi sáng tạo, tức tinh thần trách nhiệm về những việc mình làm và khiến nó trở nên hữu ích.
Vị giáo sư này rất ấn tượng với các trường ở miền bắc Italy hoặc trường Montserrat ở Tây Ban Nha. Ông đánh giá những trường này có sự cân bằng tốt giữa việc giáo dục ý thức cộng đồng, hình thành trong con trẻ trách nhiệm với những điều lớn lao hơn ngay từ rất sớm, đồng thời biết cách trân trọng những nét riêng của từng đứa trẻ.
Ở đó, với triết lý giáo dục Reggio Emilia, người ta cho rằng mỗi đứa trẻ có khoảng 100 ngôn ngữ để chuyện trò với thế giới. Trẻ em có thể học theo nhiều cách, nhìn nhận thế giới theo nhiều cách, thể hiện bản thân chúng theo nhiều cách khác nhau.
“Tôi cho rằng đó là nền giáo dục tiến bộ, nơi trí tuệ cá nhân được phát triển một cách tự do kết hợp với ý thức mạnh mẽ của các con về sứ mệnh đối với cộng đồng, xã hội, thế giới xung quanh”, ông đánh giá.
GS Gardner cho rằng đây là công thức cần phải thấm vào ADN của từng cha mẹ cũng như người làm giáo dục, vào ADN của hệ thống giáo dục và áp dụng một cách sáng tạo.
Nhiều đại học Mỹ điều chỉnh chính sách tuyển sinh vì dịch Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát cùng các sự kiện đòi công bằng xã hội ở Mỹ đã làm thay đổi cách thi cử, đồng thời buộc nhiều trường điều chỉnh chính sách tuyển sinh.
Tháng 11, vòng tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ sẽ bắt đầu. Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ như thường lệ, thí sinh cần lưu ý những thay đổi được đưa ra do dịch Covid-19 hay các sự kiện liên quan việc đòi công bằng xã hội tại Mỹ.
Mardell Maxwell, Giám đốc Tuyển sinh của ĐH Houston, cho biết gần đây nhất, căn cứ tình hình thực tế, nhiều trường không còn bắt buộc thí sinh phải có kết quả thi SAT hay ACT, mà tập trung đánh giá tổng thể thí sinh...
Nhiều đại học không bắt buộc thí sinh nộp điểm bài kiểm tra chuẩn hóa khi dịch Covid-19 khiến việc tổ chức thi khó khăn. Ảnh minh họa: Getty Images.
Thay đổi chính sách thi cử
Theo US News , một trong những thay đổi lớn nhất liên quan tuyển sinh đại học ở Mỹ là chính sách không bắt buộc hoặc không cần đến bài kiểm tra chuẩn hóa trong hồ sơ xét tuyển.
Dữ liệu từ FairTest (tổ chức đưa ra chiến dịch chống lại sự phụ thuộc vào các bài kiểm tra) cho biết mùa tuyển sinh năm 2019, 1.050 đại học ở Mỹ áp dụng chính sách trên. Đối với đợt tuyển sinh năm 2022, con số này lên đến 1.600 trường (số liệu tính đến tháng 8/2021).
Việc không bắt buộc hoặc loại hẳn kết quả SAT/ACT khi xét tuyển được đưa ra từ thực tế nhiều kỳ thi chuẩn hóa phải tạm dừng, hủy bỏ do dịch Covid-19 bùng phát.
"Đây được coi như phong trào lớn của nền giáo dục đại học Mỹ khi 2/3 cơ sở công lập đào tạo hệ 4 năm tuyên bố không cần kết quả SAT, ACT hoặc cho phép thí sinh linh hoạt trong việc đưa kết quả thi nào vào hồ sơ xét tuyển", Clark Briigger, Giám đốc Tuyển sinh ĐH Colorado Boulder, đánh giá.
Ông Briigger nói thêm chính sách liên quan điểm thi này cũng dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh đợt tuyển sinh tới. Ông lưu ý chính sách linh hoạt trong điểm thi cho phép thí sinh sử dụng kết quả từ các bài kiểm tra khác như Tú tài quốc tế (IB), Xếp lớp nâng cao (AP) hay nộp tài liệu khác thay thế cho điểm kiểm tra. Trong khi đó, nếu áp dụng chính sách không bắt buộc kết quả thi, trường sẽ xem xét các yếu tố khác thay vì điểm số.
Việc nắm chính sách trường sử dụng khi xét tuyển giúp thí sinh xác định chiến lược nộp đơn cho mình. Ví dụ, nếu xác định đăng ký xét tuyển trường không bắt buộc điểm số, thí sinh có thể tập trung cho các hoạt động xã hội thay vì dành thời gian để ôn thi SAT hay ACT. Với trường theo chính sách linh hoạt, thí sinh lựa chọn kết quả thi có lợi cho mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại chính sách linh hoạt thực tế không thực sự linh hoạt. Nhà tư vấn tuyển sinh Aviva Legatt khuyên thí sinh vẫn nên ưu tiên điểm số.
Bà khuyến khích thí sinh thi SAT hoặc ACT để lấy điểm số nộp vào trường đại học. Nhiều chuyên gia có cùng ý kiến. Họ cho rằng điểm số tốt tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xét tuyển.
"Nếu hai sinh viên cùng đăng ký một trường, có hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, GPA giống nhau, giữa thí sinh không có điểm kiểm tra với thí sinh có điểm tốt, trường sẽ chọn ai? Tôi nghĩ đa số sẽ chọn em có điểm thi chuẩn hóa", Christopher Rim, nhà sáng lập, CEO của công ty tư vấn tuyển sinh Command Education, nói.
Ông nói thêm những trường hàng đầu vẫn muốn thí sinh chủ động có điểm SAT hoặc ACT. Thí sinh sẽ bất lợi trong cạnh tranh nếu không có điểm này.
Ngoài ra, điểm thi còn liên quan học bổng. Như tại ĐH Colorado Boulder, thí sinh không cần có điểm thi trong hồ sơ, nhưng ông Brigger cho hay nếu không cung cấp điểm thi, thí sinh khó nhận được học bổng tốt.
Harvard bị chỉ trích khi ưu tiên thí sinh có người nhà từng học tại đây. Ảnh: AP.
Suy xét chính sách tuyển sinh kế thừa
Nhiều năm qua, không ít trường ở Mỹ thực hiện chính sách kế thừa trong tuyển sinh, tức ưu tiên những thí sinh mà có người thân trong gia đình từng theo học tại trường.
Thời gian gần đây, chính sách này vấp phải sự chỉ trích khi tạo lợi thế cho các gia đình khá giả, giảm cơ hội trúng tuyển với sinh viên giỏi.
ĐH Harvard từng bị kiện khi trong giai đoạn 2009-2015, 34% thí sinh có người nhà từng học ở đây trúng tuyển. Trong khi đó, tỷ lệ trúng tuyển đối với thí sinh khác chỉ ở mức 6%.
Trong bối cảnh nhiều người đấu tranh đòi công bằng xã hội, các trường phải xem xét lại chính sách này. Colorado trở thành bang đầu tiên cấm việc ưu tiên thí sinh nhờ người nhà.
Nhìn chung, vấn đề xét tuyển dựa trên "truyền thống" gia đình thể hiện rõ hơn ở các đại học tư thục. Ông Clark Briigger cho rằng bỏ chính sách này sẽ xóa bỏ rào cản cho không ít thí sinh.
Khảo sát do Inside Higher Ed và College Pulse thực hiện, công bố kết quả hồi tháng 7 cho thấy 79% người tham gia đồng ý bỏ chính sách kế thừa trong tuyển sinh đại học.
Hiểu rõ xã hội để tăng cơ hội trúng tuyển
Dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và tiếp tục tác động lên chính sách, quy trình tuyển sinh đại học. Vì thế, các chuyên gia khuyên thí sinh sử dụng thời gian thông minh, tìm hiểu xã hội và thể hiện bản thân một cách chân thực trong hồ sơ xét tuyển.
Cụ thể, ông Christopher Rim cho rằng thí sinh cần lưu ý tỷ lệ trúng tuyển giảm mạnh tại các trường nổi tiếng khắt khe trong tuyển sinh. Ông cho rằng đằng sau các con số là thực tế số lượng đơn ứng tuyển vào các trường này tăng vọt khi trường nới lỏng chính sách tuyển sinh liên quan bài kiểm tra chuẩn hóa do dịch.
Ngoài ra, nhiều sinh viên hoãn nhập học vì dịch Covid-19. Do đó, thí sinh cần nằm được tình hình tuyển sinh, các yếu tố xã hội đang tác động lên nó để tăng cơ hội trúng tuyển.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh yếu tố thể hiện chân thật con người mình trong hồ sơ xét tuyển. Bà Aviva Legatt khuyến khích thí sinh có câu chuyện rõ ràng, mạch lạc trong hồ sơ và có thêm thư giới thiệu giúp bộc lộ bản thân.
"Điểm thi chuẩn hóa chắc chắn không bị loại bỏ ngay nhưng vai trò của chúng dần biến mất. Điều đó đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được bản thân một cách chân thực hơn khi đăng ký", bà nói.
Do đó, thí sinh cần tập trung nhiều vào các phần khác của hồ sơ, bộc lộ cá tính, đam mê, đặc biệt là cách theo đuổi đam mê trong thế giới bao trùm bởi Covid-19.
Ông Christopher Rim gợi ý thí sinh có thể đưa vào bài luận câu chuyện các em đã tận dụng một năm rưỡi qua như thế nào, đặc biệt sự khác biệt trong cách làm, suy nghĩ khi sống trong khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ngoài ra, với những thí sinh hướng tới các trường hàng đầu, tuyển sinh khắt khe, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Legatt khuyến khích các em suy nghĩ tích cực và nỗ lực hơn.
"Một trong những phương án tốt nếu muốn vào trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp là đăng ký tuyển sinh sớm (early decision)", bà khuyên.
Chuyện về cô gái Việt từng giành học bổng toàn phần Harvard năm 16 tuổi Sinh ra ở TP.HCM nhưng có tới gần 20 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, dù vậy, Nguyễn Hương Quỳnh Trang - nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford, cựu sinh viên ĐH Harvard vẫn đầy ắp những dự định hướng về Việt Nam. Giành học bổng toàn phần Harvard vì "không chỉ biết học" Quỳnh Trang nói, mình có một...