Gỏi măng cụt, món ngon nhớ lâu
Muốn làm gỏi, măng cụt phải lựa từ những trái măng sống (vỏ còn xanh nhưng phần cơm (ruột) đã chín tới).
Mảnh đất miền tây không chỉ thu hút du khách bởi đặc trưng văn hóa của vùng sông nước mà còn bởi trái cây phong phú cùng những chế biến từ các loại rau củ, hoa quả cũng đa dạng. Đặc biệt là măng cụt, một loại trái đặc sắc của riêng xứ nhiệt đới này. Măng cụt có thể bày bán đầy đường nhưng để được ăn gỏi măng cụt, khách không thể vào nhà hàng mà phải đến những điểm du lịch sinh thái vườn và phải là nơi quen biết mới có thể đặt được món gỏi độc đáo này.
Muốn làm gỏi, măng cụt phải lựa từ những trái măng sống (vỏ còn xanh nhưng phần cơm (ruột) đã chín tới). Dùng một con dao nhỏ, lưỡi nhọn bén gọt từ từ lớp vỏ măng màu vàng bên ngoài để lấy lõi tức ruột măng bên trong. Công đoạn này cực nhất vì người gọt măng phải để măng trong thau nước cho tay không dính mủ, phải gọt từng lớp giống như gọt lớp vỏ dừa xanh để làm dừa lạnh vậy, lại phải cẩn thận vì rất dễ gọt vào tay. Để có vài chục trái măng trộn gỏi có khi phải mất cả giờ nên ít ai chịu làm món này.
Video đang HOT
Vả lại, trừ khi măng của vườn nhà chứ khó tìm được những trái măng còn sống, giòn rụm như vậy. Măng cụt gọt xong rửa sạch để vào tủ lạnh cùng với củ hành tây xắt khoanh ngâm dấm cho tăng độ giòn, khi trộn mới đem ra. Thịt ba chỉ luộc vừa chín tới, xắt lát vừa miếng ăn, tôm sú hay tôm càng cũng luộc bóc vỏ để sẵn. Bắt đầu ăn thì trộn tất cả vào, điểm thêm chút rau răm, rau quế và rắc thêm đậu phộng rang giã nhuyễn là xong. Gắp một trái măng cụt chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn hòa với vị béo của lát thịt luộc hay miếng tôm bùi bùi, thơm phức khách sẽ thấy hết vẻ độc chiêu, lạ miệng của món gỏi măng cụt này, món gỏi không thể nào tìm thấy ở các nhà hàng sang trọng trong thành phố. Ngày trước nhiều vườn ở miền Tây trồng măng cụt thành từng bờ dài theo những mương nước giống như cách trồng sầu riêng. Và cũng giống như sầu riêng, măng cụt trồng bằng cách ương hột rất chậm lớn, phải chục năm cây mới ra trái, không như bây giờ, trồng bằng cách chiết cành, chỉ độ ba bốn năm đã thu hoạch rồi.
Vì vậy, loại trái cây này giờ đã được trồng nhiều đủ để cung cho các nhà hàng làm món gỏi cầu kì trên chứ như trước đây những trái măng cụt sống thường đám trẻ ở vườn chỉ len lén hái xuống, gọt vỏ rồi ăn sống vài trái cho ngon miệng thôi, làm gì nghĩ đến chuyện trộn gỏi sang trọng vậy. Khách du lịch ghé Cần Thơ vào mùa măng có thể theo đường bộ đến vườn du lịch sinh thái Lê Lộc ở số 568A phường Ba Láng, quận Cái Răng. Vườn du lịch nằm ngay dưới chân cầu Ba Láng trên quốc lộ 61 và có tấm bảng lớn để trước cửa nên rất dễ tìm. Khách cũng có thể đi tàu du lịch vào ngay rạch Ba Láng và thăm vườn. Ở đây ông chủ vườn tên Lê Lộc có một vườn măng trải dài hơn chục công đất nên khi tới mùa, lúc nào cũng có món gỏi măng đãi khách (có điều phải chờ hơi lâu nếu không đặt trước).
Vườn du lịch sinh thái với món gỏi đặc biệt này đã từng lên phim trong chương trình Cần Thơ phố với từng công đoạn từ gọt vỏ măng, ngâm măng cho trắng đến ướp tôm, thịt trộn gỏi và rắc thêm rau răm, đậu phộng rang… Đúng là kỳ công hơn một số loại gỏi khác. Khách đến đây nếu đúng vào mùa măng thì giá một đĩa gỏi măng cụt tôm thịt có thể từ 80.000 – 100.000 đồng (đầu mùa, giữa mùa hay cuối mùa). Còn nếu không đúng mùa măng thì đành chịu thôi. Và sau khi thưởng thức món gỏi măng cụt, những chiếc võng đong đưa trong dãy nhà lá mát rượi bên cây cầu tre bắc qua mấy con mương uốn khúc, nên thơ đang đợi du khách thả mình vào cõi mộng. Riêng tôi, món ngon này thường gợi nhớ những trái măng cụt sống bẻ trộm trong vườn nhà, len lén gọt vội dưới mương rồi cắn vào giòn rụm, cái vị chua chua ngọt ngọt không thể quên của một thời tuổi thơ hồn nhiên… Gỏi măng cụt tôm thịt, món ngon đặc sắc ăn một lần nhớ mãi khiến những người con miền Tây như tôi càng thêm tự hào về vùng đất quê nhà!
Độc đáo gỏi sầu đâu
Bằng cách kết hợp tinh tế, hài hòa vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu và những nguyên liệu dân dã, người dân miền sông nước ĐBSCL đã làm nên món gỏi sầu đâu độc đáo, hấp dẫn, với đầy đủ sắc, hương, vị khiến người ăn phải nhớ mãi.
Theo các cao niên, không ai biết nguồn gốc cây sầu đâu và món gỏi sầu đâu có từ đâu và bao giờ. Cây sầu đâu mọc tự nhiên hoặc được trồng khắp các tỉnh ĐBSCL nhưng nhiều nhất là ở An Giang, Kiên Giang. Cây sầu đâu không kén đất, lớn nhanh, có thể đạt chiều cao từ 15-19m, nhánh cây tỏa rộng, có tán rậm, được trồng ở quanh nhà để che bóng mát.
Cây sầu đâu còn là vị thuốc trong đông y thường được dùng chữa sốt, cảm, chống viêm, chữa những bệnh về da, nhức mỏi... Hàng năm, khoảng tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch), cây sầu đâu đến mùa thay lá, ra bông. Lá cây sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, bông màu trắng, ít đắng, có hương thơm. Do vậy, lá và bông sầu đâu thường được làm rau ăn sống hoặc trộn gỏi ăn kèm cá kho, thịt kho, mắm chưng trong bữa cơm hàng ngày. Hiện nay, sầu đâu là món ngon không thể thiếu trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng từ nông thôn đến thành thị. Do vậy, người dân trồng sầu đâu không đợi đến mùa thay lá, trổ bông mà thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già, sau đó tưới nước, bón phân kích thích sầu đâu đâm chồi, ra lá non quanh năm để phát triển kinh tế gia đình.
Đọt sầu đâu
Nhắc đến cây sầu đâu không thể không nhắc đến món gỏi sầu đâu độc đáo, lạ miệng. Bà Lê Thị Kim Cúc (ngụ tại TX. Tân Châu) cho biết, muốn làm gỏi sầu đâu không khó vì nguyên liệu chính là bông và lá sầu đâu rất dễ tìm. Do lá sầu đâu có vị đắng đặc trưng nên còn tùy vào sở thích, khẩu vị của người ăn mà chế biến. Đối với người mới lần đầu ăn sầu đâu hoặc không thích ăn đắng, phải chọn lá non và bông sầu đâu là thích hợp nhất. Còn nếu dùng lá hơi già thì sau khi rửa sạch, cho lá vào nồi chần qua nước sôi để giảm vị đắng, cho ít muối vào để giữ màu xanh của lá. Ngược lại, những người ăn được sầu đâu lại thích vị đắng tự nhiên thì không cần sơ chế thêm, chỉ rửa sạch để ráo nước là có thể trộn gỏi.
Theo bà Cúc, ngoài lá và bông sầu đâu, còn có các nguyên liệu khác kèm theo, như: một số loại khô cá, thịt luộc, cá nướng, dưa leo, cà chua, xoài sống... để làm món gỏi thêm ngon và phong phú sắc, hương, vị theo ý thích mỗi người. Có người chỉ trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc, khô cá sặc bổi... nướng xé nhỏ. Có nơi tỉ mỉ, công phu hơn như các nhà hàng thì cho thêm thịt ba rọi luộc chín xắt mỏng, tôm luộc hoặc nướng lột vỏ, bỏ đầu. Khô cá sặc bổi nướng xé nhỏ. Dưa leo, cà chua xắt mỏng, xoài sống bằm sợi. Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị xong, trộn tất cả lại với nhau. Cuối cùng là cho thịt cá lóc nướng trui đã rỉa bỏ xương lên mặt dĩa gỏi. "Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước cốt me chín thêm chút đường, nước mắm nhỉ, ớt xắt. Nếu dùng chanh hay giấm, gỏi sầu đâu sẽ không còn ngon nữa. Dù trộn thêm nguyên liệu gì thì gỏi sầu đâu vẫn phải đảm bảo đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng mới được gọi là ngon" - bà Cúc chia sẻ.
Gỏi sầu đâu khô cá lóc
Gắp một miếng gỏi sầu đâu chấm với nước mắm me đậm đặc, bỏ vào miệng nhai chầm chậm người ăn sẽ cảm nhận vị đắng của sầu đâu hòa cùng vị béo của thịt ba rọi, ngọt thơm của thịt tôm và cá lóc nướng, vị mặn cá khô, vị chua của xoài và nước cốt me, giòn mát của dưa leo, cay cay của ớt. Tất cả hương vị như cùng bùng nổ, lan tỏa trong miệng. Điểm đặc biệt của món gỏi sầu đâu là không chỉ cảm nhận vị đắng lúc mới thưởng thức mà sau đó sẽ có hậu ngọt thanh đọng lại trong miệng, khiến người ăn không thể nào quên.
"Đây là lần thứ 3 em thưởng thức món gỏi sầu đâu ở An Giang. Em rất thích vị đắng nhưng có hậu ngọt của sầu đâu, không có món gỏi nào độc đáo như vậy. Những lần về An Giang em đều rủ bạn bè ăn món gỏi này"- em Nguyễn Thị Trúc Đào (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
5 món gỏi đặc sản ở Việt Nam Không chỉ là món ăn quen thuộc của người Việt, gỏi còn trở thành đặc sản nổi tiếng ở nhiều địa phương. Mỗi nơi, các phiên bản gỏi có thành phần và cách chế biến riêng. Là món ăn ít dầu mỡ, không dùng đến các loại phẩm màu, gỏi thường được nhiều người nội trợ lựa chọn trong những bữa tiệc. Mỗi...