Góc sinh nhật hạnh phúc ở Trường Phú Điền
Để tạo không khí vui vẻ, bình đẳng cho học sinh, Trường Tiểu học Phú Điền (huyện Tân Phú, Đồng Nai) đã tạo nên “góc sinh nhật” để mọi học sinh đều được tổ chức sinh nhật.
Buổi học chiều thứ Sáu 27-9, các thành viên lớp 3/4, Trường Tiểu học Phú Điền (huyện Tân Phú, Đồng Nai) chộn rộn hơn hẳn mọi ngày. Sau giờ học chính thức, cả lớp cùng ùa đến phòng sáng tạo. Hôm nay, lớp cùng nhau tổ chức sinh nhật cho sáu bạn có ngày sinh trong tháng 9.
Những buổi sinh nhật đầu tiên đáng nhớ
Bữa tiệc sinh nhật đơn sơ nhưng đầy đủ: Bánh kem, trái cây, bánh kẹo, quà sinh nhật. Sau lời giới thiệu của cô giáo, cả lớp cùng hát vang bài Happy Birthday. Sau đó sáu bạn có sinh nhật cùng nhau thổi nến… Đến dự tiệc sinh nhật còn có cô Lý Thị Lũy, Hiệu trưởng nhà trường. Cô đại diện ban giám hiệu tặng quà cho các học sinh(HS). Mỗi phần quà là năm quyển vở.
Với TTM, đây là buổi sinh nhật đầu tiên của em. M. là con út trong gia đình có ba anh em. Mẹ của em “không được bình thường”, ba anh em M. sinh ra mà không biết cha là ai. Mặc dù có mẹ nhưng các em sống dựa vào bà ngoại. Cuộc sống thiếu thốn như vậy nên một buổi tiệc sinh nhật với đầy đủ bánh kem, nến và bạn bè là điều em chưa từng có. Vì thế buổi sinh nhật này là niềm vui lớn, một kỷ niệm tuyệt đẹp của em.
Với nhiều HS ở vùng nông thôn này, đây là buổi tiệc sinh nhật hoành tráng đầu tiên mà các em được dự. Do thói quen và đời sống kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh không để ý đến sinh nhật của con.
Chị Trương Thị Tho (ấp 5, xã Phú Điền), mẹ em Đỗ Nhật Minh Hiếu (lớp 4/3), chia sẻ: “Tôi có ba đứa con. Đứa lớn nhất năm nay học lớp 10, Hiếu là con út. Tôi chưa từng tổ chức sinh nhật cho các con lần nào. Hiếu cũng có lần hỏi tôi về sinh nhật nhưng vì không làm cho đứa lớn nên đứa nhỏ cũng bỏ qua cho… công bằng. Nếu nhà trường tổ chức sinh nhật được cho con thì tốt quá, tháng 12 tới đây sẽ là sinh nhật con tôi”.
Niềm vui của các học trò khi được tổ chức sinh nhật ở Trường Tiểu học Phú Điền. Ảnh: HẢI AN
Chắt chiu để bù đắp thiệt thòi cho học sinh
Video đang HOT
Từ nhiều năm nay, Trường Phú Điền thỉnh thoảng lại có HS tổ chức sinh nhật trên lớp. Những buổi sinh nhật này do phụ huynh chuẩn bị. “Tiệc” to hay nhỏ tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Xen lẫn niềm vui chung của bạn bè, nhiều HS không khỏi tủi thân, bùi ngùi vì chưa từng được hưởng niềm vui đơn sơ ấy trong ngày sinh nhật.
Với hơn 600 HS, dự tính năm nay nhà trường phải chi khoảng 20 triệu đồng để mua quà. Số tiền này nhà trường phải vận động các mạnh thường quân tài trợ.
Thấu hiểu nỗi niềm này, ban giám hiệu cùng các thầy cô giáo Trường Tiểu học Phú Điền đã chuẩn bị một không gian riêng dành cho việc tổ chức sinh nhật. Theo đó, trường mua một bức rèm trang trí, dòng chữ Happy Birthday. Các thầy cô còn tự tay làm thêm một số vật trang trí… Chỉ tốn khoảng 200.000 đồng nhưng khu vực tổ chức sinh nhật thật tươm tất, đẹp mắt.
Để tiết kiệm chi phí, các lớp sẽ tổ chức sinh nhật cho các thành viên có cùng sinh nhật trong tháng trong một buổi. Thời gian tổ chức là buổi chiều để không ảnh hưởng đến hoạt động học tập chính khóa. Bánh kem sinh nhật thường do một phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả hơn mua. Gia đình nào có điều kiện thì góp thêm 100.000 đồng. Còn lại lớp sẽ trích thêm 100.000 đồng từ quỹ lớp để mua bánh kẹo liên hoan.
Nhằm động viên HS, đích thân các thành viên ban giám hiệu Trường Tiểu học Phú Điền sẽ đến dự sinh nhật và tặng quà sinh nhật cho các em. Thông thường quà tặng là tập vở và các dụng cụ học tập khác.
Tạo niềm vui, sự bình đẳng cho học trò
Với không gian và hình thức tổ chức sinh nhật thế này, chúng tôi mong muốn mang đến niềm vui và sự bình đẳng cho tất cả các em HS, để những HS dù nghèo đến đâu cũng có được một sinh nhật vui vẻ, đáng nhớ như các bạn bè cùng trang lứa. Món quà này cũng là động lực tinh thần để mỗi ngày đến trường thật sự là một niềm vui đối với các em.
Cô LÝ THỊ LŨY, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Điền
HẢI AN
Theo PLO
Để thư viện trở thành không gian của trẻ
Hiện nay, khoảng 90% các trường tiểu học, THCS đã có thư viện được công nhận đạt chuẩn ở 3 cấp độ (đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc). Trong khi đó, tỷ lệ này ở bậc THPT mới chỉ đạt 50%.
Học sinh Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: H.Yến
Từ đầu năm học đến nay, giờ ra chơi nào em Lê Thị Ngọc Hoa, học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) cũng cùng với các bạn đến phòng đọc của thư viện nhà trường. Em tìm đến các kệ sách có màu xanh đậm để chọn sách muốn đọc. Việc phân chia sách theo trình độ đọc giúp em dễ dàng tìm được các sách phù hợp với mình hơn so với trước đây.
* Không gian được học sinh chờ đón
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn (đạt hơn 95%), trong đó có 103 thư viện tiên tiến, 92 thư viện xuất sắc. Bậc THCS có 144/166 (gần 90%) trường có thư viện đã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 42 thư viện được công nhận tiên tiến; 50 thư viện được công nhận xuất sắc. Riêng bậc THPT chỉ có gần 40 trường có thư viện đạt chuẩn (đạt 50%), trong đó chỉ có 3 thư viện tiên tiến, 4 thư viện xuất sắc.
Năm học này, với sự hỗ trợ của Tổ chức Room to Read, Trường tiểu học Phú Điền đã xây dựng thư viện thân thiện. Theo đó, bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức này còn hỗ trợ trường trong việc tổ chức, sắp xếp phòng đọc và các hoạt động thân thiện nhằm thu hút trẻ đến với thư viện thường xuyên hơn. Đây cũng là một yếu tố giúp nhà trường xây dựng thư viện xuất sắc.
Để có phòng thư viện đạt chuẩn trong điều kiện khó khăn về kinh phí, tự thân các giáo viên trong trường đã phải chung tay cùng khắc phục. Theo đó, nhà trường "nhặt nhạnh" lại các bàn ghế cũ đã không còn sử dụng, cưa ngắn, lắp lại theo kích thước mới rồi đem sơn sửa, tân trang lại. Các thầy cô cũng đóng kệ đựng sách và các vật trang trí khác trong phòng đọc.
Ngoài phòng đọc sách, Trường tiểu học Phú Điền còn có một phòng sáng tạo. Trong phòng này có nhiều bàn ghế để học sinh vào đọc sách hoặc vẽ tranh, trang trí mỹ thuật. Những chiếc bao bố cũ được các thầy cô tận dụng làm "giấy vẽ" để vẽ nhiều bức tranh đẹp mắt; nhiều bức tranh được gắn từ các loại hạt đậu, bắp...
Em Đào Lâm Duy, học sinh lớp 4/1 cho biết: "Ở nhà em cũng được mẹ mua sách cho nhưng em thích đọc ở thư viện của trường hơn vì thư viện trang trí đẹp mắt, có chỗ ngồi thoải mái, mát mẻ. Không chỉ đọc sách, trong thư viện còn có cờ vua, cờ tướng, màu vẽ... để em và các bạn cùng chơi".
Ông Nguyễn Khánh Hậu, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết, sau khi đọc xong một quyển sách, học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động mở rộng sáng tác liên quan đến cuốn sách vừa đọc như: vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách, trò chơi phân vai... Những sản phẩm sáng tạo của các em được trưng bày trong khu vực thư viện. Cách làm này giúp các em nâng cao khả năng tư duy, phán đoán, "thu hoạch" nhiều kiến thức hơn trong quá trình đọc sách.
* Thu hút học sinh đến thư viện
Việc xây dựng thư viện đạt chuẩn được thực hiện theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Theo đó, các tiêu chuẩn và mức đánh giá thư viện đạt chuẩn đang được thực hiện giống nhau ở cả 3 bậc học: tiểu học, THCS, THPT. Các tiêu chuẩn đánh giá gồm: tiêu chuẩn về sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; tiêu chuẩn về cơ sở vật chất (phòng thư viện, trang thiết bị chuyên dùng); tiêu chuẩn về nghiệp vụ.
Có 3 loại danh hiệu thư viện gồm: thư viện trường học đạt chuẩn, thư viện trường học tiên tiến, thư viện trường học xuất sắc. Các danh hiệu thư viện là một trong những tiêu chuẩn để xét công nhận các danh hiệu thi đua từng năm học cho mỗi trường học.
Nếu như bậc tiểu học và THCS đều đã có số lượng thư viện trường học đạt chuẩn ở ngưỡng 90% thì mới chỉ có khoảng 50% thư viện trường THPT đạt chuẩn với mức độ công nhận chủ yếu đạt chuẩn, chỉ có 3 thư viện đạt tiên tiến và 4 thư viện đạt xuất sắc.
Nguyên nhân được cho là do các trường THPT tư thục không đăng ký xếp loại. Bên cạnh đó, những trường THPT công lập mà chưa xét công nhận chuẩn quốc gia cũng chưa đăng ký kiểm tra thư viện đạt chuẩn.
Trong khi bậc tiểu học có thể bước đầu thu hút học sinh đến với thư viện bằng cách xây dựng thư viện thân thiện, trang trí bắt mắt, thêm không gian chơi... thì bậc THCS và THPT khó có thể làm được điều này. Đồng thời, đòi hỏi học sinh thường xuyên đến thư viện khi các em chưa có thói quen đọc sách là điều rất khó. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đáp ứng đủ các đầu sách theo nhu cầu của học sinh, nhân viên thư viện phải tổ chức được các hoạt động thu hút học sinh. Giáo viên bộ môn cũng yêu cầu học sinh phải tham khảo các nội dung ngoài sách giáo khoa trong hoạt động học tập; thậm chí có giáo viên ngữ văn yêu cầu học sinh phải đọc và viết bài giới thiệu về một cuốn sách.
Để chọn được sách hay, phục vụ thiết thực cho học sinh, việc chọn lựa các đầu sách bổ sung cho thư viện nên được thực hiện với sự trợ giúp của các tổ bộ môn. Theo đó, các tổ bộ môn sẽ đề xuất sách cần mua bởi giáo viên trực tiếp giảng dạy mới biết rõ cuốn sách nào có nội dung mà học sinh cần phải tham khảo chứ không phải là nhân viên thư viện. Cách làm này sẽ tránh được trường hợp nhân viên thư viện tự đặt mua sách cho đủ số lượng nhưng không sát với yêu cầu thực tế học tập tại trường phổ thông.
Hải Yến
Theo baodongnai
Kiểm tra thư viện đạt chuẩn Ngày 10-9, đoàn công tác Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra việc công nhận thư viện đạt chuẩn tại 5 trường trên địa bàn huyện Tân Phú. Học sinh Trường tiểu học Phú Điền đọc sách tại thư viện. Ảnh: H. Yến Qua kiểm tra hồ sơ và đánh giá hoạt động thực tế, có 2 thư viện đạt mức độ tiên...