Gỡ khó nhân lực, vật lực dạy Tiếng Anh và Tin học trong Chương trình mới
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 – 2023, Tiếng Anh và Tin học chính thức trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3.
Tuy nhiên, nhiều địa phương, trường học vẫn gặp khó khăn về nhân lực và vật lực khi triển khai bộ môn này, nhất là những trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều trường học còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: Sỹ Điền
Khó khăn trong phân công giảng dạy
Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học. Việc thiếu giáo viên cho chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy.
Cô Phan Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) – cho hay: Theo kế hoạch, năm học 2022 – 2023, nhà trường có 4 lớp 3. Hiện, trường có 2 giáo viên Tiếng Anh – cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy – học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trường vẫn chưa có giáo viên Tin học. “Đây là bài toán nan giải với nhà trường khi mà năm học mới đang đến gần”, cô Yến phân trần.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định), thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy cho biết, nếu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cần 4 giáo viên Tiếng Anh và 2 giáo viên Tin học mới đáp ứng yêu cầu dạy – học. Tuy nhiên, mỗi bộ môn nhà trường đang thiếu 1 giáo viên. Về cơ sở vật chất, hiện tại mới đáp ứng ở mức đảm bảo tối thiểu, tương đương 2 học sinh/máy tính. Kế hoạch của nhà trường là, hỏng đâu sửa đấy.
“Để bảo đảm chất lượng dạy – học, chúng tôi đã dự kiến phương án tăng giờ dạy của giáo viên bộ môn này cho đến khi đủ giáo viên” – thầy Duy trao đổi.
Theo thầy Duy, nhà trường chưa có phòng riêng dành cho dạy học tiếng Anh. Tuy nhiên, tại các lớp học đã được bố trí tivi có kết nối Internet nên có thể đáp ứng được phần nghe hiểu cho học sinh.
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến, toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học; trong đó có giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh… Tại tỉnh Gia Lai, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Duy Định cho hay, để triển khai dạy Tiếng Anh và Tin học theo chương trình mới đối với lớp 3, toàn tỉnh cần bổ sung 132 giáo viên cho 2 môn học này. Địa phương đang cố gắng tìm các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo viên ở mức tối thiểu để có thể duy trì việc dạy và học trong năm học mới.
Tương tự, năm học 2022 – 2023, tỉnh Kiên Giang còn thiếu gần 300 giáo viên, bao gồm các môn: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc. Ông Trần Quang Bảo – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang – chia sẻ: Đối diện với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ngành Giáo dục địa phương đang xây dựng kế hoạch tháo gỡ trên tinh thần tận dụng đội ngũ cũ, không để tình trạng thừa thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Video đang HOT
Do thiếu máy tính khi dạy học bộ môn Tin học nên nhiều trường phải áp dụng 2 học sinh/máy. Ảnh minh họa: Sỹ Điền
Giải pháp tình thế
Năm học 2022 – 2023, môn Tiếng Anh, Tin học được tổ chức dạy học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, dù chỉ còn chưa đầy 1 tháng mới tới năm học mới nhưng với nhiều trường tiểu học, việc bố trí đội ngũ giáo viên ở hai bộ môn này vẫn là bài toán nan giải. Do đó, nhiều trường học, địa phương đã phải vận dụng các giải pháp tình thế.
Đơn cử như Trường Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang), thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long chia sẻ: Phòng GD&ĐT đã chấp thuận đề xuất tăng cường giáo viên Tiếng Anh cấp THCS xuống dạy bộ môn này cho cấp tiểu học. Số tiết dạy của những giáo viên này được bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý để không tạo áp lực và quá tải cho thầy cô.
Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 23 trường tiểu học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện, phòng GD&ĐT tiến hành rà soát, bố trí giáo viên THCS trên địa bàn cùng xã xuống dạy cho học sinh lớp 3 từ năm học tới.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng tính đến phương án dạy học liên trường. Tức là: Với những xã, trường học gần nhau thì ở đâu thừa giáo viên sẽ được phân công hỗ trợ cho trường thiếu” – ông Dương Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề – trao đổi, đồng thời tính toán: Nếu vẫn không bố trí đủ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cho bậc tiểu học, phòng GD&ĐT sẽ kiến nghị, đề xuất sở GD&ĐT huy động giáo THPT dạy tăng cường cho cấp học này. Tất nhiên sẽ có kinh phí hỗ trợ cho những đội ngũ dạy tăng cường.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94.700 biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế; trong đó có 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, dân tộc thiểu số (trừ 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019). Đồng thời, tiếp tục xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên các môn học của cấp THCS và THPT để điều chuyển giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác dạy cùng môn học; các chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, liên môn.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết số giáo viên dư thừa phù hợp với từng đối tượng như: Những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và có nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì đưa đi đào tạo văn bằng hai hoặc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để dạy các môn học còn thiếu, đặc biệt là môn học mới như Tin học, Tiếng Anh và Công nghệ cấp tiểu học, môn Nghệ thuật cấp THPT… Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp tiểu học để dạy 2 buổi/ngày (đủ 9 buổi/tuần) theo quy định.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao chưa sử dụng (không để dành chỉ tiêu để cắt giảm 10% cho việc thực hiện tinh giản biên chế một cách cơ học) cho các cấp học, môn học còn thiếu; trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Một trong những giải pháp hiệu quả trước mắt là đề nghị UBND huyện xem xét, ký hợp đồng đối với những sinh viên sư phạm đã ra trường, được đào tạo đúng với chuyên ngành Tiếng Anh và Tin học. Theo đó, các trường tiểu học có thể sẽ ký hợp đồng có thời hạn để những giáo sinh này kịp đi dạy học trong năm học mới” – ông Dương Thanh Hải đề xuất.
Triển khai tốt Chương trình mới: Yếu tố nhân lực có vai trò quyết định
Sau một năm triển khai chương trình SGK mới với lớp 1, 2, 6 thì nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đã có cho mình những kinh nghiệm quý báu.
Trong đó, vấn đề chuẩn bị đội ngũ là yếu tố vô cùng quan trọng.
Hiện tại, các em học sinh lớp 1, lớp 2 đang học SGK mới theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Đình Tuệ.
Đội ngũ nhân lực là yếu tố quyết định
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng công phu và có sự chuẩn bị từ vài năm trước khi được ban hành chính thức.
Nhà trường cũng có sự chuẩn bị về số lượng giáo viên, nâng cao trình độ, tìm hiểu kỹ chương trình. Trường THCS Thái Thịnh cũng là một trong các trường dạy thử nghiệm SGK lớp 6. Giáo viên có cơ hội được tiếp xúc với chủ biên và tác giả của các cuốn sách, nhất là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh.
"Sự thay đổi rõ nét nhất chính ở cách tiếp cận bằng hoạt động đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, làm tiết học trở nên mới lạ, lấy kiến thức là mục tiêu hàng đầu. Nhờ đó, sau một năm học mà thời gian học trực tuyến kéo dài gần hết năm học, học sinh cũng có cơ hội thể hiện khả năng của mình. Từ đó giúp hình thành những năng lực, phẩm chất của mình.
Nhà trường cũng xác định quan điểm là lấy chương trình làm gốc; việc thực hiện SGK là sự cụ thể hóa các chương trình. Qua đó, công tác quản lý cũng thay đổi theo. Giáo viên sẽ bám vào chương trình làm sao để các bộ môn cụ thể đạt được các mục tiêu chương trình quy định với lớp 6; tiếp theo là các lớp 7, 8, 9" - thầy Cao Cường nói.
Cũng theo thầy hiệu trưởng, khi xuất hiện các bộ môn mới có sự tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử - Địa lý, các thầy cô dạy Vật lý, Hóa học và Sinh học đã tham gia các khóa bồi dưỡng để đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ có thể giảng dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, tức một giáo viên sẽ có thể dạy được cả 3 môn. Nhà trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng tiếp tục cho những năm tiếp theo. Sau mỗi năm thực hiện sẽ có những đúc kết nhất định để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện chương trình mới với lớp 7 từ năm học 2022-2023.
Khi triển khai chương trình GDPT 2018, giáo viên cần hết sức linh hoạt và đổi mới phương pháp giảng dạy để có được tiết học lý thú cho học sinh.
Phân tích điểm khó khăn khi triển khai chương trình mới ở một số nơi, thầy Nguyễn Cao Cường cho rằng, có thể các trường chưa kịp chuẩn bị về mặt đội ngũ với việc chạy chương trình mới. Nhiều nơi vẫn bố trí 2-3 giáo viên dạy một môn tích hợp như Khoa học tự nhiên hay Lịch sử - Địa lý. Thực tế có nhiều địa phương, nhận thức của một bộ phận giáo viên chưa đầy đủ dẫn đến không nghiên cứu kỹ chương trình. Từ đó, khi thực hiện SGK mới nên có sự lúng túng khi có sự thay đổi về mặt mục tiêu và chậm đổi mới phương pháp giảng dạy; điều này dẫn tới cơ hội thể hiện năng lực của học sinh bị ảnh hưởng.
UBND quận và Phòng GD&ĐT Đống Đa cũng rà soát để cung cấp các trang thiết bị dạy học phục vụ dạy học tổng thể với cả 4 khối lớp. Đi cùng việc dạy chương trình SGK mới thì khâu đánh giá học sinh cũng có sự khác biệt. Việc đánh học sinh đang thực hiện theo Thông tư 22 đối với lớp 6, có nhiều điểm mới. Trong đó thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh.
Trước đây nhiều người còn phân biệt môn chính - môn phụ thì giờ đây đã có sự bình đẳng giữa các môn học. Việc khen thưởng học sinh cũng được quy định rõ, làm cho đích đến của học trò không phải là các danh hiệu mà tạo ra áp lực cho phụ huynh và học sinh nữa. Nhờ tháo được "nút thắt" này, học trò không còn định kiến rằng phải học tốt môn này mà xem nhẹ môn kia mà sẽ tạo ra một hệ sinh thái rất toàn diện trong tất cả các môn học và các hoạt động.
Khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu
Với hơn 503 học sinh đang theo học, Trường Tiểu học Phú Phương (Ba Vì, Hà Nội) được đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất khang trang, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, nhất là khi triển khai chương trình SGK mới với lớp 1, 2 và sắp tới là lớp 3.
Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Phú Phương - huyện Ba Vì trong giờ học môn Tiếng Việt.
Cô Nguyễn Thị Lương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021-2022 trường đạt chuẩn mức độ 2, kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3. Diện tích toàn trường khoảng 7.050m2, hiện có 15 lớp ở 5 khối, mỗi khối 3 lớp. Khi triển khai dạy chương trình SGK mới, các thầy cô áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để đạt hiệu quả nhất cho học sinh.
Với học sinh lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt. Trẻ đọc thông viết thạo khá nhanh. Trong thời gian học trực tuyến, nhiều em phải học bằng điện thoại nên hạn chế hơn khi tiếp thu bài. Học sinh khối 1 thường được bố trí lịch học online vào buổi tối để bố mẹ có thể hỗ trợ về thiết bị. Thầy cô cũng tổ chức tốt chuyên đề, thao giảng, rút kinh nghiệm ở tất cả các môn. Tích cực sinh hoạt chuyên môn, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bài dạy và phối hợp với phụ huynh qua Zoom.
Đầu tháng 4 khi được đi học lại, các cô cũng thấy kết quả khảo sát khá tốt, dù so với năm ngoái không cao. Số em kém nhận thức ở khối 1 chỉ có hai em. Các cô bồi dưỡng thêm vào cuối buổi cho các em học yếu kém, nhất là khối 1, 2 để các em sớm bắt kịp với bạn bè.
Học sinh khối 2 đã quen hơn với phương pháp giảng dạy mới của cô giáo.
Cũng theo cô Lương, từ ngày 19 tới 31/5 sau khi các em thi xong tất cả các môn học cuối năm, nhà trường sẽ tổ chức một số hoạt động cho học sinh như liên hoan ca khúc măng non, chào mừng Sinh nhật Bác Hồ, thi rung chuông vàng, giáo dục học sinh rèn kỹ năng sống...
"Điểm khó khăn của nhà trường là chưa có hệ thống bể bơi di động để phổ cập bơi. Học sinh chủ yếu đi học bơi ở những nơi khác. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành từ lãnh đạo các cấp và nhân dân để hoàn thiện hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học của thầy trò nhà trường" - cô Lương bày tỏ.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành tài liệu Giáo dục địa phương dành cho học sinh lớp 6. Tài liệu này rất quan trọng sẽ cùng đồng hành với các môn để tạo giá trị riêng của học sinh Hà Nội. Mỗi tỉnh/thành khác nhau cũng sẽ có cho họ bộ tài liệu Giáo dục địa phương mang đậm nét văn hóa riêng. Mục đích giúp học sinh hiểu và thêm tự hào về địa phương mình. Từ đó tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa học sinh các địa phương và giúp lan tỏa nhiều giá trị tích cực.
Bộ GD&ĐT giải thích về sự sắp xếp môn Lịch sử trong Chương trình mới Trước nhiều ý kiến xung quanh Lịch sử là môn lựa chọn trong chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT khẳng định: Chương trình mới đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT... Giai đoạn giáo dục cơ bản (9 năm):...