Giò heo
Giò heo tuy béo do nhiều mỡ, nhưng lại không ngậy nhờ phần da và gân giòn dai. Thỉnh thoảng, vào dịp cuối tuần, bạn trổ tài nấu những món ăn từ giò heo cũng mang đến cho bữa cơm gia đình một hương vị đặc biệt.
Khi mua giò thường chọn chân trước sẽ nhiều nạc hơn. Chân giò làm sạch, cạo bỏ hết lông. Để nguyên chân giò, hơ trên lửa cho da vàng đều và dậy mùi thơm, hơ luôn phần móng để dễ đập vỡ phần vỏ sừng bên ngoài. Sau đó, rửa giò sạch và chặt miếng vừa ăn. Khâu sơ chế chân giò rất quan trọng, vì nó sẽ làm cho phần da thịt của giò săn lại, khi nấu món ăn sẽ ngon hơn.
Giò heo giả cầy: đây là món ăn miền Bắc. Ngoài nguyên liệu là giò heo, món này buộc phải có các loại gia vị như riềng, sả, nghệ, hành tỏi băm, mắm tôm, mẻ. Riềng và nghệ xắt lát mỏng. Sả đập dập. Cơm mẻ tán nhuyễn. Ướp thịt với tất cả các gia vị trên, thêm một ít dầu ăn và cho cơm mẻ vào sau cùng. Để khoảng một giờ cho thấm. Bắc nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi, xào sơ thịt với lửa nhỏ cho săn lại. Đổ nước sôi vào xăm xắp mặt thịt, để lửa nhỏ nấu cho thịt mềm, tắt bếp và vẫn đậy nắp nồi khoảng một giờ nữa rồi mở lại bếp, nấu lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm hẳn. Dùng nóng với bún tươi, các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, húng quế và mắm tôm trộn với chanh, ớt tỏi giã nhuyễn.
Video đang HOT
Một món ăn đặc trưng của miền Trung là món giò heo hon. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có đậu phộng, hạt sen khô, nấm mèo, táo tàu và gia vị, nghệ bột, sả cây, hành băm. Giò heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp với muối, tiêu, nước mắm ngon, hành băm, sả đập dập, nghệ bột và một ít rượu trắng. Trộn đều để thấm khoảng một đến hai giờ. Hạt sen và đậu phộng ngâm cho nở rồi nấu mềm. Táo tàu và nấm mèo ngâm nở. Bắc nồi lên bếp, phi thơm tỏi rồi cho thịt vào xào săn, châm nước sôi nấu lửa nhỏ, thịt gần mềm thì cho nấm mèo và khoảng phân nửa táo tàu vào. Sau đó, cho hạt sen và đậu phộng vào nấu tiếp. Có thể châm thêm nước sôi để nước lúc nào cũng xăm xắp. Hạt sen và đậu phộng mềm thì cho phần táo tàu còn lại vào nấu. Nêm nếm gia vị vừa ăn. Tắt bếp. Khi ăn, rắc mè rang vàng lên mặt. Dùng nóng với bánh mì.
Đơn giản hơn là món giò heo kho đậu phộng. Giò heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Ướp thịt với nước tương, muối, đường, bột nêm, bột ngọt, hành tỏi băm và một chút ngũ vị hương. Để thấm. Đậu phộng ngâm nở, luộc cho chín mềm. Bắc nồi lên bếp, phi thơm tỏi, đổ thịt vào xào cho săn, sau đó đổ nước sôi xăm xắp mặt thịt, để lửa nhỏ kho cho thịt mềm. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Bỏ đậu phộng vào và tiếp tục kho cho đến khi thịt và đậu mềm rục. Dùng nóng với cơm rất ngon.
Giò heo chiên giòn: Dùng giò heo đã rút xương để dễ chế biến hơn. Khi rút xương, chỉ rút phần trên, để chân giò vẫn giữ nguyên hình dáng cho đẹp. Ướp giò heo với muối, đường, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, tiêu. Để khoảng hai giờ cho thấm, sau đó hấp khoảng 45 phút cho thịt giò mềm. Hấp xong, để ráo khoảng một giờ. Trộn mạch nha với ít nước lọc và nước cốt chanh rồi phết lên giò heo. Hong khô lại. Bắc chảo dầu nóng, cho giò heo vào chiên ngập dầu đến khi vàng đều, vớt ra, xắt khoanh xếp lên đĩa. Món này dùng để ăn chơi, kèm với bắp cải trộn giấm, kim chi hoặc kiệu chua đều rất ngon. Nếu có thời gian, khi hấp xong để giò heo vào tủ lạnh, qua hôm sau mới đem đi chiên thì thịt sẽ thấm và giòn hơn.
Nhã Văn
Theo PNO
Quán phở đông khách trong hẻm nhỏ
Chỉ mới mở cửa gần nửa năm, lại nằm trong một con hẻm nhỏ nhưng quán phở Linh vẫn thu hút được nhiều thực khách ghé đến hằng ngày.
Phở là món ăn miền Bắc nhưng lại được rất nhiều người Sài Gòn ưa thích. Ở Sài Gòn, có thể kể đến các thương hiệu lâu năm và nổi tiếng như, phở 24, phở 2000, phở Lý Quốc Sư, phở Hiền, phở Ao Sen...
Bát phở đầy đặn, nước dùng trong nhưng đậm đà và có vị ngọt thanh của nước hầm xương.
Nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Du (quận 1), quán phở Linh không được nhiều người biết đến bằng các thương hiệu trên và chỉ mới khai trương hơn nửa năm nhưng đã thu hút được rất đông thực khách.
Không có gì khác lạ về nguyên liệu so với các hàng phở khác, cũng là các loại quen thuộc như phở tái, nạm, gân, gầu... nhưng phở Linh được nhiều thực khách đánh giá cao về chất lượng và sự ngon miệng. Điểm thu hút thực khách chính là nước dùng và sự tươi ngon của các nguyên liệu ăn kèm.
Nước dùng trong vắt nhưng đậm đà và có vị ngọt thanh rất dễ chịu. Theo chủ quán thì hằng ngày cô phải chọn các loại xương bò, xương heo để ninh nước dùng, trong quá trình ninh luôn phải canh chừng để vớt hết bọt, giữ được độ trong và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.
Thịt bò tái mềm, khi ăn có vị ngọt đặc trưng.
Bên cạnh nước dùng, các nguyên liệu ăn kèm cũng được thực khách đánh giá cao, những lát thịt bò được thái mỏng, mềm, vừa ăn, những lát bò tái tươi ngon còn giữ được vị ngọt của thịt. Bên cạnh đó, miếng gân bò mềm, nhưng vẫn giữ được cái giòn sần sật khi nhai rất thú vị. Một đĩa rau sống tươi ngon cùng giá chần tăng thêm hương vị, thêm một chút tương ớt Bắc cho món ăn thêm đậm đà.
Một bát phở bốc khói thơm nồng nàn như kích thích từng cảm giác của bạn. Húp một thìa nước dùng để cảm nhận cái vị ngọt thanh đang lan dần trong miệng. Bánh phở mềm, dai, hòa với miếng gàu mềm, giòn giòn cùng với cái vị ngòn ngọt, bùi bùi của thịt bò tái, cùng hương thơm của các loại rau ăn kèm mang đến cảm giác ngon miệng thật sự.
Mỗi phần ăn như vậy có giá 45.000 đồng. Tuy mức giá cao nhưng quán phở Linh vẫn được rất nhiều thực khách ghé ăn hàng ngày.
Bạn có thể thưởng thức tại địa chỉ: Quán phở Linh - hẻm 34 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Ngoài phở, ở đây có bán nhiều món ăn khác như hủ tiếu, bánh canh, bò kho... với mức giá từ 30.000 đồng. Quán mở cửa từ 6h30 đến 13h và từ 17h đến 21h hàng ngày.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Bắp giò heo chiên giòn Một lần đến một quán ăn nằm bên cạnh bên bờ sông thơ mộng, tôi và mấy người bạn gọi vài món lai rai, món nào cũng khoái khẩu. Một lát sau, cô tiếp viên lại giới thiệu thêm món "Bắp giò heo chiên giòn" bảo đảm không ngon không lấy tiền! Thế là tôi gọi ngay một đĩa để cùng thưởng thức....