Giáo viên thoả sức sáng tạo với Chương trình GDPT mới
Sau thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới, giáo viên đã thực sự bắt nhịp với những thay đổi và điều chỉnh, mang lại kết quả khả quan. Đây là khởi đầu thuận lợi cho việc triển khai Chương trình những năm tới.
Cô và trò trường Tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội).
Kế thừa và linh hoạt
Chia sẻ về quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông mới (GDPT), cô giáo Chu Thị Minh Thảo – Giáo viên Trường tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: Một trong những thay đổi dễ nhận thấy là Chương trình GDPT mới cho phép giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh một cách linh hoạt hơn.
Theo cô Minh Thảo, đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình GDPT mới kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Theo đó, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. “Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.
Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với giáo viên, các học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học.
Với cách đánh giá như vậy thì điểm số là một phần của kết quả học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là đánh giá được năng lực của HS thông qua quá trình học tập. Việc đánh giá như vậy sẽ góp phần thay đổi quá trình dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cân năng lực, tôn trọng khả năng của mỗi HS.
Chương trình giáo dục phổ thông nói chung có mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh một số năng lực cốt lõi như:
Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ và năng lực thể chất.
Video đang HOT
Cô Minh Thảo cho biết, nội dung giáo dục của Chương trình mới về cơ bản không có thay đổi quá lớn. VD: Hết lớp 1 thì dù là Chương trình cũ hay Chương trình mới thì HS đều phải đọc thông viết thạo, biết cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100.
Thay đổi lớn nhất là cách tiếp cận: Không thiên về truyền thụ kiến thức mà vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tiểu học. Dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực. Trong chương trình GDPT mới, 3 yếu tố này được hình thành và phát triển hài hòa như “kiềng 3 chân”.
Điểm mới rõ nhất lần đầu tiên ở tiểu học xuất hiện môn Hoạt động Trải nghiệm. Đây là hoạt động giáo dục, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên.
Giáo viên ý thức rõ vai trò chủ thể đổi mới
Là giáo viên lớp 1, đang cùng học sinh trải nghiệm với Chương trình mới, cô Minh Thảo cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiểu học cần đáp ứng 5 yêu cầu cụ thể về năng lực phẩm chất:
Giáo viên phải có năng lực tìm hiểu học sinh và môi trường giáo dục để dạy học và giáo dục phù hợp. Giáo viên phải có năng lực giáo dục nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Giáo viên phải có năng lực dạy học môn học trong chương trình giáo dục. Giáo viên phải có năng lực giao tiếp, năng lực đánh giá, bao quát, quản lý học sinh, năng lực hoạt động xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và giáo dục. Giáo viên phải có năng lực tự học để không ngừng cập nhật cái mới, đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xã hội.
Chương trình giáo dục Phổ thông mới cơ bản không quá khác biệt so với chương trình cũ. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, yêu cầu giáo viên cần linh hoạt và chủ động hơn trong quá trình giảng dạy.
Giáo viên không phụ thuộc vào giáo trình mà phải luôn cải tiến, làm mới giáo án, không lệ thuộc nhiều vào sách mà cần vận dụng thực tiễn để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Với mỗi tiết học, giáo viên nên theo tiêu chí: Hướng dẫn, giao việc để học sinh tự làm việc và giải quyết vấn đề. Để phát huy được tối đa năng lực của học sinh, giáo viên không truyền thụ giảng giải mà định hướng để học sinh tự chiếm lĩnh tri thức. Đối với học sinh lớp 1, đó chính là học sinh cần tự lực để thích học và biết cách tự học.
Dạy học phát triển năng lực - GV cần thay đổi ra sao?
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề được quan tâm là làm thế nào để phát triển phẩm chất, năng lực cho HS; chuyển hóa được dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học phát triển năng lực phẩm chất.
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tự tin trong giờ học. Ảnh: Thế Đại
Nhận diện dạy học phát triển năng lực
Trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Hà Hội), Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Công nghệ, rút ra những đặc điểm nổi bật về dạy học phát triển năng lực, phẩm chất.
Theo đó, hệ thống năng lực, phẩm chất được xác định một cách rõ ràng như kết quả đầu ra của chương trình đào tạo. Dưới góc độ dạy học bộ môn, năng lực cần hình thành, phát triển bao gồm năng lực chung cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học.
Trong chương trình, hệ thống năng lực được mô tả dưới dạng yêu cầu cần đạt cho thời điểm cuối mỗi cấp học. Nội dung dạy học trong chương trình định hướng phát triển năng lực có xu hướng tích hợp, gắn với thực tiễn, được cấu trúc thành các chủ đề trọn vẹn.
Trong chương trình định hướng phát triển năng lực, phương pháp dạy học chú trọng vào hành động, trải nghiệm; tăng cường thí nghiệm và thực hành; đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết nối kiến thức học đường với thực tiễn đời sống; phát huy tối đa lợi thế trong vai trò hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.
Đánh giá trong chương trình định hướng phát triển năng lực được xác định là thành phần tích hợp ngay trong quá trình dạy học. Chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá xác thực và dựa trên tiêu chí. Hoạt động đánh giá giúp cho người học nhận thức rõ mức độ đạt được so với yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, năng lực. Trên cơ sở đó, có kế hoạch dạy học phù hợp tới từng cá nhân.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Đông Triều, Quảng Ninh) tự tin trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Đại Quang
Mỗi bài học, hoạt động giáo dục đều góp phần hình thành và phát triển một, một số yêu cầu cần đạt của năng lực, phẩm chất. Vai trò này cần được thể hiện tường minh trong mục tiêu của bài học, hoạt động giáo dục. Khi đó, trong mỗi hoạt động dạy học phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động góp phần phát triển yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất như thế nào.
"Năng lực, phẩm chất được hình thành và phát triển theo thời gian, đạt từng cấp độ từ thấp đến cao. Để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, cần nhận thức đầy đủ về năng lực, hành động và trải nghiệm có ý thức, nỗ lực và kiên trì trong các bối cảnh cụ thể đòi hỏi phải thể hiện (hay phản ánh) trong mỗi bài học, hoạt động giáo dục. Sự khác biệt về năng lực, phẩm chất chỉ có thể bộc lộ rõ ràng sau mỗi giai đoạn học tập nhất định" - PGS Lê Huy Hoàng lưu ý.
Đổi mới trên nhiều phương diện
Từng là giáo viên tiêu biểu toàn quốc, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) cho rằng: Ngành Giáo dục đang từng bước nâng cao cơ sở vật chất, nguồn lực con người; tuy nhiên giao thoa giữa cũ và mới khó tránh khỏi có khó khăn. Bên cạnh đó, giáo dục là quá trình, không thể đòi hỏi kết quả một sớm, một chiều.
"Muốn phát huy năng lực của HS cần có chương trình, phương pháp phù hợp, và Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên cần triển khai các phương pháp dạy mới để thay đổi tư duy cũ; phải tạo cho HS cảm hứng trong từng bài học; có thời gian cho HS trải nghiệm, không truyền thụ kiến thức một chiều" - cô Dung cho hay.
Trong giờ học tại Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) nhấn mạnh: Thực hiện dạy học phát triển năng lực phẩm chất, giáo viên cần hiểu rõ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn học; vận dụng tốt, linh hoạt một số biện pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để phát triển được năng lực, phẩm chất người học.
Bên cạnh đó, trong kiểm tra, đánh giá cần có sự đổi mới: Đánh giá bằng nhiều hình thức (thường xuyên, định kỳ); biết sử dụng nhóm phương pháp đánh giá như kiểm tra viết, hỏi đáp, đánh giá qua sản phẩm. Giáo viên cũng cần xây dựng được kế hoạch giáo dục môn học trên cơ sở mục tiêu của chương trình, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học (giáo án) phù hợp với HS.
"Có thể nói, muốn dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học, giáo viên phải đổi mới từ tư duy đến hành động; vận dụng đúng, linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học, từ đó khơi gợi niềm đam mê cho người học" - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Là giáo viên cốt cán môn Ngữ văn của Phú Yên, thầy Nguyễn Đình Thời, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Thị xã sông Cầu) lưu ý: Thực hiện hoạt động dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giáo viên phải thực sự "mới" trên nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề sử dụng phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Về phương pháp dạy học, người thầy cần chú trọng tổ chức hoạt động cho học sinh, thông qua đó hình thành phẩm chất và năng lực môn học. Cùng với đó, kế thừa những phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng môn học để phát triển các năng lực đặc thù.
Với kiểm tra, đánh giá, giáo viên cần xác định đây là khâu cuối cùng hoàn tất quá trình dạy học phát triển phẩm chất, năng lực. Đánh giá thường xuyên, định kì cùng với các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp sự tiến bộ của học sinh.
Hiệu quả dạy học chỉ có thể có được khi giáo viên có cách nhìn toàn diện; thay đổi từ nhận thức đến hành động. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ thông tin cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ giáo viên trong quá trình chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Với dạy học tiếp cận nội dung, giáo viên là người truyền thụ; việc học theo sự điều khiển của giáo viên và theo quá trình học tập đã định trước; học liệu chủ yếu từ SGK; sự phản hồi chậm, định kỳ và đánh giá thường so sánh giữa các HS với nhau.
Trong khi đó, dạy học tiếp cận năng lực, giáo viên đóng vai trò là người thúc đẩy và mối quan tâm chính là sự sẵn sàng của người học. Học liệu sẽ từ nhiều nguồn; việc phản hồi là liên tục, kịp thời. Việc học sẽ là quá trình khám phá, lập luận, giải quyết vấn đề và người học độc lập, trách nhiệm, tự giám sát...
Mời giáo viên góp ý sách giáo khoa, đừng để như "ném đá ao bèo" Không sớm công bố rộng rãi bản mẫu sách giáo khoa, thời gian cho giáo viên góp ý quá ngắn, triển khai quá vội vàng,... việc đóng góp ý kiến khó đạt chất lượng. Ngày 30/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tổ chức góp ý các bản mẫu sách...