Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh
Sách giáo khoa Toán 6, Lịch sử và Địa lí 6, 7 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có nội dung khác nhau khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc học.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số giáo viên về những bất cập trong sách giáo khoa Toán 6, Lịch sử và Địa lí 6, 7 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Thầy cô mong các tác giả sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát lại những nội dung được phản ánh để có phương án chỉnh lí phù hợp cho những lần tái bản sau.
Sách Toán 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Thầy Hồ Đông, giáo viên dạy môn Toán ở Kiên Giang phản ánh, cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng bài 1.54 và bài 1.59 (bài tập cuối chương 1) trong sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) ở các nhà in Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Nam có nội dung khác nhau.
Theo đó, Bài 1.54 sách giáo khoa Toán 6 in tại Cà Mau có nội dung: Viết số tự nhiên a sau đây: Mười lăm tỉ hai trăm sáu mươi bảy triệu không trăm hai mươi mốt nghìn chín trăm linh tám.
b) Số a có bao nhiêu triệu, chữ số hàng triệu là chữ số nào?
Bài 1.54 sách giáo khoa Toán 6 in tại Cà Mau. (Ảnh: Hồ Đông)
Sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) in tại Cà Mau: Mã số: G1HH6T001H21 (QĐ29 SGKM/QĐ IN-CNC). Đơn vị in: Công ty CPDV – In Trần Ngọc Hy Cà Mau. Số ĐKXB: 93/2021/CXBICH/50-31/GD; Số in: 205.2021/HĐGC. Số QĐXB: 154 SGKM/QĐ-GD-CT ngày 15/3/2021. In xong và nộp lưu chiểu tháng 3/2021. Mã số ISBN: Tập 1: 978-604-0-25151-0.
Sách giáo khoa Toán 6 in tại Cà Mau. (Ảnh: Hồ Đông)
Còn Bài 1.54 sách giáo khoa Toán 6 in tại Sóc Trăng đặt câu hỏi ở câu b thiếu vế đầu.
b) Chữ số hàng triệu là chữ số nào?
Bài 1.54 sách giáo khoa Toán 6 in tại Sóc Trăng. (Ảnh: Hồ Đông)
Sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) in tại Sóc Trăng: Mã số: G1HH6T001h22 (QĐ in số: 03 STM/QĐIN-CNC. Đơn vị in: Công ty cổ phần In Sóc Trăng. Số ĐKXB: 1-2022/CXBIPH/539-1820/GD. Số QĐXB: 33ST/QĐ-GD-CT, ngày 13/12/2021. In xong và nộp lưu quý I/2022. Mã số ISBN: Tập 1: 978-804-0-28745-1.
Video đang HOT
Sách giáo khoa Toán 6 in tại Sóc Trăng. (Ảnh: Hồ Đông)
Tương tự, Bài 1.59 sách giáo khoa Toán 6 in tại Cà Mau có nội dung khác với Bài 1.59 sách giáo khoa Toán 6 in tại Sóc Trăng và Quảng Nam.
Cụ thể: Bài 1.59 sách giáo khoa Toán 6 in tại Cà Mau có nội dung: Một phòng chiếu phim có 18 hàng ghế, mỗi hàng có 18 ghế. Giá mỗi vé xem phim là 50 000 đồng.
a) Tối thứ Sáu, số tiền bán vé thu được là 10 550 000 đồng. Hỏi có bao nhiêu vé không bán được?
b) Tối thứ bảy, tất cả các vé đều được bán hết. Số tiền bán vé thu được là bao nhiêu?
c) Chủ Nhật còn 41 vé không bán được. Hỏi số tiền bán vé thu được là bao nhiêu?
Còn Bài 1.59 sách giáo khoa Toán 6 in tại Sóc Trăng và Quảng Nam đảo thứ tự các thứ trong tuần ở các câu a, b, c.
a) Tối thứ bảy, tất cả các vé đều được bán hết. Số tiền bán vé thu được là bao nhiêu?
b) Tối Chủ nhật còn 41 vé không bán được. Hỏi số tiền bán vé thu được là bao nhiêu?
c) Tối thứ Hai, số tiền bán vé thu được là 10 550 000 đồng. Hỏi có bao nhiêu vé không bán được?
Bài 1.59 sách giáo khoa Toán 6 in tại Quảng Nam. (Ảnh: Hồ Đông)
Sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) in tại Quảng Nam: Mã số: G1HH6T001H21 (QĐ in số 103). Đơn vị in: Công ty CP In – Phát hành sách và TBTH Quảng Nam. Số ĐKXB: 93-2021/CXBIPH/50-31/GD. Số QĐXB: 1231/QĐ-GD-ĐN ngày 3/9/2021. In xong nộp lưu chiểu tháng 9/2021. Mã số ISBN: Tập 1: 978-604-0-25151-0.
Sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) in tại Công ty CP In – Phát hành sách và TBTH Quảng Nam. (Ảnh: Hồ Đông)
“Trong lớp các học sinh mua sách giáo khoa không cùng một nhà in thế là cãi nhau chí chóe, giáo viên chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Tại sao họ lại cẩu thả như thế? Ai là người chịu trách nhiệm?”, thầy Đông bức xúc nói.
Sách Lịch sử và Địa lí 6, 7 – Kết nối tri thức với cuộc sống
Cô Vương Kiều, giáo viên dạy môn Lịch sử ở Hải Dương phát hiện cùng một nhóm viết sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí mà lớp 6 viết thế này, lớp 7 viết thế nọ, kiến thức chẳng ăn nhập gì với nhau.
Cụ thể, Bài 8 (Ấn Độ cổ đại) sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6 (phần Lịch sử) có nội dung: “ Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc” (trang 35).
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6 ghi: Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can. (Ảnh: V.K)
Còn Bài 5 (Ấn Độ từ thế kỉ IV đến giữa thế kỉ XIX) sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7 viết: Ấn Độ là một bán đảo lớn ở Nam Á. Phía Bắc bị ngăn cách với bên ngoài bởi dãy Hy-ma-lay-a hùng vĩ,ba mặt còn lại giáp biển khiến Ấn Độ được ví như “một tiểu lục địa”. Địa hình chủ yếu là đồng bằng Ấn- Hằng ở miền Bắc, cao nguyên Đê-can rộng lớn ở miền Tây Nam …” (trang 30).
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7 ghi: cao nguyên Đê-can rộng lớn ở miền Tây Nam. (Ảnh: V.K)
Theo cô Kiều, sách lớp 6 viết “Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can”, còn sách lớp 7 lại viết “cao nguyên Đê-can rộng lớn ở miền Tây Nam…” là không ổn chút nào.
Cô Kiều tìm hiểu thì được biết, cao nguyên Ấn Độ nằm ở miền Trung và miền Nam. Còn Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) cho biết:
“Deccan là một cao nguyên lớn tại Ấn Độ và chiếm phần lớn miền Nam Ấn Độ. Cao nguyên đạt cao độ một trăm mét ở phía bắc, tăng lên đến hơn một ki-lô-mét ở phía nam, tạo thành một tam giác nổi lên giống như đường bờ biển phía dưới của tiểu lục địa Ấn Độ.
Cao nguyên trải rộng trên tám bang của Ấn Độ và là một môi trường sống rộng lớn, bao phủ Trung và Nam Ấn Độ. Cao nguyên được bao quanh bởi các dãy núi Satpura và dãy núi Vindhya ở phía bắc, Ghat Tây ở phía tây, Ghat Đông ở phía đông. Về phía Nam, Deccan kết thúc tại nơi giao nhau của Ghat Tây và Ghat Đông.” (*)
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của các thầy cô giáo đang đứng lớp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán, Lịch sử và Địa lí (tác giả Cao Nguyên ghi). Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.
Trưởng bộ môn Địa lí, Trường ĐH Đồng Nai nêu điểm chưa chính xác ở SGK Địa lí
Thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai chỉ ra một số điểm chưa chính xác trong sách giáo khoa Địa lí lớp 10.
Thời gian vừa qua, sách giáo khoa nói chung, sách giáo khoa môn Địa lí, Lịch sử và Địa lí nói riêng, đã nhận được sự quan tâm của quý thầy cô giáo trên cả nước.
Thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai cũng rất quan tâm đến sách giáo khoa môn Địa lí lớp 10 và phân môn Địa lí trong các sách Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở nói chung.
Là giảng viên tâm huyết với nghề, thầy Nguyễn Văn Thuật có kiến thức chuyên sâu về bộ môn Địa lí, được nhiều thế hệ giáo viên nể trọng.
Người viết trân trọng gửi đến bạn đọc một số ý kiến góp ý của thầy Nguyễn Văn Thuật về kiến thức trong sách Địa lí 10 và phân môn Địa lí trong sách Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở.
Thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thứ nhất, sách Lịch sử và Địa lí lớp 7 - bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, trang 107, hình 7.1, Bản đồ chính trị châu Á - Các khu vực châu Á, nhưng không hề có khu Bắc Á.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, đây là sai sót rất nghiêm trọng, cần chỉnh sửa, bổ sung ngay.
Ảnh chụp trang 107 sách Lịch sử và Địa lí lớp 7, bộ Cánh Diều. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thứ hai, sách Địa lí lớp 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được in xong và nộp lưu chiểu tháng 5 năm 2022, trang 20, dòng đầu tiên, tác giả viết:
" Thành phố Xanh Pê-téc-bua nằm ở vĩ độ 59 độ 57 phút B là thành phố lớn thứ hai ở Liên bang Nga."
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, vĩ độ là giá trị xác định vị trí của một điểm trên bề mặt Trái Đất; trái lại, thành phố Xanh Pê-téc-bua trải dài trên nhiều vĩ tuyến và nhiều kinh tuyến. Sao có thể nằm trên một điểm? Điều này không hợp lý và phản khoa học.
Trang 25, dòng 9 từ trên xuống, tác giả viết: " Tác động của quá trình ngoại lực thông qua ba quá trình: phong hóa, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ."
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, kết luận là ba quá trình nhưng liệt kê là bốn, chưa hợp lý.
Thứ ba, sách Địa lí lớp 10, bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, in xong và nộp lưu chiểu ngày 7 tháng 4 năm 2022, trang 12, dòng 19 từ dưới lên, tác giả viết:
" Đá mac-ma (đá granit, đá bazan,..): Đá được hình thành từ khối mac-ma nóng chảy dưới sâu, khi trào lên mặt đất sẽ nguội và rắn đi."
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật: Đá mac-ma xâm nhập được hình thành khác hẳn với đá mac-ma phun trào.
Mac-ma đông cứng ở dưới sâu, mac-ma tạo nên đá mac-ma xâm nhập - đây là loại đá được thành tạo trong vỏ Trái Đất, không hề trào lên mặt đất, nên khái niệm " Đá mac-ma (đá granit, đá bazan,..): Đá được hình thành từ khối mac-ma nóng chảy dưới sâu, khi trào lên mặt đất sẽ nguội và rắn đi." rất phiến diện, thiếu khoa học.
Thứ tư, trang 16, dòng 6 từ dưới lên, tác giả viết: "Ở vùng ôn đới, một năm có 4 mùa khá rõ rệt; ở vùng nhiệt đới, mùa xuân và mùa thu thường ngắn, không rõ rệt".
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật: thông tin trên là chưa chính xác vì ở vùng nhiệt đới chỉ có hai mùa, không có mùa xuân và mùa thu.
Thứ năm, trang 35, dòng 3 từ dưới lên, tác giả viết: " Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa: Khí áp, Gió Frông, Dòng biển, Địa hình".
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật: Địa hình là thành phần tự nhiên chứ không phải là nhân tố tự nhiên - đây là sai lầm rất tai hại, tác giả không phân biệt sự khác nhau giữa yếu tố, nhân tố và thành phần tự nhiên.
Điều đáng nói, tính đồng cấp cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Khí áp và front (tác giả viết là frông) là các yếu tố của thành phần khí hậu, chúng không thể xếp ngang hàng với thành phần địa hình.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Nguyễn Văn Thuật. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.
Kinh nghiệm khi soạn giáo án: Cung cấp những gì người học cần Cô Lã Thị Hè, giáo viên Lịch sử và Địa lí, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giáo án bảo đảm yêu cầu. Ảnh minh họa/ITN. Cung cấp nội dung người học cần Lưu ý đầu tiên được cô Lã Thị Hè chia sẻ là xác định căn cứ để xây dựng giáo án dựa...