Giáo viên nói gì về quy định học sinh được dùng điện thoại?
‘ Học sinh được dùng điện thoại là quy định thể hiện tư duy mở, nhưng đòi hỏi phải thể hiện kỹ năng sử dụng thông minh’
Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại di động – B.THANH
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là “học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”.
Quy định thể hiện tư duy mở
Là giáo viên đã cho học sinh được dùng điện thoại trong các tiết học lịch sử từ 2 năm nay, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Du (Q.3), nói rằng công cụ ứng dụng CNTT bao giờ cũng có tính 2 mặt và phải có quy định cụ thể, rõ ràng và đặc biệt các hình thức giảng dạy ứng dụng cần thể hiện mục đích cụ thể chứ không mang tính hình thức. Chẳng hạn điện thoại được sử dụng để thảo luận, làm việc nhóm, làm bài kiểm tra… chứ không phải lúc nào cũng sử dụng
Giáo viên Phạm Lê Thanh, Trường THCS- THPT Tân Phú (TP.HCM), nói rằng: Đây là tư duy mở, mang tính thời đại trong việc tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học của thầy trò trong thời đại nhịp sống số. Điện thoại di động, smartphone là công cụ mà đa phần học sinh nào cũng có, đây là công cụ giúp hoạt động dạy học tối ưu hơn, học sinh cập nhật các thông tin mới, thời sự, hoặc tài liệu tham khảo một cách nhanh chóng, thuận lợi trong từng tiết học. Đặc biệt khi thao tác làm bài trắc nghiệm trên ứng dụng tích hợp vào điện thoại được học sinh làm nhiều lần, giúp các em thích ứng với xu hướng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính sắp tới của Bộ đề xuất.
Biến điện thoại thành công cụ học tập
Video đang HOT
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả công cụ điện thoại di động trong giờ học thay vì trước đây là “cấm”, các em vẫn “lén sử dụng” thì giáo viên Phạm Lê Thanh cho rằng thầy và trò cần có những buổi tập huấn, trao đổi thống nhất về những quy định để các em học sinh sử dụng điện thoại thông minh một cách khoa học, đúng với từ “thông minh” trong việc học và hoạt động nhóm, … thì việc này sẽ đem lại nhiều khả quan.
Tương tự, một giáo viên dạy môn tự nhiên tại Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM) cũng nói: “Những thông tin về tính ứng dụng hoặc tính thời đại trong SGK, đặc biệt ở môn KHTN như hóa, lý, sinh dường như là thiếu sót, chưa có hoặc chưa kịp cập nhật vì sách đã ban hành trước đó rất lâu. Để tự làm mới mình, thầy và trò phải cập nhật tính thời sự, tính mới về ứng dụng bởi các phương tiện thông tin truyền thông, internet. Khi đó, chiếc điện thoại di động thông minh mà các em đang sở hữu sẽ tỏ ra hiệu quả”.
Hay ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng thừa nhận, việc cấm sử dụng điện thoại trong thời đại công nghệ hiện đại nghe có vẻ lỗi thời. Nhưng để biến điện thoại thành công cụ học tập hữu ích thì cần có một sự đồng bộ tương thích từ quy tắc ứng xử, văn hoá sử dụng, chương trình và các hoạt động giáo dục.
Ông Linh cũng cho hay, để quy định này thể hiện tính ưu việt, đúng đắn thì các trường bắt đầu tổ chức cho học sinh những buổi sinh hoạt kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh và xây dựng các hoạt động giáo dục mà trong đó thể hiện được tính tích cực khi sử dụng điện thoại. Để khi đó, học sinh thấy điện thoại không chỉ để liên lạc, giải trí mà còn phục vụ mục đích học tập một cách hiệu quả.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), cho hay chúng ta phải xác định rằng quy định cho học sinh dùng điện thoại ở góc độ hướng đến mục đích là thay đổi phương pháp học tập, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để tạo hứng thú học tập đối với học sinh, chứ không phải quy định đó đơn thuần là phục vụ cho việc các em tự do, thoải mái sử dụng trong nhà trường.
Và để quy định học sinh được dùng điện thoại trong trường tạo ra hiệu quả thì mỗi nhà trường xây dựng quy chế thực hiện, mỗi giáo viên chủ động và đề xuất những phương thức tổ chức tiết dạy có dành thời gian cho học sinh sử dụng thiết bị này thích hợp và tạo hứng thú trong học tập.
Học sinh được dùng điện thoại trong lớp: Tranh cãi dữ dội, phản đối phần nhiều
Trên mạng xã hội, cuộc tranh luận về việc có nên để học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập như quy định trong Thông tư 32 hay không đang rất sôi nổi.
Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ tháng 11 tới, thay thế cho Thông tư 12/2011. Theo đó, việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học chỉ bị cấm khi "không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Nghĩa là, các em được dùng thiết bị này vì mục đích học tập và nếu được thầy cô đồng ý.
Trong các ý kiến phản đối cho học sinh dùng điện thoại trên lớp, gay gắt nhất là ý kiến của các giáo viên. Nhiều thầy cô cho rằng, điều kiện quy định trong Thông tư 32 - sử dụng cho việc học và được giáo viên đồng ý - không đủ để ngăn các em dùng điện thoại cho các mục đích khác và sẽ khó tập trung vào bài học.
"Chắc chắn là sẽ loạn" - tài khoản Phạm Hồng P. viết. " Tôi dạy học gần 20 năm nay nên quá hiểu tâm lý lứa tuổi. Lớp hơn 40 em, làm sao kiểm tra, quản lý hết em nào dùng để học, em nào dùng để chơi".
"Tôi không có khả năng kiểm soát hết nếu học sinh của mình dùng điện thoại trong lớp. Lớp sẽ chẳng khác nào cái chợ. Vì thế, khi Thông tư 32 có hiệu lực, tôi sẽ tuyên bố luôn với các học sinh của mình rằng trong giờ tôi thì tuyệt đối không dùng điện thoại" - tài khoản Hoa Anh viết.
Võ Huyền chia sẻ: " Phải đi dạy mới biết, việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp tai hại thế nào. Lâu nay học sinh bị cấm dùng mà tôi còn phải mỏi mồm nhắc nhở nữa là giờ được phép".
Học sinh cấp 2 - 3 sẽ được dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập nếu giáo viên cho phép. (Ảnh: Laodong.vn)
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. "Tôi chỉ quản lý hai đứa con mà còn phải rát họng nhắc đừng cắm mặt vào ti vi, điện thoại, nên rất hiểu sự khó khăn của thầy cô khi kiểm soát lớp học 40-50 cháu", Trần Tuyết Trinh bày tỏ.
Cường Ngô viết: " Các thầy cô sẽ vô cùng vất vả, vì trẻ sẽ không tự giác đâu. Người lớn chúng ta còn cắm mặt vào điện thoại trong các cuộc họp dù sếp đã nhắc không dùng, nói gì đến trẻ con".
" Quy định có thể dùng điện thoại trong lớp cho việc học sẽ khiến em nào cũng viện cớ học hành đòi cha mẹ mua cho. Gia đình học trò nghèo sẽ rất khổ, mua thì không có tiền mà không mua thì trẻ tủi thân, tự ti, lạc lõng với các bạn", Hạnh Lê bình luận.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng không cần cấm dùng điện thoại trong lớp mà nên tận dụng lợi ích của phương tiện này cho việc học. Mặc dù không đông bằng "phe" phản đối nhưng "phe" ủng hộ cũng quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình.
Tài khoản Nguyễn Văn Vinh viết: " Quyền cầm trịch cuộc chơi vẫn nằm trong tay giáo viên cơ mà. Giáo viên có thể quy định rõ tất cả không dùng điện thoại cho đến khi được yêu cầu bật máy để tra cứu, sau đó bắt cất đi ngay. Quy định mới đâu có làm khó giáo viên, mà là mở thêm cho thầy cô một cánh cửa để tận dụng công nghệ vào việc dạy và học, còn dùng nó đến mức độ nào thì thầy cô cứ linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế".
" Tôi cũng dạy học đây, nhưng tôi thấy quy định này không vấn đề gì. Trong giờ dạy, thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ em nào có điện thoại ở đó tra hộ cô thông tin này thông tin kia. Cũng có những em lén dùng điện thoại chơi nhưng tôi nhắc là cất, tóm lại cũng như các lỗi khác thôi, giáo viên điều chỉnh được", Hoàng Tuyết Nhung viết.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, chiếc điện thoại di động đang là "điều tất yếu trong cuộc sống hiện đại", học sinh THPT đã lớn, không nên tách rời các em khỏi thực tế cuộc sống bằng việc cấm đoán.
" Hãy bàn cách sử dụng sao cho hợp lý hiệu quả thay vì không cho dùng. Thời 4.0 làm sao thiếu thiết bị kết nối mạng được, mà con cái chúng ta học cấp 3 là cũng chuẩn bị bước vào đời rồi. Dùng điện thoại tra cứu thông tin phục vụ việc học là cần thiết, tăng tính hiện đại trong dạy và học. Thay vì cấm, tại sao thầy trò không cùng tra cứu và sôi nổi trao đổi, thảo luận về những gì tìm thấy được trên mạng?" - Lâm Anh viết.
Còn Thư Nguyễn gợi ý: "Nếu thấy khó quản lý quá, thầy cô chỉ việc tuyên bố tuyệt đối không dùng điện thoại trong giờ của tôi, vậy là xong. Thông tư mới cho thầy cô quyền đó mà".
Nội dung trên vẫn đang tiếp tục được bàn luận trên mạng xã hội, từ trang cá nhân đến các diễn đàn, hội nhóm và nhận được lượng tương tác lớn.
Quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập Từ 11 loại sổ sách, giáo viên sẽ chỉ còn bắt buộc có 4 loại. Học sinh được dùng điện thoại trong lớp học. Đây là điểm mới được quy định trong thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Giáo viên cho điểm học sinh trong giờ học trực tuyến ở Trường THCS&THPT...