Giáo viên mắng học trò “óc trâu”, đuổi ra khỏi lớp online: Vì đâu nên nỗi?
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội liên tục xuất hiện các clip “tố” giáo viên cư xử thiếu chuẩn mực.
Giáo viên quát tháo học sinh, giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp, giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu”… làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong mắt học trò và xã hội.
Hiện tượng này do đâu và cần phải giải quyết tận gốc ra sao? Chuyên gia tâm lý giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trả lời phỏng vấn của Dân trí.
Thưa ông, ông đánh giá ra sao về thực trạng ngành giáo dục xuất hiện các hiện tượng giáo viên có hành vi, lời nói không phù hợp với tiêu chuẩn nhà giáo thời gian vừa qua?
Trước tiên chúng ta cần phải nhìn vào tình hình chung trong cả năm qua, vấn đề tâm lý của toàn nhân loại đã chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19.
Cuối năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chịu tổn thương sức khỏe tâm thần (SKTT) trong cộng đồng đã tăng gấp 5-7 lần so với trước đây.
Tuy vậy, con số này mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”, vì có rất nhiều người chịu tổn thương SKTT trong bối cảnh xã hội mới chỉ tập trung nguồn lực cho các vấn đề cấp bách như tiêm chủng, nhu cầu về thực phẩm, vật chất… Do đó, còn nhiều đối tượng chịu tổn thương về SKTT chưa được giúp đỡ và thậm chí cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Một số ngành nghề mang tính chất đặc thù như nghề giáo viên, mang sứ mệnh vận hành “dòng chảy tri thức” vẫn đang làm việc bất kể hoàn cảnh dịch bệnh. Họ không được phép ngừng lại.
Giáo viên phải thích nghi với cách thức làm việc mới, đó là dạy học online, đồng thời cũng phải thay đổi và thích ứng rất nhiều nhiệm vụ mới mà trước đây họ chưa được đào tạo bài bản.
Mặt khác, bản thân họ cũng là những con người chịu ảnh hưởng, chịu tổn thương SKTT bởi dịch bệnh. Họ cũng phải đối diện với sự lo âu về dịch bệnh, các nguy cơ đối với thành viên trong gia đình của họ.
Do vậy, thực tế là rất nhiều giáo viên đã bị quá tải cả về công việc và về mặt SKTT.
Liệu có thể coi vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần là nguyên nhân chính dẫn tới những hiện tượng hành xử thái quá của các giáo viên thời gian qua không thưa Phó giáo sư?
Giáo viên trước hết cũng là con người, đứng trước căng thẳng thường có các phản ứng tâm lý bản năng:
Thứ nhất là mất kiểm soát cảm xúc và chống lại. Họ có thể huy động sức lực của mình để đáp trả với những yếu tố khiến họ tức giận, lo lắng. Phản ứng này có thể trở thành “giận cá chém thớt”, mất tự chủ về hành vi.
Đôi lúc, phản ứng của giáo viên có thể trút lên môi trường xung quanh, có thể lên chính con cái, gia đình của họ và cũng có thể lên học trò.
Thứ hai là phản ứng trốn chạy, bỏ mặc. Khi đó, người giáo viên không còn nhạy cảm nhận ra nhu cầu của học sinh, sinh viên nữa mà sẽ lơ là trách nhiệm.
Và trong bối cảnh này chúng ta nhận thấy rằng áp lực lên người giáo viên là rất lớn. Tôi lấy ví dụ, trong một gia đình chỉ có một người học tại nhà nhưng có thế cả gia đình ngồi “soi” vào bài giảng của thầy, nêu nhiều ý kiến hay làm nhiễu buổi học bằng việc làm ồn, xao lãng học sinh… Những điều này sẽ khiến cho giáo viên thêm căng thẳng khi dạy học online.
Video đang HOT
Lại nằm trong bối cảnh mà bản thân các học sinh, sinh viên và các gia đình cũng đang căng thẳng rất nhiều vì dịch bệnh, khiến cho bối cảnh chung môi trường giáo dục tại nhà càng thêm căng thẳng.
Đó là chưa kể các trường hợp giáo viên đang sống trong vùng dịch, thậm chí bản thân giáo viên, người nhà giáo viên là F0, F1 thì sức ép lên họ càng lớn. Song nhiều khi các giáo viên không được trợ giúp về mặt tinh thần. Đó cũng là bối cảnh chung của xã hội vì chúng ta đang tập trung nguồn lực hỗ trợ về vật chất nhiều hơn là tinh thần.
Cộng thêm, nhận thức về SKTT của chúng ta chưa cao, thậm chí còn kỳ thị. Ngay như giáo viên là ngành có nguy cơ căng thẳng cao nhưng kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng chăm sóc SKTT chưa tốt.
Hiện tại, nhiều thầy cô không dám dành cho mình sự chăm sóc SKTT thích đáng vì nghĩ rằng mình phải dồn toàn bộ thời gian và tâm sức để chăm lo cho học sinh. Nhưng đây là quan điểm sai lầm. Bởi vì, thầy cô cần phải giữ được sự bình tĩnh khi lên lớp, giờ học phải có chất lượng, tương tác trong lớp học cần phải vui vẻ chứ không thể vì quá bận rộn mà không quan tâm tới SKTT của chính mình.
Giải pháp nào để tháo gỡ sự ức chế, căng thẳng cho các thầy cô?
Chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa chú trọng học phần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp nhà giáo và ứng xử nghề nghiệp. Học phần này không thể chỉ đánh giá theo môn học mà phải được đánh giá trong quá trình lâu dài, cách thức đánh giá cũng phải dựa theo tiến trình.
Mới đây các trường đại học sư phạm mới đi tiên phong trong việc rèn luyện đạo đức nhà giáo và rèn luyện năng lực kiểm soát cảm xúc cho đội ngũ sư phạm. Các sinh viên được tiếp xúc với môi trường dạy học thực tế từ năm thứ hai, qua đó rèn luyện cách thức ứng xử, kiểm soát cảm xúc theo nghiệp vụ sư phạm thực tế.
Trước đây, chúng ta chưa có cách đào tạo này mà chỉ học trên lý thuyết, sinh viên sư phạm không được trải nghiệm tình huống thực tế trong môn học này. Nói nôm na, nếu như không trải qua cảm xúc tức giận thì khó có thể học được cách kiểm soát sự tức giận.
Nhiều thầy cô mặc dù có kinh nghiệm dạy học nhiều năm nhưng chưa có sự rèn luyện cảm xúc trong chương trình đào tạo trước đây nên năng lực kiểm soát cảm xúc có thể còn yếu kém.
Tôi nói có thể nhiều người sẽ không đồng tình nhưng, trước đây chúng ta không coi trọng lắm về đào đạo phẩm chất nghề nghiệp nhà giáo. Trong khi người nhà giáo là kiến trúc sư tâm hồn. Chính vì vậy, việc giáo viên có kỹ năng chăm sóc SKTT cho chính mình và học trò phải được coi là nguyên tắc đạo đức để được lên lớp.
Vì người giáo viên phải là người truyền cảm hứng, chính họ vui vẻ thì mới khiến cho học trò vui vẻ. Nếu không, thầy cô dạy dài, làm việc vất vả nhưng buổi học dài lại biến thành buổi chỉ trích thì học trò không thể nào học được và càng không có hứng thú với việc học.
Do vậy muốn học sinh – sinh viên học tập vui vẻ thì người giáo viên phải dạy học vui vẻ. Muốn vui vẻ được, giáo viên phải tự biết chăm sóc SKTT.
Ông có thể chỉ ra những phương án cụ thể hơn để giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của giáo viên ngay lúc này?
Thực tế, trong quá trình dạy học online vừa qua có nhiều sự lúng túng. Lúng túng về mặt kỹ thuật tôi sẽ không bàn tới nhưng lúng túng về mặt tâm lý giáo dục cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.
Chúng ta hiện nay đang nghĩ tới vấn đề đảm bảo SKTT cho học sinh, nhưng muốn làm được điều này cho học sinh cần phải đảm bảo SKTT cho người dạy trước. Chúng ta chưa có những hướng dẫn cho thầy cô về vấn đề này.
Vì vậy, về mặt chính sách, trước tiên cần phải xây dựng hướng dẫn để đảm bảo sức SKTT cho cả thầy và trò, trong giai đoạn này và xây dựng bộ quy tắc dài hơi hơn.
PGS.TS Trần Thành Nam gợi mở phương án đề ra các bộ quy tắc giản đơn hỗ trợ giáo viên và học sinh chăm sóc sức khỏe tinh thần khi học online trong bối cảnh dịch bệnh. Trong ảnh là sơ đồ minh họa một trong những nghiên cứu tâm lý của ông Trần Thành Nam.
Song song với đó, cần giảm nhẹ áp lực cho người giáo viên vào thời điểm này, bằng các cách thức giảm tải chuyên môn nghiệp vụ, ví dụ như có thể soạn giáo án dùng chung cho các giáo viên cùng bộ môn, để giáo viên có thể dành thêm thời gian để xây dựng phong cách giảng dạy, tạo không khí lớp học…
Đồng thời, các nhà trường cần tạo môi trường làm việc phù hợp và an toàn cho giáo viên trong không gian lớp học online. Với những giáo viên có điều kiện gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà trường cần phải quan tâm, hỗ trợ.
Về phía phụ huynh cũng cần hỗ trợ người giáo viên. Phụ huynh cần hiểu rằng nếu muốn cho con mình học tập vui vẻ thì giáo viên cũng phải vui vẻ.
Hiện nay, vì điều kiện học từ xa, các lớp thường lập hội nhóm tương tác online giữa phụ huynh và giáo viên. Nhiều phụ huynh cùng con học thường xuyên than phiền, chê trách giáo viên, thậm chí ngay trong giờ giảng bài.
Đây là cách ứng xử gây căng thẳng rất lớn cho thầy cô. Trong khi ngược trở lại, bản thân phụ huynh nhiều khi cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình khi dạy con. Do vậy, phụ huynh cũng phải chăm sóc SKTT cho con cái, đừng đánh con, đừng tạo thêm gánh nặng không cần thiết lên giáo viên.
Thêm vào đó, việc truyền thông, mạng xã hội liên tục phóng đại các vụ việc về hành vi chưa đúng chuẩn mực của thầy cô thời gian vừa qua, trong khi nguồn cơn sự việc có thể chưa rõ ràng cũng khiến các giáo viên càng căng thẳng và lo sợ khi lên lớp.
Giáo viên cần có sự hỗ trợ về mặt tâm lý, cần có những diễn đàn đồng đẳng như là đồng nghiệp chia sẻ phương thức, kinh nghiệm kiểm soát cảm xúc. Những giáo viên có biểu hiện tâm lý nặng thì cần phải được chăm sóc chuyên nghiệp. Tôi được biết, một số giáo viên bản thân mắc Covid-19, hoặc có người nhà nhiễm bệnh nhưng vẫn đang đảm nhiệm trọng trách dạy học, hàng ngày vẫn lên lớp. Đó là những người rất cần được giúp đỡ.
Đây là giai đoạn chúng ta “tổng diễn tập” dạy học online, còn nhiều vấn đề phải xử lý. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các trường có thể cho ra đời những bài giảng mẫu về thực hành chăm sóc SKTT cho cả giáo viên và học sinh. Vấn đề này cần phải quan tâm ngay.
Xã hội cần có cái nhìn khách quan hơn về người giáo viên, bởi những người đã chọn nghề giáo, đa phần đã có sẵn cái tâm muốn chăm sóc, dạy dỗ học trò.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Giáo viên "nổi điên" trong lớp học online: Sự "mất mát quyền lực"
Một giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp, đòi "bóp cổ anh chết"; cô giáo dạy Văn mạt sát học trò là đồ "quái thai"... Những hành xử, lời lẽ khủng khiếp nhất của người thầy xảy ra trong lớp online.
Giáo viên mất kiểm soát
Ngay những ngày đầu năm học mới, chỉ trong vòng một tuần lễ, dư luận choáng váng sự việc hai giáo viên "phát hỏa" trong giờ dạy học online.
Giáo viên mạt sát học trò là "quái thai" trong video được xác định là giáo viên Trường THPT Cam Lộ, Quảng Ngãi.
Đầu tiên là một đoạn ghi âm dài 6 phút về ghi cảnh giáo viên xưng mày tao với học trò, buông những lời lẽ, ngôn từ mạt sát nặng nề như: Quái thai về thể xác, quái thai về tâm hồn, rác rưởi của xã hội, đồ mạt hạng...
Được biết, giáo viên trong đoạn ghi âm này là cô H.Y, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Cam Lộ (thị trấn Cam Lộ). Sự việc xảy ra trong giờ học trực tuyến, học trò bị cô xúc phạm là một nữ sinh lớp 11.
Theo tường trình của cô giáo, trong khi cô đang giảng bài thì em học sinh nêu trên có lời lẽ tục tĩu, hỗn hào. Cô bức xúc và đã không giữ được bình tĩnh, dẫn đến phát ngôn thiếu chuẩn mực.
Sau sự việc, cô H.Y chia sẻ, giận quá mất khôn, 26 năm dạy học, cô chưa bao giờ tức giận như vậy.
Sóng gió sự việc trên chưa nguôi thì chỉ 2 ngày sau, trên mạng lan truyền đoạn clip dài 5 phút ghi lại giảng viên Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM "đuổi" một sinh viên ra khỏi lớp online khi em này nhờ thầy giảng lại vì mưa to quá không nghe rõ.
Chưa hết, giảng viên này còn có những lời nói gây bức xúc như "bóp cổ anh chết", rồi yêu cầu từng sinh viên trong lớp mở webcam và nói câu: " Tôi tên là Nguyễn Văn A gì đó, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường ".
Mới đây, giảng viên này bày tỏ sự đáng tiếc khi không kiềm chế được bản thân, để xảy ra sự việc không hay. Đồng thời, gửi lời xin lỗi đến sinh viên và cả những ai đã xem clip, nghe phải những lời không hay của mình.
Người thầy "mất mát quyền lực"!?
Sự việc giáo viên "nổi điên" và mắng nhiếc học trò trong lớp học online, theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Mầm non - Tiểu học ICS là ví dụ điển hình của cái gọi là "mất mát quyền lực" của giáo viên khi dạy online.
Ở lớp học truyền thống, quyền lực của giáo viên được hậu thuẫn bởi nhiều thứ. Từ không gian trường học, lớp học trong 4 bức tường chỉ dành riêng cho việc học đã là một sự kiểm soát.
Thầy ngồi trên bục, trò ngồi dưới bàn, thiết kế phân định cao - thấp cũng góp phần củng cố quyền lực của giáo viên. Trong giờ học, học trò thiếu tập trung, có khi thầy chỉ lườm một cái hay chọi viên phấn là xong.
Giáo viên kiềm chế cảm xúc là kỹ năng rất cần thiết khi dạy học online
Khi chuyển qua online, tất cả sự hậu thuẫn đó đột nhiên biến mất. Thầy trò bình đẳng, mỗi người một máy tính, chỉ có thể kết nối với nhau qua cái màn hình.
Lúc này, học sinh lơ là, mất tập trung... thầy cũng chẳng thể thò tay ra mà nhéo. Chưa kể, chỉ cần học trò tắt camera thì cảm giác mọi thứ ngoài tầm kiểm soát với người thầy lại càng lớn. Nhiều khi dạy nhưng không biết học trò liệu có đang ngủ, hay đang ăn... cảm giác bị coi thường rất dễ trỗi dậy.
"Nếu giáo viên không kiềm chế cảm xúc tốt thì nổi điên là có thật", ThS Uyên Phương chia sẻ.
Để không "nổi điên" khi dạy online, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nhấn mạnh, phải bắt đầu từ việc người thầy biết chấp nhận những quyền lực "cứng" của mình đã bay biến hết trên không gian mạng.
Muốn thu hút học sinh khi học online, chỉ có thể dùng những quyền lực "mềm" như thiết kế bài giảng sinh động, đưa vào các hoạt động tương tác hai chiều, thấu hiểu rằng học sinh cũng có những khó khăn nhất định trong môi trường học tập mới này.
Nhất là học sinh Việt Nam xưa nay có thói quen học tập khá thụ động. Giáo viên cần có "chiến lược" khiến học sinh thay đổi hành vi từ từ.
Năm học 2021-2022, từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đặt ra một bối hoàn toàn mới với cả thầy và trò khi nhiều nơi chuyển sang môi trường học online.
Môi trường học mới, đặt ra nhiều thách thức về cách tương tác, giao tiếp, tổ chức, quản lý lớp học thông qua thiết bị công nghệ. Trong khi, phải nói cả người học và người dạy, nhiều người "tay trắng" với hình thức học tập mới. Họ tập tành, chập chững từng bước, có khi lúng túng, bỡ ngỡ từ những điều cơ bản nhất.
Như trường hợp cô H.Y, khi học sinh gây ảnh hưởng đến lớp, cô trần tình, mình không biết thao tác thế nào để... đẩy học sinh ra khỏi Zoom.
Một phương thức học tập mới, khó khăn với cả thầy lẫn trò, lúc này rất cần nỗ lực điều chỉnh, học hỏi của thầy trò và cần cả sự hỗ trợ, thông cảm dành cho nhau. Tuy nhiên, trong bất kỳ bối cảnh nào, việc kiểm soát, kiềm chế cảm xúc là việc cần thiết, đặc biệt ở vị thế người thầy khi tương tác với học trò.
Trường đại học xin lỗi vụ giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp online Ngày 20/9, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xin lỗi vì sự việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và sinh viên. Hôm nay (20/9), lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đã họp với các bộ phận về sự việc giảng viên đuổi...