Giáo viên mầm non – Bài 1: Ươm mầm từ những điều bình dị
Danh sách giáo viên mầm non được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019 gồm 8 thầy, cô giáo.
Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non 1 (quận 5)
Dù có tuổi đời, tuổi nghề và hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng mỗi thầy, cô đều là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, mến trẻ. Vượt qua những khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống thường nhật, các thầy, cô xứng đáng là những đóa hoa tỏa sáng trong vườn hoa “trồng người”.
Hạnh phúc vì được tin tưởng
Là giáo viên có tuổi đời trẻ nhất và là giáo viên nam duy nhất trong danh sách giáo viên mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy Nguyễn Phương Bình, Trường Mầm non 1 (quận 5), cho biết, ước mơ trở thành giáo viên mầm non đã nhen nhóm trong anh từ năm học lớp 11. Thời gian đó, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc, chơi đùa với trẻ con trong xóm. Nụ cười, sự hồn nhiên của trẻ đã “để nhớ, để thương”, khiến anh quyết định thi vào ngành sư phạm. “Trải qua những ngày tháng miệt mài trên giảng đường, dấn thân vào nghề rồi, tôi mới nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa lý thuyết và thực tế chăm sóc trẻ”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Thử thách càng tăng lên gấp bội khi Phương Bình được phân công đứng lớp ở một điểm trường lẻ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, gánh cùng lúc trên vai 2 nhiệm vụ: giáo viên và bí thư chi đoàn đơn vị. Song, với sự kiên trì vượt khó, thầy giáo trẻ đã là người mẹ, người cha thứ 2 của các em nhỏ. Anh quan niệm, trẻ con như tờ giấy trắng, thầy, cô viết lên đó những điều tốt đẹp sẽ giúp trẻ trở thành người tốt. Đầu năm học khi nhận lớp, có bé chưa biết nhai cơm, có trẻ cứ đến buổi trưa lại quấy khóc không chịu ngủ, bằng sự kiên trì và nhẫn nại, người thầy tâm lý đã xây dựng cho trẻ những viên gạch kỹ năng đầu đời.
Thầy Phương Bình cho biết, thời gian đầu khi tiếp xúc với anh, nhiều phụ huynh tỏ ra e dè, lo lắng bởi “giáo viên nam khó tỉ mỉ, chu đáo được như các cô”. Lặng lẽ chứng minh bằng những việc làm cụ thể, anh đã dần có được sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh. Năm nay, niềm vui nhân ba với thầy giáo trẻ khi vừa được vinh danh tại Giải thưởng Võ Trường Toản, vừa được công nhận danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu quận 5 và bằng khen của UBND TPHCM.
Tiếp lửa nhờ học trò
Có mặt tại Trường Mầm non 3 (quận 3) vào một sáng đầu tuần, ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Huỳnh Thuần Nhu là dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ. Cô Thuần Nhu cho biết, thành quả sau hơn 20 năm công tác của cô là vinh dự có tên trong danh sách 40 giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Thành công đó không chỉ có sự cố gắng của bản thân, động viên của gia đình, hỗ trợ từ nhà trường mà còn được tiếp lửa từ chính học trò. Cô hạnh phúc khoe, nhiều học sinh của mình nay đã lớn, trở thành học sinh cấp 3, thậm chí sinh viên đại học, nhưng vẫn nhớ và về thăm cô giáo cũ mỗi dịp 20-11.
Video đang HOT
Cô Huỳnh Thuần Nhu, giáo viên Trường Mầm non 3 (quận 3). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ về công việc mình đang theo đuổi, cô Thuần Nhu bày tỏ, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả nhưng niềm vui lớn nhất đối với giáo viên mầm non là mỗi ngày được đón nhận tình cảm yêu thương của học trò. Niềm vui đôi khi chỉ đơn giản là những tiếng gọi trìu mến, hay ngọng nghịu hát tặng cô một bài hát, dù chưa thuộc lời. Nữ giáo viên nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, để làm tốt công việc giáo viên mầm non phải có lòng yêu trẻ, sau đó là sự tận tụy, cần cù. “Tôi từng có phút xao lòng vì nghề nghiệp của mình không được coi trọng. Nhưng những lúc như thế, bản thân lại tự động viên phải cố gắng, nỗ lực chăm sóc trẻ nhiều hơn, sự tiến bộ của các con sẽ là thước đo giúp phụ huynh và xã hội lấy lại niềm tin ở cô giáo mầm non”, cô giáo trải lòng. Trải qua 21 năm vui, buồn cùng trẻ, người giáo viên ấy vẫn một lòng tận tụy, dìu dắt nhiều thế hệ học trò khôn lớn.
Bám trụ và gắn bó với nghề giáo viên mầm non suốt 25 năm qua, động lực giúp cô Phạm Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình), chính là niềm vui được nhìn thấy sự trưởng thành của học trò. Bản thân từng trải qua 2 lần “thập tử nhất sinh” vì chống chọi với bệnh nan y nhưng cô Bích Hạnh vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác. Năm 2016, cô được chọn vinh danh danh hiệu “Trái tim người thầy” do Công đoàn Giáo dục TPHCM trao tặng. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, trở thành tấm gương sáng về ý chí và nghị lực cho các đồng nghiệp khác noi theo. “Mỗi ngày khi bước chân vào lớp, mọi buồn, vui cá nhân tôi đều gác lại ngoài cửa. Mình đến với trẻ bằng sự nhiệt tình, hăm hở sẽ nhận lại từ trẻ nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp nỗi buồn nhanh chóng qua đi, niềm vui ở lại”, cô Bích Hạnh chia sẻ.
Với cô Lê Mỹ Trinh, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận 6), trong vai trò Tổ trưởng chuyên môn tổ Lá, cô luôn tâm niệm phải làm hết sức mình, tích cực đi đầu trong mọi hoạt động. Thành công đối với người giáo viên mầm non không phải là giải thưởng, thành tích cho bản thân mà chính là tình cảm yêu thương và những tiến bộ của học trò, sự ghi nhận, tín nhiệm của phụ huynh.
Danh sách giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các cô: Ngô Hoàng Yến, giáo viên Trường Mầm non Phước Hiệp (huyện Củ Chi); Lê Thanh Thúy, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận Tân Phú); Trần Thị Tuyết Minh, giáo viên Trường Mầm non Hương Sen (quận Bình Tân) và Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên Trường Mầm non Thành phố.
THU TÂM
Theo SGGP
Thầy giáo 14 năm dạy trẻ mầm non giữa Sài Gòn
Ngay từ khi học lớp 11, cậu học trò Nguyễn Phương Bình đã xác định mình sẽ theo nghề giáo viên mầm non. Đến nay, đã gần 14 năm, thầy Bình là "mẹ hiền" của trẻ mầm non.
Mới đây, thầy Nguyễn Phương Bình - giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019.
Thầy Nguyễn Phương Bình là giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM.
Gia đình "choáng", bạn bè bất ngờ
Lý do thầy Bình chọn nghề rất giản dị: trước đây thầy hay chơi với các cháu, với các bé hàng xóm và thật sự bị thu hút trước sự hồn nhiên, ngây thơ và thông minh của trẻ nhỏ. Tự đánh giá thấy mình có khả năng chăm sóc và dạy các cháu nên thầy xác định sẽ trở thành giáo viên mầm non.
Gia đình chưa kịp mừng khi con theo Sư phạm thì "choáng" khi nghe con chọn Mầm non. Rồi đến bạn bè cũng bất ngờ, cũng can ngăn không chỉ vì những lý do thông thường như giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp mà chủ yếu cho rằng đó là nghề dành cho nữ giới.
Cho đến khi đi học Sư phạm, thầy Bình cũng là "độc đinh" trong lớp, thậm chí trong khối. Ai gặp cũng hỏi, sao thầy chọn nghề này.
Rồi đến khi thầy ra trường đi dạy, nhiều phụ huynh vừa tò mò lẫn lo lắng khi "mẹ hiền" của con mình lại một nam thanh niên, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng...
Nghe những điều đó, thầy Bình chỉ cười và "giải đáp" bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và sự gắn bó với nghề của mình bao nhiêu năm qua.
Lãnh đạo Trường mầm non 1 đánh giá, thầy Nguyễn Phương Bình là người thầy làm việc có trách nhiệm. Thầy sáng tạo, sắp xếp, tổ chức công việc rất khoa học và đặc biệt, thầy rất biết chia sẻ và lắng nghe không chỉ với học trò mà với đồng nghiệp.
Khó khăn nhiều nhưng cũng lắm lợi thế
Thời gian đầu khi thầy Bình mới ra trường, lại nhận lớp nhà trẻ, việc chăm sóc phức tạp, khó khăn hơn do các cháu chưa biết tự làm vệ sinh cá nhân. Lên lớp vài hôm, thầy Bình cũng... hết hồn, trong lòng nghĩ hay thôi mình nghỉ. Nhưng rồi, tiếp xúc với trẻ, các em rất tình cảm, nhanh quý mến người khác nên đã tiếp thêm "sức đề kháng" cho thầy.
So với đồng nghiệp nữ, thầy cũng gặp những trở ngại nhất định. Có trẻ ban đầu còn lạ lẫm, cô giáo đón không sao nhưng thấy thầy là khóc thét đòi mẹ; rồi nhiều công việc như tết tóc cho các bé gái thì thầy luống cuống hơn. Rồi ngay cả phụ huynh, chủ yếu là các bà mẹ đưa đón con, lúc đầu cũng ngại trao đổi với thầy về những vấn đề của trẻ.
Nhưng "ông thầy" dạy mầm non cũng có những lợi thế nhất định. Trong lớp, trong trường, những việc cần sức "đàn ông" như bê bàn ghế, lau dọn, tháo cánh quạt, sửa đồ này nọ đã có "thầy Bình ơi". Dần dần, thầy không còn nề hà bất cứ công việc nào, những công việc tỉ mỉ như lau dọn đồ chơi, cọ nhà vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ, trang điểm, múa hát cho các bé... thầy Bình bắt nhịp hết.
Khi thật tâm yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu trẻ thì không còn sự phân biệt giới tính. Thậm chí "ông thầy" còn có ưu điểm vừa làm mẹ nhưng cũng vừa làm người cha.
Đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai, việc hiện diện vai trò của một người đàn ông mạnh mẽ, hào hiệp, gánh vác những việc nặng và không ngại những việc tỉ mỉ... hình thành cho các em một hình mẫu đẹp.
Sự yêu nghề luôn thôi thúc thầy tìm tòi, sáng tạo hướng đến những điều tốt đẹp cho trẻ. Thầy Bình sáng tạo trong các bài dạy, các hoạt động, thậm chí là "phá cách", không đi theo những lối mòn trong giáo dục trẻ từ cách chọn đồ chơi, vật dụng làm minh họa trực quan sinh động.
Thầy Bình từng giành giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố; đạt danh hiệu "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" do Công đoàn giáo dục thành phố trao tặng.
Nhưng thành quả lớn nhất với thầy không phải là các danh hiệu. Thầy tâm sự nếu cho phép quay ngược thời gian hay có cuộc đời thứ hai, thầy vẫn sẽ chọn nghề giáo viên mầm non.
Hoài Nam
Theo Dân Trí
Thời thầy cô phải... "nhẫn"! Thầy cô giáo luôn cảm thấy áp lực khi hằng ngày, mỗi lời nói, hoạt động dạy học của mình đều bị theo dõi, săm soi từng li từng tí và theo đó là không ít nỗi niềm... Chưa bao giờ các mối quan hệ trong và ngoài ngành giáo dục phức tạp như hiện nay. Những người trực tiếp đứng trên bục...