Giáo viên Kon Tum lo lắng khi học sinh lớp 1 vẫn chỉ học 1 buổi/ngày
Dù đã gần kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 1 ở nhiều trường Tiểu học tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vẫn đang chỉ được học 1 buổi/ngày, ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy của thầy cô giáo và việc học tập của học sinh.
Năm học này, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà có 10 lớp với tổng số 336 học sinh. Trong đó, riêng lớp 1 có 2 lớp với 63 học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Phú, Hiệu trưởng cho biết, đối với học sinh lớp 1, trường chọn Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống. Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định dạy 2 buổi/ngày và trong tuần tối thiểu là 9 buổi nhưng nhà trường chỉ duy trì được 1 buổi/ngày và trong tuần là 5 buổi. Nguyên nhân do thiếu giáo viên.
“Nếu như đúng theo quy định nội dung của chương trình là phải đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp nhưng hiện tại, nhà trường chỉ có 10 giáo viên đa môn/10 lớp, cho nên các lớp 1 chỉ phân công cho 1 giáo viên/lớp nên chỉ thực hiện chương trình dạy học là 5 buổi/tuần. Đối với khối lớp 2 đến khối lớp 5, theo quy định học 1 buổi/ngày, đảm bảo tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp, hiện tại thiếu khoảng 2 giáo viên đa môn và khối lớp 1 thiếu 1 giáo viên đa môn để thực hiện chương trình 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và 1 buổi/ngày đối với với chương trình lớp 2 đến lớp 5″, cô giáo Nguyễn Thị Phú nói.
Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chỉ học 1 buổi/ngày
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đăk Mar cho biết, trường có trên 600 học sinh, riêng khối 1 có 4 lớp với 130 học sinh. Việc học sinh lớp 1 chỉ được học 1 buổi/ngày đang là trăn trở rất lớn của các thầy cô.
“Dạy 9 buổi/tuần phải đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, với cơ số giáo viên hiện tại, chúng tôi mới thực hiện được dạy 5 buổi/tuần. Không riêng gì trường Tiểu học Võ Thị Sáu mà tất cả giáo viên ở trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng rất trăn trở và lo lắng về việc nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đó là việc phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh kể cả về đức- trí- thể- mỹ. Hiện tại, đang thiếu 7 giáo viên và nhân viên. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là được bố trí đủ vị trí việc làm theo đúng quy định của Bộ Giáo dục để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018″, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.
Có chung hoàn cảnh như trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Tiểu học Võ Thị Sáu, hiện, huyện Đăk Hà có 12 trường Tiểu học trong tổng số 14 trường toàn huyện vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên lớp 1 nên chỉ duy trì được việc dạy 1 buổi/ngày. Đáng chú ý, ngay cả ở những xã thuận lợi của huyện như Hà Mòn, Đăk Mar, thị trấn Đăk Hà cũng trong tình trạng tương tự. Cùng với thiếu giáo viên, đến nay, mặc dù đã gần hết học kỳ 1 năm học 2020-2021, song các trường Tiểu học ở huyện Đăk Hà vẫn chưa được cấp trang thiết bị dạy học cho giáo viên lớp 1.
Hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 1 được trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức tại sân trường.
Bà Y Sương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà cho biết, hiện, chỉ có cấp Trung học Cơ sở là đảm bảo số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16, ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Nội vụ. Đối với cấp Tiểu học còn thiếu 70 giáo viên đứng lớp và bậc mầm non thiếu 49 giáo viên.
Việc không đảm bảo được khung chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với học sinh lớp 1 do thiếu giáo viên và chưa có trang thiết bị dạy học chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của thầy cô cũng như tiếp thu kiến thức của học sinh.
“Chương trình 2018 là chương trình viết cho học 2 buổi/ngày nên lượng kiến thức phải chuyển tải rất nhiều nhưng lại không đảm bảo để học được 2 buổi/ngày do thiếu giáo viên thì chắc chắn không thể chuyển tải được hết những nội dung kiến thức trong một ngày học như vậy. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập của các em. Các em không thể nào đảm bảo được toàn bộ những yêu cầu của chương trình đã đặt ra và các em phải chịu thiệt thòi do không được học theo những yêu cầu của chương trình”, bà Y Sương cho hay.
Khắc phục tình trạng không duy trì được việc học 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1 và chưa được cấp trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã sử dụng lại trang thiết bị đồ dùng dạy học sẵn có; khuyến khích giáo viên lớp 1 tự làm đồ dùng dạy học phù hợp Chương trình mới; cắt giảm một số nội dung, như hoạt động trải nghiệm, dạy lồng ghép giáo dục địa phương…nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế, tạm thời và chắp vá./.
Cầu bị lũ cuốn trôi, giáo viên vượt hành trình gian nan "cõng chữ lên non"
Con đường đến trường của thầy trò vùng sâu tỉnh Kon Tum vẫn còn lắm chông gai sau đợt mưa lũ nhưng hàng trăm giao viên vẫn quyết tâm để học sinh được đến trường.
Nhà rông làng Đăk Pơ Trang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà được trưng dụng làm phòng học ghép lớp 1 và 2 vào buổi sáng gồm 18 học sinh. Còn buổi chiều phòng học ghép lớp 3, lớp 4 và lớp 5 gồm 26 em. Các lớp ghép này thuộc trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, xã Đăk Pxi.
Lý do đưa học sinh vào lớp ghép tại nhà rông vì cách đây hơn một tháng, hai chiếc cầu bắc qua sông Đăk Pxi bị nước lũ cuốn trôi. Học sinh làng Đăk Pơ Trang không thể qua sông đến trường chính để học, đành phải học tại nhà rông nên gặp nhiều khó khăn.
"So dạy bên trường thì dạy ở đây gặp một số khó khăn đó là cơ sở vật chất không đảm bảo, dạy ghép lớp 1 với lớp 2 nên nề nếp bị xáo trộn" - cô giáo Y Nghé, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện chia sẻ.
Đối với học sinh hệ mầm non làng Đăk Pơ Trang cũng như học sinh bậc tiểu học không thể qua sông đến trường chính để học đành phải học nhờ tại nhà dân trong làng. Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, các giáo viên nơi đây gặp khó khăn về đường đến trường lớp. Câu chuyện sạt lở núi làm hàng chục người chết trong mùa mưa năm nay trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên càng làm cho đội ngũ giáo viên nơi đây thêm lo âu.
Cô giáo Y Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: "Dù đường khó khăn chăng nữa thì giáo viên cũng phải đến trường, đến lớp; phải đi huy động học sinh, không cho học sinh vắng học, bỏ học. Trường hợp các em bỏ học, giáo viên phải đến tận nhà phụ huynh huy động các em ra lớp.
Ngày thường đi đã khó, vào mùa mưa, càng khó gấp bội, đường đến trường lớp gặp nhiều con dốc gập ghềnh, gian nan, nhọc nhằn là vậy nhưng với những giáo viên công tác nơi đây thì thử thách vẫn còn ở phía trước. Thế nhưng không ai từ bỏ, mà luôn tìm đường bước lên phía trước, nơi học sinh là những con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang ngóng chờ.
Cô trò vào nhà Rông học vì lo sạt lở Lo sợ lũ cuốn sẽ ập xuống ngôi trường dưới chân núi nên cô trò cùng vào nhà Rông dựng lớp học tạm. Mưa lớn những ngày qua ở Đăk Hà (Kon Tum) khiến nhiều người lo ngại các vụ sạt lở đất đá và lũ quét có thể ập đến bất chợt. Trong đó, nguy hiểm nhất là những ngôi trường nằm...