Giáo viên đã khổ vì chứng chỉ lắm rồi, sao còn phải bỏ tiền học 2 môn tích hợp?
Việc ban hành quy định học bồi dưỡng 2 môn tích hợp mới giáo viên có thể phải đóng góp kinh phí là hết sức vô lý, gây bức xúc cho giáo viên.
Bài viết “ Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng” của tác giả Thanh An đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh có trường đại học sư phạm thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cơ sở, cụ thể như sau:…mỗi giáo viên học từ 20-36 tín chỉ, tương đương 150.000 đồng/ mỗi tín chỉ và mỗi giáo viên có thể đóng từ 3.000.000 đến 5.400.000 đồng.
Tiếp theo đó, khi bài viết “Giáo viên lo thiếu chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, có bị tinh giản biên chế?” được đăng tải phản ánh lo lắng của giáo viên về việc có khả năng phải tốn tiền học chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên, nhiều bạn đọc là giáo viên cho rằng người viết lo lắng quá thừa, không bao giờ có việc giáo viên đi học môn Khoa học tự nhiên phải đóng phí, chuyện đó để các cơ quan ban ngành lo.
Ảnh minh họa: Thùy Linh/GDVN
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 07 năm 2021 ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý đã có rất nhiều bức xúc trong giáo viên về việc quy định kinh phí học bồi dưỡng 02 môn tích hợp mới thì lo lắng của giáo viên là có cơ sở.
Kinh phí bồi dưỡng 02 môn tích hợp mới
Bài viết “Chương trình bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, thầy cô có thể phải đóng tiền” của tác giả Lê Minh đã phân tích khá cụ thể về những nội dung trong Quyết định 2454 trên.
Tại mục 7.6. Kinh phí bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên ban hành kèm theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021, kinh phí bồi dưỡng được quy định từ:
Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;
Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;
Do người học tự đóng góp.
Môn Lịch sử và Địa lý cũng vậy, điều này quy định tại mục 6.6 Kinh phí bồi dưỡng , Chương trình bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT.
Như vậy, trong thời gian tới đây thì những giáo viên dạy 02 môn tích hợp của chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở sẽ phải đi học lớp bồi dưỡng để đảm bảo yêu cầu giảng dạy được cả môn tích hợp trong tương lai và có thể thầy cô sẽ phải đóng góp kinh phí.
Quá vô lý khi yêu cầu giáo viên có thể đóng góp kinh phí học bồi dưỡng 02 môn tích hợp
Sinh viên khi học ngành sư phạm trước đây được miễn hoàn toàn học phí, được hỗ trợ chi phí học tập, hiện nay thì được hỗ trợ kinh phí để học tập, sau đó nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian thì không phải hoàn trả phần kinh phí, học phí trên.
Video đang HOT
Hay như trong Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, về học bồi dưỡng cho những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 mới thì giáo viên được miễn phí 100% học để đạt chuẩn theo lộ trình.
Hay các đợt bồi dưỡng, tập huấn khác của giáo viên đều được miễn phí, được cấp kinh phí học tập, đi lại,…
Đối tượng học bồi dưỡng 02 môn tích hợp mới là những giáo viên đang giảng dạy trong ngành giáo dục, có người đã công tác trên 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, đạt chuẩn và trên chuẩn, có nhiều thành tích.
Việc thay đổi 03 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn Khoa học tự nhiên; 02 môn Lịch sử, Địa lý thành 01 môn Lịch sử và Địa lý là do thay đổi chương trình mới, môn học mới nên việc tập huấn, bồi dưỡng 02 môn tích hợp mới phải được nhà nước cấp kinh phí học không thể lấy từ nguồn ngân sách của trường và cá nhân tự đóng góp kinh phí, như thế rất bất hợp lý, bất công cho giáo viên, gây khó khăn cho các nhà trường và giáo viên.
Từ những phân tích trên, việc ban hành quy định về việc học bồi dưỡng 02 môn tích hợp mới giáo viên có thể phải đóng góp kinh phí là hết sức vô lý, gây bức xúc cho giáo viên.
Có thể, nhiều giáo viên ở các địa phương phải tự đóng tiền
Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên sẽ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng góp.
Có thể thấy là kinh phí lần này khi học bồi dưỡng, tập huấn 02 môn tích hợp, giáo viên có thể phải tốn tiền toàn bộ hoặc tốn một phần kinh phí để đi học vì các lý do sau đây:
Thứ nhất , về nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương thì hơi khó vì các nguồn kinh phí để dành cho rất nhiều hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, các hoạt động khác và đã giao về đơn vị thực hiện tự chủ, nên khó lấy nguồn này chi cho giáo viên bồi dưỡng 02 môn tích hợp.
Thứ hai , nếu lấy từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng điều này cũng khó, kinh phí của đơn vị là trường học rất có hạn, đa số đã có đầy đủ mục chi, lúc này lại có rất nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng các chương trình khác nếu sử dụng kinh phí cho giáo viên học bồi dưỡng 02 môn tích hợp thì có thể lấy từ nguồn kinh phí tiết kiệm hoặc nguồn kinh phí khác,…thì cuối năm các trường sẽ không còn nguồn để chi tăng thu nhập cuối năm cho giáo viên, lúc đó giáo viên khác sẽ bức xúc, gây mất đoàn kết nội bộ,..
Do vậy chỉ có lấy người đi học là người phải đóng tiền đi học bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên theo như nội dung trong Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT.
Kiến nghị Bộ quy định việc bồi dưỡng 02 môn tích hợp là miễn phí
Khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa 02 môn tích hợp vào, đã có dự trù kinh phí bồi dưỡng, tập huấn, có kế hoạch cụ thể,… đã nhiều lần trấn an giáo viên yên tâm, sẽ không quá vất vả, không tốn phí,…
Thì nay khi ban hành quyết định mới lại có nội dung yêu cầu giáo viên có thể đóng góp tiền học bồi dưỡng chương trình 02 môn tích hợp gây bức xúc lớn cho giáo viên.
Giáo viên trên ngoài thực hiện đủ nhiệm vụ, phải tập huấn các mô đun bồi dưỡng thường xuyên, phải sắp xếp thời gian đi học bồi dưỡng các môn tích hợp rất vất vả, khó khăn, nhất là các giáo viên ở các vùng khó khăn phải di chuyển xa để đi học, bồi dưỡng.
Giáo viên đã vất vả, thu nhập đã thấp, đời sống nhiều khó khăn, áp lực công việc nhiều,…mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để giáo viên được bồi dưỡng miễn phí, tức là bỏ quy định kinh phí bồi dưỡng do người học tự đóng góp.
Điều này đang gây bức xúc rất lớn cho giáo viên, các trường cũng khó khăn khi xây dựng kế hoạch bồi dưỡng 02 môn tích hợp.
Giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý giai đoạn này và thời gian tới sẽ vô cùng vất vả, khó khăn, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có thông tin cho giáo viên yên tâm công tác, đừng để các cơ sở đào tạo moi tiền giáo viên, tránh lợi ích nhóm trong việc đào tạo bồi dưỡng gây ra tâm lý không tốt, bức xúc trong giáo viên. Rất mong Bộ xem xét lại nội dung này, miễn kinh phí là cần thiết, hợp lý, hợp tình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bồi dưỡng 2 môn tích hợp mới, Bộ để các trường tự bơi, giáo viên bỏ tiền ra học?
Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có những chỉ đạo cụ thể sự việc này để đội ngũ nhà giáo dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở yên tâm công tác.
Ngày 12/7/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng" của tác giả Thanh An và bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo sẽ dạy 2 môn học này trong những năm tới đây.
Chính vì thế, bài viết đã được nhiều trang mạng xã hội của giáo viên chia sẻ lại và có một số ý kiến lo lắng về việc bồi dưỡng 2 môn học tích hợp mà 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh để bồi dưỡng. Sự lo lắng là điều khó tránh khỏi bởi tới đây liệu các trường sư phạm khác có làm điều tương tự hay không?
Và, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về lộ trình bồi dưỡng 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì giáo viên đi học sẽ phải bỏ tiền cá nhân ra để đóng học phí và việc bố trí thời gian đi học sẽ thực hiện như thế nào?
Nhưng, nếu không đi học bồi dưỡng thì liệu chủ trương của Bộ là tiến tới giáo viên sẽ dạy cả môn học tích hợp thì đội ngũ nhà giáo có thực hiện được hay không?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: pgdhongngu.edu.vn.
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH chưa cụ thể hóa việc bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp như thế nào
Để chuẩn bị cho việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây thì ngày 23/6 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và có hướng dẫn các nhà trường về việc bố trí giáo viên giảng dạy và chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để tiến tới làm chủ cả môn học tích hợp.
Cụ thể, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: " Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học "...
Tuy nhiên, cho dù nhà trường " chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học " nhưng ai bồi dưỡng cho giáo viên và kinh phí bồi dưỡng này ai chịu thì Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH không đề cập và Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc này ở các văn bản khác.
Trong khi đó, 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí trên website của nhà trường...
Hình thức học tập; chương trình bồi dưỡng; kinh phí bồi dưỡng đã được đơn vị này cụ thể hóa trong thông báo. Số tiền mà học viên phải đóng cũng là một số tiền tương đối lớn so với đồng lương hàng tháng của giáo viên và thời gian học tập cũng không hề ít.
Có lớp 20 tín chỉ, có lớp 36 tín chỉ mà theo cách tính thông thường thì 1 tín chỉ bằng 15 tiết học lý thuyết...thì quả là thời gian học tập sẽ không hề ít. Vì thế, dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các học viên cũng phải bố trí thời gian mới có thể học được.
Đặc biệt, nếu giáo viên đăng ký học tự phát không chỉ là phải bỏ tiền cá nhân mà việc bố trí thời gian học tập cũng không hề dễ dàng trong quá trình học, nhất là lớp có tới 36 tín chỉ sẽ kéo dài thời gian học tập trong nhiều tháng.
Trong khi, giáo viên còn công việc chính là phải giảng dạy trên lớp theo số tiết quy định đã được nhà trường phân công.
Nhà trường sẽ bị động nếu thực hiện theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH
Ai cũng có thể nhìn thấy việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 ở cấp Trung học cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn đối với cả nhà trường và những giáo viên đảm nhận 2 môn học mới này.
Bởi, với cách giao nhân sự và khoán kinh phí hàng năm như hiện nay thì Ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng các nhà trường phải tính toán rất kĩ lưỡng để cân đối nhân lực và số tiền ngân sách cấp về hàng năm.
Cho dù là Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: " Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên " nhưng thực tế khi thực hiện sẽ khó hơn rất nhiều.
Nếu như hiệu trưởng phân công giáo viên " phù hợp với năng lực chuyên môn " mà dẫn đến việc người này thiếu tiết, người kia thừa tiết thì giải quyết bài toán này cũng không hề đơn giản. Người thiếu tiết có thể vui nhưng người thừa tiết theo quy định họ sẽ phải có ý kiến về số tiền thừa giờ mà họ đã dạy.
Đặc biệt, nếu Bộ, Sở chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thì cũng không có hiệu trưởng nào dám lên kế hoạch cho giáo viên đi bồi dưỡng, học tập. Bởi, lên kế hoạch đưa giáo viên đi học cũng đồng nghĩa là phải tính toán đến phương án chi trả kinh phí đào tạo.
Nếu hiệu trưởng nhà trường cho giáo viên đi học mà chưa có chủ trương không chỉ không được chi kinh phí, chế độ cho đồng nghiệp mà rất dễ bị kỷ luật.
Trong khi, nếu giáo viên không được bồi dưỡng về chuyên môn thì việc giảng dạy trên lớp sẽ gặp nhiều khó khăn. Thôi thì lớp 6, lớp 7 còn dễ, giáo viên có thể cáng đáng được nhưng khi học sinh học lớp 9, các em phải thi chuyển cấp thì việc giáo viên "ôm" cả môn tích hợp để ôn thi là điều không hề đơn giản chút nào.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về lộ trình, kinh phí đào tạo (nếu có) giống như lộ trình nâng chuẩn của giáo viên để các nhà trường, giáo viên chủ động trong mọi kế hoạch của mình.
Việc thực hiện giảng dạy 2 môn tích hợp có liên quan trực tiếp tới tất cả các trường Trung học cơ sở và hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên rất dễ dẫn đến tình trạng tự phát như việc học các chứng chỉ trong những năm vừa qua.
Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có những chỉ đạo cụ thể sự việc này để đội ngũ nhà giáo dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở yên tâm công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trường sư phạm nhanh chân mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng Mỗi tín chỉ có kinh phí bồi dưỡng là 150.000 đồng thì chúng ta thấy lớp 20 tín chỉ sẽ có giá là 3.000.000 đồng và lớp 36 tín chỉ sẽ có giá là 5.400.000 đồng. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa 2 môn học tích hợp vào giảng dạy ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 đối...