Giáo viên bối rối khi dạy môn tích hợp
Dù đã được tập huấn về chương trình trước khi bước vào năm học mới nhưng do phải dạy trực tuyến, chưa có kinh nghiệm nên nhiều giáo viên gặp khó khi dạy môn tích hợp.
Năm học 2021-2022 tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 2 và lần đầu tiên ở bậc THCS với lớp 6.
Đối với lớp 6 xuất hiện hai môn học tích hợp đó là môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên.
Vật vã soạn giáo án
Năm học này, cô Dương Thị Mỹ Duyên, giáo viên (GV) Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, được phân công phụ trách môn khoa học tự nhiên trong SGK lớp 6. Trước đó chuyên môn chính của cô là GV vật lý.
Trước khi bắt đầu năm học, cô và các GV khác đã được tham gia các lớp học bồi dưỡng về môn tích hợp. Bản thân GV đã có sự chuẩn bị về mặt kiến thức một cách cơ bản. “Tuy nhiên, do chúng tôi trước đây chủ yếu được đào tạo đơn môn. Trong khi môn khoa học tự nhiên có sự tích hợp kiến thức các phân môn vật lý, hóa học, sinh học nên trong quá trình dạy, tôi phải đầu tư học hỏi và nhờ sự trợ giúp chuyên môn từ các thầy cô khác” – cô Duyên nói.
Cô Duyên cho biết thêm đây là năm đầu tiên thay SGK lớp 6. Tuy nhiên, do dịch nên các em phải học trực tuyến. SGK mới, học trò mới, lại không có sự tiếp xúc trực tiếp với thầy cô nên ban đầu các em có sự bỡ ngỡ. Mặt khác, đặc thù của môn học cần phải có sự thực hành nhưng với tình hình giãn cách, học trên môi trường Internet rất khó thực hiện. Điều này đã phần nào khiến môn học khó có thể đạt được hiệu quả cao.
Tương tự, GV dạy môn lịch sử tại một trường THCS ở quận 12 cho biết năm nay cô dạy môn sử và địa. “Được đào tạo bốn năm đại học, sở trường của tôi là môn lịch sử trong khi mới tập huấn được mấy tháng giờ phải dạy thêm kiến thức môn địa lý, tôi hơi lo lắng. Bản thân tôi phải vừa dạy vừa học. Dạy bài nào học bài đó. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm bài học sẽ không hay nhưng tôi cố gắng đảm bảo kiến thức cho các em” – cô này nói thêm.
Cô cho biết thêm đối với môn lịch sử và địa lý, nếu để GV địa lý dạy phần kiến thức địa lý, GV sử dạy kiến thức sử thì sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, sẽ gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh (HS).
“Nhà trường đã quyết, chúng tôi phải chấp hành, cố gắng dạy và từng bước tìm cách tháo gỡ. Chưa kể, dạy học trên môi trường Internet, mạng chập chờn, lúc được lúc không rất khó có thể truyền tải hết kiến thức cho các em. Nói chung, khó đủ đường” – cô này chia sẻ thêm.
Giáo viên Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức trong một tiết dạy trực tuyến với học sinh lớp 6. Ảnh: NTCC
Nhà trường động viên, tìm cách khắc phục
Để tháo gỡ khó khăn cho GV, cô Duyên cho biết nhà trường đã thành lập tổ chuyên môn lý – hóa – sinh. Tổ này gồm các thầy cô giảng dạy môn lý, hóa, sinh cùng phụ trách dạy môn khoa học tự nhiên. Các thành viên trong tổ sẽ trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức liên quan đến bộ môn thông qua các buổi họp, thao giảng, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề nhằm giảm bớt áp lực từ phía GV và HS.
Video đang HOT
Thừa nhận vấn đề trên, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Gò Vấp cho hay trường phân công môn tích hợp sẽ do một người dạy. “Ban đầu, các thầy cô rất lo lắng, sợ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Sau khi nghe tôi phân tích và động viên, họ đồng ý.
Đối với môn tích hợp, nếu phân công mỗi GV phụ trách một phần nội dung theo chuyên môn của mình sẽ rất cực cho tổ trưởng lẫn phó hiệu trưởng. Họ sẽ phải theo dõi một lúc năm môn, chưa kể khi chuyển từ kiến thức môn học này sang môn khác sẽ phải thay đổi thời khóa biểu. Trong khi đó, đối với một trường có 45 lớp thì việc này không đơn giản. Vì vậy, nhà trường vận động một GV đảm nhiệm luôn. Bởi kiến thức lớp 6 chưa khó, hơn nữa họ đã được đào tạo qua, tôi nghĩ họ sẽ làm tốt” – vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, quận 6, cho hay đa phần GV đều được đào tạo đơn môn. Do đó, trước khi phân công nhiệm vụ GV dạy môn tích hợp, nhà trường đều gặp gỡ và làm công tác tư tưởng.
Tại trường, môn lịch sử và địa lý hay môn khoa học tự nhiên đều sẽ do một GV dạy. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, họ sẽ được hỗ trợ từ đồng nghiệp. “GV chuyên về lịch sử sẽ đảm nhận soạn các vấn đề liên quan đến lịch sử. GV chuyên về địa lý sẽ chịu trách nhiệm các vấn đề về địa lý. Sau đó, các thầy cô sẽ hợp tác với nhau, thống nhất trong quá trình giảng dạy. Trong điều kiện hiện nay, nhà trường yêu cầu GV truyền tải những kiến thức cơ bản nhất. Những vấn đề khác sẽ được củng cố khi các em đi học tập trung” – bà Hồng nói.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, cho hay sau khi cân nhắc những ưu điểm, hạn chế, trường quyết định mỗi môn tích hợp sẽ do một GV đảm nhận. Bởi nếu như môn khoa học tự nhiên bố trí ba GV cùng dạy sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, đánh giá HS cũng là cả vấn đề. Ai sẽ ra đề, ai sẽ chấm và sẽ ký vào sổ học bạ.
Cũng theo bà Giang, việc một GV chuyên về lý, sinh hoặc hóa phải dạy môn khoa học tự nhiên sẽ không đơn giản. “Tuy nhiên, trường thường xuyên họp tổ chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm, bản thân tôi luôn lắng nghe những phản hồi của GV để tháo gỡ. Vì thế, dù ban đầu sẽ khó nhưng không thể không dạy vì đó là nhiệm vụ của GV. Hơn nữa, tôi tin đã được tập huấn, GV sẽ có thể làm được” – bà Giang chia sẻ.
Tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021-2022
Đối với lớp 6, thực hiện chương trình mới, những nội dung phù hợp và thuận lợi cho HS khai thác, sử dụng hiệu quả SGK và học liệu dạy học trực tuyến, nhà trường sẽ tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học hoặc hướng dẫn HS tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế…
Đối với lớp 7 đến 12, dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình năm 2006 và điều chỉnh nội dung các môn, nêu rõ những phần GV cần làm, HS tự học, tự đọc, tự thực hiện.
Bộ GD&ĐT
Trường học lúng túng khi bắt đầu dạy môn tích hợp
Các địa phương trên cả nước đang dần chính thức bước vào năm học mới. Tuy nhiên, việc dạy các môn tích hợp như thế nào vẫn khiến cả giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường lúng túng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học 2021-2022 là tiếp tục triển khai chương trình và SGK mới ở lớp 2 và lớp 6, trong đó ở lớp 6 xuất hiện một số môn học mới là môn tích hợp Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học).
Giáo viên bối rối
Thầy Nguyễn Văn Lực là giáo viên dạy Lịch sử và Giáo dục công dân ở Trường THCS Diên Khánh (Khánh Hòa). Năm nay, thầy Lực được phân công dạy Lịch sử lớp 6.
Thầy giáo này cho biết đang soạn giáo án chuẩn bị cho năm học mới sẽ bắt đầu từ ngày 13/9. Mặc dù Lịch sử được thiết kế nằm trong môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, tuy nhiên vì trường của thầy đủ giáo viên nên mỗi giáo viên sẽ phụ trách một phân môn riêng.
Chưa được tham gia một lớp bồi dưỡng nào về dạy theo chương trình mới, thầy Lực nói khá lo lắng trước những tiết học có nội dung của cả hai môn học Lịch sử và Địa lý.
Năm học này, chương trình và SGK mới được triển khai ở lớp 6. Ảnh: Thanh Tùng
"Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, với môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
Như vậy có thể hiểu giáo viên môn nào vẫn phụ trách phần của môn đó.
Tuy nhiên, nhiều nội dung môn Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và ngược lại nên giáo viên phải có kiến thức cả về Lịch sử và Địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp này. Nhưng có bao nhiêu thầy cô có cả kiến thức chuyên môn về cả 2 môn?
Đây chính là băn khoăn của giáo viên chúng tôi. Hiện nay hầu hết giáo viên được đào tạo để dạy đơn môn mà nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định" - thầy giáo này chia sẻ.
Một giáo viên dạy Sinh học ở TP.HCM cho biết trường của mình vẫn bố trí nhiều giáo viên để dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6. Giáo viên này nhìn nhận đây là sự sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, khi các giáo viên dạy đơn môn chưa kịp học thêm hay bồi dưỡng thêm về dạy tích hợp.
"Bây giờ nếu bảo tôi dạy cả những nội dung về Vật lý hay Hóa học thì vẫn có thể được nhưng thú thật là sẽ chỉ qua loa thôi, không thể vững vàng như các thầy cô được đào tạo về các môn học này. Điều này sẽ thiệt thòi cho học sinh. Có thể năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể dạy tích hợp như mục tiêu của Bộ GD-ĐT đề ra, nhưng tới đây nếu Bộ không có giải pháp cụ thể hơn về giáo viên thì tôi cho rằng môn Khoa học tự nhiên sẽ vẫn chỉ như phép cộng của 3 môn Lý - Hóa - Sinh, mà lại còn rối rắm hơn cách dạy học trước đây".
Hiệu trưởng loay hoay tìm giải pháp
Hiệu trưởng một trường THCS ở Nghệ An cho hay bản thân lúng túng trong việc phân công giáo viên dạy tích hợp. Theo vị này, nếu muốn giáo viên dạy theo mạch kiến thức của chương trình, hết chủ đề này rồi đến chủ đề khác thì không thể đủ giáo viên dạy cho các lớp.
"Hiện nay, trường đang gặp phải cảnh thiếu giáo viên nên việc bố trí càng bị động, do đó, việc triển khai 2 môn tích hợp ở lớp 6 là Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý rất khó khăn".
Để đảm bảo chất lượng, trường đang bố trí 3 giáo viên dạy một môn Khoa học Tự nhiên.
Còn môn Lịch sử và Địa lý, do quá thiếu giáo viên Lịch sử nên trường này bố trí giáo viên môn Địa lý dạy luôn.
Một khó khăn nữa là khi bố trí các chủ đề, dẫn tới các hiện tượng không khớp theo mạch tiến độ logic của chương trình. Ví dụ, môn Sinh học 2 tiết, một Hóa học 1 tiết, môn Vật lý 1 tiết, có thể khiến khi học một chủ đề thì ở một môn nào đó kiến thức của học sinh chưa tới.
Theo vị hiệu trưởng này, sắp xếp thời khóa biểu là cả một bài toán khó ở trường. Nếu thực hiện theo yêu cầu dạy đúng tuần tự, việc xếp thời khóa biểu là vô cùng gian nan. Bởi phải căn cứ vào số lượng giáo viên bộ môn theo khối lớp, hoàn cảnh, điều kiện của từng giáo viên.
"Ngoài ra phải phân công sao cho nhịp nhàng giữa các bộ môn tích hợp. Nếu bố trí theo mạch của một lớp thì lấy đâu ra giáo viên để dạy các lớp khác", thầy này nói.
Song, bố trí dạy học là một chuyện, khâu khó khăn và lúng túng nhất là việc kiểm tra và đánh giá học sinh.
"Khi kiểm tra định kỳ buộc phải làm đề chung, như vậy để xây dựng 1 đề thì phải 3 giáo viên cùng làm, rồi 3 giáo viên cùng chấm. Rồi bố trí phân công cho giáo viên nào vào điểm, đánh giá. Rồi với một môn mà 3 giáo viên dạy thì cả 3 cùng chịu trách nhiệm, nhưng ai chịu trách nhiệm lời phê và ký trong học bạ; đó cũng là cả một vấn đề", vị này nêu vấn đề.
Nói về chất lượng thực chất dạy học tích hợp, vị này chia sẻ: "Không hiểu tích hợp để làm gì khi thực chất sách giáo khoa vẫn chia các phân môn độc lập với các mạch kiến thức riêng. Như môn Toán có Hình học và Đại số thì giờ môn Khoa học tự nhiên cũng tương tự như vậy, gồm các phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý. Có thể hình dung trước đây in 3 sách thì giờ in gộp vào 1 sách".
Hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội cũng đồng tình với những nhận định này.
"Thực tế, hiện nay chưa đảm bảo đúng được tinh thần tích hợp, dạy học theo kiểu cuốn chiếu, bởi trường vẫn bố trí nhiều giáo viên dạy một môn Khoa học tự nhiên. Giáo viên chưa kịp học các bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ cần có để dạy tích hợp" - hiệu trưởng này nói.
Với số giáo viên đang có ở Học kỳ I (tính cả số nghỉ sinh...), trường này đang chia mỗi tuần 2 tiết với giáo viên Sinh, 1 tiết do giáo viên Hóa học và 1 tiết do giáo viên Vật lý đứng giờ Khoa học tự nhiên.
Ở môn Lịch sử và Địa lý, trường khá may mắn khi 1 giáo viên có cả 2 bằng chuyên môn về Lịch sử và Địa lý.
"Ở học kỳ I, 1 giáo viên có 2 bằng nhận 3 lớp. 3 lớp còn lại thì đang phải chia thời khóa biểu mỗi tuần 2 tiết do giáo viên dạy Lịch sử trước đây dạy, 1 tiết giáo viên dạy Địa lý trước đây đứng lớp. Sau đó 9 tuần, tức nửa học kỳ thì sẽ đổi lại, 2 Địa lý, 1 Lịch sử để đảm bảo chương trình".
Khi kiểm tra giữa kỳ, đề thi sẽ được xây dựng theo tỷ lệ số tiết học của các phân môn đã được dạy. "Sau đó các giáo viên sẽ phải ngồi thêm với nhau để họp đánh giá chung cho môn chung là Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý. Rồi còn phân công người vào điểm, nhận xét học bạ, bởi về quy định chỉ được phép 1 người dạy môn học chứ không thể ghi 2 giáo viên - đây chỉ là cách chữa cháy".
Vị này cho hay, qua trao đổi, nhiều đồng nghiệp của bà cũng đang gặp tình trạng tương tự.
Chỉ khi có giáo viên có đủ năng lực, trình độ, tính pháp lý đứng lớp thì mọi việc mới hết rối rắm. Tuy nhiên, đây là câu chuyện đào tạo lâu dài.
Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới không có "F1, F2" So với lớp 1 thì việc triển khai chương trình - sách giáo khoa mới lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, am hiểu chương trình. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại "Hội nghị sơ kết bồi dưỡng giáo viên, cán...