Giáo sư Nguyễn Anh Trí: “Chạy theo bằng cấp, chứng chỉ gây ra lãng phí rất lớn”
Đại biểu Quốc hội – Giáo sư Nguyễn Anh Trí đề nghị phải truy xét trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị tham mưu ban hành chính sách gây ra lãng phí.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội – Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã đề cập tới vấn đề nhiều người chạy theo văn bằng, chứng chỉ, gây ra sự lãng phí rất lớn. Và, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông khẳng định, cần phải truy xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng đòi hỏi chứng chỉ một cách vô lý, gây ra thiệt hại cả về thời gian và kinh tế.
- PV: Thưa Giáo sư, ông đã đề cập tới chuyện nhiều người chạy theo văn bằng, chứng chỉ và gây nên một sự lãng phí lớn. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí : Tôi thấy có một thực tế hiện nay là hàng năm số lượng các em tốt nghiệp trung học phổ thông rồi vào đại học rất lớn. Vẫn biết nhu cầu học tập là chính đáng, song thực tế là rất nhiều em không biết vì sao lại vào đại học, chọn ngành ấy có phù hợp với mình không, tốt nghiệp rồi sẽ làm gì? Rất nhiều em vào đại học là theo xu hướng chung, thấy bạn đăng ký thì mình cũng đăng ký, một nhóm khác thì vào đại học theo mong muốn của bố mẹ và cũng không hề có kế hoạch gì cho tương lai. Đó là một sự lãng phí rất lớn!
Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều em không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành mà chuyển sang làm những công việc khác để mưu sinh. Cũng có nhiều em tiếp tục học thạc sĩ, học các loại văn bằng chứng chỉ mặc dù không có kế hoạch gì cả, trong số ấy nhiều bạn không tìm được việc làm phù hợp nên đi học tiếp. Đó cũng là một sự lãng phí rất lớn cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Việc nhiều người chạy đua vào đại học, rồi học thạc sĩ, rồi tiếp tục lấy các loại văn bằng chứng chỉ có một phần nguyên nhân từ quy định tuyển dụng ở cơ quan nhà nước. Bằng cấp thì rất cần, xã hội nào cũng cần, nhưng là cần trình độ thật tương xứng với tấm bằng chứ không phải là lấy tấm bằng cho đảm bảo hình thức rồi tìm cách này cách khác lọt được vào cơ quan nhà nước.
Đây là sự khác biệt rất lớn giữa việc tuyển dụng và sử dụng lao động ở cơ quan nhà nước và những đơn vị tư nhân. Các đơn vị ngoài nhà nước kiểm tra năng lực thực tế chứ không đặt nặng chuyện bằng cấp, ai có khả năng là sẽ được trọng dụng, công việc rất cụ thể rõ ràng không thể né tránh, không ai làm thay được. Còn ở cơ quan nhà nước thì đâu đó vẫn có chuyện những người năng lực kém ngồi ì ra đó, nhiều người lo kiếm tấm bằng cho đẹp rồi vào được cơ quan nhà nước lấy cái mác chứ chẳng cống hiến được bao nhiêu. Đó là thực tế trong xã hội!
Đại biểu Quốc hội – Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Viết Phùng.
- PV: Theo Giáo sư, làm thế nào để thay đổi thực trạng này?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí: Thứ nhất, đối với bản thân người học và các gia đình cần phải có sự lựa chọn đúng đắn, không nên lãng phí tuổi trẻ và sức lực vô ích. Khi lựa chọn vào một trường đại học, cao đẳng hay cho dù đi học nghề cũng phải là sự tính toán kỹ lưỡng về mục tiêu.
Tốt nghiệp đại học để rồi đi làm thuê làm mướn những công việc không có chất xám ngành nghề theo học thì uổng phí thời gian và chi phí. Có thể nói rằng đó là một vụ đầu tư thất bại, nhưng cái mà các bạn mất không phải chỉ là tiền bạc, mà là mất định hướng của bản thân, lãng phí mất mấy năm tuổi trẻ.
Video đang HOT
Vì vậy, việc đầu tiên là các bạn phải có lựa chọn đúng để phát huy được năng lực của bản thân, cho dù lựa chọn ngành gì đi chăng nữa thì cũng phải phù hợp với hoàn cảnh và phải đúng với đam mê, sở trường.
Nếu bạn có năng khiếu hội họa cũng rất tốt và có thể phát huy; nếu bạn thích nấu ăn và đam mê làm bánh thì cũng có thể phát triển theo hướng ấy. Chắc chắn rằng khi các bạn phát huy sở trường, sống với đam mê thì có nhiều cơ hội để thành công, bởi vì bạn đang xây dựng kế hoạch cho tương lai rất cụ thể chứ không phải là vào đại học rồi chẳng biết ra trường sẽ làm gì.
Đó là về phía người học, còn ở phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có những đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn. Tôi cũng mong Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, vì đó cũng là vấn đề nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.
Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý thì cũng phải thật sự đổi mới chứ đừng vẽ ra những quy định phù phiếm, thiếu tính thực tế. Tôi nói vậy vì thực tế là có những thời điểm ngay chính trong ngành giáo dục cũng đã có yêu cầu rất bất hợp lý về chứng chỉ, gây khó khăn cho các nhà giáo.
- PV: Ông đang đề cập tới chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khiến nhiều giáo viên lao đao suốt một thời gian dài?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí: Vào đầu năm nay, ngành giáo dục đã bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học đối với nhà giáo và đang cùng ngành nội vụ rà soát quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Tôi tìm hiểu và thấy báo chí đã đề cập nhiều tới vấn đề này, xảy ra suốt từ năm 2015, xuất phát từ một chùm thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau đó, hàng loạt giáo viên đã phải chi tiền đi học chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ rồi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng. Thật hài hước, học cho để có đủ chứng chỉ theo yêu cầu, chứ thực tế công việc của họ thì chẳng cần đến. Đáng lẽ ra phải đào sâu, nâng cao trình độ chuyên môn của từng giáo viên theo đúng môn dạy của họ thì lại đi áp dụng chứng chỉ đồng loạt như vậy.
Tôi không hiểu nổi, các đơn vị ở cấp cục, vụ giúp việc cho lãnh đạo Bộ đã làm việc thế nào mà nghĩ ra những chuyện trên trời như vậy và để tồn tại suốt mấy năm trời.
Hậu quả là có biết bao nhiêu giáo viên đã tốn tiền, tốn công sức đi học mấy loại chứng chỉ vô lý này. Bây giờ ai chịu trách nhiệm khi ban hành chính sách trên trời thế này?
Phải tìm ra những người đã đề xuất, xây dựng và xử lý trách nhiệm chứ, chẳng lẽ coi như không có gì xảy ra?
Có những giáo viên dạy Toán đã rất bức xúc nói với tôi rằng họ rất vất vả, dạy học sinh cả ngày, 8 giờ tối mới về tới nhà. Ăn cơm xong là lại kiểm tra bài của học sinh, nhắc nhở, rồi còn nhắn tin cho các phụ huynh yêu cầu phối hợp giám sát các con làm bài tập. Vòng quay thì như vậy đấy, thế mà phải thu xếp mất mấy tháng trời để đi học ngoài giờ còn lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Họ biết là vô lý mà vẫn phải đi học.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí đề nghị cần sớm xem xét, đánh giá để ngăn chặn sự lãng phí vì có nhiều loại chứng chỉ không cần thiết. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
- PV: Thưa ông, nhân chuyện bàn về sự lãng phí từ các loại văn bằng, chứng chỉ, xin nêu thực trạng sinh viên ở các trường đại học phải hoàn thành chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu của trường thì mới đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng vấn đề là ở từng trường thì lại làm khác nhau, liệu rằng thực chất hay lại hình thức?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí: Tôi có nhận được phản ánh về vấn đề này và nhiều người nói rằng những chứng chỉ bắt buộc này dù có cũng chưa hẳn thực chất. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem lại hiện nay các trường đang làm thế nào, có cần thiết phải quy định sinh viên phải có mấy loại chứng chỉ ấy không?
Thứ nhất là đối với các ngành có yêu cầu bắt buộc thì trường đã công bố chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra ngoại ngữ để người học biết mà lựa chọn và khi đã chọn thì phải tuân thủ đúng. Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy rằng nhiều ngành cũng không cần chuẩn đầu ra ngoại ngữ, cứ bắt buộc sinh viên phải có chứng chỉ thì chỉ lãng phí, bởi vì khi các bạn không sử dụng thì chỉ vài ba năm ra trường là rơi rớt hết. Không sử dụng thì chuẩn ra để làm gì? Đó cũng là lãng phí rất lớn! Chưa kể là khi các bạn nhận được những chứng chỉ ấy chắc gì đã phải là trình độ thật?
Còn với những bạn mà có định hướng công việc và cần sử dụng thì người ta sẽ phải học và nâng dần trình độ để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị.
Đối với vấn đề tin học cũng vậy, bây giờ tin học văn phòng hay những kỹ năng tra cứu cơ bản các bạn trẻ đều rất thạo, chẳng cần phải bắt buộc chứng chỉ làm gì cho tốn kém, phức tạp. Nếu tuyển dụng thì người ta cũng sẽ cho thi thực tế ngay trên máy chứ làm gì có ai tin vào cái chứng chỉ rồi nhận.
Vì vậy, những quy định bất hợp lý này cần phải được ngành giáo dục sớm xem lại cho phù hợp với thực tế, vừa chống được lãng phí, đồng thời cũng hướng quá trình đào tạo đi vào thực chất, ngăn chặn gian dối.
Xin nhắc lại rằng vấn đề “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là yêu cầu hết sức quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra với ngành giáo dục.
Dù còn nhiều khó khăn, song tôi tin rằng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Giảm áp lực cho giáo viên
Việc bỏ quy định trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp là một nút tháo gỡ quan trọng nhằm ngăn chặn việc mua bán văn bằng, chứng chỉ mà xã hội rất quan tâm trong thời gian vừa qua.
Tháo gỡ bất cập
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập. Những thông tư này được ban hành nhằm thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021. Theo Thông tư, nhiều nút thắt đã được tháo gỡ, trong đó có việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên.
Giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ không còn phải lo lắng về việc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. (Ảnh minh họa: P.T)
Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, một số nội dung đã không còn phù hợp, bộc lộ những bất cập, hạn chế. Trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập mới được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.
Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực sử dụng ngoại ngữ được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên các hạng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng.
Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định "cứng" là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành "có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao". Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT mà là "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ" của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Là giáo viên một trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan cho hay, cô và nhiều đồng nghiệp từng "đứng ngồi không yên" để có được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Chứng chỉ tin học thì đơn giản hơn vì ít nhiều giáo viên cũng tiếp xúc và thao tác trên máy tính. Nhưng với chứng chỉ ngoại ngữ thì không khác gì "đánh đố" thầy cô giáo. Bởi có giáo viên ra trường hàng chục năm nên vốn tiếng Anh "rơi rụng" và gần như về "số không". Nay quy định này được bãi bỏ, giáo viên ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.
Quyết định phù hợp
Trao đổi về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực, sự cồng kềnh và những yêu cầu mang tính hình thức cho giáo viên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học thêm hiệu quả, chất lượng.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, những quy định cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học sẽ phụ thuộc vào từng vị trí việc làm, không áp dụng một cách cứng nhắc đối với tất cả các giáo viên bởi mỗi giáo viên ở một vị trí sẽ có nhiệm vụ riêng, tính chất công việc khác nhau. Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản. Mỗi thầy cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Nó sẽ đi vào thực chất.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cũng đồng tình với việc bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai với giáo viên dạy ngoại ngữ. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, như vậy, không có nghĩa là xem nhẹ ngoại ngữ, tin học. Vấn đề đặt ra là làm sao để khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho giáo viên nâng cao năng lực sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học. Đây phải là nhu cầu tự thân, để bổ trợ cho công việc của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung sửa đổi này là một nút tháo gỡ quan trọng nhằm ngăn chặn việc mua bán văn bằng, chứng chỉ mà xã hội rất quan tâm trong thời gian vừa qua. Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn. Tới đây, những nội dung về ngoại ngữ, tin học sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp.
Loạn bằng cấp khiến sinh viên Mỹ hoang mang, khó tìm việc Những bạn trẻ có đủ động lực và trí tuệ để học tập tốt lại ít được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai. Zing trích dịch bài đăng từ The Washington Post, đề cập đến những khúc mắc giữa đào tạo sinh viên với nhu cầu của thị trường lao động Mỹ. Ngày càng nhiều giáo...