Giáo dục đạo đức thanh niên vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’ thời đại mới
Giáo dục thanh niên vừa “hồng”vừa “chuyên” là quan điểm nhất quán trong tư trưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy để xây dựng thế hệ thanh niên như lời căn dặn của Người trong thời đại mới luôn là câu hỏi thường trực của các trường phổ thông, đại học.
Giáo dục học sinh qua những việc làm thiết thực
Việt Nam đang đứng trước sự vận động không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò xung kích với sức sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh. Sau 50 năm, lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người về vai trò của thanh niên vẫn còn nguyên giá trị trên con đường tiến tới bắt kịp xu thế thời đại.
Một buổi toạ đàm của đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Ảnh: LV
Tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội, việc trang bị các chuyên đề về đạo đức, lối sống và các chủ đề hoạt động của Đoàn thanh niên luôn được đề cao.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, Phó Bí thư đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cho biết: “Dạy đạo đức, lối sống của học sinh thanh niên ở bất kỳ thời điểm nào cũng là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết. Không chỉ quan trọng về mặt giáo dục lý luận mà còn quan trọng trong việc giáo dục thực tiễn để hình thành lối sống, đạo đức, tác phong, hình thành phẩm chất, năng lực của một công dân trong thời đại mới. Nhưng làm sao để hoạt động không chỉ dừng lại ở phong trào mà thấm nhuần vào việc làm của mỗi học sinh luôn là bài toán tôi đặt ra”.
Theo thầy Quyết, việc thiết thực nhất là học sinh được tham gia làm chính những sản phẩm truyền thông, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Những năm qua, thầy Nguyễn Hữu Quyết cùng học trò trong trường làm các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, giáo dục học sinh về đạo đức lối sống. Đồng thời, tích hợp những buổi toạ đàm về đạo đức, lối sống của học sinh thời nay vào các môn khoa học xã hội.
Những sản phẩm tuyên truyền về đạo đức lối sống do chính học sinh thực hiện. Ảnh: LV
Bản thân thầy Nguyễn Hữu Quyết cũng là “cây sáng tạo” trong hoạt động chuyên môn. Công trình “Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông” của thầy Quyết vừa xuất sắc lọt vào top 15 công trình, sáng kiến sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020. Thầy Nguyễn Hữu Quyết chia sẻ: “Thông qua đó, tôi muốn giáo dục học sinh nhận thức về môi trường xung quanh. Từ đó, học sinh bằng sức lực, hiểu biết tự làm ra sản phẩm có ích trong học tập. Bài học đạo đức, lối sống cũng từ đó mà ra”.
Từ những mô hình đầu tiên về chủ quyền biển đảo, các bộ phận cấu thành của lãnh thổ Việt Nam, mô hình bản đồ Việt Nam đến sa bàn về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng hay đại thắng mùa xuân năm 1975, đến nay hầu hết các bộ môn khoa học xã hội ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều được thầy Quyết cùng học trò sáng tạo ra những mô hình học tập trực quan, sinh động. Nguyên liệu rất đặc biệt là được lấy từ rác thải.
Cách làm của thầy Quyết là một trong rất nhiều mô hình thiết thực mà nhiều Đoàn trường phổ thông đang nỗ lực hiện thực hoá nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thông qua hoạt động dạy học các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành qua các chương trình lồng ghép, tích hợp trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục như giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục các vấn đề về giới, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường; thông qua các hoạt động, lao động sản xuất, hoạt động tập thể, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí; thông qua vai trò nêu gương của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những tấm gương về đạo đức được rút ra từ sách vở, từ lịch sử, từ cuộc sống, giáo dục đạo đức, lối sống qua di sản văn hóa.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục. Môn đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được tăng cường cả nội dung và thời lượng”.
Video đang HOT
Mềm hoá hoạt động bồi dưỡng chính trị, tư tưởng
Ở các trường đại học, việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho sinh viên được “mềm hoá” thông qua các hoạt động thiết thực trong sinh viên.
Tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, những cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Ở nội dung này, 5 năm qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho đơn vị đạt thành tích xuất sắc.
TS Cao Bá Cường, Trưởng phòng Công tác Chính trị – Học sinh sinh viên, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Nắm bắt được những vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội cũng như đời sống sinh viên, nhà trường lồng ghép vào các hoạt động chính trị, tư tưởng. Cụ thể, trường triển khai tuyên truyền giáo dục sinh viên về Luật an ninh mạng và các kỹ năng, quy định khi sử dụng internet và mạng xã hội, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ thông qua gương người tốt, việc tốt. Hàng năm, những tấm gương như: Đảng viên trẻ tiêu biểu, các tập thể xuất sắc đều được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương, khen thưởng”.
Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho sinh viên cũng còn thể hiện trong việc triển khai các phương thức nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong sinh viên. TS Cao Bá Cường cho biết: “Từ năm học 2017-2018, Nhà trường thành lập “Tổ sinh viên tự quản khu vực nội trú, ngoại trú”, “Tổ dư luận sinh viên” kịp thời nắm bắt những thông tin tại khu vực sinh sống của sinh viên. Bên cạnh đó, Hội nghị “Hiệu trưởng, Trưởng khoa đối thoại với đại diện sinh viên” được tổ chức hàng tháng, mạng lưới cán bộ Đoàn – Hội cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thông tin 2 chiều giữa nhà trường với sinh viên, đảm bảo tinh thần dân chủ trong trường”.
Theo anh Nguyễn Đồng Anh, Phó bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao, để giáo dục lý tưởng cho thanh niên trong thời đại công nghệ thông tin cần những cách làm mới, dễ tiếp cận. Chẳng hạn có thể lồng ghép nội dung lý tưởng cách mạng vào các thông điệp truyền thông hiện đại. Để các thông điệp đến được với thanh niên cần đúng và trúng nhóm đối tượng. Cần tận dụng công nghệ để thiết kế các thông điệp với nội dung hấp dẫn, có thể dưới dạng các video, trò chơi trực tuyến, các bài báo tương tác đa phương tiện… trên cơ sở những thống kê, nghiên cứu về cách tiếp cận đối tượng công chúng đặc thù là “thanh niên” trong môi trường mạng xã hội, internet”.
Nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục học sinh, sinh viên khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả. Đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục 2021 khi coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của ngành.
Thời cơ cho giáo dục Việt Nam "cất cánh"
Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với báo chí về kết quả thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT.
Bộ trưởng cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm cùng định hướng phát triển GD - ĐT trong thời gian tới.
Thực hiện cơ chế công khai, minh bạch
- Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đâu là những kết quả Bộ trưởng tâm đắc nhất?
- Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 có nhiều kết quả đã đạt được. Trước hết, đã thể chế hóa được các quan điểm, nội dung của Nghị quyết 29 trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT nên đến thời điểm này đã có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới.
Ở bậc mầm non, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi trên toàn quốc. Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn, khi nước ta ở mức thu nhập trung bình và trong điều kiện nhiều vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Kết quả này được các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO đánh giá cao.
Ngoài ra, chúng ta cũng đạt được phổ cập tiểu học và THCS ở mức độ cao. Chất lượng giáo dục tiểu học vào tốp đầu các nước ASEAN; trong đánh giá chất lượng đại trà PISA, điểm của học sinh Việt Nam cũng ở nhóm cao trong số 79 nước, trong đó chủ yếu là các nước OECD.
Với giáo dục mũi nhọn, trong 5 năm qua, học sinh Việt Nam giành 54 Huy chương Vàng tại các kỳ Olympic quốc tế, gấp đôi giai đoạn trước. Thành tích này được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Với giáo dục đại học, giai đoạn vừa qua cũng nhiều điểm sáng. Trước hết, thực hiện cơ chế tự chủ đại học, nhiều trường đổi mới công tác quản trị; một số cơ sở giáo dục đại học xuất hiện trên các bản đồ xếp hạng quốc tế. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 cơ sở giáo dục đại học xếp trong nhóm 500 trường tốt nhất châu Á.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Từ thực tiễn triển khai, bài học kinh nghiệm được rút ra là gì, thưa Bộ trưởng?
- Kinh nghiệm rút ra là: Phải kiên trì đổi mới. Cho đến nay, đổi mới đã đi đúng hướng. Đối với giáo dục mầm non, quan trọng là tạo điều kiện tốt về chăm sóc, nuôi dưỡng, an toàn cho trẻ. Còn với phổ thông, giai đoạn vừa rồi đánh dấu quá trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Điểm nổi bật của lần đổi mới này là cách tiếp cận chuyển từ truyền đạt nội dung chuyển sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Cụ thể, trước đây học sinh học để biết gì, thì nay là học để làm gì. Điều này khắc phục được nhược điểm cơ bản là, học lý thuyết mà không gắn với thực tiễn, trải nghiệm.
Đối với giáo dục đại học, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học rất mạnh. Lần đầu tiên tư duy tự chủ đại học "ngấm" được vào đội ngũ lãnh đạo các trường đại học. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian, bởi tự chủ đại học là một quá trình. Quan trọng là lãnh đạo các trường đại học thấy được tự chủ là tất yếu.
Bộ GD&ĐT đã quan tâm xây dựng hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho quá trình tự chủ. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34); sau đó tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 99. Chúng tôi đang chỉ đạo các trường đại học, trước hết là hoàn thiện Hội đồng trường, để Hội đồng trường phải là một thiết chế thực quyền.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang làm rất mạnh về kiểm định và minh bạch chất lượng. Các trường đại học thực hiện theo cơ chế cạnh tranh nên chương trình đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng phải được công khai, minh bạch.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung rà soát, ban hành cơ chế chính sách, tạo môi trường đủ thông thoáng và chặt chẽ cho các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động mang tính cạnh tranh và tăng cường thanh, kiểm tra. Thanh, kiểm tra ở đây không phải để siết lại mà để "gỡ khó" cho các trường. Trong môi trường cạnh tranh, nếu một số trường đại học hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng tới các trường khác. Nên thực chất, thanh, kiểm tra là để xóa bỏ những "u nhọt", tạo môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, dân chủ.
Chúng tôi cũng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của đại học. Chủ trương của ngành là, trong 5 năm tới sẽ triển khai mạnh chuyển đổi số với đại học. Một mặt để xây dựng tài nguyên số và phương thức đào tạo trực tuyến, kết hợp với trực tiếp. Mặt khác, áp dụng công nghệ thông tin còn là để minh bạch hóa điều kiện bảo đảm chất lượng.
Chủ trương của Bộ là cố gắng hạn chế hành chính, tăng cường minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi cho người đi học, bảo vệ những cơ sở giáo dục đại học làm tốt.
Ngành Công nghệ thông tin đang được chú trọng. Ảnh minh họa
Hướng đi toàn diện
- Đổi mới cơ chế quản lý là khâu đột phá. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
- Một trong những đổi mới được cho là đột phá là đổi mới cơ chế quản lý. Đối với Nhà nước tập trung quản lý Nhà nước, với nhà trường tập trung quản trị. Quản lý Nhà nước phải tăng cường, nhất là nhiệm vụ thanh kiểm tra. Trong quá trình thanh kiểm tra, nếu thấy cần điều chỉnh cơ chế chính sách sẽ kịp thời điều chỉnh, chứ không phải chính sách ban hành xong là xong.
Chúng tôi quyết tâm, những cơ sở nào kém chất lượng và có biểu hiện gian dối, trong thẩm quyền hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý mạnh, nhằm tạo ra môi trường minh bạch. Chính sự minh bạch sẽ sắp xếp lại các nguồn lực, điều chỉnh lại các trường.
- Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang nghiêng về đào tạo nhiều hơn giáo dục. Bộ trưởng có nhận định gì?
- Ý kiến đó là có cơ sở. GD-ĐT rất rộng, liên quan đến mọi người, mọi nhà. Không chỉ ở nước ta mà các nước khác cũng vậy, kỳ vọng gia đình, xã hội bao giờ cũng lớn, trong khi điều kiện thực hiện ở mức độ. Chúng ta đã và đang thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để chất lượng giáo dục tiến nhanh với nền giáo dục tiên tiến. Bên cạnh cái được rất lớn về kiến thức, vấn đề giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, đạo đức, thể lực của học sinh còn hạn chế. Tuy nhiên, công bằng mà nói, với giáo dục phổ thông, chúng ta tập trung nhiều về giáo dục, vì chúng ta hướng tới sự toàn diện; đâu đó vẫn có một số điểm cần cải thiện và sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Riêng với giáo dục đại học là đào tạo nghề nên phải chuyên sâu. Bởi vậy, cần tạo môi trường cho sinh viên học các kỹ năng, nhất là những kỹ năng tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm. Vừa qua, ngành Giáo dục thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh sinh viên. Qua 3 năm thực hiện kết quả rất tốt. Đó không hẳn là mỗi năm có 500 - 600 đề án hay ý tưởng sáng tạo; mà quan trọng đã tạo ra môi trường để các em trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM thảo luận đề tài theo nhóm. Ảnh minh họa
Đẩy mạnh chuyển đổi số
- Bộ trưởng đánh giá như nào về quan điểm đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII?
- Tôi đánh giá rất cao, để có được quan điểm này là một quá trình, tập hợp nhiều ý kiến trí tuệ của các thành viên trong ban soạn thảo và những nhà khoa học. Tôi cũng được tham gia là thành viên Ban Văn kiện kinh tế - xã hội. Theo tôi, đổi mới, sáng tạo là "hồn cốt" của trường đại học. Khi nói đến khoa học hay đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phải làm ra cái mới khác cái cũ; mà là có phương pháp, tư duy, phương thức để đổi mới. Ở bậc đại học, đổi mới trước hết trong hoạt động dạy - học và đổi mới trong phương thức kết nối giữa đại học và doanh nghiệp.
Thuật ngữ "đổi mới sáng tạo" được coi là một trong những điểm nhấn tới đây phải thực hiện. Ý tưởng đổi mới sáng tạo không phải mới có, nhưng chưa được đúc rút nhiều. Tôi tin rằng, giai đoạn 2021 - 2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy. Nếu xu hướng thuận, mọi người sẽ ý thức được và chủ động để bắt nhịp. Nếu nhận thức về xu hướng còn "lừng khừng" thì luôn là người đi sau, mà đã là người đi sau thì không nắm bắt được cơ hội.
Tôi cho rằng, giai đoạn tới đây là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh. Với đường hướng rõ ràng, cùng sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ.
Tôi lấy ví dụ, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề thiếu giáo viên (cụ thể là giáo viên Tiếng Anh và giáo viên Công nghệ thông tin). Nếu nhìn nhận theo tư duy truyền thống sẽ thấy đúng là thiếu thật, nhưng với tư duy mới là áp dụng công nghệ thông tin thông qua dạy học trực tuyến và sử dụng bài giảng từ nguồn tài nguyên số, chúng ta sẽ thấy, giáo viên không nhất thiết phải đủ số lượng như dạy học truyền thống.
Một ví dụ nữa, trước đây các phòng thí nghiệm truyền thống phải có máy móc, dụng cụ mô phỏng, giáo cụ, nhưng bây giờ có nhiều phòng thí nghiệm ảo, học sinh và giáo viên đều rất hứng thú với mô hình này.
Như vậy, với quá trình áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh, tài nguyên số được chia sẻ, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên, nguồn lực sẽ giảm nhiều so với cách truyền thống.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Chúng tôi tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và cũng nhìn nhận những cái tạm gọi là "trũng" để có chính sách chỉ đạo tốt hơn. Có những hạn chế không cần dùng nguồn lực mà chỉ cần mạnh dạn đổi mới, chẳng hạn như: Đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường. Tôi tin rằng, 5 năm tới, giáo dục đại học sẽ có chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông sẽ từng bước đi theo hướng toàn diện. - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bạo lực học đường không ngẫu nhiên đến và tự nhiên biến mất Quý I/2019, ngành Công an thống kê có 310 vụ BLHĐ trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 12/2020, trong các nội dung làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm...