Giáo dục đại học Việt Nam: Bước “nhảy vọt” trong công bố quốc tế
Chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam, tính từ 2017 đến tháng 6/2018 đã đạt 10.515 bài, bằng cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015 công bố trên toàn quốc.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã cho biết như vậy khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giáo dục đại học.
Bước chuyển mình mạnh mẽ về nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học Việt Nam
Cả nước có 945 nhóm nghiên cứu
Theo GS Nguyễn Đình Đức, 3 thành tựu nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam đã làm được trong 5 năm qua khi thực hiện Nghị quyết 29 là đã hội nhập và theo chuẩn mực của quốc tế; đã có sự đột phá về chất lượng và có sự chuyển mình mạnh mẽ về chương trình đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt đào tạo với nghiên cứu thường chỉ được chú trọng ở các đại học lớn. Sau khi có Nghị quyết 29, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hoạt động đào tạo gắn với nghiên cứu được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo triển khai ở tất cả các trường đại học.
Các trường đại học đã chú trọng xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Ngoài hai Đại học Quốc gia, nhiều trường đại học đã xác định mục tiêu phát triển thành các đại học nghiên cứu tiên tiến.
Theo báo cáo khảo sát của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm 2017, trong các trường đại học có 945 NNC, một trường đại học có trung bình 7 NNC trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm nghiên cứu nhất là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội và trường ĐH Tây Nguyên,..
GS Đức cho rằng, thành tích lớn nhất của 5 năm qua là giáo dục đại học Việt Nam đã tạo được sự chuyển biến đột phá về chất lượng. Chất lượng đội ngũ đã tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS,TS không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế, thì nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu GS, PGS và cả các NCS khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
Video đang HOT
Theo GS Đức, nếu năm 2006, mới có giảng viên Trần Hữu Nam, NCS ngành toán của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN lần đầu tiên làm NCS trong nước đã công bố được 1 bài ISI trong quá trình làm luận án (và đã được đặc cách bảo vệ sớm luận án TS, thì nay 80% các NCS trong lĩnh vực KHTN- CN của ĐHQGHN, cũng như nhiều NCS của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Duy Tân và nhiều trường đại học khác khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố quốc tế ISI,….
Cá biệt có những trường hợp đặc biệt xuất sắc như NCS Trần Quốc Quân, NCS Phạm Hồng Công – ngành Cơ học Kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, từ khi là sinh viên đến khi bảo vệ luận án TS chỉ có 3 năm (được chuyển tiếp NCS) và mỗi em đã có khoảng 20 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, còn hơn nhiều NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
“Nhảy vọt” trong công bố quốc tế
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 năm gần đây.
GS Nguyễn Đình Đức cho hay, năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của nhóm nghiên cứu độc lập trường ĐH Duy Tân, tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6/2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường đại học Việt Nam hàng đầu đã đạt 10.515 bài, hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015, khi đó toàn Việt Nam, trong 5 năm mới có 10.034 bài.
Theo GS Đức, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế đã trở thành tiêu chí bắt buộc của giảng viên đại học. Công ăn việc làm, kiến thức chuyên môn song hành với ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho người học là kim chỉ nam cho hoạt động đào tạo trong các trường đại học hiện nay. Cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đang có sự chuyển biến và đột phá về chất hết sức quan trọng, theo các yêu cầu và chuẩn trình độ quốc tế.
Lần đầu tiên Việt Nam có đại học lọt tốp xếp hạng thế giới
Tính đến ngày 31/8/2018, có 218 cơ sở giáo dục đại học và 33 trường cao đẳng sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 124 cơ sở giáo dục đại học và 03 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài, trong đó 117 cơ sở giáo dục đại học và 03 trường cao đẳng sư phạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 10 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 06 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA); 107 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận.
Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, vào năm 2018, 2 Đại học Quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS; trên 10 cơ sở GDĐH của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng nghiên cứu SCImago, thứ hạng cũng dần được cải thiện. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở GDĐH được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
UEH nằm trong top 15 trường ĐH có công bố quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam
Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) nằm trong top 15 trường đại học (ĐH) công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam theo tổng hợp vừa công bố của Bộ Giáo dục Đào tạo (Bộ GD-ĐT).
UEH liên tục tổ chức nhiều hội thảo quốc tế có uy tín nhằm hình thành mạng lưới chia sẻ học thuật giữa UEH và các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới
Công bố quốc tế - Con đường tất yếu của quốc tế hóa giáo dục ĐH
Phát biểu trên tạp chí Forbes Việt Nam, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng UEH cho rằng: "Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu với kinh tế khu vực và toàn cầu dẫn tới dù muốn hay không, đổi mới giáo dục ĐH phải theo hướng quốc tế hóa, bao gồm quốc tế hóa đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị".
Với tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo nhà trường, nhằm tiến tới hội nhập giáo dục ĐH toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế của UEH trong khu vực và thế giới, con đường tất yếu là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công bố quốc tế. Không chỉ là thước đo năng lực nghiên cứu, khả năng hội nhập của nhà khoa học, giảng viên; công bố quốc tế còn là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng trên các Bảng xếp hạng ĐH uy tín thế giới như QS, Times Higher Education, Webometrics...
UEH "nỗ lực khuyến khích" nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế
Từ năm 2014, UEH xác định một trong sáu chiến lược khác biệt là Công bố quốc tế đóng góp tri thức toàn cầu. Trường có nhiều chính sách thúc đẩy các nghiên cứu hàn lâm nhằm nỗ lực công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín và có thứ hạng cao với IF> 2 trên thế giới.
UEH chú trọng việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo chủ đề nghiên cứu tiếp cận đa lĩnh vực và liên ngành, gắn kết giữa nội lực đội ngũ học thuật UEH và các học giả từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Trường đã hỗ trợ kinh phí và tư vấn kế hoạch nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu với nhiều hoạt động đa dạng, hướng đến công bố quốc tế. Ngoài ra, UEH ưu tiên đầu tư cơ sở dữ liệu toàn cầu phục vụ cho nghiên cứu hàn lâm, bố trí nơi làm việc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhóm nghiên cứu mạnh, đảm bảo tính tương tác sáng tạo cho việc triển khai ý tưởng từ các giảng viên UEH và học giả quốc tế thành các kết quả nghiên cứu hướng đến công bố quốc tế.
Từ việc học hỏi các thông lệ tốt từ các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, UEH tham gia mạnh mẽ vào cộng đồng khoa học toàn cầu bằng các hoạt động học thuật: thường xuyên kết nối và mở rộng mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước; tạo điều kiện hỗ trợ đội ngũ nghiên cứu của trường được tiếp cận với các tổ chức, các chuyên gia hàng đầu thế giới, thông qua nhiều hoạt động uy tín và đa dạng tại UEH.
Phòng làm việc dành cho các nhóm nghiên cứu của UEH
Bên cạnh đó, UEH cũng tạo điều kiện cho các "nhà nghiên cứu trẻ" gồm giảng viên trẻ và nghiên cứu sinh (NCS) công bố kết quả nghiên cứu từ luận án tiến sĩ bằng việc tài trợ, khen thưởng cho các NCS có bài công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus, hội thảo quốc tế.
Công bố quốc tế được Bộ GD-ĐT khen thưởng
Từ chiến lược khác biệt hóa, từ các chính sách hỗ trợ phù hợp với bối cảnh Việt Nam, và từ việc không ngừng học hỏi các thông lệ tốt từ các ĐH uy tín trên thế giới, hoạt động nghiên cứu khoa học của UEH từng bước tiệm cận chuẩn mực quốc tế và có nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2013 - 2018, bên cạnh 933 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, trường đã công bố 245 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (trong đó có 148 bài được đăng tải trên các tạp chí ISIvà Scopus). Số bài báo quốc tế tăng dần qua từng năm, từ 20 bài năm 2013 lên đến 79 bài năm 2017.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có quyết định khen thưởng 24 bài báo của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE trong năm 2017. Theo quyết định này, danh sách top 15 các trường ĐH/Viện toàn quốc được Bộ GD-ĐT khen thưởng, đa số là các trường ĐH đa ngành và các trường ĐH khối ngành kỹ thuật, sư phạm; chỉ riêng UEH là trường ĐH đa ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.
Kết quả công bố quốc tế trên cho thấy chính sách đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm của UEH là đúng hướng theo xu thế quốc tế hóa giáo dục ĐH, đồng thời thể hiện sự nỗ lực từ lãnh đạo, đội ngũ nghiên cứu, viên chức, giảng viên của UEH, trong điều kiện công bố từ lĩnh vực khoa học kinh tế, xã hội nhân văn trên các tạp chí quốc tế là một thách thức lớn và cạnh tranh cao khi Việt Nam từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Theo thanhnien
Những hạn chế sau 5 năm đổi mới giáo dục và đào tạo Có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác bồi dưỡng giáo viên, tự chủ đại học và việc tổ chức thi cử vẫn gặp phải thách thức. Tại hội thảo khoa học ngày 18/9, các nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kết quả nghiên cứu việc thực hiện Nghị quyết 29 ban hành năm 2013 về...