Giáo dục đại học nếu chỉ khám mà không chữa, khó tạo nên chất lượng thật
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: “ Kiểm định chất lượng không đơn thuần chỉ để có giấy chứng nhận, quan trọng là công tác hậu kiểm, cải tiến chất lượng như thế nào”.
Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều hoạt động tăng cường công tác kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Ủy viên thường trực trong Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học hiện nay, trong đó, kiểm định chất lượng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi trường đại học.
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Ủy viên thường trực trong Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp – Đại học Quốc gia Hà Nội.(Ảnh: NVCC)
PV: Thưa Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, kiểm định, đảm bảo chất lượng giáo dục có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của các trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học hiện nay?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Hiện nay, những định hướng, chính sách về tự chủ đại học đang dần đi vào thực tiễn, trong đó, cơ sở giáo dục khi thực hiện tự chủ đại học phải thể hiện trách nhiệm giải trình. Nghĩa là, khi trường đại học có quyền chủ động trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tài chính, tổ chức bộ máy, thì đồng thời phải cam kết chất lượng đối với xã hội và các bên liên quan.
Như vậy, hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng nói riêng là những công việc quan trọng hàng đầu thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học đối với xã hội, đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua thực tiễn công tác đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng, nhà trường thể hiện sự cam kết về chất lượng trước các bên liên quan.
Tuy nhiên, không chỉ để thể hiện trách nhiệm giải trình, mỗi cơ sở giáo dục đại học nên xem việc đảm bảo và kiểm định chất lượng là nhu cầu tự thân của mình, là hoạt động thường xuyên giúp duy trì và không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục của đơn vị.
Đảm bảo chất lượng là quá trình thực hiện thường xuyên các hoạt động của trường đại học theo các tiêu chuẩn chất lượng, theo quy định về mặt chất lượng. Kiểm định chất lượng thể hiện sự ghi nhận hay đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục ở một thời điểm cụ thể, cho thấy mặt mạnh và những vấn đề cần khắc phục của một sơ sở giáo dục đại học. Những hoạt động này đều hướng tới thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện việc công bố công khai danh sách các chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định chất lượng [1]. Điều này giúp người học có thông tin để lựa chọn cơ sở giáo dục học tập phù hợp.
Có thể khẳng định, đảm bảo chất lượng có vai trò rất quan trọng, vấn đề kiểm định chất lượng đã được đưa vào trong nội dung của Luật 34/2018/QH14, là điều kiện, căn cứ quan trọng để trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Không những vậy, kiểm định chất lượng đang dần trở thành một nhu cầu tự thân của trường đại học khi đóng vai trò điều kiện cần để các trường tự xác định mức học phí đối với các chương trình đào tạo của mình.
Video đang HOT
Điều 8 về “Nguyên tắc xác định học phí” đối với cơ sở giáo dục đại học công lập trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP ban hành gần đây quy định: Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
PV: Theo quan điểm của ông, muốn phát triển văn hóa chất lượng ở các trường đại học thì cần thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Muốn phát triển văn hóa chất lượng thì cần phải thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, phải hình thành được một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong thật vững mạnh.
Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong về cơ bản bao gồm: công cụ giám sát (giám sát chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu), công cụ đánh giá (đánh giá người học, quy trình tổ chức đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ), công cụ duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng (nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống hỗ trợ người học), cũng như các công cụ phân tích, đánh giá, đối sánh chất lượng; các quy trình, hệ thống văn bản chính sách về chất lượng; hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng; và bộ máy nhân sự để thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng một cách chuyên nghiệp.
Đây là những vấn đề mà các trường đại học Việt Nam hiện nay cần hết sức quan tâm và có kế hoạch, nguồn lực triển khai phù hợp. Việc thực hiện nên có triết lý, mục tiêu rõ ràng, hướng đến hình thành văn hóa chất lượng bền vững tại mỗi cơ sở giáo dục đại học. Chất lượng nên là chủ đề quan tâm lớn của cấp lãnh đạo cho tới mỗi nhân viên, người học ở trường đại học.
Thứ hai, phải có sự quan tâm và đầu tư nghiêm túc về công tác cải tiến chất lượng (hậu kiểm).
Có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều trường đại học thực hiện kiểm định mang tính hình thức, với mục tiêu chủ yếu là có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của kiểm định không phải là cung cấp giấy chứng nhận mà là giúp một đơn vị nhận thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình và đưa ra những khuyến cáo để khắc phục, xử lý những vấn đề còn tồn tại. Từ đó, giúp đơn vị cải tiến chất lượng đào tạo cũng như các mặt hoạt động khác của mình.
Nếu không có cải tiến chất lượng, nếu chúng ta chỉ “bắt mạch” mà không nghiêm túc “chữa bệnh” thì không thể có văn hóa chất lượng.
Thứ ba, cần xây dựng hệ thống chính sách với các chỉ số, chỉ báo gắn với chất lượng trong các kế hoạch chiến lược phát triển của mỗi trường đại học.
Nói một cách cụ thể hơn là cần thúc đẩy mô hình quản trị theo mục tiêu, quản trị chất lượng, hơn là quản trị quy trình, trong vận hành trường đại học. Việc xây dựng chiến lược với bộ chỉ số, chỉ báo cụ thể về mặt chất lượng sẽ giúp trường đại học tập trung được nguồn lực phát triển và bám sát định hướng phát triển.
Ví dụ, thay vì chỉ dừng ở các chỉ tiêu mang tính giải pháp như số lượng phòng thí nghiệm được xây dựng, số lượng sách báo, tạp chí sẽ mua, số lượng nhóm nghiên cứu được thành lập…, các trường đại học nên lưu ý đến các chỉ số thể hiện khía cạnh chất lượng như: về tỷ lệ giảng viên/sinh viên; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp; tỷ lệ kinh phí thu hút từ doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu; mức độ gia tăng của các chỉ số về công bố khoa học, quốc tế hóa; mức độ gia tăng của các chỉ số về chuyển giao tri thức và công nghệ …
Điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải quan tâm đến những chỉ số, chỉ báo về chất lượng để đưa vào chiến lược hoạt động, từ đó có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực để thực hiện hiệu quả.
Tôi cho rằng những vấn đề nêu trên là những yếu tố quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
PV: Ngày 05/11, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp. Với vai trò là Uỷ viên thường trực trong Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh, ông có thể chia sẻ về mục tiêu, hoạt động của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp trong thời gian tới?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Như Giáo sư Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ trong buổi lễ ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, mục tiêu tổng thể và lớn nhất của Kênh là thúc đẩy sự phát triển văn hóa chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Thực tế hiện nay, khi nhu cầu tự chủ của các trường đại học ngày càng cao, vấn đề về đảm bảo chất lượng càng phải đáp ứng.
Như đã nói ở trên, muốn hình thành văn hóa chất lượng thì phải hình thành được một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; thực hiện cải tiến chất lượng và xây dựng hệ thống chính sách với các chỉ số chỉ báo gắn với chất lượng.
Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp là nơi để các cơ sở giáo dục kết nối, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về 4 trục nội dung chính, bao gồm: Đảm bảo chất lượng; Kiểm định chất lượng; Quản trị trường học; Xếp hạng và đối sánh đại học.
Tương ứng với 4 trục nội dung sẽ có các hoạt động, cụ thể là: hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và tư vấn chính sách; hoạt động đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cộng đồng; hoạt động tôn vinh, lan tỏa các thực hành tốt và những điển hình trong việc thực hiện văn hóa chất lượng; hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cộng đồng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm.
Chẳng hạn, đối với vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp sẽ kết nối các chuyên gia để hỗ trợ cơ sở giáo dục về những kỹ thuật, phương pháp, giải pháp thực hiện kiểm định và kế hoạch kiểm định của cơ sở giáo dục. Đồng thời, kênh sẽ tổ chức các sự kiện để các chuyên gia trong nước cùng chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện đảm bảo và kiểm định chất lượng trong các nhà trường.
Liên quan đến vấn đề quản trị trường học, Kênh sẽ tạo các diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, các trường đại học và cao đẳng chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, thực hành tốt trong xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển; phân tích xu thế, kinh nghiệm trong quản trị nhà trường, đặc biệt là sự sẵn sàng thích ứng với bối cảnh tự chủ trong giáo dục hiện nay.
Đồng thời, Kênh cũng là không gian kết nối cho các trường được chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đổi mới tư duy và lan tỏa văn hóa chất lượng.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/Default.aspx
Dự thảo 8 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đại học
Dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xin ý kiến góp ý.
Ảnh minh họa/ITN
Văn bản này quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Dự thảo đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo với 8 tiêu chuẩn, 51 tiêu chí, gồm:
Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (6 tiêu chí); Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo (7 tiêu chí); Hoạt động dạy và học (6 tiêu chí); Đánh giá kết quả học tập (7 tiêu chí); Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (8 tiêu chí); Các dịch vụ hỗ trợ người học (6 tiêu chí); Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (9 tiêu chí); Đầu ra và kết quả đầu ra (5 tiêu chí).
Cơ sở đào tạo sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo nhằm không ngừng bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo.
Các tổ chức, cá nhân khác có thể dựa vào bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo làm cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đại học mà họ quan tâm.
Kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục, vị thế và uy tín của cơ sở đào tạo; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là một trong các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, xác định mức độ tự chủ; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Cơ sở đào tạo có các chương trình đào tạo tham gia kiểm định chất lượng theo quy định và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan có thẩm quyền ưu tiên lựa chọn để đầu tư phát triển, được thực hiện quyền tự chủ cao hơn.
Dự thảo cũng quy định quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được thực hiện theo bốn bước: Tự đánh giá; Đánh giá ngoài; Thẩm định kết quả đánh giá; Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là 5 năm.
Đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học khối trường sư phạm kỹ thuật Xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn về cung ứng nhân lực, vì thế đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo, cấp bằng cử nhân, kỹ sư vô cùng quan trọng. Ngày 28/10, Tọa đàm "Chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học - Đào tạo và cấp bằng cử nhân, bằng kỹ sư"...