Giành học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại Anh
Trước khi đi du học, Hoàng Ngọc Quỳnh được biết đến trên mạng xã hội với những bài viết chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh hữu ích.
Hoàng Ngọc Quỳnh (sinh năm 1990) đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Marketing tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh, với học bổng toàn phần kèm hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong 3 năm. Trước đó, cô cũng từng giành học bổng bậc thạc sĩ tại Anh.
Hoàng Ngọc Quỳnh đã xuất sắc chinh phục học bổng du học Anh.
Bí quyết chinh phục học bổng ở cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ
Quỳnh chia sẻ việc tìm học bổng thạc sĩ và tiến sĩ là hai quá trình khác nhau và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của bản thân, đặc biệt là chương trình tiến sĩ. Với học bổng bậc thạc sĩ, cô chủ yếu dự vào bảng điểm đại học, kinh nghiệm làm việc và bài luận giới thiệu bản thân để gửi cho trường xét học bổng.
Riêng với bậc tiến sĩ, cô mất gần một năm để liên hệ với giảng viên hướng dẫn và viết đề cương nghiên cứu phù hợp với các mục tiêu nghiên cứu của khoa và trường.
Sau đó, cô phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh. Trường sẽ dựa trên hồ sơ, thành tích cá nhân, chất lượng của đề cương nghiên cứu và buổi phỏng vấn trực tiếp các ứng viên để đánh giá việc cấp học bổng.
Du học bậc thạc sĩ là lần đầu tiên cô đến Anh, trải nghiệm môi trường hoàn toàn mới với phương pháp giáo dục hiện đại và đề cao tư duy phản biện của sinh viên. Cô mất một thời gian ngắn để thích nghi với cuộc sống mới và bắt nhịp với cách học mới.
Học tiến sĩ có những điểm khác biệt so với bậc thạc sĩ. Học viên không phải tham gia quá nhiều lớp học mà thay vào đó phải dành nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu và viết bài.
Video đang HOT
Quỳnh phải đọc số lượng tài liệu lớn để làm nghiên cứu.
Giảng viên hướng dẫn chỉ gợi ý hướng nghiên cứu, sau đó tự bản thân nghiên cứu sinh phải tìm ra hướng đi hoặc chủ động hỏi để được giải đáp những khúc mắc hay vấn đề gặp phải.
Thời gian đầu cô cũng áp lực nhưng tìm tòi nghiên cứu và am hiểu sâu, cô càng thấy hứng thú và có nhiều động lực. Đối với Quỳnh, thời gian du học tại Anh đã giúp cô nhận ra niềm đam mê lớn với việc đọc, viết và làm nghiên cứu, từ đó việc học cũng trở nên thú vị và bớt áp lực hơn.
Năm thứ hai của chương trình tiến sĩ, bài nghiên cứu khoa học của cô đã được xuất bản trên Tạp chí chuyên ngành Marketing Theory, một tạp chí 3 sao hàng đầu của ngành. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của cô, đánh dấu một quá trình dài kiên trì và nỗ lực làm việc. Cô là một trong những nghiên cứu sinh hiếm hoi trong khoa đạt được thành tích này khi chỉ mới kết thúc năm học thứ 2. Điều này giúp cô tự tin hơn trong quá trình học tập nghiên cứu.
Cân bằng công việc và cuộc sống ở đất nước đắt đỏ
Nước Anh được coi là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới. Vậy nên, những du học sinh ở Anh thường được coi là “con nhà có điều kiện”. Quỳnh cho biết cô sống và học tập tại Lancaster, một thành phố nhỏ nên mức sống không quá đắt như London hay những thành phố lớn khác. Bên cạnh đó, cô có học bổng toàn phần bao gồm cả chi phí sinh hoạt, cùng khoản tiết kiệm từ trước nên cuộc sống không quá khó khăn.
Khi Quỳnh vừa sang Anh được 5 tháng thì đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhiều khu vực bị phong tỏa. Điều đó khiến cô không thể đến thư viện hay văn phòng mà phải học tại nhà. Tuy nhiên, Quỳnh đã sớm thích nghi để tiếp tục việc nghiên cứu và hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra.
Làm nghiên cứu là công việc đòi hỏi phải đọc nhiều, viết nhiều và xử lý một khối lượng tài liệu rất lớn. Đối với Quỳnh, điều quan trọng nhất là phải tập trung làm việc hiệu quả. Khi làm việc, cô thường sắp xếp một khoảng thời gian nhất định, tắt hoàn toàn điện thoại, không online hay vào mạng xã hội để tránh mất tập trung. Cô luôn cố gắng để cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách đặt ra những mục tiêu và mốc thời gian để hoàn thành công việc.
Tâm huyết với việc giúp người Việt cải thiện tiếng Anh
Trước khi sang Anh du học, Quỳnh từng giảng dạy tiếng Anh tại một trung tâm do cô đồng sáng lập và là tác giả của một số cuốn sách về học tiếng Anh. Trong thời gian du học, cô vẫn làm một số dự án với trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam và ra mắt sách trong năm 2021.
Quỳnh đưa ra một số lời khuyên với những người học tiếng Anh nhiều năm nhưng vẫn chưa thành thạo. Trước tiên, người học cần biến việc học trở thành sở thích hay niềm vui mỗi ngày. Khi đó, việc học tiếng Anh sẽ không còn là gánh nặng và bạn có thể duy trì được động lực học lâu dài.
Bạn cũng nên tự tạo môi trường tiếng Anh cho mình bằng cách xem phim, nghe tin tức, đọc báo bằng tiếng Anh, hay tham gia các lớp học và câu lạc bộ nói tiếng Anh.
Quỳnh mong muốn sẽ giảng dạy tại các trường đại học sau khi tốt nghiệp.
Đối với việc học một ngôn ngữ, việc học cần đi kèm với thực hành. Vì vậy, bạn cũng nên tránh việc chỉ học từ vựng hay ngữ pháp mà không ứng dụng ngay vào giao tiếp.
Bạn cũng nên chú trọng rèn luyện đều cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là nếu muốn tìm kiếm cơ hội du học hay làm việc ở nước ngoài.
Trong khi học, bạn không nên quá cầu toàn về phát âm hay ngữ pháp mà nên rèn luyện dần cùng với việc nghe và đọc tiếng Anh thật nhiều.
Đối với người đi làm, các bạn cần cân đối thời gian để có thể vừa làm vừa học và thực hành được tiếng Anh. Nếu công việc có yêu cầu tiếng Anh hoặc môi trường làm việc được tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài hay tài liệu tiếng Anh thì nên xem đây là cơ hội để được rèn luyện khả năng ngôn ngữ. Hãy tự tin giao tiếp và không sợ nói sai, nói chưa hay, hay bị ai đó đánh giá vì khả năng tiếng Anh của mình chưa thật tốt.
Sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ, Quỳnh dự định sẽ dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình sau gần 3 năm du học. Đồng thời, cô sẽ tìm hiểu các trường đại học phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu của mình để ứng tuyển vào vị trí giảng viên. Cô không đặt nặng việc ở lại nước ngoài hay về Việt Nam mà sẽ chọn nơi có môi trường phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu.
30 Tiến sĩ, Thạc sĩ nhận học bổng lên đến 1,5 tỷ đồng
Mỗi suất học bổng trị giá 75 triệu đồng với Tiến sĩ và 25 triệu đồng/suất cho Thạc sĩ. Ngày 7-4, ĐH Quốc gia TP.HCM đã trao 30 suất học bổng sau đại học với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Trong đó, 15 suất học bổng dành cho tiến sĩ, mỗi suất trị giá 75 triệu đồng và 15 suất học bổng cho thạc sĩ với 25 triệu đồng/suất.
Nguồn kinh phí đều từ các doanh nghiệp tài trợ thông qua Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM.
Các học viên Tiến sĩ nhận học bổng từ lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM tại buổi lễ.
Được biết, đề án học bổng học đại học này được phê duyệt từ năm 2018 và bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020.
Đối tượng được trao đợt này là học viên, nghiên cứu sinh thuộc các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, gồm: trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, trường ĐH KHXH&NV, trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện Môi trường - Tài nguyên.
Những học viên và nghiên cứu sinh sẽ nhận được học bổng là những cá nhân học đúng tiến độ theo kế hoạch của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, đối với nghiên cứu sinh còn phải có tối thiểu 24 giờ làm việc/tuần (tối thiểu 8 giờ/ngày) ngoài thời gian học dành cho việc học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; Tham gia nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo; Có tối thiểu một bài báo được đăng hoặc được nhận đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu hai báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế uy tín, có phản biện, xuất bản bằng tiếng nước ngoài hoặc hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài uy tín, có phản biện; hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu.
Đồng thời, các học viên, nghiên cứu sinh phải đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định hiện hành ĐH Quốc gia TP.HCM.
ĐH Quốc gia Hà Nội ươm tạo nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 1.000 suất học bổng đại học và thạc sĩ, 300 suất học bổng tiến sĩ và sau tiến sĩ, 500 người được học tập và thực tập ở các đối tác quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa xây dựng Đề án "Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại...