Giảng viên 9x nhận học bổng toàn phần Tiến sĩ của Đại học RMIT
* Xin chào Diễm Trang, được biết bạn vừa nhận học bổng toàn phần Tiến sĩ tại Đại học Quốc tế RMIT, bạn có thể chia sẻ thêm một chút về điều này được không?
- Cảm ơn bạn đã cho Trang cơ hội chia sẻ về mình. Trang hiện là giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học Quốc tế RMIT, đồng thời là nghiên cứu sinh Tiến sĩ đề tài AI và sức khỏe.
Về mặt kinh nghiệm làm việc, Trang có 4 năm làm truyền thông tiếp thị ở Việt Nam và Úc tại một số công ty khác nhau về truyền thông, quảng cáo, và 01 năm làm việc trong ngành học thuật.
Ban đầu, mình dự định sau khi học xong Thạc sĩ sẽ trở lại Úc để học tiếp Tiến sĩ. Nhưng không may là xảy ra dịch bệnh, nên kế hoạch mình cũng bị “vỡ mộng”. Thay vào đó, mình nghĩ theo hướng tích cực hơn khi học tại RMIT Việt Nam, mình sẽ không phải sống xa gia đình và cũng giảm được chi phí sinh hoạt, bởi vì học bổng Tiến sĩ lần này bao gồm cả tiền học phí và tiền sinh hoạt, giúp mình tiết kiệm được rất nhiều. May mắn hơn nữa là ở RMIT Việt Nam mình cũng tìm được các thầy cô hướng dẫn rất nhiệt tình và có chuyên môn cao, nên mình cũng không lăn tăn nhiều về việc phải đi nước ngoài nữa.
Lúc biết mình đạt được học bổng, Trang cảm thấy rất vui và phấn khích vì hành trình học tập của mình đã đạt được bước tiến mới. Nhưng không tới mức “quá bất ngờ” vì mình đã chuẩn bị một thời gian trước khi đưa ra quyết định đăng ký học bổng Tiến sĩ này.
Võ Nguyễn Diễm Trang – cô gái 9x nhận học bổng toàn phần Tiến sĩ RMIT . (Ảnh: nhân vật cung cấp)
* Đây là có phải là thành tích cao nhất bạn đạt được từ trước đến nay?
- Nếu nói đây có phải thành tích cao nhất mà Trang đạt được thì cũng không hẳn. Thật ra ở mỗi giai đoạn trong cuộc sống chúng ta đều có các mục tiêu lớn nhỏ khác nhau. Lúc nhỏ thì mong được học sinh giỏi, lớn thì mong qua môn. Khi mình đã phấn đấu nỗ lực hết mình và đạt được mục tiêu mình muốn thì đó đã là thành tích rồi.
* Điều gì khiến bạn quyết tâm đăng ký học bổng này? Bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình chuẩn bị hồ sơ không?
- Thật ra sau khi hoàn thành xong việc học Thạc sĩ, mình muốn tiếp tục học Tiến sĩ nên đã tìm mọi cách chuẩn bị hồ sơ. Vì vậy, lúc đó mình đã tìm kiếm trường đại học có tuyển trợ lý nghiên cứu, giảng viên, cũng như tìm hiểu về các chương trình học Tiến sĩ.
Trang đã làm ở lĩnh vực nghiên cứu cũng như giảng viên được 1 năm, bên cạnh lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp thì mình lựa chọn học Tiến sĩ tại RMIT Sài Gòn bởi vì đây là môi trường mình đã gắn bó trong khoảng thời gian đại học trước đó. Thời gian chuẩn bị để nộp hồ sơ thì mình cũng khá dài, vì quan trọng là phải có đề tài tốt nên mình cứ suy nghĩ mãi. Đợt đó ngày 30/11 là hạn chót nộp hồ sơ, nhưng thời điểm đó công việc của mình khá bận rộn nên cũng chần chừ không biết nên nộp luôn hay đợi đợt sau là khoảng 7 tháng nữa.
Sau đó, thầy hướng dẫn của mình đã khuyên mình nên đăng ký nộp hồ sơ luôn, vì ý tưởng cũng có rồi, không được cũng sẽ không tiếc nuối, còn hơn bây giờ bỏ lỡ. Và mình đã quyết định hoàn thành hồ sơ trong vòng 15 ngày, may mắn thay sau vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn, Trang được trúng tuyển học bổng Tiến sĩ này.
Video đang HOT
Với Trang, muốn đạt được mục tiêu phải không ngừng cố gắng. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
* Trang có thể chia sẻ về đề tài nghiên cứu bạn đã lựa chọn không?
- Đề tài nghiên cứu của Trang là về lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) và sức khỏe con người. Lý do chọn đề tài này vì thế mạnh của mình là truyền thông và tiếp thị. Khi suy nghĩ lựa chọn đề tài nghiên cứu, mình thấy xu hướng hiện nay là trí tuệ nhân tạo, và làm sao để đưa công nghệ này đến gần hơn với người tiêu dùng hiện nay.
Ví dụ như khi đi khám bệnh, mình sẽ đến nghe bác sĩ ngồi hỏi bệnh, sau đó kê thuốc,.. Nhưng bây giờ, những việc đó có thể thay thế bằng chatbot!
Việc sử dụng truyền thông tiếp thị nhằm mong muốn người tiêu dùng biết đến và sử dụng AI, từ đó giảm được áp lực quá tải lên các bệnh viện, các y bác sĩ,…hoặc tại thời điểm đó bạn không thuận tiện trong việc di chuyển đến bệnh viện, và một số lý do khác, thì đã có chatbot hỗ trợ trong vấn đề này.
Chính vì thế, mình thấy đề tài này rất hay, mang lại lợi ích cho cả người làm việc và người tiêu dùng.
* Là một người trẻ, năng nổ với các hoạt động xã hội, vì sao bạn thay đổi theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu có phần “khép kín”?
- Trong quá trình làm việc, Trang thấy thế mạnh của bản thân là nghiên cứu và phân tích. Mình luôn đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Tại sao người ta lại làm vậy?” hay “Tại sao lĩnh vực này trở thành xu hướng hiện nay?”…v.v… Do đó, Trang đã quyết định rẽ hướng sang con đường này, mong muốn có thể giải đáp được thắc mắc của cá nhân mình, đồng thời hy vọng từ những nghiên cứu của mình sẽ giúp ích được cho xã hội.
Ngoài ra, khi Trang nghiên cứu một vấn đề nào đó, mình luôn cảm thấy vui và hứng thú.
Đó là hai lý do chính mà Trang quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực nghiên cứu này.
Diễm Trang tốt nghiệp Thạc sĩ tại đại học Deakin (Úc) loại giỏi với GPA 3.8/ 4.0. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
* 25 tuổi theo học Tiến sĩ là khá sớm so với phần đông các bạn trẻ ở Việt Nam, hẳn Trang đã có mục tiêu tiếp theo?
- Sớm thì mình nghĩ là không phải quá sớm đâu! (cười to) Vì mình đã thấy rất nhiều người thầy, người bạn, hay anh, chị cũng ở độ tuổi này họ đã hoàn thành xong chương trình học Tiến sĩ rồi.
Mục tiêu trước mắt là Trang hy vọng hoàn thành xong chương trình học Tiến sĩ của mình, từ đó có thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp và có thể làm việc tại nhiều trường khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, nếu đề án của mình hay và hợp lý, Trang sẽ xin dạy ở những nơi có công nghệ phát triển để tiếp tục phát triển thêm con đường nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực này.
* Theo Trang có nên học Tiến sĩ càng sớm càng tốt? Bạn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
- Về vấn đề khuyến khích các bạn trẻ thì Trang thấy tùy bản thân mỗi người. Nếu bạn mong muốn theo đuổi con đường học thuật, muốn giảng dạy chuyên nghiệp thì hãy nghiêm túc nghĩ về nó. Từ nhiều năm trước học Tiến sĩ là yêu cầu cơ bản của hệ thống giáo dục ở các nước như: Anh, Mỹ, hay Úc,…nên nếu các bạn định hướng làm dài lâu ở ngành này thì có thể suy nghĩ đến việc học Tiến sĩ để rèn luyện bản thân và hỗ trợ cho sự nghiệp của mình. Thật ra Tiến sĩ là một con đường khá dài và gian nan, bản thân Trang cũng chỉ mới bắt đầu con đường này nên không dám nói trước nhưng nếu không thật sự thích có lẽ khó hoàn thành được.
Vì vậy, nếu chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết, chờ đợi thời gian thích hợp rồi “bắt tay” làm thôi! Trang luôn có suy nghĩ rằng: “Khi làm bất cứ việc gì, không nên đặt áp lực về tuổi tác, mà quan trọng là khi nào bạn cảm thấy bản thân mình đã sẵn sàng”.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Không cần bài báo quốc tế, nghiên cứu sinh từ 2017 tới nay vẫn được tốt nghiệp
Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh được công nhận trúng tuyển vào năm 2017, 2018, 2019, 2020 tới đây sẽ tốt nghiệp mà không cần bài báo quốc tế gây nhiều tranh cãi.
Ngay sau khi ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ GD&ĐT vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Lý do, quy chế mới bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải sở hữu ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế và thay đổi chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Một điểm khác trong quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 cũng được các nhà khoa học quan tâm. Tại khoản 2, Điều 24 quy định: "Cơ sở đào tạo quyết định việc áp dụng khoản 2 Điều 5 (bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh) và điểm c điểm d khoản 1 Điều 14 (bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế với người hướng dẫn) của quy chế này với khóa đã tuyển sinh trước ngày thông tư này hiệu lực thi hành".
Tốt nghiệp theo chuẩn mới
Theo hiệu trưởng một trường đại học về kinh tế tại Hà Nội, những quy định bắt buộc về công bố quốc tế từng được coi là điểm đột phá, "linh hồn" của quy chế tuyển sinh và đào tạo năm 2017 so với các năm trước đó. Tuy nhiên, quy chế mới lại đang phủ nhận điểm tích cực trên.
Việc tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ theo quy chế cũ nhưng lại thực hiện chuẩn đầu ra theo quy chế mới là bất thường và không hợp lý.
Chuyên gia lấy ví dụ, trước đây, trong quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017, Điều 32 quy định, các khóa tuyển sinh đã có quyết định công nhận nghiên cứu sinh trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định của quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành trước đó. Điều 48 quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2009 cũng quy định tiêu chuẩn đầu ra mới chỉ được dụng sau 3 năm kể từ khi thông tư mới có hiệu lực, các khóa đã tuyển sinh theo thông tư cũ sẽ áp dụng chuẩn đầu ra theo thông tư cũ.
Có lẽ, quy định này đang nới lỏng, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh một số lĩnh vực khoa học xã hội, tư tưởng lâu nay bị vướng công bố quốc tế để họ có thể thuận lợi ra trường trong thời gian tới.
GS TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, trong quản lý đào tạo, nghiên cứu sinh khi nhập học theo quy chế nào thì thường phải ra trường theo quy chế ấy. Tuy nhiên, quy chế đào tạo tiến sĩ mới lại cho phép tất cả các khóa tuyển sinh theo quy chế cũ được áp dụng chuẩn đầu ra theo quy chế mới, tức là sẽ bỏ đi yêu cầu công bố quốc tế. Thực sự, đây là bước thụt lùi, xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của quy chế 2017.
GS Đức nhấn mạnh, tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất 8/8 trong khung năng lực trình độ quốc gia. Những ai đã, đang và sẽ làm tiến sĩ theo đúng nghĩa chân chính, thực chất đều phải chấp nhận và trải qua những thử thách, gian nan trong quá trình học tập để tiến bộ, trưởng thành hơn.
Chất lượng tiến sĩ yếu kém sẽ để lại hậu quả không chỉ cho giáo dục đại học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và hội nhập của đất nước. Chất lượng tiến sĩ kém kéo theo chất lượng giáo sư, phó giáo sư cũng đi xuống.
Theo tinh thần của quy chế mới thì hầu hết các nghiên cứu sinh được công nhận trúng tuyển vào các năm 2017, 2018, 2019, 2020 sẽ tốt nghiệp mà không cần đến bài báo quốc tế.
Nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh hoạ)
Mỗi ngành một khác
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh chỉ cần 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài ở hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện mà không quy định hội thảo quốc tế nào, tạp chí của nước nào và uy tín đến đâu.
Trong thực tế, nhiều tạp chí nước ngoài không được một số hội đồng ngành của Hội đồng Giáo sư Nhà nước chấp nhận. Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 quy định cụ thể, bài báo tạp chí nước ngoài, báo cáo tại hội nghị quốc tế phải nằm trong danh mục Scopus hoặc WoS.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện nghiên cứu sinh trong nước khá vất vả vì thiếu nhiều điều kiện nghiên cứu và hỗ trợ tài chính so với các nước phát triển. Khả năng công bố quốc tế đối với các ngành, lĩnh vực cũng rất khác nhau.
Bên cạnh đó, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của nghiên cứu sinh từ 3 đến 4 năm, trong khi để ra được kết quả mới, nhiều khi phải mất 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Việc gửi đăng các bài báo ở các tạp chí quốc tế uý tín thường mất nhiều thời gian, thực tế sẽ gây khó khăn và rủi ro cho nghiên cứu sinh.
Theo thống kê từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong 10 năm (2010 - 2020), trên 2.000 công bố khoa học liên quan đến đề tài luận án tiến sĩ nhưng chỉ có 50 công bố quốc tế, tức khoảng 2,5%.
Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, tuy việc nghiên cứu sinh phải đạt công bố là chuẩn mực nhưng rất ít quốc gia có văn bản pháp quy về việc này, mà mỗi trường đại học sẽ tự chủ quyết định. Nếu chúng ta lên mạng tra cứu sẽ thấy rất nhiều trường đại học nổi tiếng của châu Âu hay Mỹ không có quy định cứng.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Mâu thuẫn và kéo lùi chuẩn so với thế giới TS Trần Lê Hưng cho rằng, nếu Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới thì cần có chuẩn đầu ra trong đào tạo bậc tiến sĩ ở mức chuẩn như quốc tế. Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới, trong đó bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có...