Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cảnh báo tình trạng đẻ mổ tăng cao
Ngoài lý do thai bệnh lý, ngày nay tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Vì áp lực từ nhu cầu của thai phụ mà bác sĩ tiến hành mổ lấy thai (dù có thể không có chỉ định).
Tỷ lệ đẻ mổ gia tăng
Ngày 18/7 trong khuôn khổ chuỗi hoạt động đặc biệt, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bệnh viện Phụ sản TW (19/7/1955- 19/7/2020), PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có những chia sẻ về tình trạng đẻ mổ ngày càng gia tăng.
PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, đẻ mổ (mổ lấy thai) không chỉ tăng ở Việt Nam, đây còn là xu thế chung của thế giới.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mổ lấy thai đang khoảng là 50%. So với các nước khác, có nước lên đến 80%, Trung Quốc khoảng 60-70% thì Việt Nam đang ở mức trung bình. Các nước Châu Âu tỉ lệ đẻ mổ thấp hơn.
Theo thống kế của Bệnh viện Phụ sản Trung ươn, giai đoạn 2010-2014, số ca đẻ mổ là 51.000/105.543 ca. Giai đoạn 2015-2019 có khoảng 68.000/110.000 ca.
Lý do tỷ lệ mổ đẻ ở BV Phụ sản Trung ương cao, PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, do đây là bệnh viện tuyến cuối, chủ yếu là thai bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi ở các nơi chuyển về. Có những trường hợp ‘con quý con hiếm’ doạ đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm phát triển trong tử cung, hay các bệnh lý của bà mẹ như tiền sản giật, rau cài răng lược… bắt buộc phải mổ lấy thai. Đây là những lý do đóng góp vào tỉ lệ mổ tương đối cao.
“Với những trường hợp này, chỉ định mổ đẻ là bắt buộc không thể làm khác. Việc mổ đẻ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tiếp xúc da kề da vì em bé nhỏ, bà mẹ phải chăm sóc đặc biệt”- PGS. TS Trần Danh Cường cho biết.
Video đang HOT
Ngoài ra, tỉ lệ mổ đẻ lấy thai gia tăng cũng do tác động từ xã hội. Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu rất phát triển. Ngoài lý do thai bệnh lý, thì ngày nay tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn chọn ngày, giờ sinh con. Vì áp lực từ nhu cầu của thai phụ mà bác sĩ tiến hành mổ lấy thai (dù có thể không có chỉ định).
Ngoài ra, PGS. TS Trần Danh Cường đặc biệt lưu ý tỉ lệ mổ đẻ tăng trên các bệnh nhân có vết mổ cũ. Khi một phụ nữ đẻ con đầu lòng bằng phương pháp mổ thì con thứ 2, thứ 3 chắc chắn phải mổ tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đẻ mổ tăng lên, không thể giảm đi được. Để giảm được tỉ lệ mổ đẻ, phải giảm đẻ mổ ở con so. Bên cạnh đó, phải tăng cường chuyên môn, chăm sóc thai nghén tốt, theo dõi quá trình chuyển dạ, đẻ thường.
Các biến chứng liên quan đến chuyển dạ cũng khó lường, với các trường hợp khó đẻ, các bác sĩ thường chuyển đẻ mổ vì sợ bệnh nhân chuyển biến xấu.
PGS.TS Trần Danh Cường siêu âm cho thai phụ
Đẻ thường tốt cho cả mẹ và em bé
PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh “đẻ thường tốt hơn rất nhiều”. Khi đẻ thường, em bé sẽ trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ, dịch phổi sẽ trào ra khi bé ra ngoài, tránh được tình trạng chậm tiêu dịch phổi. Sau này, hệ hô hấp của bé sẽ hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, khi đẻ thường, thai phụ sẽ không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ…
Cái lợi thứ 3, quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết của người mẹ, sau sinh mẹ có nhiều sữa hơn, thời gian phục hồi sau đẻ ngắn hơn.
“Đẻ thường có nhiều cái lợi cho cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, thai phụ cần có sự kiên trì, hợp tác, tin tưởng vào chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình chuyển dạ”- PGS.TS Trần Danh Cường cho biết. Ông cũng khẳng định, bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn nỗ lực hết sức trong công tác giám sát chỉ định mổ đẻ, làm sao các ca chỉ định mổ đẻ chính xác nhất.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, muốn giảm tỷ lệ mổ thai thì phải chăm sóc thai nghén tốt, theo dõi chuyển dạ tốt. Thai phụ phải hợp tác và bác sĩ cần kiên trì, cùng hỗ trợ, thống nhất với nhau trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường bị động do thai phụ khám thai ở nhiều chỗ.
Ví dụ, ban đầu thai phụ khám ở bệnh viện, nhưng thời gian sau lại khám ở chỗ khác, cuối cùng khi gần sinh lại đến bệnh viện mới phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, các bác sĩ “trở tay không kịp”, bắt buộc phải đẻ mổ. Vì vậy, thai phụ nên theo dõi thai kỳ ở một nơi, để các bác sĩ nắm rõ tình hình, tư vấn, điều chỉnh phác đồ đúng thời điểm, tránh biến chứng xảy ra.
Thời tiết nắng nóng gay gắt, bà bầu có nguy cơ thiếu ối, chuyên gia chỉ cách phòng tránh
Phụ nữ mang bầu đã vất vả, khi thời tiết nắng nóng thì càng mệt mỏi hơn. Vậy nắng nóng ảnh hưởng đến bà bầu như thế nào, và làm thế nào để bà bầu giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng này?
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trời nắng nóng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến bà mẹ, đặc biệt với những bà bầu làm việc ngoài trời, làm việc ngoài cánh đồng.
Ảnh hưởng với bà bầu cũng giống như với các đối tượng nguy cơ cao là người già, người có bệnh mãn tính, tim mạch. Đó là có thể xảy ra hiện tượng say nắng, sốc nhiệt. Nắng nóng quá mức ảnh hưởng mạnh đến huyết động. Điều này rất nguy hiểm ở bà bầu vì huyết động thay đổi mạnh sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn tử cung rau. Nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, thậm chí ngừng tuần hoàn cả mẹ và con.
Khi trời nắng nóng, người phụ nữ mang thai còn đối mặt với nguy cơ mất nước và mất muối vì ra mồ hôi nhiều. Với người khỏe, sự bồi phụ mất nước, mất muối rất dễ, nhưng với phụ nữ mang thai sự bồi phụ trở nên khó khăn. Khi đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh co mạch để phân phối tuần hoàn và ưu tiên cấp máu đến một số nơi. Chính vì thế, mất muối mất nước kéo dài sẽ làm co động mạch tử cung lại, làm gián đoạn tuần hoàn tử cung rau và dẫn đến thai bị ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt gây ra hiện tượng thiểu ối. Thiểu ối do nắng nóng có thể hồi phục nhưng đây cũng được coi là một trong những stress thai nghén, PGS.TS Trần Danh Cường phân tích.
Với riêng những phụ nữ mang thai có bệnh huyết áp cao và tiền sản giật cần phải chú ý nguy cơ đột qụy, tai biến do tăng giảm huyết áp đột ngột khi đi ra ngoài nắng và đi vào trong lạnh. Nguyên nhân là khi nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến thay đổi huyết động đột ngột và dẫn đến các biến cố nghiêm trọng với người huyết áp cao nói chung và người phụ nữ mang thai bị huyết áp cao nói riêng.
Mẹ bầu nên tránh xa nước ngọt đóng chai, hạn chế sử dụng các loại nước có chứa nhiều đường như nước mía, nước dừa....
PGS.TS Trần Danh Cường lưu ý với bà bầu phải làm việc ngoài trời những ngày này nên tránh buổi trưa và đầu giờ chiều. Chị em cần uống đủ nước. Thông thường mỗi ngày uống 1,5 lít nước, những ngày nắng nóng nên uống nhiều hơn khoảng từ 2 -2,5 lít nước.
Phụ nữ mang thai cũng có thể uống thêm các loại nước có muối khoáng, tuy nhiên không nên tự ý pha muối vào nước. Đồng thời chị em nên tránh xa nước ngọt đóng chai, hạn chế sử dụng các loại nước có chứa nhiều đường như nước mía, nước dừa....
Ngoài ra, trời nắng nóng bà bầu cũng dễ bị mẩn ngứa, thậm chí là rôm sảy. Bà bầu nên tắm rửa thường xuyên nhưng không ngâm mình lâu. Một số trường hợp mà nóng quá sẽ dẫn đến tình trạng phát ban, nổi ban đỏ thì chúng ta nên lưu ý đến việc ăn uống những loại nước mát xay từ rau má, râu ngô...
Nếu trong tình trạng bị ngứa quá nhiều sẽ phải đi khám chuyên khoa da liễu, các bác sĩ sẽ cho các loại thuốc bôi để chống các tình trạng ngứa chứ không được tự ý điều trị.
Từng mất con vì mắc quai bị, mẹ Hải Dương vừa có bầu lại đã phải nằm bẹp một chỗ Từng có ý định xin con nuôi vì mong chờ mòn mỏi em bé vẫn chưa về, đến khi mang thai chị Ngoan lại không đi lại nổi do bị thiếu canxi. Suốt chặng đường gần 10 năm trời tìm kiếm mụn con, vợ chồng chị Nguyễn Ngoan 29 tuổi ở Hải Dương đã trải qua không biết bao nhiêu thử thách và...