Giải cứu hàng tấn ngan vịt giá rẻ mùa dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gia cầm xuống thấp chưa từng có khiến cho nhiều hộ nông dân điêu đứng vì không có nơi tiêu thụ. Nhiều bạn trẻ đã tận dụng thời gian nghỉ dịch kéo dài để thành “dân buôn bất đắc dĩ” giải cứu hàng nghìn con gà, vịt giúp bố mẹ.
Từng là vận động viên môn Wushu đối khách của đội tuyển quốc gia, từ ra Tết, bạn Tạ Thị Thu Thảo (quê ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã xin nghỉ do chấn thương lưng và chân không thể thi đấu tiếp.
“Em sinh năm 2001, từng là thành viên đội tuyển trẻ quốc gia được gần 4 năm nay, sau 8 năm tập luyện và thi đấu em cũng mang về cho mình khá nhiều thành tích. Hơn một năm nay do bị chấn thương ở chân và lưng, không thi đấu được nên đầu năm nay em xin nghỉ để đi theo nghề khác”, Thảo chia sẻ.
Nghỉ vào đúng đợt dịch bệnh nên kế hoạch đi học nghề của Thảo bị tạm hoãn. “Không có việc gì làm nên em nghỉ ở nhà, đúng lúc đó đàn vịt hơn 1.000 con của nhà em đến tuổi được bán nhưng không có người mua. Thương lái họ chỉ mua số lượng ít với giá 18.000 đồng/kg, trong khi đó em thấy ngoài chợ họ vẫn bán 55.000 đồng/kg vịt lông, 70.000 đồng/kg vịt đã thịt”, Thảo nói.
Hàng nghìn con vịt không có thương lái thu mua chạy trắng đồng.
Tiếc của và tiếc công của bố mẹ lại đang “buồn tay buồn chân” nên Thảo nghĩ ra cách đăng bài bán trên chợ mạng với giá 80.000 đồng/con vịt từ 2-2,2kg, hỗ trợ thịt sạch sẽ, trả đủ lòng mề. “Với giá đó, bố mẹ em cũng được lãi chút ít mà người mua được ăn vịt ngon với giá rẻ, em lại có việc để làm”, Thảo chia sẻ.
Vịt thả đồng thơm ngon lại bán với giá rẻ hơn ở chợ nên bài viết của Thảo được bạn bè, người quen chia sẻ, đơn đặt hàng rất nhiều. Để trả hàng cho khách đặt, bố mẹ Thảo nhờ cả anh em họ mổ vịt, mổ xong Thảo và chị gái lại chia nhau tự đi ship.
“Cám công nghiệp đắt, giá vịt lại rẻ nên bố mẹ em chỉ vịt cho ăn ngô, vì thế thịt rất thơm và ngon. Giá thịt lợn cao, tiền mua 1kg thịt lợn bằng tiền mua 2 con vịt nên khách mua ngày một đông. Có chị khách đặt vịt nhà em ăn thử, thấy ngon nên đăng gom đơn giúp em cả trăm con không lấy tiền công. Chỉ trong 4-5 ngày, em bán hết 1.000 con, sau khi trừ hết các chi phí như xăng xe, điện thoại, công mổ thì bố mẹ em thu về được khoảng 70 triệu đồng. Tính ra cũng không lãi được nhiều nhưng ai cũng vui vì có việc làm lại bán được giá gấp đôi so với giá thương lái thu mua”, Thảo vui vẻ nói.
Lượng tiêu thụ gia cầm trên chợ mạng rất lớn do giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá chợ.
Video đang HOT
Hơn một tháng qua, chị Lê Thị Đào trú tại Văn Trì (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng với em trai của mình cũng đã tìm mọi cách để bán giúp đàn ngan hơn 2.000 con cho bố mẹ. “Bố mẹ tôi ở quê nuôi khoảng 2.000 con vừa vịt vừa ngan nối đàn, mọi khi chăn nuôi thuận lợi không sao nhưng từ khi có dịch, giá vịt ngan xuống thấp, gần đây không có người mua. Tôi và vợ chồng đứa em trai thì ở Hà Nội mở quán cơm bình dân phục sinh viên. Từ ra Tết, sinh viên nghỉ hết, quán cơm đóng cửa, mấy chị em không có việc làm nên tôi với em trai bàn nhau bán gà vịt giúp bố mẹ”, chị Đào chia sẻ.
Theo chị Đào, năm ngoái nhà chị nuôi lợn, lợn chết nên chuyển sang nuôi ngan vịt. “Thấy bố mẹ vất vả quá, làm xong lại không có công phải bù lỗ nên hai chị em lấy xe tải chuyển gà vịt ra Hà Nội tiêu thụ. Mới đầu không biết làm sao nên tôi mang vịt ra chợ Minh Khai, em trai mang ra chợ Nhổn đứng bán, người mua rất đông. Vì ngan vịt của nhà nuôi, không phải mua qua thương lái nên chị em tôi bán rẻ hơn mấy hàng khác, giá vịt chỉ 35.000 đồng/kg, ngan chỉ 50.000 đồng/kg trong khi họ bán 55.000 đồng/kg vịt, 65.000 đồng/kg ngan, thế là chị em tôi bị đánh”, chị Đào thở dài nói.
Nhiều bạn trẻ tìm cách đăng bài lên chợ online với giá “giải cứu” rồi tự thịt và ship đến khách hàng nhằm thu về tối đa lợi nhuận giúp bố mẹ.
“Em trai tôi bị mấy người lạ mặt chạy lại chửi và cầm chùm chìa khóa đấm tới tấp vào mặt, phải khâu 4 mũi, chi phí thuốc thang hơn 700 nghìn. Hai chị em sợ bị đánh nên mang ngan vịt về nhà trọ tìm cách đăng bài bán online với giá 50.000 đồng/kg ngan lông, nhận thịt giúp với giá 15.000 đồng/ con và miễn phí ship. Cứ vài ngày hai chị em lại lấy xe tải về quê chở một chuyến ra Hà Nội. Vì vịt kêu cả ngày đêm sợ hàng xóm khó chịu nên tôi chỉ bán ngan”, chị Đào cho biết.
Để đăng bài bán hàng trên chợ mạng, chị Đào phải trả phí 300.000 đồng/tháng, hai chị em thay nhau đăng bài, chốt đơn, mổ ngan và đi ship. “Tôi chỉ bán với giá rẻ để mong bố mẹ hòa vốn nên mọi người mua ủng hộ đông lắm. Tiền ngan bán được chị em tôi đưa cho bố mẹ, chỉ lấy tiền công thịt của khách để trả tiền điện nước, xăng xe điện thoại thôi”, chị Đào nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên các trang trại khó tiêu thụ. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trước đó nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung tăng mạnh… Vừa gồng mình phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bán sản phẩm với giá rẻ, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Thủ đô đang rơi vào cảnh khó khăn phải đổi mới cách bán hàng trên chợ mạng, chợ điện tử… nhằm tăng lượng tiêu thụ.
Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ
Thời gian gần đây, tôm hùm được rao bán tràn lan trên chợ mạng với giá rẻ chưa từng có nhằm "giải cứu" người nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, cơn sốt giải cứu đã khiến nhiều người bị lừa đẹp bởi các chiêu bẩn khi mua bán online.
Anh Duy Tuấn (trú tại TP. HCM) cho biết nhà hàng hải sản hay mua đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên lên mạng xã hội tìm hàng bán online để mua tôm hùm.
"Trước khi mua tôi cũng cẩn thận tìm hiểu và tin tưởng vì họ có page bán hàng, quay video đầy đủ và giá hợp lý. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi chọn mua 5 con tôm hùm ngộp, nặng 2,1kg với giá 430.000 đồng/kg. Khi nhận tôm, trả tiền rồi mang lên hấp thì ngửi thấy mùi thum thủm. Kiểm tra 5 con thì 4 con thối um, nồng nặc mùi hôi, thịt tôm bột bột rất kinh khủng, không thể nào ăn được. Liên hệ với người bán thì họ bảo do tôm ngộp nên chỉ có thế, nhận hàng nấu lên rồi họ không chịu trách nhiệm", anh Tuấn bức xúc.
Nhiều người quảng cáo bán tôm hùm ngất nhưng khách hàng mua về ăn thì bị thối hoặc kém chất lượng không thể nuốt nổi.
Theo anh Tuấn, tốt nhất người tiêu dùng nên mua tôm tươi sống, tránh gặp phải trường hợp như mình. "Với giá hiện tại, tôm sống size 2-3 con/kg chỉ từ 600.000 đồng/kg, chênh lệch 170.000 đồng/kg so với giá tôm ngộp nhưng ăn ngon, thịt chắc và thơm. Tôm ngộp chỉ nên mua của cửa hàng uy tín, người bán quen biết chứ mua online rất nguy hiểm vì họ nói một đằng, giao hàng một nẻo, khi người mua bị lừa thì không biết bắt đền bằng cách nào, đành ngậm quả đắng", anh Tuấn nói.
Không những bán tôm kém chất lượng, nhiều "gian thương" còn bơm tạp chất để tăng trọng lượng của tôm hùm nhằm kiếm lời lớn. Người tiêu dùng ham rẻ, mua về chế biến mới phát hiện ra trong con tôm có chứa rất nhiều chất nhầy giống như thạch rau câu màu trắng đục.
Đánh vào phân khúc khách hàng bình dân, nhiều người đăng bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng và 50.000 đồng/con thu hút hàng trăm lượt quan tâm, tuy nhiên khi hỏi thì được biết họ đang bán với giá "cắt cổ".
Đăng ảnh chụp tôm hùm loại 2-3 con/kg nhưng mua về là loại 12-14 con/kg đông lạnh.
Chị Phạm Thị Cúc (trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thấy bài đăng trên nhóm chợ online gần nhà bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng/kg, tò mò nên chị gọi điện hỏi thì được biết đó là tôm hùm baby đông lạnh.
"Họ chụp ảnh con tôm loại 2-3 con/kg rồi đăng giá bán 35.000 đồng/con nhưng không ghi loại bao nhiêu 1kg. Tôi nhìn thấy con tôm to tướng, giá lại quá rẻ nên tò mò đặt ăn thử. Khi hỏi mỗi cân được bao nhiêu con thì họ mới nói thật là 12-14 con/kg, loại 9-10 con/kg thì bán với giá 50.000 đồng/con", chị Cúc nói.
Nghĩ là rẻ nhưng khi nhân giá lên thì người mua sẽ phải trả 490.000 đồng cho 1kg tôm hùm đông lạnh. "Gần nhà nên tôi cũng mua 140.000 đồng/4 con về ăn thử nhưng con tôm thì bé xíu, hấp lên bóc ăn toàn vỏ là vỏ, thịt rất nhạt, không ngon bằng tôm sú, tôm thẻ mọi khi tôi vẫn ăn", chị Cúc chia sẻ.
Đặt mua 10 con tôm hùm size 0,5kg/con với giá 600.000 đồng/kg trên chợ mạng, chị Bùi Mai (trú tại Na Rì, Bắc Kạn) ôm cục tức vì "tiền mất tật mang".
Theo chị Mai, do cần mua tôm nên chị đăng bài lên nhóm chuyên bán đồ hải sản và nhận được tin nhắn mời chào của rất nhiều người bán tôm hùm. "Trong số những người chủ động nhắn tin báo giá tôm hùm cho tôi thì một tài khoản tên là Hoài Phương báo giá rẻ nhất, chỉ 600.000 đồng/kg, nặng 5kg. Để tạo sự tin tưởng, Phương còn gửi cả chứng minh thư cho tôi xem, nói rằng bạn ấy có cửa hàng rất to, nếu đi hỏi trong nhóm buôn hải sản thì cả nhóm đều biết...".
Sau khi thỏa thuận và trao đổi xong, chị Mai cho địa chỉ nhà, số điện thoại, ngay lập tức Phương chụp ảnh 5kg tôm lên và nói đã đóng hàng xong và cho chị Mai số điện thoại của nhà xe tên là Hùng Anh, có chạy qua Na Rì.
"Tôi gọi theo số điện thoại nhà xe của Phương cho thì họ nói xe họ có chạy qua địa chỉ nhà tôi nên thêm tin tưởng và chuyển đầy đủ 3 triệu cho số tài khoản mang tên Nguyễn Thanh Thư do Phương cung cấp. Không ngờ khi chuyển xong thì cả số điện thoại của người bán tôm hùm lẫn nhà xe Hùng Anh đều không liên lạc được, tài khoản trên mạng xã hội mang tên Hoài Phương cũng chặn tôi ngay sau đó".
Không những lừa tiền của người mua, nhóm đối tượng này còn lừa đảo cả người bán hải sản lẫn shipper giao hàng.
Bực mình vì "tiền mất tật mang", chị Mai đăng bài "bóc phốt" lên nhóm bán hải sản thì nhận được phản hồi của hàng loạt người tiêu dùng khác đã bị lừa giống hệt mình. Người bị lừa vài trăm, người bị lừa vài triệu đồng, thậm chí cả shipper lẫn chủ cửa hàng hải sản cũng bị lừa tiền qua việc mua bán tôm hùm.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng online trên các trang mạng xã hội đang tăng trưởng nóng. Mặc dù hoạt động này thuận tiện cho người tiêu dùng, song cũng đã xảy ra nhiều vụ rao hàng một đằng, nhưng chất lượng một nẻo.
Cách tốt nhất để tránh lừa đảo là chọn mua tôm hùm đang sống, mua tại nơi đã quen biết và không trả tiền trước khi nhận hàng hóa.
Để hạn chế bị lừa đảo trong quá trình mua sắm online, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng kiểm tra kỹ hàng hóa, dịch vụ và cơ sở bán hàng trước khi thực hiện giao dịch. Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ trước khi thanh toán tiền, tuyệt đối không trả tiền hoặc không biết rõ người bán và uy tín của họ trước khi nhận hàng hóa. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Khánh An
Ngao hai cồi giá siêu rẻ từ 40.000đ/kg, siêu thị và shop online lên kế hoạch giải cứu Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngao hai cồi không xuất được sang Trung Quốc, hiện đang được bán với giá siêu rẻ. Ngao hai cồi thường được bán tại các cửa hàng hải sản tươi sống và các nhà hàng với giá gấp 8-10 lần ngao thường do giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại. Thế nhưng, mấy ngày gần đây,...