Giá thịt heo nhập rẻ bằng nửa trong nước
Giá thịt heo nhập khẩu đang bán tại các chợ, siêu thị thấp hơn thịt tươi trong nước 35-50% nên bắt đầu hấp dẫn người mua.
Chị Ngọc ( Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù là hàng đông lạnh nhưng khi chế biến hương vị thịt heo nhập khẩu không khác gì thịt heo tươi trong nước. Giá lại rẻ hơn khá nhiều. Đơn cử, chị mua 2 kg sườn thăn heo nhập từ Nga có giá 240.000 đồng, thêm tiền ship 30.000 đồng, có thể chia làm 2 bữa cho gia đình. Tính ra, mức giá này vẫn rẻ hơn một kg sườn thăn trong nước, loại ngon tại siêu thị giá gần 300.000 đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giá thịt heo nhập khẩu về tới cảng từ một số nước như Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada, Mỹ… bình quân khoảng 2,55 USD (tương đương 60.000 đồng) một kg chưa gồm các loại thuế, phí và tuỳ loại sản phẩm.
Giá thịt heo nhập bình quân thấp giúp giá bán lẻ loại này tại các siêu thị, kênh online rẻ hơn giá thịt heo tươi trong nước 35-40%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn trên 50%. Chẳng hạn, thịt thăn nhập từ Canada tại hệ thống BigC có giá 146.000 đồng một kg; thịt đùi và nạc dăm Brazil là 169.000 đồng; sườn thăn 119.000 đồng, ba chỉ heo 149.000 đồng mỗi kg. Còn trên các kênh bán hàng online, giá thịt nhập khẩu dao động 85.000-120.000 đồng một kg tuỳ loại.
Một đầu mối chuyên bán buôn thịt heo nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, do giá thịt heo nhập rẻ hơn thịt trong nước nên được nhiều điểm bán lẻ rất chuộng. Trung bình 2-3 ngày, các đầu mối bán lẻ nhập hơn một tạ và lấy số lượng càng nhiều giá sẽ càng thấp.
Ông Đoàn Thành Lũy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 2 (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, lượng nhập khẩu thịt heo qua các cửa khẩu và cảng biển Hải Phòng trong 4 tháng đầu năm tương đương 25.000 tấn, tăng hơn 320% so cùng kỳ. Riêng khối lượng thịt heo nhập từ Nga 3 tháng đầu năm khoảng 2.400 tấn, trong đó lượng thịt từ Tập đoàn Miratorg chiếm hơn 2.000 tấn.
Tính đến hết tháng 4, lượng thịt heo nhập khẩu từ 19 quốc gia vào Việt Nam khoảng 50.000 tấn – đạt một nửa so với yêu cầu nhập 100.000 tấn trong quý I mà Thủ tướng giao.
Thịt lợn nhập khẩu được bày bán tại hệ thống siêu thị BigC Hà Nội.
Video đang HOT
Trong khi thịt nhập khẩu đang được các doanh nghiệp nhập về ngày càng nhiều thì giá thịt heo tươi trong nước vẫn chưa giảm dù có “lệnh” hạ nhiệt từ Chính phủ. Tại các tỉnh miền Bắc, giá heo hơi vẫn ở mức 89.000-95.000 đồng một kg. Còn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên dao động 88.000-95.000 đồng một kg.
Giá thịt heo hơi đứng ở mức cao, song tiêu thụ khá chậm. Tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300-400 con.
Hai yếu tố chính khiến giá bán lẻ thịt heo tại chợ, siêu thị vẫn “neo” cao là do nguồn cung thịt chưa đáp ứng được cầu trong nước. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, phải hết quý II, lượng tái đàn sau đợt dịch tả heo châu Phi mới phần nào đáp ứng được cầu và tới quý III cung thịt sẽ đủ.
Mặt khác, theo Tổng cục Thống kê, chi phí khâu trung gian hiện chiếm 70-90% giá thành thịt, là lý do khác làm giá thịt heo chưa thể giảm. Chi phí này tăng 23.000-28.000 đồng một kg so với trước thời điểm có dịch tả heo châu Phi.
Một doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi heo cho biết, giá heo xuất chuồng tại trang trại ở mức 70.000 đồng một kg, nhưng lập tức qua “kênh” thương lái đã tăng thêm 10.000-15.000 đồng, lên 80.000-85.000 đồng một kg heo hơi. Chính việc “ăn lãi” này đã đẩy giá thịt heo xẻ (móc hàm) tăng thêm tương ứng.
Tuy nhiên, trả lời VnExpress trước đây, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phủ nhận chi phí trung gian cao làm giá thịt heo tăng. Theo ông, giá thịt heo tăng do chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá thịt heo sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% do những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và cần mức lợi nhuận tương đương.
“Giá thịt heo qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện theo đúng cơ chế thị trường. Việc tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người mua”, vị này nói.
Dù vậy, phía ngành nông nghiệp lại cho rằng, rõ ràng phần phân phối phải có điều chỉnh để đảm bảo lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng và người phân phối.
Về tăng nguồn cung, ngoài đẩy nhanh tái đàn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay đang phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngoại giao… và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nhập khẩu sớm đưa thịt heo về Việt Nam. Trong năm nay, có thể nhập khẩu thịt heo từ Nga với số lượng lên đến 50.000 tấn, bằng 70% tổng số thịt heo từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá thịt heo hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng một kg là “quá đáng”. Ông yêu cầu các bộ kiểm tra, nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi thì “phải xử lý theo quy định pháp luật”. Đi liền đó là tăng nguồn cung ứng thịt trong nước, song song với giải pháp tăng nhập khẩu mặt hàng này. Ông giao các bộ, ngành “bằng mọi biện pháp trước mắt giảm giá thịt heo hơi về 60.000 đồng một kg”.
Giá thịt heo tăng một cách đáng nghi ngờ!
Từ nhiều năm nay hết cứu nông sản, hải sản,...bất kỳ cái gì khó khăn là xuất hiện điệp khúc "giải cứu". Duy có điều lạm phát chỉ dưới 5% nhưng người tiêu dùng phải chấp nhận lạm phát trên 200% đối với giá thịt heo, nhưng nguyên nhân chỉ ra quá lý thuyết.
Được mùa rớt giá, mất mùa giá tăng là câu chuyện tất nhiên của thị trường. Nhưng mất mùa một, giá tăng hai ba và nhiều nữa, theo kiểu "nhờ gió bẻ măng" mới là chuyện đáng nói.
Dư âm vẫn còn câu chuyện trả lương giáo viên bằng thịt heo trong cuộc chiến giải cứu heo rớt giá xuống mức 22.000 - 24.000 đồng/kg vào đầu năm 2017. Chuyện như tiếu lâm, ngày 17/5/2017 Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã có Công văn vận động để cán bộ, giáo viên đăng ký mua ít nhất 10kg heo hơi/tháng/người theo giá tối thiểu 30.000 đồng/kg.
Công văn "giải cứu" nói trên đã được thu hồi ngay sau đó vì cách hành xử áp đặt nhưng dù sao cũng bộc lộ "lòng tốt" của cơ quan quản lý với người chăn nuôi. Sau đợt rớt giá thê thảm đó, giá heo hơi nhích dần và ổn định ở mức cao nhất khoảng 40.000 - 43.000 đồng/kg kéo dài đến đầu năm 2019. Lúc này thịt heo dưới con mắt của người dân đô thị được cho rẻ hơn cả rau sạch.
Giá thịt heo tăng một cách đáng nghi ngờ!
Thế nhưng, cuộc đổ bộ của dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam đã làm cho tình thế đảo ngược. Giá heo trên cả nước bắt đầu tăng vào cuối quý 1/2019. Mức tăng kinh khủng của giá heo được ghi nhận bắt đầu khoảng cuối quý 3. Phát biểu tại một hội nghị của ngành vào ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hơn 8 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại, làm giảm 8,3 % sản lượng thịt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, con số sụt giảm đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá heo tăng vừa qua. Các chuyên gia đồng tình quan điểm này của Bộ trưởng Cường. Bởi không có chuyện sản lượng heo chỉ giảm 8,3% mà giá heo hơi tăng đến 187% (70.000 - 75.000 đồng/kg).
Lợi dụng "nhờ gió bẻ măng" bởi dịch Covid-19 từ đầu tháng 3 vừa rồi giá heo tiếp tục nhảy cao, thiết lập khung mới phổ biến từ 87.000 - 95.000 đồng/kg thịt hơi (tăng trên 200% so với đầu năm 2019). Điều này không chỉ đè nặng người tiêu dùng mà còn áp lực lên lạm phát. Chính vì vậy, chiều 20/3 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Công Thương kiên quyết giảm giá thịt heo hơi về mức 60.000 đồng/kg.
Hưởng ứng yêu cầu của Chính phủ, đến nay có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn (chiếm khoảng 35% sản lượng) đã cam kết hạ giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, bắt đầu từ 1/4. Không biết việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp ra sao nhưng đến nay (ngày 20/4) giá heo hơi chưa hề có tín hiệu giảm... mà lại đứng ở đỉnh cao 93.000 đồng/kg. Trong khi giá heo thịt bán lẻ trên thị trường tiếp tục tăng thêm neo ở mức quá cao.
Theo ghi nhận tại BigC quận 7, TP Hồ Chí Minh vào chiều 19/4 giá heo thịt các loại như dò rút xương 165.000 đồng/kg, nạc dăm và nạc đùi 185.000 đồng, nạc thăn 205.000 đồng, ba rọi rút xương 245.000 đồng và sườn non 295.000 đồng/kg. Giá bình quân từ 185.000 - 200.000 đồng/kg. Nói không quá, giờ đây miếng thịt từ thơm ngon trở nên đắng ngắt với người có mức thu nhập trung bình trở xuống.
Không cần Bộ trưởng hay chuyên gia, ai cũng biết có 2 nguyên nhân lý thuyết chính làm cho miếng thịt heo đến miệng người tiêu dùng quá mức đắt đỏ. Đó là thiếu hụt nguồn cung và khâu trung gian quá nhiều. Nhưng lý thuyết chỉ là lý thuyết, cơ quan quản lý không thể giải thích chung chung như vậy đối với người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi là không nhiều vì sản lượng thịt chỉ giảm 8,3-9,3%. Vậy nguyên nhân chính ở đây là gì? Đừng đổ tội hết cho người chăn nuôi, lợi dụng găm hàng chờ tăng giá. Cho rằng đáng lẽ họ xuất bán khi heo từ 100 - 120 kg/con như trước thì nay găm để tăng trọng lên 150 - 170 kg/con mới xuất bán.
Người chăn nuôi nhỏ lẻ không có cơ hội nói trên vì vốn liếng ít. Còn phần nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trung bình và lớn việc găm hàng như vậy sẽ chuốc lấy vỡ nợ ngân hàng. Cho nên nếu có lợi dụng găm hàng chính là thương lái. Họ sẽ mua trả tiền trước 100% hoặc ứng tiền một phần cho người chăn nuôi và gửi heo tại chuồng để găm hàng.
Trung gian giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng cơ bản gồm 4 đối tượng là thương lái thịt hơi, lò mổ, thương lá bán buôn thịt sạch và người bán lẻ. Có thể nói, ăn nhiều ở đây là thương lái. Họ điều phối cả 2 đầu, vừa quyết định sản lượng mổ và vừa quyết định sản lượng thịt sạch phân phối bán lẻ.
Không chỉ thương lái thịt heo, bất kỳ sản phẩm nào cần thương lái để hỗ trợ người sản xuất, thì thương lái tìm mọi cách để hưởng lợi nhuận đậm. Thương lái ăn cả trên đầu người sản xuất và cả trên đầu người tiêu dùng. Không hiểu Bộ Công Thương đã tính chuyện này trong thắt chặt quản lý thị trường bảo vệ người tiêu dùng? Tương tự, Bộ Tài chính đã giám sát để hành xử chống thất thu thuế?
Cao Văn
Giá thịt heo siêu thị giảm Từ hôm nay (10/4), nhiều siêu thị đã giảm 6-25% giá thịt heo để bình ổn và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong mùa dịch. Từ ngày 10-13/4, hệ thống siêu thị Big C hai miền giảm giá thịt heo. Mức giảm mạnh nhất là thịt vai với 20%, kế tiếp là ba rọi giảm 14%, sườn non giảm 11%... Khách...