Gia tăng trẻ béo phì
Mỗi ngày, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì. Rất nhiều bệnh nhi chỉ mới 10 tuổi, nhưng đã nặng xấp xỉ người lớn.
Bác sĩ (BS) Lê Thị Kim Quí, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng gấp 5 lần trong hơn 10 năm qua.
Sợ mập nhưng vẫn… thèm ăn
Bé Thảo (8 tuổi), con gái của chị Lê Kim H. (nhà ở quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Con sợ mập lắm, đến trường các bạn cứ cười, nhưng nhìn đồ ăn thì con lại vẫn cứ thèm”. Chị Kim H. hết sức lo lắng khi nhìn thấy con gái tăng cân mỗi ngày. Hằng ngày, chị dành thời gian cho bé Thảo đi bơi, đi bộ thường xuyên và khắc phục khẩu phần ăn cho bé nhưng tình hình không cải thiện được nhiều. Chị H. nói: “Bé Thảo rất ý thức về chuyện ăn uống, vì nó sợ bạn bè trêu chọc là mập nhưng bé không thể cưỡng lại nỗi sự thèm ăn”.
Video đang HOT
Lúc mới 1 – 2 tuổi, bé Thảo vốn bị suy dinh dưỡng nên gia đình tìm đủ mọi cách để ép bé ăn. Kết quả, bé tăng cân vùn vụt. Và đến giờ thì gia đình lại vất vả để “hãm” sự tăng cân của bé.
Nên dành thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động vừa và nặng để tiêu hao bớt các năng lượng hấp thu (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Ngô Đồng
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì. Rất nhiều bệnh nhi dù chỉ mới 10 tuổi nhưng đã có trọng lượng xấp xỉ người trưởng thành. Tương tự, tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng có rất nhiều trường hợp đến khám về tình trạng tăng trọng không thể “hãm” lại của trẻ nhỏ. Riêng tại BV Nhi Đồng 1, trong vòng 10 năm trở lại đây, có khoảng 1.748 trẻ béo phì đến khám với tỷ lệ nam nữ là 2/1, độ tuổi phổ biến là từ 2 – 15 tuổi; trong đó từ 6 – 11 tuổi chiếm 68,6%, lứa tuổi mẫu giáo chiếm 16,8% và thấp nhất là lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm 14,6%.
Ảnh hưởng đến tâm lý
Biết mình bị béo phì nên bé Thảo rất tự ti, mặc cảm. Ngoài giờ đến trường học, bé Thảo rất ít tiếp xúc với người lạ, suốt ngày chỉ quấn lấy mẹ. Chị Kim H. cũng hết sức tâm trạng về việc này, chị chia sẻ: “Thấy thương con bé, nhưng cấm nó ăn thì thấy tội”.
Theo các BS BV Nhi Đồng 2, trẻ bị béo phì thường có tâm lý mặc cảm tự ti. Nhất là ở lứa tuổi đi học, bị bạn bè chế giễu, chọc ghẹo, càng khiến tâm lý trẻ nặng nề hơn, dễ dẫn đến hiện tượng trầm cảm. Và khi buồn, trầm cảm, trẻ lại có khuynh hướng ăn nhiều hơn, không giao thiệp bạn bè, kém tự tin, giảm khả năng học tập. Thậm chí, hậu quả nghiêm trọng của trầm cảm là trẻ sẽ tự tử. Vì thế, khi trẻ bị trầm cảm, cần thiết phải có sự tham vấn, điều trị của bác sĩ tâm lý.
Dễ mắc bệnh mạn tính
Theo các BS BV Nhi Đồng 1, béo phì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây ra nhiều căn bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch. Đáng lưu ý là khi cân nặng trên 200% so với cân nặng lý tưởng sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần, tử vong tăng cao khi béo phì kèm tăng mỡ bụng.
Theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM năm 2008, gần 35% người dân TP bị rối loạn chuyển hóa đường; trong đó 7% mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra béo phì còn gây ra những biến chứng khác như: ngừng thở lúc ngủ do tắc nghẽn, bệnh lí sỏi mật, ung thư, bệnh xương khớp, da,…
TS Tăng Kim Hồng – Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM – cho biết ngoài chế độ dinh dưỡng không hợp lý, một nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì là do học sinh ít hoạt động thể lực. Học sinh tiểu học nội thành thường ít đi bộ đến trường mà được cha mẹ đưa đi học.
Các nghiên cứu mới đây của các BS Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, thời gian dành cho hoạt động vừa và nặng của trẻ giảm từ 81 phút/ngày xuống còn 60 phút/ngày. Ngược lại thời gian dành cho hoạt động tĩnh như chơi game, xem tivi, học thêm,… lại tăng nhanh từ 120 phút/ngày lên 210 phút/ngày. Điều này sẽ làm cho trẻ không giảm bớt được năng lượng khi hấp thụ nên dù có được hạn chế ăn uống nhưng trẻ vẫn có nguy cơ béo phì.
Theo Báo Đất Việt