Giá hồ tiêu rơi tự do từ 250.000 đồng xuống 41.000 đồng/kg
Trước đây giá tiêu có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian gần đây giá mặt hàng này lao dốc không phanh chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg.
Tại hội nghị tổng kết niên vụ hồ tiêu 2018-2019 do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 10-5 ở TP HCM, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, cho biết trong năm 2018 giá tiêu duy trì được khoảng 55.000-60.000 đồng/kg thì nay tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồng/kg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao. Nguyên nhân giá tiêu liên tục lao dốc mấy năm nay là do sản lượng tiêu trên thế giới cũng như trong nước tăng cao, kéo theo cung vượt cầu.
Tiêu Việt Nam chiếm vị trí số 1 thế giới
Cụ thể, tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới sản xuất năm 2018 khoảng 556.000 tấn, tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về sản xuất hồ tiêu với 230.000 tấn, chiếm 42% tổng sản lượng thế giới.
Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 40.000 – 41.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu nếu tự thu hoạch có thể lấy công làm lời, còn thuê nhân công thu hoạch sẽ bị lỗ.
Video đang HOT
Các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội nghị đều nhận định sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Theo nhận định từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, năm 2019 sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp hồ tiêu cho rằng không còn cách nào khác phải liên kết với nhau, đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng sản xuất hồ tiêu sạch, thậm chí phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao. Đây là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nâng cao năng lực chế biến, gắn liền với phát triển thị trường; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào. Kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản; đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỉ lệ tiêu trắng xuất khẩu lên 30%-40%, đa dạng hóa sản phẩm (tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu)…
Theo Nguyễn Hải (Người lao động)
Bình Phước xác nhận đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước xác nhận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trừng tại nơi phát hiện dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN.)
Chiều 9/5, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước xác nhận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Theo ông Lộc, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trong đàn lợn gồm 7 con của nhà ông Nguyễn Đức Nhân. Gia đình ông Nhân thường gom thức ăn dư thừa từ các hộ buôn bán bún, phở trên địa bàn để làm thực phẩm chăn nuôi lợn.
Theo trình bày của ông Nhân, ngày 6/5, gia đình ông thấy đàn lợn có dấu hiệu bị bệnh đã báo cho trung tâm thú y địa phương. Trưa 8/5, khi có 4 con lợn bị chết, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã trực tiếp lấy mẫu gửi xuống Chi cục Thú y vùng 6, thuộc Cục Thú y xét nghiệm.
Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, các lực lượng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn nói trên theo đúng quy định; tổ chức tiêu độc khử trùng và các biện pháp nhằm khống chế không để nguồn bệnh lan rộng.
Đến chiều 9/5, Chi cục Thú y vùng 6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, Ủy ban Nhân Huyện Đồng Phú cùng các cơ quan chức năng liên quan đã họp khẩn để bàn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phương pháp tiêu độc khử trùng, xác định các vùng đệm để có biện pháp xử lý an toàn, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn cần chủ động, sẵn sàng ứng phó, phòng, chống dịch bệnh lan rộng.
Bình Phước có hơn 260km đường biên giới với Campuchia, là địa bàn trung chuyển giữa nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ; có hai tuyến quốc lộ 13 và 14, là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng từ miền Bắc và từ biên giới qua địa bàn tỉnh nên việc phòng chống dịch bệnh hết sức khó khăn.
Song song với đó, tỉnh Bình Phước tăng cường lực lượng kiểm soát 24/24 giờ tại hai chốt kiểm dịch bệnh động vật tại huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành. Tại cửa khẩu quốc tế Hoàng Diệu (huyện Lộc Ninh) cũng triển khai lực lượng kiểm soát dịch hết sức chặt chẽ.
Ông Trần Văn Lộc cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 250 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71 ngàn con lợn, trong đó phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Đầu tháng 3/2019, tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo các huyện, thị xây dựng kế hoạch hành động, ứng phó với bệnh dịch tả lợn. Tỉnh cũng xây dựng các phương án ứng phó khi có dịch.
Khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đồng Phú, ngành nông nghiệp đã phối với huyện xử lý nhanh, tiêu độc, khử trùng kịp thời phát dịch./.
Theo Đậu Tất Thành (TTXVN/Vietnam )
Long An: Buôn lậu hàng điện tử, điện lạnh gia tăng Trong thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Long An tuy có giảm nhưng vẫn chưa hết phức tạp. Đáng chú ý, ngoài thuốc lá đã xuất hiện thêm các mặt hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long...