Giá bán rau xanh ở nhiều siêu thị cao gấp đôi chợ dân sinh
Được gắn với nguồn gốc rau sạch, rau an toàn nên giá bán rau xanh tại các siêu thị còn ở mức cao, chưa phục vụ được đại đa số người tiêu dùng.
Đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện cách ly xã hội đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt thực hiện từ nhiều ngày nay. Thực tế về nguồn cung, chưa thấy có tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng tại các hệ thống siêu thị cũng như chợ dân sinh. Tuy nhiên, giá bán hàng hóa nhất là các mặt hàng rau, củ quả cũng cần phải bàn đến.
Chị Nguyễn Thu Hà, tiểu thương quầy bán rau, củ quả tại chợ Hôm, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, giá rau, củ quả những ngày qua luôn giữ ổn định không có nhiều biến động. Chỉ riêng có mặt hàng cà chua đỏ giá nhích tăng hơn trước từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
“Người dân ít đi chợ hơn thời điểm trước khi cách ly xã hội nhưng họ lại có xu hướng mua số lượng nhiều mỗi lần. Trước đây người dân thường đi ăn ở ngoài hàng, nhưng giờ thực hiện cách ly nên gia đình nào cũng phải ăn ngày 3 bữa nên thực phẩm, rau xanh từ đó có nhu cầu cao hơn”, chị Hà nói.
Rau xanh tại chợ dân sinh không thiếu, giá bán hợp lý với người tiêu dùng.
Theo khảo sát tại chợ Hôm và một số chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội, ngày 10/3 giá các mặt hàng như rau muống đang ở mức 15.000 đồng/mớ/kg; các loại rau cải xanh, cải bắp, cải cúc có giá 10.000 đồng/kg; mùng tơi 7.000 đồng/kg; đỗ xanh 30.000 đồng/kg; dưa leo 20.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá bán các mặt hàng rau, củ quả tại các chuỗi siêu thị những ngày qua vẫn còn ở mức cao hơn nhiều giá bán ngoài chợ dân sinh. Giá rau củ quả được niêm yết tại các siêu thị đối với rau muống vẫn có giá 22.000 – 25.000 đồng/bó/kg; cải chíp có giá từ 38.000 – 40.000 đồng/kg; cải ngọt 18.000 – 20.000 đồng/kg; cải cúc từ 20.000 – 24.000 đồng/kg; dưa leo từ 22.000 – 24.000 đồng/kg…
Theo quản lý bán hàng tại một số siêu thị, sở dĩ giá rau, củ quả tại siêu thị có giá trung bình cao hơn ngoài chợ dân sinh là do nguồn gốc sản phẩm được sản xuất, chế biến theo công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sạch và được bảo quản chu đáo. Từ giá gốc nhập vào giá rau sạch, rau an toàn đã cao hơn giá rau thường, cộng với một số chi phí bảo quản và phân phối nên giá rau trong siêu thị như vậy là hợp lý.
Trong khi đó, thông tin từ một hợp tác xã sản xuất rau sạch trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết, là đơn vị thường xuyên cung cấp mặt hàng rau, củ quả cho các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội với khối lượng hàng nghìn tấn mỗi tháng, giá rau bán buôn cho các siêu thị luôn ở mức ưu đãi vì họ là các khách hàng lớn và thường xuyên. Tuy nhiên, nếu so với mức giá từ nơi sản xuất qua các kênh phân phối rồi đến tay người tiêu dùng như mức giá niêm yết tại các siêu thị hiện nay là quá cao.
“Giá bán buôn rau ăn lá của hợp tác xã thường ở chỉ mức dưới 20.000 đồng/kg. Nếu các siêu thị có tổ chức đóng gói và thêm bao bì, nhãn mác nữa cũng không tăng thêm nhiều. Vấn đề giá tăng cao còn có thể do phải qua một số doanh nghiệp thu mua, cung ứng, bởi không phải siêu thị nào hợp tác xã cũng kí được hợp đồng cung cấp trực tiếp, vì thế nên rất khó biết giá rau đã tăng lên ở công đoạn nào?”, Chủ nhiệm một hợp tác xã rau an toàn cho biết.
Khâu cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ
Rau xanh, củ quả là mặt hàng thiết yếu luôn được mọi người tiêu dùng quan tâm nhất vì được sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, với mức giá cao vô lý như ở trên thì đa số người có thu nhập thấp không dám mua rau ở siêu thị mặc dù biết đó là rau sạch và rau an toàn cho gia đình mình.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, từ nhiều năm nay, câu chuyện giá ở một số siêu thị phổ biến cao hơn ở các chợ dân sinh là một thực tế ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân để giá hàng hóa ở siêu thị cao hơn giá ở chợ, về mặt khách quan có thể do chi phí bảo quản hàng hóa của hệ thống siêu thị cao hơn ở chợ, cộng thêm thuế VAT khi bán ra…
Video đang HOT
Còn lại yếu tố chủ quan khiến các siêu thị đẩy giá hàng hóa lên cao, đó là các chi phí để các mặt hàng nông sản đưa gửi vào siêu thị đều ở mức khá cao, như chiết khấu ở mức 20-30% nên có những nhà cung ứng đã không chịu nổi. Ngoài ra, còn những chi phí khó nói khác đã đẩy giá bán hàng nông sản và rau quả ở một số siêu thị lên cao so với chợ.
“Điều này lại ngược lại so với các nước đang phát triển, ở đó giá bán hàng hóa ở siêu thị đa phần thấp hơn ở các chợ dân sinh. Bởi siêu thị có thế mạnh về doanh số, khi đàm phán giá với các nhà cung ứng, thậm chí ép giá khi mua vào để tổ chức bán ra. Đây là bài toán lâu dài về giá bán lẻ ở các siêu thị Việt Nam”, ông Phú nói.
Không phải người tiêu dùng nào cũng chấp nhận giá bán rau trong siêu thị.
Bàn cụ thể về giá mặt hàng rau, củ quả thực tế ở Việt Nam hiện nay, ông Phú nhận định, trong khoảng 10 mớ rau sạch thì mới có 1 mớ vào được siêu thị, còn lại rau sạch buộc phải bán trôi nổi ở thị trường tự do lẫn với rau chưa sạch, và người trồng rau sạch không thu được lợi nhuận tương xứng với những gì mà mình đã bỏ ra.
Trong lúc đó, chuỗi cung ứng sản xuất phân phối mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ. Hàng hóa như rau sạch phải qua nhiều trung gian, bị ép giá, ép cấp, ép chiết khấu hoặc giao dịch mua bán hàng hóa chưa được công khai minh bạch, thiếu thông tin về giá cả và thị trường.
“Tổ chức tốt được chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản sạch sẽ phát triển một cách bền vững vì có đầu ra hỗ trợ ổn định và bình đẳng. Hệ thống siêu thị có mức giá hợp lý thì doanh số và lợi nhuận tăng cao. Người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp sẽ mạnh dạn bước chân vào siêu thị để mua hàng phục vụ cho sức khỏe của gia đình họ”, ông Phú chỉ rõ./.
Nguyễn Quỳnh
Rau xanh ở siêu thị khan hiếm, kệ hàng trống trơn, chợ dân sinh giá đắt gấp 2-3 lần
Rau củ quả sau Tết giá tăng mạnh, nhiều siêu thị tại Hà Nội khan hiếm hàng, các kệ rau trống trơn không còn gì để bán.
Ở siêu thị: Rau xanh khan hiếm, giá tăng gấp đôi không đủ hàng bán cho khách
Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội , các mặt hàng thịt tươi sống và rau xanh liên tục cháy hàng. Các kệ thịt lợn và rau củ quá phần lớn đều hết hàng. Thịt bò, thịt gà vẫn còn nhưng chỉ lác đác vài sản phẩm.
Đi siêu thị những ngày sau Tết, nhiều chị em nội trợ kêu trời vì giá cả tăng chóng mặt, rau xanh và thịt tươi sống không còn hàng để mua. Chị Lan Anh (ở Times City, Hà Nội) cho biết chiều ngày 2/2, chị đi siêu thị ở ngay dưới chung cư để mua thực phẩm thì hoảng hốt khi thanh toán 3 mớ rau nhỏ mà lên tới 100.000 đồng. Còn các sản phẩm thịt tươi sống thì hết sạch hàng.
3 bó rau xanh 100.000 đồng khiến người mua nóng mặt
Kệ hàng thịt bò, thịt lợn cũng hết hàng
Còn chị Minh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy), cuối tuần vừa rồi chị đi một vòng siêu thị chọn đầy một xe với đủ loại rau củ quả, thịt tươi sống, đồ ăn sẵn, mỳ gói... Chia sẻ với chúng tôi, chị Minh cho hay: "Để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tôi đã mua các loại thực phẩm đủ cho gia đình ăn cả tuần. Riêng rau xanh tôi chỉ mua được vài bó vì siêu thị hết hàng, mà giá cũng đắt gấp đôi so với dịp trước Tết".
Tại một siêu thị ở khu chung cư Linh Đàm, các nhân viên cho biết hiện mặt hàng rau xanh đã hết sạch, không còn hàng để phục vụ khách. Sau Tết nhu cầu của người dân rất cao nhưng lượng rau cung cấp lại hạn chế.
Anh Trung (một nhiên viên siêu thị này) cho biết rau xanh kham hiếm một phần là do sau Tết các nhà cung cấp chưa làm việc trở lại, hơn nữa, đợt mưa đá dịp Tết vừa qua khiến rau củ hỏng hết. Công thêm đó, dịch bênh Corona đang diễn biến phức tạp nên nhiều người mua dự trữ, lo lắng giá cả sẽ tăng vọt trong những ngày tới.
"Sau Tết, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá nhưng giá rau là tăng mạnh nhất, có những loại tăng giá gấp đôi nhưng vẫn không có hàng để bán. Sáng 2/2, chúng tôi cũng đã nhập về 1 lượng rau củ tương đối, nhưng chỉ sau 1-2 tiếng đã hết sạch hàng. Phải đến sáng hôm sau mới có đợt hàng mới", anh Trung cho hay.
Ghi nhận tại đây, giá rau xanh tăng gấp đôi so với thời điểm trong Tết, súp lơ trắng từ 16.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/cái; rau muống từ 8.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/túi 3,5lạng; quả đậu 26.000 đồng lên 40.000 đồng/túi 3.5 lạng, rau cải cúc từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ...
Ở chợ dân sinh: Chị em nội trợ "nóng mặt" vì phải mua rau đắt ngang thịt
Những ngày sau Tết, nhiều chị em nội trợ tá hỏa khi đi chợ mua rau xanh vì mặt hàng này được hét với giá trên trời, đắt ngang thịt. Sáng 3/2, ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá các loại rau xanh, củ quả vẫn ở mức cao dù hôm nay đã là mùng 10 Tết. Nhiều loại rau thậm chí tăng gấp đôi, gấp 3 so với đợt trước Tết Nguyên Đán.
Lý giải điều này, chị Vũ Anh (một tiểu thương ở chợ cóc trên đường Nguyễn Quý Đức) cho biết thời tiết lạnh cộng với mưa đá vài ngày qua tại một số tỉnh, thành phía Bắc khiến nhiều ruộng rau xanh mất trắng, những ngày sau Tết nguồn cung rau rất ít, giá nhập tại vườn cũng tăng khoảng 3-4 lần.
"Chúng tôi rất khó lấy hàng, mỗi loại cũng chỉ lấy được vài bó bán rải rác trong ngày. Vì rau đắt nên khách cũng mua hạn chế hơn, nhiều người hỏi giá xong rồi không mua nữa, hoặc chỉ mua một lượng vừa phải", chị Vũ Anh nói.
Chị Trang, một chủ sạp cạnh đó, lo lắng nếu cứ tình trạng mưa rét kéo dài thì những ngày tới rau vẫn đắt đỏ và diễn biến khó lường như giá thịt lợn hồi trong Tết. "Rau đắt thì không chỉ người tiêu dùng cháy túi mà tiểu thương chúng tôi sẽ thất thu. Tôi chỉ sợ một kịch bản thịt lợn lại diễn ra", chị Trang chia sẻ.
Không chỉ tiểu thương mà các chị em nội trợ cũng loay hoay mỗi khi đi chợ. Trên các diễn đàn về ẩm thực, các chị em cũng đang kêu trời vì giá rau xanh đắt đỏ. Bạn Lan Chi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết bây giờ đi chợ, tiền mua rau ngang với tiền mua thịt, cá. Các loại rau xanh tăng giá mạnh như súp lơ (loại nhỏ) có giá 35.000 đồng/cái, rau cần 25.000 đồng/bó, rau muống 20.000 đồng/bó...
"Đi chợ mua thực phẩm cho gia đình những ngày sau Tết thật sự đau đầu. Thời buổi rau đắt đỏ, cầm 100.000 đồng đi chợ thì phải chia đôi một nửa tiền mua rau, một nửa tiền mua thịt. Tôi mua 1 cây súp lơ nho nhỏ đã 35.000 đồng, trong khi trước đó cây súp lê này chỉ khoảng 12.000 đồng. Mua thêm 2 bìa đậu 12.000 đồng. Tiền còn lại mua thịt ba chỉ", bạn An kể.
Một bạn khác than thở: "Cuối tuần vừa rồi tôi mua con cá về làm lẩu. Cá trắm 100.000 đồng/kg khúc giữa, nhưng tiền rau thì mua hết gần 200.000 đồng vẫn thấy ít".
Không chỉ rau xanh, các mặt hàng hải sản tươi sống, các loại cá cũng tăng giá từ 10-20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo khám phá
Hàng hóa thiết yếu dồi dào giúp dân Đắk Nông yên tâm cách ly xã hội Sau 1 tuần thực hiện việc cách ly xã hội, tại các chợ dân sinh, siêu thị ở Đắk Nông lượng hàng hóa nhu yếu phẩm được bày bán khá dồi dào. Trong thời gian cách ly xã hội, tại Đắk Nông, các ngành chức năng, doanh nghiệp đã cung ứng đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu...