Ghiền cháo vịt nước lợ!
Nước cháo chạy đến đâu, người ăn nghe mát ruột gan đến đó!
Không ít du khách TP.HCM, rành “đường đi nước bước” tuyến đường quốc lộ 50 – thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; thường chọn quán nhà sàn lụp xụp, đầu ngã ba rẽ vào Kênh Nước Mặn, thuộc địa phận huyện Cần Đước, tỉnh Long An để nạp năng lượng cháo vịt.
Đó mới là điều lạ lùng. Bởi trên tuyến đường này, có hàng trăm quán cháo vịt tương tự bày bán. Trong đó, cũng có nồi cháo nóng hổi, 5 -10 con vịt luộc bóng mượt được treo toòng teng hoặc nằm vun ngọn trong tủ kính. Giá cả cũng sàng sàng như nhau: 25.000 – 30.000 đồng/tô thập cẩm, 35.000 – 50.000- 100.000 phần gỏi – tùy khách yêu cầu.
Ngọt thơm, săn chắc những miếng thịt “tảo tần”
Tương phùng huyết gạo nếp!
Vậy mà, nhiều người ngó lơ hết, họ chỉ “kết” mỗi một quán không tên của chị Thúy! Chị này, có bỏ bùa ngải gì vào trong nồi cháo hay sao mà khiến dân biết ăn chung thủy đến vậy?
Đó là, món huyết gạo nếp chân phương; nếm vào, nghe beo béo lẫn bùi bùi, dùng “đưa” cháo cũng ngọt mà “đưa cay” càng có trớn!
Video đang HOT
Hoài cổ một chút! Hơn 40 – 50 trước, nhiều bà nội trợ ở hai đầu bến phà Mỹ Lợi (nay đã thành cầu, dài trên 2km) của hai vùng giáp ranh Cần Đước – Gò Công vẫn thường làm món này, mỗi khi nhà có khách quý đến chơi hoặc dịp giỗ chạp hay “tết nhứt”. Mẹ tôi thường dạy rằng, nên rắc đều một nhúm gạo hoặc nếp lên đáy dĩa (trước đó, vo sơ) rồi mới hứng tiết gà/vịt. Làm vậy, giúp khối huyết thêm dẻo dai, ít bị vỡ vụn khi chín. Nếu có nhúm gạo nếp lúa mùa ngon (loại 6 tháng) thì càng quý. Vì, nếp sẽ lan tỏa mùi thơm hấp dẫn, đồng thời giúp gia tăng độ béo bùi cho khối “chả” huyết.
Chị Thúy, thật thà thừa nhận: từ 4 – 5 năm nay, miếng huyết của chị bán đã vắng bóng gạo nếp sáu tháng. Bởi vì, người dân xung quanh đã chuyển sang trồng những giống nếp ngắn ngày (bốn tháng rưỡi). Tất nhiên, mùi thơm thanh tao lẫn độ dẻo, bùi của hạt gạo nếp trẻ không thể sanh kịp với nếp… già. Nhưng dẫu sao, có vẫn hơn không!
Huyết nếp, một cách chế biến tinh tế của các bà nội trợ miệt Cần Đước – Gò CôngCứ ngỡ, một món ăn bình dị mà ẩn chứa sự tinh tế của những bà mẹ chịu thương chịu khó ở vùng ngập lợ, đã thất truyền. Bỗng dưng gặp lại – cố nhân – không khỏi bồi hồi! Nhà thơ Trần Tiến Dũng, nghe kể về phát hiện thú vị này, mắt vụt sáng, giọng háo hức: “Nhất định, lần sau về thăm quê, tao phải ghé vô đó, ăn một bữa cho đã thèm!”
Chỉ nguyên liệu phụ thôi, mà vẫn có cớ để kẻ lãng du vấn vương thì hy vọng những tổ hợp khác trong món cháo của chị Thúy không đến nỗi tệ.
Và vịt “nóng” chân quê
“Dung nhan” tô cháo trắng ngà, lan tỏa mùi thơm của tinh dầu hành tươi chan hòa cùng độ béo thơm đậm đà của mỡ vịt cỏ “nóng”. Xin đừng hiểu lầm, vịt nóng là vịt cầm vào phỏng (bỏng) tay, cắn vô chín lưỡi. Tạm hiểu, đó là dạng vịt còn tươi nguyên gần như tuyệt đối. Nhờ vậy, chất ngọt từ nguồn đạm vịt (“nước vịt”) hòa quyện vào nước cháo cũng nhiệt tình hơn. Khác xa với các hàng quán cháo vịt ở nhiều thành phố lớn – người bán khỏi cần bận tâm đến chuyện cắt cổ nhỏ lông cho đỡ mất thời gian. Mọi chuyện, đã có người của lò mổ lo. Ăn theo lò mổ là, một đội quân lao động phổ thông chuyên nhổ lông con vịt/gà mướn. Và để cho nhanh, có nơi đã nhẫn tâm nhúng nguyên con vịt/gà vào một nồi nước sôi có pha sẵn chất nhựa đường đen thui.
Nhờ chăm chút nên món cháo vịt bình dị của chị Thúy được nhiều thực khách ủng hộVài người thợ nhổ lông gà/ vịt quê Bình Chánh (xin giấu tên), TP.HCM, chuyên làm thuê cho các lò giết mổ gia cầm tập trung gần bến xe quận 8, tiết lộ rằng, làm vậy để: “Khi mình nhổ đường nào là sạch trơn đường nấy. Lông con, lông mẹ chạy theo hết!”
Mặc cho các nhà chuyên môn cảnh báo: chất nhựa đường có thể gây bệnh ung thư trong thực phẩm. (Bản tin 60 giây, của HTV7-9, từng cảnh báo chuyện này, về một lò giết mổ gà vịt ở Đồng Nai, dùng chất cấm nhựa đường pha vào thùng nướng trụng để nhổ lông gà vịt nhanh hơn). Nhưng phía nhân công và chủ lò mổ vẫn muốn tăng năng suất. Hậu quả sau. cùng cứ để cho “hạ đế” gánh trọn!
Và nếu xét về cảm quan, vịt/gà tươi đem nhúng hóa chất (để nhổ lông nhanh), màu da sẽ trắng tái (trắng nhạt) so với hàng giết mổ tự nhiên. Và tất nhiên, độ ngọt cũng như mùi vị đặc trưng cũa gia cầm cũng sụt giảm thấy rõ (khoảng 40-50% so với nguyên liệu tư nhiên).
Ở quán chị Thúy thì không. Chính tay chị “tiễn đưa” mỗi ngày khoảng 10 – 25 con vịt, nặng cỡ 1.3-1.8kg/con. Nhìn đôi bàn tay chị thoăn thoắt nhổ lông con 5-6 con vịt phía sau sàn nước, bằng một một dao nhíp chuyên dụng, cứ như một nhạc công piano điêu luyện đang đang say mê lả lướt mười ngón tay trên bàn phím, nhằm gieo nên những hợp âm thánh thót-du dương cho giới mộ ngẩn ngơ! “Hơn 20 năm trời, ngày nào chị cũng cặm cụi nhổ lông vịt, bộ không ngán sao? – Tui lấy công làm lời mà chú. Mình ngán thì ai làm thay đây! Còn ổng lo chạy xe ôm kiếm thêm. Tối về cũng có phụ họa đâm nước mắm gừng chút đỉnh!”
Cặp đôi hoàn hảo!
Có hôm nắng đổ lửa, ghé vào quán chị kêu tô cháo không với dĩa gỏi – chua vừa phải- giải nhiệt. Mùi mắm gừng vừa lên men chua dịu lẫn cay nồng lan tỏa như gọi mời mới tuyệt làm sao! Đành rằng, quán bình dân nên người bán không dùng nước mắm nhỉ đắt tiền. Song, chính mùi vị nhúm dưa gừng giã nhuyễn, dung thông với mớ xác ớt giã đỏ tươi, cùng độ chua ngọt vừa phải của hỗn hợp giấm nuôi đường làm chén nước chấm thêm duyên dáng hơn.
Chấm ngập miếng nạc vịt cỏ ngọt thơm, săn chắc. Húp nhanh muỗng cháo (gạo rang sơ rồi mới hầm) nở lúp búp. Nước cháo chạy đến đâu, người ăn nghe mát ruột gan đến đó!
Xin cố giữ lấy món cháo chân quê chị Thúy nhé!
Theo Thanhnien
Mưa dầm về nhớ món canh bầu cá lóc cắm câu của ba...
Bầu trái có vị ngọt thanh, mát; cá lóc đồng thịt lành ngọt thơm nên hai nguyên liệu này kết hợp tạo thành một món canh ngon đậm đà khó cưỡng.
Bầu trái có vị ngọt thanh, mát; cá lóc đồng thịt lành ngọt thơm nên hai nguyên liệu này kết hợp tạo thành một món canh ngon đậm đà khó cưỡng
Hồi xưa, mẹ tôi vốn hay trồng bầu để bán, nhà lại cách cánh đồng lớn không xa, nên cứ đến mùa mưa, khi cá lóc nối đuôi tràn vào các con kinh là ba tranh thủ đi thả câu mang cá về nấu nồi canh bầu ngọt mát cho bữa cơm chiều...
Tôi còn nhớ, ba mẹ tôi không có nhiều đất nên để có cái gọi là "đồng ra đồng vô" trong nhà, mẹ tôi hay trồng bầu, chứ không trồng các loại rau quả khác vì bầu dễ trồng, lại có trái quanh năm, mùa nắng thậm chí còn cho trái nhiều hơn mùa mưa. Tuy nhiên, tôi thích mùa mưa hơn vì có sẵn nước mưa làm nguồn tưới đong đầy cho các dây bầu, tôi đỡ phải gánh nước tưới nhiều lần như mùa nắng; phần nữa là được mẹ thường xuyên nấu món canh cá lóc nấu bầu yêu thích cho ăn. Mùa mưa cá theo vào các con kinh nhiều nên ba thường xuyên mang cần ra cắm. Cứ tầm xế xế ba vát cần đi thì thể nào đến chiều chiều là có vài con dính. Thậm chí, hôm nào được nhiều mẹ tôi lựa con lớn mang bớt ra chợ bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Tôi công nhận, ba cắm câu hay mà mẹ tôi trồng bầu cũng giỏi nên nhà tôi dù đất ít vẫn đủ ăn, đủ mặc, cuối năm còn được mẹ tổng kết "có dư chút đỉnh". Tôi còn nhớ, cứ đến khi dây bầu mọc dài được 1m là mẹ bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt. Cứ cách 1 - 2 đốt mẹ lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ thêm ở những đốt đó. Mẹ giải thích rằng làm như thế để tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này. Khoảng 2 tháng sau thì mẹ bắt đầu nương dây cho leo giàn. Lúc đó tôi thường phụ mẹ, mẹ căn dặn phải để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Và đặt biệt, nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, nếu dàn không thích hợp hay quá nhỏ không đủ để bầu bò, bầu sẽ cho ít trái hay thay đổi dạng trái và kích thước trái, không đạt tiêu chuẩn, khi bán sẽ bị thương lái chê lên chê xuống mất giá. Nhờ mẹ chăm kỹ, đúng cách khi bầu vừa lên giàn là trổ hoa đậu trái, thời gian ngắn sau là bắt đầu cho thu hoạch.
Cứ mỗi khi ba mang cá cắm câu về là mẹ ra vườn lựa trái bầu đèo đẹt vào nấu canh. Người ta bảo cá lóc nấu canh bầu rất ngon nhưng không dễ nấu vì không khéo sẽ rất tanh. Tuy nhiên, canh mẹ tôi nấu lúc nào cũng ngọt và thơm lừng. Để được như vậy, trước khi bắt nồi nước canh lên mẹ hay kêu tôi lột củ hành tím xắt mỏng để sẵn. Mẹ cho tí dầu lên đun nóng dầu, cho hành vào phi cho vàng thơm, tiếp theo là mẹ cho cá lóc vào chấy sơ với hành phi đó. Ôi cá lóc vốn tanh sẽ chuyển sang dậy mùi thơm ngay, và thịt cá vốn chắc càng săn hơn. Sau đó, mẹ cho nước vào nồi canh đủ cà nhà ăn, rồi cho bầu vào nấu chín cùng nước cá. Bầu chín mẹ cho tí muối, tí bột ngọt và đường là có ngay nồi canh bầu cá lóc đồng thơm dậy mùi và ngọt lịm. Hôm nào rảnh thì mẹ vớt cá ra gỡ xương lấy thịt xong cho lại vào nồi canh để các con ăn dễ hơn. Lúc đó, mỗi đứa chan canh vào chén cơm lùa vài lùa đũa là hết chén ngay, canh ngọt, cá thơm, bầu mềm, ăn hoài không ngán. Nếu như bình thường mẹ tôi hay la hét tụi tôi rằng "ăn từ chuối trồng đến chuối trổ" thì hôm nào nhà có món canh này y như rằng hôm đó đứa nào đứa nấy đều "đánh nhanh rút gọn", nồi cơm không còn hạt nào...
Theo Thanhnien
Ngọt thơm, thanh thoát chè bông cau của mẹ Món chè được nấu cúng dâng đất trời, nhẹ nhàng mà thanh thoát. Mỗi lần ba mạ cúng ngoài trời vào ngày rằm hay ba mươi mùng một, nếu trời quang mây tạnh, ba kê cho mạ cái bàn nhỏ bên cạnh cây cau trong sân. Cây cau của ba là giống cau lùn, hầu như khi nào cũng có cả hoa và...