Ghét ai thì bầu người đó làm lớp trưởng !
Bằng mọi cách ‘phá đám’ để không phải làm lớp trưởng vì sợ bị tẩy chay, hoặc không thích ai thì bầu người đó làm lớp trưởng để cho bạn bè ghét… là thực tế đang diễn ra trong các trường học.
Một lớp trưởng điều hành các bạn trong tiết học thể dục (Ảnh có tính chất minh họa) – Ảnh: Ngọc Dương
Bầu làm lớp trưởng cho bõ ghét !
Trong hoạt động của mỗi lớp học hiện nay, lớp trưởng đóng vai trò quan trọng cùng với giáo viên chủ nhiệm trong việc xây dựng, ổn định nền nếp sinh hoạt, học tập của các thành viên trong lớp. Vậy nhưng trong thực tế đã phát sinh những áp lực, căng thẳng đã khiến học sinh (HS) e ngại, từ chối không muốn làm công việc này.
Với kết quả học tập tốt và được nhận xét nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào trong hồ sơ tiểu học nên vào đầu năm học lớp 6, K.A, HS một trường THCS tại Q.1 (TP.HCM), được thầy chủ nhiệm đề cử và các bạn trong lớp ủng hộ nhận nhiệm vụ lớp trưởng. Tuy nhiên, sau 2 tháng, theo lời kể của phụ huynh, K.A tâm sự với mẹ: “Mai con lên xin thầy chủ nhiệm cho con nghỉ làm lớp trưởng chứ con thấy mệt mỏi quá. Các bạn vi phạm, con nhắc nhở thì bị các bạn ghét mà nếu con “lơ” đi thì con bị thầy la. Con không biết làm thế nào để vừa lòng mọi người, nên thôi không làm chức này nữa để chơi với bạn bè cho thoải mái”.
“Hãy trả lớp trưởng đúng vị trí là cầu nối của học sinh với giáo viên, với nhà trường chứ không là người có quyền, là cánh tay nối dài của giáo viên trong việc xử lý vi phạm”
Tiến sĩ PHẠM THỊ THÚY (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia – Phân viện TP.HCM)
Một HS lớp 5 tại Q.3 cũng nhất định “từ chức” lớp trưởng vì muốn nhẹ người. “Từ ngày con làm lớp trưởng, các bạn tỏ thái độ không muốn chơi gần vì sợ con là “tay sai” của cô giáo. Thậm chí có hôm các bạn ngáng chân làm con ngã khi con đi qua. Con cảm thấy công việc này gây nhiều phiền toái cho bản thân và không thoải mái, lúc nào cũng phải gồng mình lên cố gắng làm gương cho các bạn”, HS này cho biết.
Nhiều HS rơi vào tình thế được bầu làm lớp trưởng do… các bạn trong lớp ghét. N.V.C.N (đang học lớp 5 ở Q.10) tiết lộ: “Mỗi tháng, lớp con luân phiên bầu lớp trưởng, tụi con cứ ghét bạn nào là đến kỳ bàn nhau bầu bạn đó làm nhiệm vụ này cho bõ ghét. Vì trong lớp không ai muốn làm lớp trưởng do sợ các bạn không chơi với mình”.
Hầu hết học sinh đều e ngại
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm của Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM) Huỳnh Lê Ý Nhi nhìn nhận, hiện nay HS đều e ngại khi được đề cử làm lớp trưởng và hầu như không có HS nào xung phong nhận nhiệm vụ này. Nếu có chỉ là một số HS nghịch ngợm trong lớp, muốn trêu chọc các bạn tự ứng cử mà thôi.
Video đang HOT
Về công việc của lớp trưởng, một giáo viên thẳng thắn nói, trách nhiệm thì nhiều mà quyền lợi thì chẳng có gì, chưa kể là phải gánh thêm “phiền phức” cho bản thân. Bởi người đứng đầu lớp phải có trách nhiệm sao cho các bạn không mất trật tự trong lớp, không nói tục chửi bậy, không xả rác bừa bãi… Lớp trưởng còn thường xuyên nhắc nhở các bạn học bài, làm bài đầy đủ, tham gia các hoạt động phong trào và có nhiệm vụ báo cáo trung thực vi phạm của các thành viên trong lớp.
Đừng để lớp trưởng “say quyền lực”
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia – Phân viện TP.HCM, phân tích: Lớp trưởng là người giữ vai trò cầu nối giữa HS với giáo viên, giúp cho việc học tập của các thành viên trong lớp ngày càng tốt hơn. Bản thân những HS làm công việc này cũng có cơ hội rèn luyện và thể hiện các kỹ năng như quản lý, tổ chức, hòa giải, nói trước đám đông… Chính vì những lợi thế này mà nhiều trường, nhiều giáo viên thực hiện luân phiên nhiệm vụ lớp trưởng để các HS trong lớp cùng có điều kiện thể hiện năng lực của mình.
Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu là vậy nhưng trong quá trình vận hành đã phát sinh những bất cập khiến công việc này mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, tạo hình ảnh không đẹp trong mắt của HS. Tiến sĩ Thúy chỉ ra nguyên nhân có thể xuất phát từ việc giáo viên phải làm nhiều việc hồ sơ, sổ sách nên giao “quyền” cho những HS giữ vị trí này trong việc quản lý lớp, kiểm tra bài tập hay một số việc mà lẽ ra giáo viên phải làm mà quên đi mục tiêu ban đầu lớp trưởng là cầu nối, người giúp đỡ các thành viên trong lớp học tập tốt hơn. Từ việc cho phép HS thực hiện các hành vi không bình đẳng với các bạn đồng trang lứa, tạo thành một “thế lực” dẫn đến có HS bị “say quyền lực”, tự cho mình quyền xử lý, gây áp lực với bạn bè.
Phụ huynh Dương Thị Thanh Hòa, có con đang học tiểu học tại Q.8, kể trong lớp học của con gái có bạn lớp trưởng thích thể hiện quyền uy, khiến bạn bè trong lớp rất sợ. Chị Hòa cho hay, khi đưa con gái đến trường, từng chứng kiến cảnh một lớp trưởng đứng trên bục giảng quát và cấm các bạn không ra khỏi chỗ ngồi khi cô giáo chưa vào lớp. Phụ huynh này nói thêm, thái độ bé lớp trưởng rất hách dịch, cầm cây thước sẵn sàng chỉ vào mặt bạn bè và ra lệnh phải thực hiện theo yêu cầu. Sau đó, phụ huynh này có hỏi thì con gái cho hay cả lớp ai cũng sợ và không thích bạn lớp trưởng vì bạn hay la lối, nếu không nghe lời bạn sẽ ghi tên lại và báo cô giáo…
Vì vậy, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, để HS không cảm thấy gánh nặng khi làm nhiệm vụ lớp trưởng cũng như không vượt quá giới hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý thì giáo viên nên định hướng công việc theo như mục tiêu ban đầu của công việc này. Hãy trả lớp trưởng đúng vị trí là cầu nối của HS với giáo viên, với nhà trường chứ không là người có quyền, là cánh tay nối dài của giáo viên trong việc xử lý vi phạm.
Theo thanhnien
Tôi luôn nghiêm khắc với em nhưng em lại là cô học trò tình nghĩa nhất
Khi cầm món quà được gửi về từ nơi xa, tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Đọc tên người gửi, tôi càng không tin bởi em chính là cô học trò mà tôi luôn nghiêm khắc.
Vừa bước chân vào văn phòng trường, tôi đã được đồng nghiệp chúc mừng: "Sướng nhé, được học trò cũ tận nơi xa gửi quà về tặng ngày 20/11, nhất chị đấy!"
Học trò lớn lên mới hiểu thầy cô nghiêm khắc chính là thương các em (Ảnh minh họa: baobaclieu.vn).
Tưởng mọi người đùa vì giáo viên tiểu học như chúng tôi, ngày Tết thầy cô nhận được vài tin nhắn chúc mừng đã thấy vui rồi, nhận quà của học sinh đã thành đạt nơi xa gửi về là vô cùng hiếm.
Thế nên, ngay cả khi cầm trên tay món quà được gửi về từ thành phố Hồ Chí Minh tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Đọc tên người gửi, tôi càng không dám tin bởi em chính là cô học trò mà tôi luôn nghiêm khắc nhất.
Em là Nguyễn Thị Hồng Trinh học sinh do tôi làm chủ nhiệm cách đây hơn 20 năm. Em vốn là cô bé thông minh, lanh lợi và học giỏi nhất nhì trong lớp.
Thầy cô giáo nào cũng nói em có tài "cầm cân" vì các bạn học sinh trong lớp luôn nghe lời em nói.
Ngay cả trong giờ học, chỉ cần bạn nào không chú ý, chưa cần thầy cô lên tiếng nhưng em chỉ nhắc tới tên là các bạn trật tự ngay.
Thầy cô bước ra khỏi lớp, em cầm cái thước đi lòng vòng quanh lớp và nhịp nhịp chiếc thước trên tay thì không bạn nào nói chuyện hay dám quậy phá.
Có lần, tình cờ tôi nhìn thấy giờ ra chơi nhưng một vài bạn nữ ngồi trong lớp buồn so nhìn đám bạn đang chơi ngoài sân với một sự thèm khát.
Thắc mắc, tôi hỏi một cô bé: "Sao con không ra chơi với các bạn cho vui mà ngồi tại đây?".
Cô bé ngước cặp mắt buồn ngấn nước lên nói: "Bạn Trinh không cho con chơi. Bạn cũng cấm các bạn chơi với con".
Tôi thật sự bất ngờ trước thông tin ấy. Tôi đã gọi em lên hỏi, mới đầu em quanh co sau thì nói rằng tại em không thích bạn ấy, tại bạn ấy chửi em...
Tôi đã chỉ cho em thấy làm thế với bạn là không được và đã phạt cho em vài roi (ngày ấy giáo viên đánh học sinh chẳng bao giờ bị cha mẹ các em phản ứng, nhiều phụ huynh còn nhờ cô phạt nhiều hơn).
Tôi để ý đến em nhiều hơn và thấy em luôn tỏ ra uy quyền với bạn. Chỉ mỗi cái liếc mắt của em cũng làm một số bạn cùng trang lứa phải sợ.
Lần khác, bất ngờ tôi thấy em quát nạt bạn, đập thước chát chúa lên bàn và còn dùng thước quất một số bạn vì tội mất trật tự trong lớp.
Tôi đã gọi em lên phân tích rằng: "Con không được quyền quát nạt hay đánh bạn. Bạn nói chuyện chỉ được nhắc nhở và nói lại với cô".
Dù cô bé hứa sẽ không làm thế với các bạn. Tôi không cho em cơ hội để sửa sai và tôi đã cách chức lớp trưởng của em phân cho một bạn khác.
Tôi biết em rất buồn vì thời ấy đám học trò cỡ tuổi như em, bạn nào cũng thích được làm lớp trưởng.
Tôi làm thế vì muốn "áp chế" em, tôi không muốn cái chức lớp trưởng sẽ biến em từ một cô bé dịu hiền trở nên hung dữ, hay cáu bẳn với bạn bè.
Học xong lớp 5, tôi cũng ít có cơ hội gặp lại em dù có thi thoảng cũng hỏi thăm để biết được em thế nào.
Bẳng đi gần 20 năm, em bất ngờ liên lạc lại và gửi tặng cô bộ áo dài, em nói muốn được nhìn thấy cô mặc bộ đồ dài trong ngày Tết nhà giáo.
Kể từ đó đến nay, cô trò thường xuyên liên lạc, có năm em lên nhà cả buổi chỉ cùng cô ngồi hàn huyên về những năm tháng tuổi học trò.
Những lần tôi vận động quyên góp cho những mảnh đời bất hạnh, em cũng nhiệt tình tham gia dù tôi biết cuộc sống của em vẫn chưa dư dả gì.
Em luôn nói, giúp một ai đó đâu cần đợi mình phải giàu có mới làm được? Mình giúp theo đúng khả năng của mình và ai cũng như thế sẽ có nhiều người được giúp đỡ hơn.
Tôi mừng vì em đã trưởng thành thật sự, không chỉ học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định mà còn biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Có được những học trò như thế, chính là niềm vui của tất cả những người làm nghề giáo như chúng tôi.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào chuyện giáo dục trong nhà trường Khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào việc dạy và giáo dục học sinh ở trường sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc dạy và giáo dục các em. Hiện nay, vẫn còn những phụ huynh không quan tâm đến việc học của con, thậm chí không bao giờ hợp tác với giáo viên ngay cả khi thầy cô yêu...