Ghé xuồng vô quán, ăn bánh cống Xà No!
Đến Xà No, người ta không quên ghé qua và hàng quán ven đường ăn cái bánh cống vừa lạ miệng vừa như nghe tâm hồn gợi nhớ chuyện xa xăm từ ngày xưa ấy…
Chiều chiều xuôi dòng Xà No chảy trong lòng thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang nghe câu hát ngọt lịm vọng lại từ chiếc xuồng ba lá khiến khách xa quê không khỏi bồi hồi nhung nhớ.
Hậu Giang sông nước dâng tràn/ Ghé xuồng thăm quán cô hàng năm xưa,
Bánh cống nhộp nhịp người mua/ Ngọt ngon hương vị quê mùa khó quên!
Cái tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer có nghĩa là điển điển. Đây là loài cây hoang mọc nhanh vào mùa nước nổi. Bông điên điển rực vàng như tạo thêm dáng vẻ yêu kiều cho vùng quê dân dã.
Bánh cống, cái tên nghe sao mà dân dã, nhưng cũng rất chân tình. Người miền quê, nghĩ sao gọi vậy, kêu vậy. Bánh chiên trong cái cống, giống như dụng cụ múc, đong nước, đong xăng dầu, … và dân gian cứ thế mà kêu. Nói ra ai cũng biết.
Điên điển bên dòng Xà No
Muốn có cái bánh ngon, giòn khướu thì phải lựa gạo lúa mùa. Ngâm gạo qua đêm rồi xay mịn, bồng, dằn cho bột khô. Khi ngâm gạo, người ta ngâm luôn chừng nửa lon đậu nành. Bột xay xong thì xay đậu, lấy nước đậu đó nhồi với bột cho vừa tới không quá lỏng cũng không quá đặc. Bánh chai cứng hay xốp, giòn sẽ quyết định từ công việc quan trọng này.
Đem đậu xanh cà đãi sạch vỏ rồi hấp cho đậu chín. Người ta hấp chứ không luộc bởi hấp đậu chín mà không thấm nước, như vậy mới ngon. Tép bạc lựa con cỡ ngón tay, rửa sạch rồi để sống, thứ này không cần làm chín trước. Thịt heo cả nạc lẫn ít mỡ bằm nhuyễn nêm ít tiêu, đường, muối, … xào sơ cho thịt săn lại.
Chuẩn bị xong bột và nhưn đến khâu chiên bánh. Chảo nóng, đổ ngập mỡ heo thắng hoặc dầu ăn, từng cái cống bằng nhôm hoặc inox được chuẩn bị sẵn, rửa sạch, để ráo. Khi mỡ (hoặc dầu) sôi thì thoa sơ qua cống lớp mỡ thắng, múc bột đã pha chế lót dưới đáy, rắc ít nhưn đậu xanh lên, lớp kế là thịt xào, rồi lại phủ lên ít đậu, tiếp theo là bột.
Đến đây, người chiên gõ gõ cái cống đầy hỗn hợp ấy xuống thớt mấy lần. Làm vậy cho bột phía trên chảy và thấm xuống thịt, đậu ở dưới. Trên cùng người ta để con tép bạc còn nguyên râu, càng nằm ngang.
Bánh cống
Từng chiếc cống đầy bột và nhưn ấy lần lượt được nhún từ từ vào chảo dầu sôi. Lát sau, bánh bắt đầu chín và tự bung ra khỏi khuôn rồi nổi lềnh bềnh trên mặt chảo. Chiên thêm chút nữa, bánh sẽ ngã màu vàng sậm. Vớt bánh ra để trên mấy thanh tre gác ngang một phần miệng chảo. Làm vậy, bánh sẽ nhỏ hết dầu, mỡ trở lại.
Gắp từng cái bánh ra dĩa. Rau rừng các loại từ lá cách, lá cát lồi, đọt sung, đọt sộp, đến từng bẹ bắp cải trắng phau, bông điên điển vàng, lá non của bông súng vừa xanh, vừa tím.
Nước chấm bánh cũng được làm khá công phu. Ớt tỏi bằm nhuyễn pha với nước giấm hoặc nước cốt chanh, thêm chút đường, bột ngọt. Đặc biệt dân gian thường dùng nước mắm Hòn (cách gọi chung nước mắm làm từ vùng Nam Du, Lại Sơn, Phú Quốc) hảo hạng chế biến từ cá cơm.
Trong chén nước chấm người ta còn để thêm ít củ cải trắng, đỏ xắt sợi bóp chua nổi bồng bềnh vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Video đang HOT
Người ăn bánh cống sành điệu không dùng đũa mà chỉ dùng tay xé bánh cuộn với rau rồi chấm nước mắm. Có lẽ vì cách ăn dân dã như vậy, mà ở phần đầu bài viết này chúng tôi đã nói, người thưởng thức như thấy được bóng dáng của cuộc sống tiền nhân ngày trước hiện về, mộc mạc, chân tình, quá đỗi thân thương.
Mời nhau miếng bánh chiên giòn
Mai kia mốt nọ vẫn còn nhớ thương (Ca dao)
Theo Hai Miệt Vườn (Dân Việt)
10 món bánh miền Tây được yêu thích ở Sài Gòn
Là mảnh đất quy tụ nhiều món bánh ngon, lạ, nổi tiếng của các nền ẩm thực trên thế giới, nhưng Sài Gòn không thể vắng bóng bánh quê dân dã, mộc mạc miền Tây.
1. Bánh gan
Ảnh: Thinhcaole.wix.com
Sở dĩ món bánh này có tên như thế vì sau khi hoàn tất, miếng bánh cắt ra có màu sắc và hình dáng giống như miếng gan heo. Khác với các món bánh khác, bánh gan heo không dùng bột mà chỉ được làm từ trứng vịt, dừa khô, đường, hồi và dầu ăn. Khi ăn, bánh có vị thơm, béo và hơi tanh.
2. Bánh lá mít
Ảnh: Cuong85
Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá mít, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khiến mọi người ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.
3. Bánh ống
Ảnh: yesvietnam
Bột bánh ống được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì và bột gạo. Hai loại bột này được trộn theo một tỷ lệ nhất định sao cho luôn ở trong tình trạng tơi, xốp. Khi có khách, người bán cho bột vào khuôn, đợi bánh chín (3-5 phút) lấy ra và đặt trên một chiếc lá chuối, sau đó cắt đôi bánh theo chiều dọc, cho thêm đường, dừa nạo vào rồi cuộn lại. Món bánh này ngoài vị ngọt của đường, vị béo của dừa, dai dai của khoai mì, còn thoang thoảng hương thơm của lá chuối.
4. Bánh tai yến
Ảnh: Foody
Ban đầu, người dân gọi là bánh tổ yến do hình dạng bên ngoài đặc biệt của bánh, sau đọc chệch thành tai yến. Bánh tai yến có thành phần, cách thức chế biến khá giống bánh xèo. Điểm khác duy nhất là động tác cho bột vào chảo dầu phải nhanh, dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng.
5. Bánh chuối nướng
Bánh chuối nướng có thành phần khá đơn giản với vài ba lát bánh mì cũ, vài trái chuối sứ chín rục, ít sữa tươi, nước cốt dừa hoặc cả hai. Đây là loại bánh dễ làm, khó bị hỏng nhờ nguyên tắc cơ bản là trộn tất cả vào nhau và nướng. Nguyên liệu, cách làm đơn giản, song món bánh này vẫn đủ sức làm mê hoặc mọi người với vị tươi mới cùng sắc màu vàng đặc trưng của dòng bánh nướng.
6. Bánh khoai mì
Chỉ đơn giản với ba thành phần chính là khoai mì, bột, đường, bánh khoai mì vẫn chứng minh sức hút không tưởng của mình qua bao thế hệ. Đến nay, món bánh dân dã này cũng dần xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng với vị trí không hề kém cạnh so với "anh em" bánh ngọt đến từ các nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới.
7. Bánh giá
Ảnh: dunghangviet.vn
Bánh giá hay bánh vá là một trong những món ăn quen thuộc của miền Tây. Có rất nhiều tranh cãi về tên gọi của món bánh này. Nguyên liệu chính để làm bánh là giá, bánh được chiên trên vá nên cả hai cái tên đều đúng.
Bạn có thể thưởng thức món bánh này tại bất kỳ tỉnh, thành nào của vùng đất chín rồng. Tuy nhiên, bánh giá tại Chợ Giồng, thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang, nơi khai sinh ra món bánh này là nổi bật hơn cả.
Bánh giá hút thực khách bởi vị béo của dầu, của thịt hòa lẫn với vị ngọt của tôm, thanh mát của giá sống, củ sắn, cái đậm đà của chén nước mắm tỏi ớt và tươi xanh của rau sống
8. Bánh cống
Ảnh: zini.vn
Ảnh: Khám phá
Bánh cống hay cóng là món bánh của người Khmer Nam bộ và là một trong những đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Tên gọi như thế vì khuôn làm bánh có hình dạng như một cái cống lòng sâu.
Bánh cống có màu vàng óng, giòn tan và chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay. Điểm nhấn của món bánh này là con tôm nằm khoanh tròn trên mặt bánh trông rất hấp dẫn.
Bánh cống hút thực khách với vị ngon của bột bánh giòn tan thơm nức, đượm chút béo của mỡ sa, đậu xanh và thịt. Bánh là hỗn hợp của thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột... Đặc biệt bánh không ăn với cải xanh, mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách, diếp cá và chấm cùng nước mắm chua ngọt.
9. Bánh tầm bì
Ảnh: An Huỳnh
Ảnh: 4muangon.com
Với tạo hình lạ từ những cọng bún gạo có hình dáng khác thường cùng sự kết hợp "không giống ai" của thịt và nước cốt dừa, bánh tầm bì khiến những thực khách lần đầu thưởng thức sửng sốt và tò mò.
Với thành phần phong phú gồm có dưa leo, xá lách, giá, rau thơm, bánh tằm, bì, thịt heo nạc, đậu phộng đập dập, đồ chua (cà rốt, củ cải), hành phi, nước mắm chua ngọt, nước cốt dừa, bánh tầm bì là món ăn tổng hòa của các vị chua, cay, mặn, ngọt, béo bùi... Chính điểm cộng này khiến món ăn có sức hấp dẫn không nhỏ với thực khách. Song nó cũng chứa một điểm trừ lớn là sự "cạch mặt" của những vị khách không thích món ăn vừa mặn vừa ngọt.
10. Bánh xèo
Mười Xiềm Khác với bánh xèo miền Trung đổ bằng khuôn, bánh xèo miền Nam được đổ bằng chảo, bánh xèo miền Nam lớn gấp nhiều lần so với bánh xèo miền Trung.
Ngoài những điểm chung về nguyên liệu (bột), thịt heo, tép bạc, giá cùng cách đổ sao cho vang lên tiếng "xèo" đặc trưng, bánh xèo miền Nam còn có sự tham gia của hàng loạt nguyên phụ liệu khác như trứng gà, nước dừa, các loại nấm...
Một cái bánh xèo ngon được đánh giá dựa trên phần vỏ bánh mỏng tang, giòn rụm; phần thịt thà tươi ngon. Song quan trọng nhất là chén nước chấm có độ chua, cay, ngọt vừa miệng.
An Huỳnh
Theo Zing
Thèm bánh cống Sóc Trăng giòn thơm mỗi chiều Bánh với các thành phần gồm tôm, thịt băm, đậu xanh, trứng gà sau khi chiên vàng giòn, ăn cùng rau sống rất tuyệt. Bánh cống Đại Tâm là đặc sản của Sóc Trăng được người dân Khmer kinh doanh dọc theo quốc lộ 1A từ cầu Bưng Cốc đến chợ Đại Tâm ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Theo...