Gặp gỡ chàng sinh viên giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp”
Đó là Lê Ngọc Bích, chàng sinh viên năm thứ 3, lớp K22 – ĐH Kỹ thuật Điện, Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Hồng Đức vừa giành giải Nhất Cuộc thi ‘ Sinh viên khởi nghiệp’ với ý tưởng ‘Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động’.
Sinh viên Lê Ngọc Bích giành giải Nhất Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”
Có dịp gặp gỡ Lê Ngọc Bích, chàng sinh viên quê xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa hiện đang học năm thứ 3, lớp K22 – ĐH Kỹ thuật Điện Khoa Kỹ thuật Công Nghệ chia sẻ về ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”.
Sinh viên Lê Ngọc Bích thuyết trình ý tưởng của mình tại đêm chung kết Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp”
Nói về lí do ra đời ý tưởng của mình, Lê Ngọc Bích chia sẻ: Là sinh viên khối ngành kỹ thuật, em đã được biết đến và tiếp xúc với rất nhiều loại máy móc, thiết bị nhưng em có ấn tượng nhất với máy lột vỏ trứng chim cút. Nhưng nhận thấy được sự hạn chế về chất lượng nhân công và thời gian của máy còn hạn chế, chất lượng trứng thành phẩm chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.
Theo khảo sát thực tế của Bích và nhóm sinh viên, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng tăng và rất hào hứng khi có một thiết bị giúp giải quyết công sức, thời gian và tiền của, đồng thời yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe và cần phải đảm bảo chất lượng.
Vì những hạn chế và muốn góp phần vào việc giảm thiểu nhân công, đưa tự động hóa tới gần hơn với cuộc sống, Bích đã hình thành ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động”. Trong suốt thời gian qua khi tham gia cuộc thi, Lê Ngọc Bích đã nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ thầy Doãn Thanh Cảnh, giảng viên bộ môn Điện – Điện tử, các thầy cô trong Khoa Kỹ thuật Công Nghệ và sự đồng hành, cổ vũ của các bạn trong lớp.
Video đang HOT
Mô phỏng 3D máy lột vỏ trứng chim cút tự động của sinh viên Lê Ngọc Bích
“Máy lột vỏ trứng chim cút tự động giúp người dùng tăng năng suất, hiệu quả làm việc và giảm thời gian so với các phương pháp thủ công truyền thống. Sử dụng máy lột vỏ trứng cút cho năng suất đạt từ 100 – 200 trứng/giờ tương đương khoảng 5 kg trứng. Máy lột vỏ trứng chim cút tự động được làm bằng inox, có thiết kế chắc chắn, khả năng hoạt động liên tục và đạt hiệu quả cao.
Có thể sử dụng tại các cơ sở sản xuất thực phẩm; nhà hàng, khách sạn; quán ăn; tại các hộ gia đình. Tùy vào nhu cầu sử dụng khách hàng sẽ sản xuất loại máy có kích thước phù hợp. Sử dụng máy lột vỏ trứng cút trong dây chuyền chế biến và sản xuất thực phẩm sẽ tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho nhân công, mà đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với những phương pháp thủ công khác”, sinh viên Lê Ngọc Bích nói.
Trong suốt thời gian qua khi tham gia cuộc thi, Lê Ngọc Bích đã nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ thầy Doãn Thanh Cảnh, giảng viên bộ môn Điện – Điện tử, các thầy cô trong Khoa Kỹ thuật Công Nghệ và sự đồng hành, cổ vũ của các bạn trong lớp.
Là sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ – Khoa chuyên đạo tào về nhóm ngành kỹ thuật, Lê Bích Ngọc chia sẻ rằng, em tiếp cận và học theo chương trình đào tạo gắn với ứng dụng nghề nghiệp, nội dung học tập dành cho sinh viên được xây dựng theo nhu cầu của xã hội, lấy người học làm trung tâm.
Định hướng giảng dạy và học tập như vậy giúp em nắm vững được nền tảng kiến thức về ngành học, thành thạo các kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết, trau dồi đạo đức nghề nghiệp thông qua nhiều phương thức học tập lý thuyết, thực hành, làm việc nhóm.
Bởi vậy em có thời gian tìm tòi, sáng tạo và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp từ chính chuyên ngành của mình, ước mơ khởi nghiệp được chắp cánh từ trong nhà trường. Em hi vọng rằng từ ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của mình sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhà trường kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, là động lực để em tiếp tục biến ý tưởng trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả cho cuộc sống.
Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Hồng Đức Lê Đức Đạt và sinh viên Lê Ngọc Bích.
Anh Lê Đức Đạt, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” là hoạt động thường niên của Trường Đại học Hồng Đức nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp thông tin khởi nghiệp, tìm kiếm, tôn vinh các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những sinh viên có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, tính khả thi cao làm nòng cốt cho phong trào học tập, nghiên cứu khoa học trong sinh viên nhà trường. Cuộc thi cũng tạo môi trường học thuật bổ ích giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Đây cũng là cơ hội để sinh viên giao lưu với doanh nghiệp tiêu biểu, tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm học 2020-2021 thu hút hàng trăm sinh viên các khoa đào tạo trong toàn trường tham gia với hơn 60 ý tưởng dự thi. Ban tổ chức đã tiến hành 2 vòng sơ loại và chọn 7 ý tưởng xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết vào tối 3-11 vừa qua.
Sinh viên Lê Ngọc Bích với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi. Không chỉ là sinh viên có thành tích học tập tốt, Lê Ngọc Bích, chàng sinh viên lớp Kỹ thuật điện còn là Bí thư chi đoàn, Ủy viên BCH Hội sinh viên Trường ĐH Hồng Đức, Trưởng ban Thư ký liên chi hội Khoa Kỹ thuật Công nghệ.
Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hồng Đức
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho đoàn viên, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong tất cả các lĩnh vực.
Qua đó, trang bị cho sinh viên những kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khơi dậy đam mê và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp - tạo tiền đề giúp các em có thêm động lực, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm tại Trường Đại học Hồng Đức.
Để hoạt động đào tạo sinh viên khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng việc trang bị kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên. Năm 2017-2018, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ tổ chức các khóa đào tạo ươm mầm khởi nghiệp, khởi nghiệp thông minh cho hơn 200 lượt sinh viên; giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm đào tạo 3 - 4 lớp cho 300 - 400 sinh viên đang học năm thứ 3, năm thứ 4 tại nhà trường.
Đặc biệt, nhà trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025", đề án đã đào tạo 35 chuyên gia khởi nghiệp là cán bộ, giảng viên và trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cho hơn 600 lượt sinh viên của nhà trường.
Đồng thời, chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chương trình được đổi mới theo hướng giảm giờ học lý thuyết, tăng khối lượng thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên ra trường tự tin tiếp cận với công việc.
Nhà trường cũng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tranh thủ được sự tham gia của đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, tổ chức các hoạt động giao lưu với doanh nhân, khơi gợi niềm đam mê và bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.
Phong trào sinh viên khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ học thuật trong nhà trường cũng diễn ra sôi nổi với các hội thi chuyên môn nghiệp vụ, rèn nghề cho sinh viên, tiêu biểu như các cuộc thi: Sinh viên khởi nghiệp, Festival kinh tế; nghiệp vụ sư phạm; hướng dẫn viên du lịch; hành trình địa lý vì sự phát triển bền vững; giao lưu văn hóa Anh - Việt - Mỹ... Đây thực sự là những ngày hội và là sân chơi bổ ích cho sinh viên.
Thông qua các hội thi, kiến thức, nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp của sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, làm cho sinh viên thấy yêu nghề và gắn bó với nghề nghiệp. Đặc biệt, để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo tiền đề cho sinh viên khởi nghiệp trong tương lai, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên ở tất cả các khoa, các ngành. Nhiều đề tài của sinh viên tham gia NCKH ở cấp trường, cấp bộ. Một số đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa trong đời sống thực tế.
Tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với quy mô toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT; đoàn viên, sinh viên nhà trường cũng đã có các công trình, dự thi. Năm 2018 có 2 dự án tham gia gồm Dự án "Nơi bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa" và Dự án "Nhà máy sản xuất thuốc nam và trồng cây dược liệu".
Năm 2019, có 1 dự án dự thi lọt vào top 50 chung kết cuộc thi, đó là Dự án "Sản xuất nấm đối kháng, chế phẩm sinh học, thuốc sinh học và phân hữu cơ để chăm sóc và chữa bệnh cho cây". Năm 2020, cuộc thi tiếp tục được phát động và đoàn viên, sinh viên nhà trường có 2 dự án tham gia cuộc thi. Tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên" cấp tỉnh, qua 6 lần tổ chức, đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã tham gia dự thi với gần 100 ý tưởng sơ loại, có 8 ý tưởng lọt vào chung kết. Trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích...
Có thể nói, việc chú trọng công tác, NCKH trong học sinh, sinh viên đã giúp củng cố, nâng cao kiến thức lý luận, kiến thức xã hội, gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng cho sinh viên, cũng như góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Năm học 2017-2018, có 136 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện, gồm 85 đề tài cấp khoa, 51 đề tài dự thi cấp trường, 3 đề tài dự thi cấp bộ; năm học 2018-2019 có 104 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện gồm 54 đề tài cấp khoa, 50 đề tài cấp trường và 3 đề tài cấp bộ; năm học 2019-2020 có 95 đề tài NCKH sinh viên đã được thực hiện gồm 63 đề tài cấp khoa, 32 đề tài cấp trường, 3 đề tài cấp bộ...
Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như Đề tài "Sinh kế của hộ nông dân gắn với phát triển rừng bền vững tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa", "Phát triển tín dụng xanh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa", "Xây dựng sản phẩm du lịch biển dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn ở huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa"...
Một số đề tài đi sâu vào việc bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương, tiêu biểu như: "Nghề dệt thổ cẩm ở vùng đất Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa", "Di tích và lễ hội đền thờ Nguyễn Văn Nghi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa"...
Xác định, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng thích ứng với sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của thị trường lao động; giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục chủ động, sáng tạo trong dạy học và NCKH. Đồng thời chú trọng công tác khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo tại trường; xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ, giảng viên và người học; thực hiện các dịch vụ tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân; hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và người học tiếp cận và khai thác các nguồn tài chính hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.
Cặp song sinh nghèo học giỏi và ước mơ làm cô giáo Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng hai em Bùi Thị Ngọc Anh và Bùi Thị Thanh Vân ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh vẫn vượt qua tất cả để đạt được những kết quả cao trong học tập. Hiện hai em là sinh viên của lớp chất lượng cao, Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Hồng Đức. Đây là...