Facebook – “Chất gây nghiện chết người” của thời đại ngày nay
Không quá khi so sánh Facebook với thuốc lá, chứa những hóa chất độc hại gây chết người nhưng vẫn có nhiều người không thể từ bỏ loại “ chất gây nghiện hợp pháp” này.
Ngày 5/10 vừa qua, Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, đã có phiên điều trần trước một tiểu ban Thượng viện Mỹ để nói về những vấn đề gây quan ngại của Facebook. Mở đầu phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Thượng viện Mỹ, ông Richard Blumenthal, đã phê phán Facebook và ví mạng xã hội này gây nghiện và có nhiều độc hại giống như “thuốc lá”.
So sánh của ông Blumenthal không phải là không có căn cứ.
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học tại Reynolds, một trong những hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất tại Mỹ, đã tìm ra những bằng chứng cho thấy việc hút thuốc lá liên quan đến ung thư phổi. Cùng thời điểm, các nhà nghiên cứu tại hãng thuốc lá Philip Morris cũng đã tìm ra danh sách hàng chục chất gây ung thư trong khói thuốc lá.
Tuy nhiên, không có bất kỳ thông tin nào được công khai. Ngược lại, trong hơn 3 thập kỷ tiếp theo, ngành công nghiệp thuốc lá phủ nhận mọi bằng chứng cho thấy tác hại của việc hút thuốc, mặc dù những nghiên cứu từ chính nội bộ các hãng thuốc lá đã cho thấy điều ngược lại.
Thuốc lá đã trở thành kẻ giết người âm thầm trong suốt một thời gian dài và được xem như “một chất gây nghiện hợp pháp”.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, và việc thường xuyên sử dụng Facebook cũng như vậy…
Giờ đây, một kịch bản tương tự đang xảy ra với Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, chủ sở hữu của hàng loạt mạng xã hội “tỷ người dùng” khác như Instagram, WhatsApp.
Theo Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, người vừa lên tiếng tố cáo những chuyện “thâm cung bí sử” của mạng xã hội này, thì Facebook đã thực hiện một cuộc nghiên cứu bí mật vào năm 2019, cho thấy rằng mạng xã hội Instagram, nơi tràn ngập những bức ảnh về cơ thể gọn gàng, săn chắc… được người dùng chia sẻ, gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đến những cô gái trẻ, khiến họ cảm thấy tự ti về cơ thể và bản thân. Nghiên cứu của Facebook cho thấy rằng Instagram đã làm gia tăng tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở giới trẻ.
Tuy nhiên, phía Facebook đã giấu kín kết quả nghiên cứu này. Bản thân CEO Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2020 lại khẳng định rằng: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để kết nối với những người khác có thể mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe tâm thần”. Một tuyên bố trái ngược hoàn toàn với nghiên cứu của chính Facebook, điều này cũng tương tự như việc các hãng thuốc lá giấu kín kết quả nghiên cứu về tác hại của việc hút thuốc.
Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người hiện nay.
Tuy nhiên, Facebook không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, mà còn gây ra chia rẽ sắc tộc, kích động bạo lực… điều mà có thể gây ra cái chết cho rất nhiều người, thay vì dừng ở mức tác động tiêu cực đến tâm lý. Frances Haugen khẳng định rằng Facebook đã gây ra “kích động bạo lực sắc tộc” tại Ethiopia, cũng như gây ra hậu quả tàn khốc tại Myanmar. Tương tự, các nhà chức trách tại Nigeria cho biết tin tức giả mạo lan truyền trên Facebook đang khiến các nhóm vũ trang tấn công lẫn nhau, gây nên cảnh chết chóc và tàn bạo chưa từng có tại quốc gia này.
Mark Zuckerberg sở hữu một quyền lực khủng khiếp khi nắm trong tay những nền tảng mạng xã hội hàng tỷ người dùng.
Facebook có biết những vấn đề do mình gây ra? Câu trả lời là “Có”. Nhưng Facebook có động thái đủ mạnh để ngăn chặn điều đó? Theo Haugen, 87% số tiền mà Facebook chi ra để ngăn chặn tin tức giả mạo trên nền tảng của mình chỉ nhắm đến các nội dung bằng tiếng Anh, nhưng chỉ 9% người dùng Facebook sử dụng tiếng Anh, phần lớn còn lại sống ở châu Phi hoặc Đông Nam Á, nơi các tin tức giả mạo của Facebook được lan truyền nhanh chóng nhưng mạng xã hội này không có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Video đang HOT
Tẩy chay Facebook có khả thi?
Những tác hại to lớn của Facebook là điều mà ai cũng biết, nhưng tẩy chay và ngừng sử dụng mạng xã hội này liệu có dễ dàng? Câu trả lời cũng tương tự như việc bạn biết tác hại của thuốc lá, nhưng việc bỏ hút thuốc là điều không dễ. Không quá khi nói rằng Facebook cũng là một “chất gây nghiện hợp pháp” của thời đại ngày nay.
Facebook đã trở thành “con quái vật” với sức mạnh to lớn mà không dễ gì có thể loại bỏ.
Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Muốn biết Facebook quan trọng đến mức nào, hãy xem những thời điểm mạng xã hội này bị lỗi, gần đây nhất là sự cố kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ trên phạm vi toàn cầu vào tối 4/10 (theo giờ Việt Nam), người dùng Internet trên toàn thế giới đã “quay cuồng” chỉ vì không thể sử dụng được các dịch vụ của Facebook.
Vào tháng 6/2020, một chiến dịch có tên gọi “Stop Hate For Profit” (Ngừng kiếm lợi nhuận từ sự thù ghét) đã được tổ chức bởi Liên đoàn chống phỉ báng, Hiệp hội vì sự tiến bộ của người da màu và nhiều tổ chức công bằng xã hội khác tại Mỹ… kêu gọi các công ty lớn tẩy chay Facebook vì không có biện pháp phù hợp để bảo vệ người da màu, không ngăn chặn các thông tin gây thù ghét, bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc nhằm vào người da màu… trên nền tảng mạng xã hội của mình. Một chiến dịch tẩy chay rầm rộ của các thương hiệu lớn khi đồng loạt ngừng mua quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Kết quả cuối cùng, chiến dịch tẩy chay chỉ mang tính tạm thời. Sau một thời gian, quảng cáo của các thương hiệu lớn vẫn xuất hiện trở lại trên Facebook.
Tháng 2/2021, một chiến dịch tẩy chay của người dùng Facebook trên phạm vi toàn cầu, kêu gọi gỡ bỏ và ngừng sử dụng mạng xã hội này vì sự lan truyền của các tin tức độc hại. Kết quả, lượng người dùng Facebook vẫn liên tục tăng và Facebook vẫn đang là mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2,9 tỷ người dùng thường xuyên trên phạm vi toàn cầu (tính đến tháng 9/2021).
Không quá khi nói rằng, Facebook đã trở nên quá lớn mạnh và quá quan trọng để có thể bị tẩy chay. Người dùng và các nhà quảng cáo vẫn nhận được những lợi ích từ Facebook để có thể từ bỏ nó.
Frances Haugen không phải là người đầu, cũng chắc chắn không phải là người cuối cùng, dám đứng lên để “vạch trần” những mặt đen tối của Facebook.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người như Frances Haugen, những người nhận ra được cái xấu của Facebook để lên tiếng chống lại mạng xã hội này. Frances Haugen không phải là cựu lãnh đạo đầu tiên của Facebook lên tiếng vạch trần mặt tối và kêu gọi tẩy chay mạng xã hội này. Năm 2017, Chamath Palihapitiya, cựu Phó chủ tịch phụ trách phát triển người dùng Facebook, đã kêu gọi mọi người rời xa Facebook vì những tác hại mà nó mang lại. Hồi tháng 2 vừa qua, Stephen Scheeler, Cựu Giám đốc điều hành Facebook khu vực Úc và New Zealand, cũng đã kêu gọi người dùng hãy gỡ bỏ Facebook và rời xa ứng dụng này, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách đặt ra những “quy định nhiều hơn” dành cho Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung.
Rõ ràng, Frances Haugen, Stephen Scheeler hay Chamath Palihapitiya không phải là những cái tên cuối cùng đứng lên để “vạch mặt” Facebook. Những “mặt trái” của mạng xã hội này càng bị phơi bày sẽ khiến các nhà chức trách vào cuộc. Câu hỏi đặt ra, đó là nếu chính phủ các quốc gia vào cuộc, họ sẽ xử lý Facebook như thế nào?
Theo các chuyên gia, có rất nhiều cách để kiểm soát sức mạnh của Facebook, một trong những cách đó là đưa ra một mức xử phạt thật nặng. Tại Mỹ, Quốc hội có thể sửa lại “điều luật 230″, là điều khoản luật giúp miễn tội cho các nền tảng mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm cho nội dung mà người dùng đăng tải. Chính điều này đã khiến Facebook không quyết liệt trong việc xử lý các nội dung độc hại trên nền tảng của mình. Nếu “điều luật 230″ được sửa đổi, Facebook sẽ phải đối mặt với những khoản phạt nặng với số tiền phạt khổng lồ, chắc hẳn, mạng xã hội này sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn để “làm sạch” nền tảng của mình.
Những giải pháp khác có thể kể đến việc chia tay Facebook ra thành nhiều phần nhỏ, đưa ra Facebook, Instagram, WhatsApp ra thành những công ty riêng lẻ, thay vì tập trung làm một như hiện tại. Điều này sẽ giúp giảm được tầm ảnh hưởng của Facebook, từ đó giảm được sức mạnh của mạng xã hội này.
Nên nhớ rằng, ngành công nghiệp thuốc lá giờ đây đã phải “cúi đầu” trước pháp luật nhờ vào những biện pháp cứng rắn, đánh thuế mạnh hoặc luật quy định độ tuổi được hút thuốc… tuy nhiên, đã có hàng triệu người chết vì hút thuốc lá. Giờ đây, với Facebook và các nền tảng mạng xã hội, các nhà chức trách cần phải sớm có những giải pháp phù hợp để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng giống như việc hút thuốc lá trước đây.
Facebook đang quá phụ thuộc vào thuật toán AI?
Facebook rơi vào khủng hoảng vì chạy theo lợi nhuận, lạm dụng các thuật toán khuếch đại những gì tiêu cực nhất trên mạng xã hội để tối đa hóa lượng tương tác.
Đứng trước Quốc hội Mỹ ngày 5.10, cựu nhân viên Facebook Frances Haugen chỉ trích các thuật toán và thiết kế nền tảng của Facebook là nguyên nhân khiến nội dung kích động thù hận, tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Lời khai của Haugen có nhiều điểm tương đồng với những phát hiện từ cuộc điều tra của MIT Technology Review (tạp chí của Viện Công nghệ Massachusetts) vào đầu năm nay.
Thuật toán Facebook hoạt động như thế nào?
Thực tế Facebook có hàng trăm, hàng nghìn thuật toán để nhắm mục tiêu quảng cáo và xếp hạng nội dung. Một số thuật toán nhận biết sở thích của người dùng và đẩy những bài đăng phù hợp lên bảng tin của họ. Các thuật toán khác lại có nhiệm vụ phát hiện những nội dung vi phạm điều khoản. Nhìn chung, chúng được gọi là thuật toán học máy (machine learning).
Rất khó kiểm soát nội dung trên Facebook
Khác với thuật toán truyền thống, thuật toán học máy được đào tạo bằng cách phân tích dữ liệu đầu vào, sau đó nó có thể tự đưa ra các quyết định riêng. Ví dụ, một thuật toán được huấn luyện nhờ phân tích dữ liệu nhấp chuột vào quảng cáo sẽ nghiệm ra rằng phụ nữ xem quảng cáo quần tập yoga nhiều hơn đàn ông. Cuối cùng, mô hình học máy đó sẽ phân phát những quảng cáo tương tự cho phụ nữ nhiều hơn.
Nhờ lượng người dùng khổng lồ, thuật toán có thể phân loại các nhóm đối tượng rất chi tiết, chẳng hạn "phụ nữ từ 25 - 34 tuổi thường thích các trang liên quan đến yoga". Nhắm mục tiêu càng chi tiết, các hãng quảng cáo càng dễ tạo nhiều lợi nhuận hơn.
Tương tự, Facebook cũng có thể đào tạo những thuật toán để dự đoán từng nhóm đối tượng sẽ thích loại bài đăng nào và tiến hành xếp hạng. Ví dụ bạn thích xem ảnh thú nuôi thì các bài đăng như vậy sẽ được đẩy lên cao hơn trên News Feed của bạn.
Ai điều hành thuật toán Facebook?
Không có bộ phận nào phụ trách toàn bộ hệ thống xếp hạng nội dung trên Facebook, thay vào đó, mỗi nhóm kỹ sư đều có mục tiêu riêng, có nhóm xây dựng mô hình học máy để phát hiện nội dung xấu, có nhóm phụ trách chạy quảng cáo...
Công ty phát triển một bộ công cụ gọi là FBLearner Flow giúp các kỹ sư không có kinh nghiệm về học máy có thể phát triển bất cứ mô hình nào theo ý họ. Khi một mô hình không có hiệu quả, mức độ tương tác không cao, họ sẽ loại bỏ ngay.
Facebook ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên
Vài nhân viên Facebook cho rằng đây là một phần lý do tại sao Facebook không thể kiểm soát nội dung trên nền tảng, bởi các nhóm kỹ sư có mục tiêu riêng, cạnh tranh nhau, còn hệ thống ngày càng phức tạp đến nỗi không ai đủ sức theo dõi từng thành phần riêng lẻ nữa.
Facebook có thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ em?
Một nhóm nghiên cứu của Facebook từng phát hiện những người dùng hay đăng bài viết u sầu, buồn bã thì sẽ tương tác với nội dung tiêu cực nhiều hơn và rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Nhóm này đề xuất lãnh đạo thay đổi thuật toán. Một người cho biết: "Câu hỏi dành cho lãnh đạo là: Chúng ta có nên tối ưu hóa tương tác khi thấy ai đó đang trong trạng thái dễ tổn thương hay không?".
Mark Zuckerberg bị tố chỉ quan tâm lợi nhuận
Nhưng đề xuất của họ bị phớt lờ. Mức lương của nhân viên Facebook dựa vào đánh giá hiệu suất làm việc cũng như các dự án mà họ hoàn thành, vậy nên họ nhanh chóng học được cách bỏ qua những điều tiêu cực, tiếp tục làm theo chỉ thị từ cấp trên.
Tại sao việc xếp hạng nội dung lại là nguồn cơn gây kích động thù hận?
Các mô hình học máy giúp tăng tối đa tương tác, mà những bài có nội dung tranh cãi, thông tin sai lệch và cực đoan lại thu hút nhiều lượt tương tác nhất.
Điều này làm bùng phát những căng thẳng chính trị. Trường hợp tiêu biểu nhất là tin giả trên Facebook về nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã khiến xung đột tôn giáo leo thang tại đất nước này.
Facebook không chỉ dung túng cho các nhóm cực đoan mà còn quảng bá những nhóm này tới người dùng. 64% người tham gia các nhóm cực đoan sau khi dùng tính năng đề xuất nhóm hay tính năng Khám phá của Facebook.
Năm 2017, Chris Cox - giám đốc sản phẩm của Facebook thành lập một nhóm nhân viên để tìm hiểu xem việc tối đa hóa tương tác của người dùng có góp phần vào sự phân cực chính trị hay không, rồi nhận thấy đúng là có mối tương quan giữa hai thành tố. Họ đưa ra một số đề xuất giải quyết vấn đề nhưng không được thực hiện, cuối cùng nhóm này giải tán.
Cựu nhân viên Frances Haugen
Một nhà nghiên cứu AI, nhân viên cũ của Facebook cho biết mình đã tiến hành nhiều nghiên cứu tương tự, nhưng kết quả chỉ có một: các mô hình tối đa hóa tương tác làm tăng sự phân cực, và các mô hình học máy khiến người dùng có quan điểm ngày càng cực đoan hơn.
Cựu nhân viên Frances Haugen nói rằng hiện tượng này còn tồi tệ hơn ở những khu vực không nói tiếng Anh, vì Facebook quá phụ thuộc vào các mô hình AI để tự động hóa việc kiểm duyệt nội dung trên toàn cầu.
Khi chiến tranh nổ ra ở vùng Tigray (Ethiopia), nhà nghiên cứu đạo đức AI Timnit Gebru nhận thấy Facebook thất bại trong kiểm soát thông tin sai lệch. Các cộng đồng nói thứ ngôn ngữ không được Thung lũng Silicon ưu tiên thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ môi trường internet thù địch.
Như thế chưa phải đã hết. Khi tin giả, ngôn từ thù hận không được kiểm duyệt, chúng sẽ được lấy làm dữ liệu đào tạo để xây dựng các mô hình học máy tiếp theo.
Biểu tình chống Facebook ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào năm 2018
Những gì mà Haugen nói trước Quốc hội Mỹ càng củng cố thêm lập luận của nhiều chuyên gia và nhân viên Facebook trong nhiều năm qua: nếu công ty không thay đổi thiết kế của các thuật toán, các vấn đề trên nền tảng sẽ không được giải quyết.
Frances Haugen kêu gọi Facebook nên từ bỏ thuật toán xếp hạng nội dung và quay lại với dạng News Feed xếp theo trình tự thời gian.
Theo lời Ellery Roberts Biddle - giám đốc dự án của tổ chức Xếp hạng Quyền kỹ thuật số, chuyên nghiên cứu các hệ thống xếp hạng trên mạng xã hội và tác động của chúng đối với quyền con người, nhà lập pháp cần yêu cầu các công ty minh bạch công khai cách thức hoạt động của những thuật toán, hệ thống quảng cáo và xếp hạng nội dung, dù việc này không hề đơn giản.
Ác mộng tồi tệ nhất của Facebook Việc bị nhân viên cũ phơi bày hàng loạt sự thật nội bộ được coi là ác mộng mới và tệ nhất của Facebook. Facebook không còn xa lạ với Đồi Capitol - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ. Tại đây, CEO Mark Zuckerberg và một số giám đốc cấp cao khác của công ty nhiều lần bị triệu tập trong các...