Face Unlock trên Pixel 4 khác gì so với Face ID của Apple?
Face Unlock và Face ID đều là công nghệ nhận diện khuôn mặt để mở khóa điện thoại, nhưng lại có những sự khác biệt lớn về phần cứng và phương pháp thực hiện. Trong bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu xem những điểm khác biệt này là gì nhé.
Mở khóa bằng khuôn mặt đã từng xuất hiện ở Android 4.0 Ice Cream Sandwich trên Galaxy Nesus bằng cách sử dụng camera selfie (trong các phiên bản mới hơn là camera hồng ngoại) để mở khóa điện thoại. Tốc độ của tính năng này là khá nhanh, dễ sử dụng cho đến khi Apple ra mắt Face ID trên iPhone X.
Tính năng mở khóa bằng khuôn mặt bộc lộ nhược điểm chính là mức độ an toàn cực thấp. Do chỉ sử dụng camera trước để thu dữ liệu 2D nên rất dễ đánh lừa chỉ bằng một tấm ảnh. Sự tiện dụng của tính năng này là giúp mở khóa điện thoại nhanh chóng, nhưng chính Google cũng cho rằng người dùng không nên sử dụng tính năng này nếu ưu tiên hàng đầu là bảo mật.
Cách thức hoạt động của Face ID cũng giống như Face Unlock trên Google Pixel 4 – công nghệ có thể ghi lại và tái tạo hình ảnh 3D của hầu hết mọi thứ. Số lượng chi tiết thu được chỉ bị giới hạn bởi khoảng thời gian người dùng muốn chờ đợi kết quả. Càng nhiều chi tiết thu được thì kết quả càng tốt và chính xác hơn. Nhưng hầu hết người dùng không muốn chờ quá lâu chỉ để mở khóa điện thoại. Do đó các công ty cần phải cân bằng giữa yếu tố tốc độ và chính xác.
Cụ thể cách hoạt động của Face ID là sử dụng đèn LED đặc biệt để chiếu toàn bộ khuôn mặt dưới ánh sáng hồng ngoại và cận hồng ngoại, kết hợp với một thành phần đặc biệt để chiếu ma trận điểm IR lên khuôn mặt, sau đó camera sẽ thu thập thông tin có được ở phía trước nó và tạo ra bản đồ 3D. Bản đồ này tiếp tục được chuyển đổi thành bộ mã đặc biệt và được sử dụng để so sánh với dữ liệu đã cài đặt trước đó trên điện thoại. Nếu trùng nhau thì điện thoại sẽ mở khóa.
Google cho biết bản đồ khuôn mặt của Pixel 4 cũng có thể nhận diện người dùng để mở khóa điện thoại. Có thể thấy, Face ID và phương pháp mở khóa khuôn mặt của Google dường như là rất giống nhau. Tuy nhiên, về phần cứng thì Google đã tích hợp nhiều chức năng hơn, tất cả nhờ vào cảm biến Soli.
Phương pháp hoạt động của cảm biến Soli
Không như phương pháp mở khóa bằng khuôn mặt trên các điện thoại khác, yêu cầu người dùng phải cầm thiết bị lên trước khuôn mặt, biểu cảm khuôn mặt như đã đăng ký, chờ điện thoại mở khóa và sau đó vuốt để vào màn hình chính. Pixel 4 thực hiện tất cả những công đoạn đó theo cách nhanh hơn.
Ngay khi chạm vào Pixel 4, Soli sẽ chủ động bật tất cả các cảm biến mở khóa khuôn mặt. Nếu các cảm biến này và các thuật toán nhận diện được bạn thì điện thoại sẽ mở khóa ngay khi bạn cầm lên, tất cả công đoạn diễn ra chỉ bằng một hành động. Face Unlock còn có thể hoạt động ở hầu hết mọi hướng, kể cả khi lật ngược điện thoại. Ngoài ra, tính năng này còn có thể dùng để thanh toán an toàn và xác thực ứng dụng.
Công nghệ này hoạt động nhờ vào cảm biến Soli – bộ truyền phát Radar nhỏ, tiết kiệm năng lượng và có độ phân giải cao. Nó có thể phát hiện vật thể chuyển động và nhận diện số lượng lớn chi tiết trong thời gian thực so với việc nhận diện rất nhanh nhưng lại ít chi tiết.
Một sự khác biệt lớn khác giữa Face ID và Face Unlock là Google sử dụng tới hai camera IR trong khi Apple chỉ có một. Có nhiều lý do để giải thích điều này, có thể Apple sử dụng bộ phận tốt hơn hoặc cảm biến thứ hai là dùng trong trường hợp điện thoại đang lật ngược 180 độ.
Hai camera này sẽ đọc ma trận điểm IR sau đó chuyển chúng thành bộ mã bảo mật. Việc bổ sung thêm một camera hồng ngoại sẽ giúp hệ thống trở nên đáng tin cậy hơn, nếu không thì Motion Sense chỉ là một mánh lới để quảng cáo của Google.
Hai camera còn được sử dụng để nhận diện chuyển động và có thể tạo nên chế độ xem lập thể của bản đồ khuôn mặt để thu được nhiều dữ liệu hơn, hoặc cùng hoạt động để kiểm tra dữ liệu hai lần nhằm giúp Face Unlock mở khóa nhanh hơn và giảm khả năng bị lừa. Việc có hai camera cũng sẽ giúp thực hiện quét khuôn mặt nhanh hơn.
Motion Sense
Tính năng Motion Sense mới của Pixel 4 có thể chuyển bài hát, tắt báo thức và chuông báo cuộc gọi bằng cách vẫy tay. Việc dùng cử chỉ vẫy tay đã từng xuất hiện trước đây bắt đầu từ Moto X khi sử dụng một bộ cảm biến đặt ở mặt trước và có thể được nhận diện kể cả khi màn hình đã tắt. Team phát triển Motion Sense của Google trước đây đã từng làm việc với Motorola, do đó họ đã có kinh nghiệm.
Motion Sense không sử dụng phần cứng của Pixel 4 ở mức tối đa vì điều này là không cần thiết, thay vào đó là sử dụng cảm biến Soli và một số thuật toán thông minh có thể nhận diện cả những chuyển động phức tạp. Tuy nhiên, tính năng này cũng bị giới hạn trong việc xử lý lượng thông tin thu thập được.
Tổng kết
Cũng giống như Face ID thời kì mới bắt đầu, Face Unlock của Google sẽ gặp phải những vấn đề. Vì thế, Google đang cố gắng giảm bớt chướng ngại bằng cách thu thập các bản quét khuôn mặt của người đi đường vì loại công nghệ này gặp khó khăn khi nhận diện người da màu. Một số vấn đề khác là ánh sáng xung quanh, nhận diện các thay đổi vẻ ngoài như cạo râu hoặc đeo kính,…
Google cần tìm ra cách để giải quyết ổn thỏa các vấn đề này nhưng vẫn đảm bảo không làm giảm tính bảo mật của hệ thống. Vì thế khi Pixel 4 ra mắt, tính năng Face Unlock có thể chưa tốt nhưng theo thời gian với các bản vá, nó sẽ trở nên ổn định và các nhà sản xuất có thể tìm cách kết hợp công nghệ này vào điện thoại của chính họ.
Theo Thế Giới Di Động
'2 năm tới' iPhone mới có cảm biến vân tay dưới màn hình
Cảm biến vân tay Touch ID dưới màn hình và hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID hiện có trên các mẫu iPhone sẽ hoạt động cùng nhau để tạo nên một hệ thống xác thực sinh trắc học hai bước.
Theo Ming-Chi Kuo - nhà phân tích nổi tiếng với những dự đoán chính xác về các sản phẩm và dịch vụ của Apple, Táo Khuyết đang lên kế hoạch đưa cảm biến vân tay Touch ID trở lại các mẫu iPhone ra mắt vào năm 2021, với công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình. Nhà phân tích này cho biết Touch ID dưới màn hình sẽ được tích hợp cùng với công nghệ nhận diện khuôn mặt Touch ID trong hai năm tới, và hai phương thức bảo mật này sẽ hỗ trợ cho nhau để mang đến cho người dùng trải nghiệm bảo mật nhất quán.
Các cảm biến vân tay dưới màn hình hiện đã xuất hiện trên nhiều mẫu điện thoại trên thị trường, đầu tiên là trên mẫu smartphone Vivo X20 Plus UD hồi đầu năm 2018. Bản thân Apple đã bắt tay vào phát triển công nghệ này ít nhất là từ năm 2017, khi Táo Khuyết đăng ký bằng sáng chế cảm biến vân tay dưới màn hình của riêng công ty; tuy nhiên kể từ đó đến nay Apple vẫn chưa tích hợp công nghệ này vào bất kỳ mẫu điện thoại nào của hãng. Nguyên nhân được cho là những hạn chế của công nghệ này ở thời điểm hiện tại, như mức tiêu thụ điện năng lớn, khu vực cảm ứng quá nhỏ trong khi module cảm biến lại dày, cùng những khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt. Kuo tin rằng Apple sẽ vượt qua được những trở ngại này vào năm 2021, và nhiều khả năng Apple sẽ sử dụng giải pháp cảm biến vân tay siêu âm tương tự như của Qualcomm.
Cùng với iPhone, Kuo cũng tin rằng công nghệ này sẽ phù hợp với sản phẩm đồng hồ đeo tay Apple Watch hơn là Face ID. Dù vậy, ông không cho biết kế hoạch cụ thể của Apple về việc đó. Hiện nay, Apple Watch chưa được tích hợp bất kỳ phương thức bảo mật sinh trắc nào, mà vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào mã PIN.
Vivo là công ty đầu tiên trang bị cho sản phẩm điện thoại thông minh của mình cảm biến vân tay dưới màn hình hồi đầu năm 2018.
Theo The Verge, việc kết hợp Touch ID và Face ID trên cùng một thiết bị là một ý tưởng rất thú vị. Về tiềm năng, động thái này có thể góp phần xây dựng hệ thống xác thực sinh trắc học hai yếu tố, cho phép người dùng thiết lập để nhận diện cả vân tay lẫn khuôn mặt thì mới có thể truy cập vào thiết bị. Điều này sẽ khiến "công việc" của các hacker muốn truy cập trái phép vào điện thoại trở nên khó khăn hơn gấp bội, bởi chúng phải bắt chước được cả khuôn mặt lẫn vân tay thì mới có thể truy cập được điện thoại của bạn. Trong quá khứ, các hacker đã có thể vượt qua lớp bảo mật Touch ID chỉ trong 24 giờ kể từ khi công nghệ này được công bố, tuy nhiên mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu Touch ID được sử dụng kết hợp cùng với một phương thức bảo mật sinh trắc khác như Face ID.
Cũng cần lưu ý rằng mặc dù Kuo có "lịch sử" dự đoán đúng khá nhiều về các sản phẩm và dịch vụ của Apple, nhưng chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều ở thông tin này, nhất là khi thời điểm 2021 còn cách hiện tại khá xa. Có rất nhiều lý do có thể khiến Apple thay đổi kế hoạch của họ vào phút chót. Tuy nhiên, nếu tích hợp được Touch ID dưới màn hình, thì đây có thể là một trong những cải tiến đáng chú ý nhất của dòng điện thoại iPhone kể từ khi iPhone X ra mắt vào năm 2017.
Theo VN Review
Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? Có vẻ, chỉ Google là có cùng một tầm nhìn với... Apple. Trong một bước đi khá lạ lùng, Google đã không để cho các "leaker" được rò rỉ thông tin về Pixel 4 mà tự công bố trước: Pixel 4 sẽ có cảm biến nhận diện khuôn mặt. Bên cạnh một đoạn video hơn 20 giây để "demo" tính năng này, Google...