ECOWAS từng can thiệp quân sự ở những nước nào, kết quả ra sao?
Tối hậu thư của ECOWAS gửi chính quyền quân sự Niger không phải chuyện đùa. Khối này từng can thiệp quân sự vào nhiều quốc gia và đều thu được kết quả.
Một binh sĩ thuộc lực lượng ECOMOG (ảnh: ALJ)
Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) được thành lập vào ngày 28/5/1975 với sứ mệnh là thúc đẩy hội nhập, phát triển kinh tế khu vực Tây Phi. ECOWAS hiện có 15 thành viên, bao gồm Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Ngoài mục tiêu thúc đẩy kinh tế, ECOWAS cũng đóng vai trò là lực lượng giữ gìn hòa bình trong khu vực. Trong một số thời điểm, ECOWAS đã điều lực lượng quân sự của khối vào nước thành viên nhằm khôi phục trật tự hoặc đối phó đảo chính quân sự, theo Reuters.
Năm 1990, ECOWAS thành lập Nhóm Giám sát Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOMOG). Đây được coi là chi nhánh quân sự của ECOWAS, có nhiệm vụ can thiệp vào các khu vực có xung đột.
Nigeria, Senegal, Burkina Faso và Mali là những nước có lực lượng quân sự mạnh nhất ECOWAS. Tuy nhiên, Burkina Faso và Mali đang bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên, do 2 quốc gia này xảy ra đảo chính quân sự.
Nigeria sở hữu lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực Tây Phi với khoảng 230.000 binh sĩ, cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép. Senegal có khoảng 20.000 quân và có lực lượng lục quân, hải quân và không quân riêng.
Trong khi đó, Burkina Faso có khoảng 12.000 quân thường trực và Mali có khoảng 45.000 quân.
Theo Reuters, ECOWAS sẵn sàng điều quân vào khu vực có xung đột, nhưng phải có sự nhất trí của đa số thành viên, đặc biệt là những quốc gia có quân đội mạnh. Khác với NATO, ECOWAS không có quân đội thường trực và không có hiệp ước phòng thủ chung.
Đối với khu vực được coi là “vành đai đảo chính” như Tây Phi, vai trò của ECOWAS trong việc duy trì trật tự là rất quan trọng. ECOWAS từng can thiệp quân sự và nhiều nước và thu được hiệu quả.
Binh sĩ Nigeria trong lực lượng của ECOMOG (ảnh: Reuters)
1. Liberia
Năm 1989, Charles Taylor – cựu quan chức Liberia – lãnh đạo một lực lượng nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng thống Liberia Samuel Doe. Trước đó, ông Taylor từng bị Tổng thống Samuel Doe cách chức và bỏ tù với cáo buộc tham nhũng, theo Aljazeera.
Video đang HOT
Nội chiến ở Liberia bùng nổ khiến ECOWAS quyết định can thiệp. Đây là lần đầu tiên ECOWAS can thiệp quân sự vào nước thành viên thông qua ECOMOG.
Lực lượng ECOMOG ban đầu có khoảng 3.000 quân, do các nước Nigeria, Gambia, Ghana, Guinea, Mali và Sierra Leone đóng góp, sau đó tăng dần lên 12.000 quân. ECOMOG tới Liberia với thái độ trung lập. Nhiệm vụ chính của họ là duy trì hòa bình và bảo vệ thường dân.
Năm 1996, ECOMOG rút quân khỏi Liberia sau khi nội chiến kết thúc.
Phiến quân do ông Charles Taylor lãnh đạo giành chiến thắng. Ông Taylor trở thành Tổng thống Liberia.
Năm 1999, Liberia tiếp tục xảy ra nội chiến. Ông Taylor bị nhiều lực lượng trong nước phản đối sau quyết định can thiệp vào xung đột ở nước láng giềng Sierra Leone. Đến năm 2002, chính phủ do ông Taylor lãnh đạo chỉ còn kiểm soát một khu vực nhỏ ở Liberia.
Năm 2003, ECOWAS điều khoảng 3.500 quân vào Liberia. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ thường dân và bảo vệ phái đoàn của Liên hợp quốc ở Liberia.
Tháng 8/2003, ông Taylor tuyên bố từ chức tổng thống và phải sống lưu vong ở Nigeria. Chính phủ mới được thành lập ở Liberia, nhưng lực lượng của ECOWAS đến năm 2018 mới rút hết.
2. Sierra Leone
Năm 1996, viện cớ chính phủ của Tổng thống Ahmed Tejan Kabbah không đảm bảo an ninh được cho đất nước, quân đội Sierra Leone dưới sự lãnh đạo của Thiếu tá Koroma đã tổ chức đảo chính, theo Reuters.
Cuộc đảo chính không thành công, nhưng báo hiệu chính quyền của ông Kabbah đang suy yếu.
Năm 1997, quân đội Sierra Leone tiếp tục đảo chính, buộc ông Kabbah phải sang Guinea sống lưu vong. Tại Guinea, ông Kabbah kêu gọi cộng đồng quốc tế và ECOWAS giúp đỡ.
Tháng 2/1998, lực lượng ECOMOG do Nigeria lãnh đạo tấn công chính quyền quân sự Sierra Leone. Quân đội Sierra Leone bị loại khỏi thủ đô Freetown một cách chóng vánh. Ông Kabbah được phục chức.
Năm 2000, lực lượng ECOMOG rút khỏi Sierra Leone.
Binh sĩ Senegal tham gia vào lực lượng ECOMOG ở Bờ Biển Ngà (ảnh: CNN)
3. Guinea Bissau
Năm 1998, Guinea Bissau xảy ra nội chiến giữa lực lượng ủng hộ chính phủ (được Senegal và Guinea hậu thuẫn) với các thủ lĩnh đảo chính, theo Sputnik.
Tình trạng thù địch tạm thời được giải quyết khi một thỏa thuận hòa bình được đưa ra vào tháng 11/1998. Theo đó, các bên tham chiến cam kết duy trì hòa bình ở Guinea Bissau, tạo điều kiện cho một cuộc bầu cử mới.
Tháng 5/1999, xung đột tiếp tục nổ ra ở Guinea Bissau. 6 tháng sau, một thỏa thuận hòa bình mới được ký kết. Theo đó, Senegal và Guinea phải rút quân khỏi Guinea Bissau, tạo điều kiện cho ECOWAS đưa 600 binh sĩ tới duy trì hòa bình.
4. Bờ Biển Ngà
Năm 2003, ECOWAS điều một lực lượng nhỏ tới Bờ Biển Ngà để giúp Pháp giám sát thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Bờ Biển Ngà với các thủ lĩnh phiến quân.
5. Mali
Năm 2012, cuộc đảo chính quân sự ở Mali đã gây ra bất ổn và các nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda chớp thời cơ này để kiểm soát miền Bắc Mali.
Đáp lại đề nghị hỗ trợ của chính phủ Mali, năm 2013, ECOWAS điều lực lượng tới Mali nhằm chống lại các nhóm phiến quân thân al-Qaeda. Hành động lần này của ECOWAS do Nigeria dẫn dắt, dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Pháp.
Tháng 1/2013, các nhóm phiến quân thân al-Qaeda bị đánh đuổi khỏi miền Bắc Mali. ECOWAS đã giúp chính phủ Mali khôi phục toàn vẹn lãnh thổ. Cuối năm 2013, ECOWAS rút quân khỏi Mali.
Lực lượng của ECOWAS can thiệp vào Gambia (ảnh: Reuters)
6. Gambia
Năm 2017, ECOWAS điều 7.000 quân đến Gambia để buộc Tổng thống Yahya Jammeh từ chức và trao chức vụ cho ông Adama Barrow. Trước đó, ông Adama Barrow đã thắng cử nhưng Tổng thống Jammeh – người từng tuyên bố có thể nắm quyền ở Gambia trong “hàng tỷ năm” – không chấp nhận thất bại, theo Reuters.
Senegal là quốc gia lãnh đạo Chiến dịch Khôi phục Dân chủ ở Gambia của ECOWAS. Chiến dịch thành công một cách chóng vánh khi lực lượng trung thành với ông Jammeh chống trả yếu ớt.
Vào thời điểm ECOWAS can thiệp, quân đội Gambia chỉ có khoảng 2.500 người. Quốc gia này nằm gọn trong lãnh thổ Senegal.
Lực lượng của ECOWAS làm nhiệm vụ duy trì trật tự ở Gambia đến tháng 12/2021 mới rút quân.
Dập tắt mồi lửa bất ổn ở châu Phi
Tiếp nối Guinea, Mali, Burkina Faso, Niger..., cuộc đảo chính mới nhất ở Gabon có thể coi là một phần của xu hướng khu vực rộng lớn ở Sahel và Tây Phi với làn sóng lật đổ chính quyền, đẩy châu Phi vào bất ổn.
Trung tá Amadou Abdramane (thứ 2, phải, hàng sau), thành viên Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP) Niger tới dự cuộc mít tinh của những người ủng hộ chính quyền quân sự tại Niamey, ngày 6/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các chuyên gia, để hiểu lý do dẫn đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng này, cần có cái nhìn rộng hơn về các chủ thể đang đối đầu với nhau trên "lục địa Đen".
Theo số liệu của trang revueconflits.com, có tới 41 quốc gia châu Phi đã trải qua ít nhất một vụ chính biến lật đổ chính quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Trên bình diện thế giới, khoảng 7 trong số 10 cuộc đảo chính diễn ra ở châu Phi.
Ngay cả trước cuộc đảo chính gần đây nhất ở Gabon, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ghi nhận một "đại dịch đảo chính" tại châu Phi - cách mô tả bằng ngôn ngữ thẳng thắn hiếm thấy ở một nguyên thủ quốc gia. Trên thực tế, đã có 7 cuộc đảo chính ở châu Phi kể từ năm 2020 và tất cả đều diễn ra ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp, ngoại trừ Sudan.
Trong cuộc đảo chính quân sự ở Niger cuối tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu về khu vực cho rằng có 4 yếu tố tác động là xung đột triền miên, chia rẽ về vấn đề kinh tế, an ninh và sắc tộc. Đây có vẻ cũng là những mồi lửa bất ổn châm ngòi cho hàng loạt vụ chính biến khác trong khu vực.
Giới lãnh đạo các cuộc đảo chính gần đây ở Guinea, Mali, Burkina Faso, Sudan và Zimbabwe thường viện dẫn những lý do như tham nhũng, quản lý yếu kém và nghèo đói để biện minh cho hành động lật đổ chính quyền. Trên thực tế, châu Phi đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Tỷ lệ nghèo đói đang tăng cao khi các nền kinh tế mong manh của châu Phi bị đại dịch COVID-19 vùi dập, kéo theo tình trạng bất bình đẳng ngày càng rõ rệt. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc (ECA), hiện có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990 và 10 quốc gia thuộc châu lục này phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động. Châu Phi là lục địa có dân số trẻ nhất trên thế giới và dân số ở khu vực này cũng tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Điều này làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên vốn đã vô cùng khốc liệt.
Một yếu tố cũng thường được nhắc tới và được cho góp phần gây ra các cuộc biểu tình và đảo chính ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Niger, là tâm lý tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp. Các chuyên gia giải thích xu hướng đảo chính đáng lo ngại tại các quốc gia nêu trên có một phần nguyên nhân do ảnh hưởng quá mức của Pháp. Một bộ phận người dân tại châu Phi cho rằng Pháp vẫn đang tìm cách khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước thuộc địa cũ thông qua những dự án giúp giải quyết các vấn đề kinh tế tại địa phương và tiếp tục tạo ra sức ảnh hưởng tại những nơi này bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, dẫn tới phản đối các chính phủ được Paris ủng hộ. Năm 2022, sau khi Pháp và các đồng minh châu Âu rút quân khỏi nước láng giềng Mali, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã nhanh chóng đề nghị Pháp triển khai quân đến Niger để tăng cường an ninh. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân sự Niger và một số nhân vật có ảnh hưởng trong nước đã chỉ trích nỗ lực gia tăng hiện diện quân sự nước ngoài ở quốc gia châu Phi này. Trước đó, các cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện quân sự của Pháp ở Mali và Burkina Faso cũng đã diễn ra. Trong khi đó, các tổ chức khu vực, như Liên minh châu Phi (AU), không thể hiện lập trường quyết liệt đối với những cuộc đảo chính xảy ra liên tục trong khu vực. Vô hình trung, giới chức quân đội ở châu Phi ngày càng tin rằng việc chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực không những khả thi mà còn có khả năng chỉ phải nhận lại phản ứng vừa phải từ quốc tế.
Những cuộc đảo chính liên tiếp ở châu Phi thời gian gần đây đang đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu lục này đã trải qua trong hai thập niên vừa qua, đẩy "lục địa Đen" quay trở lại kỷ nguyên mà các cuộc đảo chính là "chuyện thường". Giới quan sát cho rằng, xung đột và đảo chính xảy ra thường xuyên khiến châu Phi trở nên kém ổn định, viễn cảnh tiêu cực này có thể gây tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư và khiến tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Điều đó càng làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng, đẩy các nước châu Phi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát.
Vấn đề đặt ra là liệu có thể đảo ngược được xu hướng không mong muốn này không? Câu trả lời là có. Theo Giáo sư Christopher Isike, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế châu Phi tại Đại học Pretoria, Nam Phi, thông thường những cuộc xung đột ở châu Phi sẽ bao gồm các tác nhân bên trong và có các tác nhân bên ngoài. Các tác nhân bên ngoài có thể giúp giảm bớt căng thẳng và xung đột hoặc làm cho tình hình bớt tồi tệ hơn. Vì vậy, các tổ chức khu vực và quốc tế, các nước láng giềng các đối tác bên ngoài đều có thể đóng vai trò nhất định trong việc giải quyết vấn đề ở châu Phi, trên cơ sở ưu tiên thúc đẩy các cuộc thảo luận và đàm phán hòa giải giữa các bên xung đột. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là bất kỳ sự can thiệp nào cũng phải thực sự xuất phát từ lợi ích của người dân châu Phi, chứ không phải với mục đích tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Bên cạnh đó, cần tránh kịch bản can thiệp bằng quân sự. Như trong trường hợp Niger, giới quan sát đánh giá khả năng Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) triển khai lực lượng quân sự can thiệp vào Niger là không cao, song nếu kịch bản trên xảy ra và phe đảo chính ở nước này nhận được sự hậu thuẫn của Burkina Faso và Mali, có thể khiến lửa xung đột lan rộng khắp vùng Sahel, dải đất nằm giữa sa mạc Sahara ở phía Bắc và khu vực thảo nguyên ở phía Nam châu Phi, tạo thành thảm họa với dân thường trong khu vực.
Quan trọng hơn là "các tác nhân bên trong", những người duy nhất thực sự có sức mạnh và vai trò quyết định để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này chính là các nhà lãnh đạo ở châu Phi.
Điều các nhà lãnh đạo châu Phi cần làm ngay hiện nay là củng cố niềm tin đối với người dân thông qua việc xử lý rốt ráo những vấn đề tồn tại, xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng và chia rẽ vốn là mồi lửa dẫn tới bất ổn ở nhiều nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với những quyết sách của họ nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống của nhân dân, mang lại sự ổn định trong xã hội. Đó là những vấn đề cốt lõi mà người dân châu Phi nói chung đang mong chờ và là lý do chủ yếu của một loạt cuộc đảo chính trong thời gian vừa qua.
Nga không ủng hộ ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger Bộ Ngoại giao Nga tin rằng hành động can thiệp quân sự của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) khó có thể giúp bình thường hóa tình hình ở Niger. Người ủng hộ chào đón các thành viên quân đội Niger sau cuộc đảo chính. Ảnh: AP Đây là tuyên bố do ông Alexey Zaytsev, Phó Vụ trưởng Vụ...