‘Ếch tiến vua’ đặc sản khách có tiền cũng khó mua ở Mẫu Sơn
Du khách đến Lạng Sơn sẽ được nghe những câu chuyện về đặc sản “tiến vua”, loài ếch hương quý sống trên vùng rừng núi Mẫu Sơn.
‘Ếch tiến vua’ – đặc sản khách có tiền cũng khó mua ở Mẫu Sơn
Theo các xe từ miền xuôi lên núi, ếch đồng được bán với giá 70.000 đồng mỗi kg, muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng đặt tìm mua vài con ếch hương rừng, khách có thể phải chờ cả tháng mà không có, may mắn mới được 1-2 con. Đó là thực tế ở khu du lịch Mẫu Sơn, Lạng Sơn.
Ếch hương ở đây được nhiều du khách gọi là ếch đại gia, ếch vương, ếch công nương. Còn người Dao đỏ địa phương vẫn thường gọi là “Tồng Keng”, theo tiếng dân tộc có nghĩa là ếch lớn.
Ếch hương rừng quý hiếm Mẫu Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Đây được xem là đặc sản Lạng Sơn và có giá trị kinh tế cao. Người Dao đỏ cho biết loài ếch hương rừng đã tồn tại, phát triển và sinh sôi ở vùng đất Mẫu Sơn từ hơn nghìn năm nay.
Video đang HOT
Trên bàn nhậu ở Mẫu Sơn, nếu đem đĩa ếch hương chiên giòn lên, những sản vật khác như cá hồi, gà sáu cựa hay thịt hun khói đều được dời qua một bên để đĩa ếch chiếm vị trí trang trọng nhất. Bởi ếch hương rừng là “vua” của ẩm thực Mẫu Sơn.
Ếch hương có giá cao gấp 7-12 lần so với ếch đồng miền xuôi. Đặc điểm để nhận biết ếch hương khi đi săn là nó có màu nâu đen hoặc đen bóng, trọng lượng khoảng 200-300 gam mỗi con. Con đực có gai ở cổ dưới. Nhiều người cho rằng, đấy là vương miện bị đeo lệch từ trên đầu xuống dưới của loài ếch này. Chỉ cần chạm nhẹ vào lớp gai, ếch sẽ tự khoanh hai chi trước lại. Cặp đùi của ếch hương lớn hơn hẳn ếch đồng và to như đùi gà ri.
“Mùa sinh sản của ếch hương vào khoảng tháng 5-6 hàng năm. Dụng cụ bắt ếch chỉ cần duy nhất chiếc thuổng nhỏ. Ban ngày, chúng nấp trong mấy khe đá hoặc hốc đất, hễ chỗ nào nghi có ếch thì đào. Còn nếu săn ếch vào ban đêm, cần trang bị thêm đèn pin hoặc bó đuốc để soi”, một người Dao đỏ địa phương cho biết.
Hiệu quả nhất vẫn là săn ếch về đêm. Lúc đó, ếch ra khỏi hang đá đi kiếm ăn, ngồi trên những mỏm đá, mô đất bằng phẳng kêu ộp oạp, khi soi đèn thì thấy mắt ếch đỏ. Ếch hương hiền, chúng thấy người không nhảy nên chỉ cần túm lấy nó và bỏ bao là xong.
Phần bụng của ếch hương rừng Mẫu Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Thú vị nhất là lai rai ngày mưa với món ăn chế biến từ ếch hương. Thịt ếch hương cũng giống như tên gọi của nó, thơm và không hề tanh như ếch đồng. Người Dao đỏ vùng Mẫu Sơn thường kết hợp nhiều gia vị để chế biến như ếch chiên giòn, nấu măng chua, lẩu, xào sả ớt, hầm thuốc bắc. Trong đó, ếch hương nấu măng chua là món ăn đặc sắc hơn cả.
Tất cả sản vật ở Mẫu Sơn đều có thể nuôi trồng, nhân giống và phát triển được để phục vụ khách du lịch, trừ ếch hương. Nhiều dự án, nguồn kinh phí, công sức và trí tuệ đã tập trung để nhân giống, phát triển loài ếch này hàng chục năm qua nhưng đến nay chưa thực hiện được. Hiện việc này chỉ dừng ở việc khoanh vùng bảo vệ và hạn chế săn bắt vào mùa sinh sản của chúng trên vùng núi Mẫu Sơn.
Theo Ivivu
Vị của quê
Buổi trưa hôm ấy, tôi là một người khách phương xa lỡ đường, dừng chân ăn vội ở quán bún nhỏ không có tên ở thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Tôi có dịp thưởng thức lại món bún sả - được xem là đặc sản của xứ này.
Ngoài việc cảm nhận vị ngon lạ miệng của tô bún, tôi có thêm những trải nghiệm rất nhẹ nhàng, an yên.
Trong cơn đói muộn bữa, tôi vẫn thấy tô bún sả được dọn ra không thật sự ngon xuất sắc. Trên cùng là một nhúm rau răm, lớp hỗn hợp sả và cá, giữa là bún, còn rau nằm cuối. Chỉ có vậy. Khách muốn thêm chút ớt bằm, nặn miếng chanh, nêm thêm muỗng mắm me hoặc nước mắm, ăn kèm với trứng vịt lộn... tùy khẩu vị. Nhưng khéo ở chỗ, trộn tô bún lên, mỗi một gắp đũa cho vào miệng đều như tan ra. Sả chẳng cay nồng, cá chẳng tanh, cũng không xảm xảm. Tất cả đều mặn vừa đủ, thơm vừa đủ, no vừa đủ, lại vừa giá tiền 12.000 đồng/tô. Thông thường, đối với các món bún, khi buông đũa, người ăn hay chừa lại một phần nước lèo trong tô. Nhưng riêng bún sả, toàn bộ "linh hồn" nằm ở phần nước, nên cách ăn đúng nhất là húp sạch. Nhìn tô bún trống không, chủ quán sẽ mãn nguyện lắm!
Hơn 20 năm trước, sau một lần tình cờ được biết đến món bún sả từ Campuchia, mẹ và dì (là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer) của chị Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Óc Eo) rất muốn tự tay nấu món này. Họ nấu thành công, dù hương vị không hoàn toàn giống, nhưng vẫn hợp khẩu vị của người dân xung quanh. Nguyên liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản: ngải bún, sả non, tỏi, đậu phộng, cá lóc... giã nát thành một hỗn hợp nhuyễn đục, cho vào nồi nước, khi chín thì nêm nếm cho vừa ăn. Mắm bồ hóc dường như không hợp với khẩu vị và sức khỏe của người dân gần đây, nên gia đình chị giản lược ra. Muốn ngon chút nữa thì cho ít nước dừa tươi vào. Nồi nước lèo hoàn thành có màu vàng nhạt, đùng đục, chẳng bắt mắt như nồi nước của bún cá, bún riêu, phở... thông thường. Thậm chí, vắng cả màu xanh, màu trắng của hành ngò hay màu nâu đen của tỏi phi. Tất cả chỉ nhàn nhạt một sắc màu đơn điệu. Khách kén ăn, có khi nhìn nồi nước lèo xong lại quyết định... kêu món khác.
Chị Bích và quầy bún "gia truyền"
Cái tô bún đơn giản, nồi nước lèo nhàn nhạt ấy vậy mà theo chị Bích gần thế kỷ, từ thời mẹ chị, dì chị, rồi đến chị "tiếp quản", "nâng cấp" dần lên. Ai cũng phải thức khuya, dậy sớm chuẩn bị nguyên liệu nấu bún: cạo vỏ ngải, gỡ xương cá, quết giã mỏi cả tay. Đỡ một cái là chi phí cho nồi bún không nhiều. Hồi lúc quê còn heo hút, thưa người, gia đình chị chia nhau lội bộ, gánh nồi bún đi tìm khách. Có điều kiện hơn một tí thì chuyển qua đẩy xe đẩy, ra chợ bày sạp nhỏ đón khách. Khá thêm chút thì chở đồ ra chợ bằng xe Honda, nhưng vẫn mất công đi về vài lượt. Còn bây giờ, nhà cửa khang trang, rộng rãi, chị mở tiệm ăn phía trước, 6 giờ sáng đến chiều tối quanh quẩn trong tiệm. Chị không cần phải giã nguyên liệu nữa, chuyện đó có máy xay phụ trách. Nhưng không hiểu sao, chị vẫn cảm thấy nồi nước lèo được nấu bằng nguyên liệu giã tay ngày trước đậm đà, quến đầu lưỡi hơn. Chỉ có điều, ngoài món bún sả, chị còn phải lo nấu bún cá, bún cua... không đủ thời gian để chăm chút nhiều hơn theo ý muốn trong lòng mình.
Trên đoạn đường ngắn, có vài quán bún sả nối đuôi nhau bày bán. Nhưng tất cả đều bán kèm với các loại thức ăn khác, chứ không bán mỗi món bún sả. Lý giải điều này, những người bán đều bày tỏ: là đặc sản, ngon đến đâu đi nữa thì người dân địa phương ăn hoài cũng ngán. Họ bán món ăn này chủ yếu phục vụ khách vãng lai. Ngày thường, bán được vài chục tô là mừng. Còn lễ, Tết, khách đi đường đông, người tha phương trở về quê, số lượng tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Cái tô bún nhàn nhạt màu, nhàn nhạt mùi mà làm người xa xứ nhớ quay quắt! Thèm vị quê, nhiều người đặt chủ quán nấu sẵn, hết ngày nghỉ, họ mang theo lên tận Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... để được thêm 1 lần ăn nữa, "cầm cự" đến lần về quê tiếp theo.
Bún sả
Tôi hỏi chị Bích: "Có bao giờ chị muốn "buông" nồi bún sả?". "Tôi xem đó là "nghề gia truyền", ít nhiều gì cũng bán tiếp tục, chứ không nghỉ được. Món bún này là kỷ niệm của thế hệ trước truyền lại nên tôi sẽ cố gắng bán đến lúc nào hết nổi thì thôi. Nói "gia truyền", vậy chớ tôi chưa biết hết đời mình rồi sẽ truyền nghề lại cho ai. Con cháu chắc chắn sẽ có hướng đi riêng, dễ gì chịu gắn bó với nồi bún. Mà nếu tụi nó có muốn buôn bán, tôi cũng không nỡ. Nghề này cực thấy mồ, thức đêm thức hôm. Vợ chồng tôi vất vả mười mấy năm trời, thậm chí đến giờ mới dám sinh thêm đứa nữa" - chị Bích bày tỏ, ánh mắt thật hiền.
Tôi tin rằng, chị đang rất hạnh phúc. Cuộc sống chị hiện tại bình dị như món bún sả vậy. Bên bếp lửa ấm và mấy nồi nước lèo nghi ngút khói, chị chăm chút từng tô bún cho khách. Rảnh tay thì lau chùi, dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày bán kế tiếp, mắt dõi theo bước chân "lon ton" của đứa con út. Hồi đó giờ cái quán chưa từng có tên, nên chị tính hôm sau sẽ đặt làm một cái biển hiệu mới to hơn, ghi tên mình để khách dễ tìm... Chính vì thế, trong ký ức của tôi, bún sả không chỉ là một món ăn lạ miệng, mà còn chất chứa tình quê, đong đầy mong ước về một cuộc sống an an, ổn ổn của người quê.
Theo Angiang
Ngọt ngào bánh tráng nhúng đường non Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em làng tôi và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời. Món bánh giản dị mà gây thương nhớ Độ tháng 2, tháng 3 âm lịch, vùng trung du xứ Quảng quê...