Đừng để chết oan vì ăn… ốc lạ
Các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang khuyến cáo người dân không nên ăn những loại ốc lần đầu nhìn thấy hoặc những loại ốc lạ, có màu sắc đẹp… bởi rất có thể đó là những loại ốc có chứa độc tố làm chết người.
Ảnh minh họa: Internet
Hôn mê sau khi ăn một con ốc
Chiều 4/11, BS Nguyễn Văn Xáng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân Lê Văn D, ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tử vong vì bị ngộ độc nặng sau khi ăn một loại ốc lạ đánh bắt được ngoài biển. Trước đó, ngày 26/10, anh D ra biển đánh bắt được một mớ ốc rồi mang về luộc và ăn, trong đó có một con ốc có hình thù lạ nên bị tê lưỡi, hôn mê… Gia đình lập tức đưa anh D vào bệnh viện huyện rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh, kèm mẫu vật con ốc đã ăn.
Theo BS Nguyên Văn Xáng, nạn nhân đã được cấp cứu tại cơ sở y tế của huyện Vạn Ninh. Nhưng khi chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thì bệnh nhân đã chết não, phải bóp bóng cứu tim. Bệnh viện đã tích cực điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch, thở máy liên tục nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng nặng và tử vong sau đó.
Theo Viện Hải dương học Nha Trang, mẫu vật ốc biển mà anh D ăn là ốc bùn bống, tên khoa học là Nassarius, độc tố trong mẫu vật này là Tetrodotoxin. Ốc bùn bống loại ốc thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Tetrodotoxin là loại độc tố thần kinh cực mạnh, cấu trúc đặc biệt nên không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao. Khi ăn phải loại ốc này thì có triệu chứng là bị tê, rát ở môi, đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân, tay, đầu, tiếp đó là nôn mửa, choáng… Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong sau 30 phút hoặc 3 giờ sau khi bị ngộ độc ốc bùn bống.
Video đang HOT
Anh D không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do ăn ốc biển lạ. Trước đó một số người dân ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… cũng đã từng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim, hôn mê sâu… do ngộ độc từ việc ăn những loại ốc lạ khác.
Tránh “đụng” vào ốc lạ
Các nhà nghiên cứu ở Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, cho đến thời điểm này Viện đã phát hiện khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Trong một số trường hợp, độc tố của ốc không bị phân hủy trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến. Đến nay Việt Nam đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối (Conus) chứa độc tố dưới dạng nọc độc có khả năng gây chết người. Một số loài ốc chỉ độc ở bộ phận nhất định (thường là tuyến nước bọt), dẫn đến ngộ độc do con người bất cẩn, không loại bỏ phần độc trước khi ăn. Cũng có những loài ốc luôn luôn độc và hết sức nguy hiểm nếu vô tình ăn chúng.
TS Đào Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, có một số loài ốc biển thông thường không hề gây ngộ độc cho con người, nhưng đột nhiên trong thời điểm nào đó lại trở nên độc mà chúng ta chưa thể biết nguyên nhân. Gần đây, khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân của các vụ ngộ độc như ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva)… Tùy từng loài ốc, bản chất độc tố có thể là Saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) hoặc Tetrodotoxin (độc tố cá nóc, mực đốm xanh hay con so…). Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám đã được xác định là Saxitoxin. Trong khi đó, độc tố của ốc tù và (Charronia sauliae), ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica), ốc tù và gai miệng đỏ (Tutufa lissostoma), ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma) lại là Tetrodotoxin. Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, không hề bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao nên vẫn tồn tại trong sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Theo TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có những loại ốc mà người dân miền Trung thường sử dụng làm thức ăn như ốc ruốc (một số vùng gọi là ốc chép) nếu không cẩn thận trong chế biến thì vẫn gây độc cho cơ thể.
Ốc ruốc hay còn gọi là ốc chép, một loại ốc biển có kích cỡ loại nhỏ, màu sắc sặc sỡ phân bố nhiều từ tháng 3 – 7 dương lịch hàng năm ở vùng biển miền Trung Việt Nam. Hiện nay, nguồn gốc của độc tố trong các loài ốc chưa được biết rõ ràng do chúng có tính chất khá phức tạp:
Không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều mang độc tố và độc tố cũng khác biệt trong từng cá thể. Nguyên nhân của tính chất phức tạp này có thể do độc tố của ốc cũng có nguồn gốc từ vi sinh vật cộng sinh. Ốc ruốc thường được người dân sử dụng làm thức ăn, vì vậy trong quá trình chế biến cần lưu ý loại bỏ sạch tạp chất bám trên con ốc tránh gây ngộ độc.
Sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố Tetrodotoxin hay Saxitoxin, triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 30 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi.
Hiện tượng tê, rát bỏng lan dần đến chân, tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt… Nạn nhân có thể chết sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên trước hết chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào những loài ốc lạ, màu sắc sặc sỡ… Tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà bạn cảm thấy có triệu chứng như đã mô tả ở trên, lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.
Theo Giadinh.net
Xác định loại ốc biển gây ngộ độc tại Ninh Thuận
Sáng 31.12, Sở Y tế Ninh Thuận có thông báo kết quả phân tích mẫu ốc gây ngộ độc chết người xảy ra tại thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) vào ngày 15.12.
Ốc bùn răng cưa gây ngộ độc
Theo kết quả phân tích của Viện Hải dương học Nha Trang, loài ốc này có tên Ốc bùn răng cưa (tên khoa học: Nassarius papilosus); độc tố tetrodotoxin trong loài ốc này là độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp.
Do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố tetrodotoxin không hề phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến nên chúng tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu; thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Như Thanh Niên Online đưa tin, vào sáng 15.12, anh Nguyễn Văn Quý (30 tuổi, thôn Lạc Tân 2) bắt được 14 con ốc bùn răng cưa ở vùng biển Phước Diêm đưa về nhà luộc chín cho cả nhà cùng ăn.
Bé Nguyễn Thị Ánh Liên (6 tuổi, con anh Quý) chỉ ăn 1 con và sau đó khoảng 30 phút, có hiện tượng nôn ra máu, tay chân co giật, tê lưỡi, toàn thân tím tái, dẫn đến tử vong.
Ông bà ngoại bé Liên là Trần Văn Dí (48 tuổi), Mai Thị Hoa (47 tuổi) và chị Trần Thị Thanh Xuân (28 tuổi, mẹ bé Liên) sau khi ăn vào có biểu hiện tương tự, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận và đã bình phục.
Tin, ảnh: Thiện Nhân
Theo Thanhnien
Ốc còi mà "không còi" ở Khe Khoai Món ốc còi còn có ở nhiều nơi khác, nhưng ốc còi ở thôn Khe Khoai là ngon nhất, hương vị đặc trưng nhất. Thôn Khe Khoai (thuộc xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) là nơi người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, trồng rừng. Khi đến thăm nơi này, các bạn có thể bắt gặp các ngọn núi cao, những địa...