Đừng để cả thầy và trò ở các nhà trường cứ mãi là đối tượng “thử nghiệm”…
Khi Bộ triển khai một dự án nào cũng cần thiết nghiên cứu, thẩm định kĩ càng, đừng mãi bắt cả thầy và trò làm “thử nghiệm” như những năm gần đây thì mệt mỏi lắm!
Có lẽ chưa bao giờ ngành giáo dục có nhiều thay đổi về chuyên môn như những năm gần đây. Thay đổi xoành xoạch, thay đổi liên tục, thay đến nỗi mà cả giáo viên và học sinh không kịp thích nghi lại thấy… thay đổi.
Từ phương pháp giảng dạy, cách đánh giá học trò, đổi mới trong kiểm tra, thi cử…và nhiều khi chưa quen cái này lại tập huấn cái khác.
Trong năm học này thì Bộ đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 mà không qua khâu thực nghiệm tất cả chương trình. Vì thế, chỉ chưa đầy một tháng đã phát sinh ra rất nhiều hạn chế, bất cập.
Việc đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng Bộ cần phải sát sao hơn nữa – (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Những điều mà Bộ Giáo dục đang làm, đang muốn đổi thay cho ngành, giáo viên không phản đối bởi một lẽ đương nhiên là người thầy hiểu rất rõ vai trò của mình trong nền giáo dục hiện đại.
Phải thay đổi để phù hợp, phải thay đổi để thích ứng trong thời đại mà khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, khi mà các nước, các nền khoa học đang xích lại gần nhau.
Chỉ có điều là nhiều giáo viên cảm thấy băn khoăn là có những chủ trương của ngành quá cập rập, khi mà điều kiện chuẩn bị chưa tốt, khi mà ngay cả những người đứng ra triển khai cũng còn bị động, chưa tường tận vấn đề.
Chúng ta cứ nhìn lại mô hình dạy theo VNEN sẽ thấy quá nhiều những bất cập. Rầm rộ tiến hành ở các địa phương rồi đến khi phụ huynh, học sinh ở một số địa phương phản đối thì Bộ lại nói là không bắt buộc. Sự triển khai dở dang đó phải chăng còn có nhiều những uẩn khúc bên trong?
Rõ ràng, khi mà các trường chưa chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và học tập còn nhiều bất cập thì việc triển khai mô hình VNEN đâu thể đem lại hiệu quả như những gì mà Bộ Giáo dục nói ban đầu.
Bây giờ, những thầy chủ trì chương trình VNEN đã về hưu hết, dự án dở dang, bỏ ngỏ nhưng tiền bạc đổ vào dự án thì quá nhiều.
Những năm qua, nhằm chuẩn bị cho việc thay chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ tổ chức triển khai dạy học theo chủ đề tích hợp, mở các đợt tập huấn cho giáo viên.
Người tập huấn triển khai bằng cách chiếu một số file điện tử, kể vài ba chuyện rồi cho giáo viên bước vào làm bài tập, thảo luận và cuối cùng thì người đứng ra tập huấn cũng không kết luận được vấn đề. Nhiều điều giáo viên thắc mắc, chất vấn không được người có trách nhiệm giải thích thấu đáo.
Vì thế, tập huấn xong chẳng có mấy trường dạy xây dựng và dạy được chủ đề liên môn.
Video đang HOT
Nơi chúng tôi công tác thì thầy trưởng Hội đồng bộ môn phải thừa nhận một điều là trước khi triển khai cho cấp Trung học cơ sở thì Sở giáo dục đã triển khai cho cấp Trung học phổ thông nhưng suốt một năm, cấp học này chưa có trường nào xây dựng được tiết dạy theo chủ đề liên môn.
Những năm qua, sau khi Bộ triển khai việc dạy chủ đề đến các địa phương rồi các trường xây dựng các chủ đề dạy học cho đơn vị mình.
Năm nay, Bộ chủ trương giảm tải các đơn vị kiến thức ở đa số các môn học và Bộ tự đề ra các chủ đề ở các môn học cho toàn ngành. Những chủ đề lạ hoắc lạ huơ, khác xa với các chủ đề mà mấy năm nay Bộ tập huấn cho giáo viên.
Vì thế, các chủ đề mấy năm học trước mà các trường xây dựng đều phải bỏ để tập trung cho các chủ đề mới mà Bộ đã quy định ở đầu năm học 2020-2021 này.
Điều tréo ngoe ở chỗ nhiều chủ đề chẳng ăn nhập gì với nhau cũng được Bộ xếp lại thành chủ đề. Chẳng hạn như môn Ngữ văn hiện đang có 3 phân môn giờ được ép cả văn bản, tập làm văn và tiếng Việt thành các chủ đề với nhau.
Nhiều giáo viên không biết đặt tên các chủ đề đó là gì bởi lẽ thông thường các chủ đề thường là những nội dung gần gũi với nhau như chủ đề về người lính, chủ đề về người nông dân, chủ đề về một phương thức biểu đạt….
Thông thường, các chủ đề về văn bản đi với văn bản, tiếng Việt đi với tiếng Việt và tập làm văn đi với tập làm văn. Bây giờ xếp chung lại với nhau nên phần lớn các chủ đề Bộ hướng dẫn trong năm học này ở môn Văn chẳng ăn nhập gì với nhau.
Trong năm học này, khi Bộ triển khai chương trình mới ở lớp 1 thì chúng ta vẫn thấy sự bị động, lúng túng.
Trong nền kinh tế thị trường, sách giáo khoa đã được xã hội hóa nhưng nó vẫn được bán theo đăng kí của đơn vị trường học. Có lẽ, ẩn sau những văn bản hướng dẫn mua sách giáo khoa theo đơn vị vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tỏ tường?
Khi sách giáo khoa Cánh Diều bị phản đối, lãnh đạo ngành lên tiếng là giáo viên chủ động thay ngữ liệu không phù hợp trong khi chờ các nhà xuất bản chỉnh sửa, hiệu đính.
Chuyện giáo viên chọn ngữ liệu có lẽ không có gì là khó cả vì giáo viên cũng đã quen với việc này rồi nhưng lẽ nào giáo viên, phụ huynh học sinh bỏ tiền ra mua những sản phẩm tưởng đã hoàn chỉnh mà cuối cùng lại tìm kiếm những ngữ liệu thay thế sao?
Tiền thì các nhà xuất bản lấy trọn gói, lấy trước khi giao sách nhưng khi sách sai, không phù hợp thì lại “gợi ý” giáo viên chủ động trong việc tìm kiếm ngữ liệu phù hợp để thay thế!
Có lẽ, việc đổi mới giáo dục hiện nay thì vấn đề cốt lõi nhất là mục tiêu và chất lượng giáo dục chứ không phải là việc chạy theo mô hình này chưa xong lại hướng tới một mô hình khác.
Và, một khi Bộ triển khai một dự án nào cũng cần thiết nghiên cứu, thẩm định kĩ càng, đừng mãi bắt cả thầy và trò làm “thí nghiệm” như những năm gần đây thì mệt mỏi lắm!
Bộ ở xa quá, dưới cơ sở giáo viên vẫn bị trói chặt bằng hồ sơ, sổ sách
Giáo viên cứ phải thực hiện những điều vô lý mà không thực hiện thì bị ghi biên bản lưu vào hồ sơ cá nhân và những hồ sơ này sẽ đi theo giáo viên mãi mãi về sau!
Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về việc giao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình giảng dạy nhưng làm sao giáo viên chủ động được khi mà hiện nay có nhiều những ràng buộc từ các cấp quản lý.
Giáo viên tự chủ làm sao khi mà ngay cả chuyện soạn giáo án cũng phải bắt buộc thực hiện theo mẫu của Hội đồng bộ môn, nhà trường và tổ chuyên môn quy định?
Chính vì thế, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng phải tuân theo những kiểu "đồng phục" bởi chỉ cần khác đi một chút là bị góp ý, ghi biên bản trong các lần kiểm tra nội bộ của nhà trường hay mỗi khi có thanh tra chuyên môn về trường.
Một số nhà trường vẫn "trói" giáo viên bằng những loại hồ sơ sổ sách vô bổ - (Ảnh minh họa: vtv.vn)
Có những kiểu đồng phục và bắt lỗi lạ đời
Việc soạn giáo án giảng dạy hiện nay ở một số trường học vẫn rất nhiêu khê khi mà Ban giám hiệu, hội đồng bộ môn và tổ chuyên môn đưa ra những quy định lạ đời, không hề có trong bất kỳ quy định, hướng dẫn nào hết.
Giáo án phải soạn số cột theo quy định của Ban giám hiệu nên cả trường phải thống nhất soạn 2 cột hoặc 3 cột theo chỉ đạo của nhà trường.
Soạn khác đi, có nghĩa là làm sai, khi tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng chuyên môn duyệt giáo án hay kiểm tra chuyên đề là đương nhiên giáo viên bị bắt lỗi.
Đầu giáo án mỗi bài học phải ghi đầy đủ ngày soạn, ngày dạy cụ thể từng lớp nên nhiều giáo viên dạy nhiều lớp/ khối phải ghi một hàng dài dằng dặc về ngày mấy dạy lớp này, ngày mấy dạy lớp kia...
Các hoạt động trên giáo án cũng phải thể hiện đồng nhất với nhau. Cho dù chương trình VNEN đã âm thầm dừng lại, nhưng nhiều trường học vẫn bắt giáo viên phải soạn theo 5 bước của VNEN.
Vì thế, cho dù nhiều khi giáo viên dạy 2 tiết liên tục trong một lớp nhưng đầu bài học vẫn phải có phần "khởi động" đứng ở phần đầu giáo án.
Khi giáo viên bị dự giờ, nhất là các tiết thi giáo viên giỏi mà dạy khác giáo án thì đương nhiên là bị góp ý.
Nhưng trong thực tế giảng dạy, giáo án chỉ là phần cứng cho bài học, còn khi dạy cho học trò người thầy phải linh hoạt với từng đối tượng học sinh của từng lớp để có thể thêm bớt cho phù hợp.
Miễn sao mục tiêu cần đạt của bài học đạt được thì tiết học đó đã thành công rồi nhưng nhiều lãnh đạo, các thành viên hội đồng bộ môn hay giám khảo cuộc thi vẫn bắt lỗi như thường.
Năm nay, Bộ đã ra hướng dẫn tinh giản rất nhiều bài học đối với tất cả các môn nên ngoài những bài học chính khóa có cả những bài đọc thêm, tự học có hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự học, học sinh tự đọc...
Nhưng, ngay cả những bài "khuyến khích học sinh tự học; học sinh tự đọc..." thì giáo viên cũng được yêu cầu soạn giáo án như thường!
Khi giáo viên giảng dạy bằng công nghệ thông tin thì đã lồng ghép nội dung bài học, tranh, phim ảnh nhưng trong sổ thiết bị nhà trường vẫn bắt buộc phải ký mượn tranh ảnh...cho dù giáo viên không hề mượn.
Bởi, trường chỉ có một số tranh ảnh đã mua từ hàng chục năm trước, nhàu cũ thì mượn để làm gì khi mà thời đại Internet hiện nay chỉ cần vài thao tác là giáo viên có thể chọn những tranh ảnh phù hợp, đẹp mới chiếu cho học trò xem...
Nhiều trường học bây giờ đều trang bị ti vi ở các phòng học và do phụ huynh đóng góp mua cho trường, laptop thì của giáo viên mang đi dạy nhưng khi dạy thì bắt buộc phải ghi tên vào sổ đăng ký dạy công nghệ thông tin.
Những việc tưởng chừng chẳng cần thiết phải ghi, phải phức tạp nhưng rồi giáo viên cứ phải làm cái việc thừa này. Không làm thì không được mà làm thì chẳng có tác dụng gì.
Nhưng không thực hiện là không được
Đầu năm học, các trường học thường tổ chức kiểm tra nội bộ về hồ sơ sổ sách của giáo viên. Vì thế, tất cả các kế hoạch, hồ sơ sổ sách của giáo viên được Ban giám hiệu và các thành viên là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lật từng trang để kiểm tra.
Chỉ cần giáo viên soạn giáo án khác đi một chút là bị ghi biên bản. Các sổ thiết bị, sổ ứng dụng công nghệ thông tin mà chưa ghi cũng bị ghi vào biên bản.
Thậm chí, đầu năm thì giáo viên chưa dự giờ mà nộp mình cuốn sổ không cũng bị ghi biên bản.
Trong khi, nhà trường quy định về số tiết dự , số tiết ứng dụng công nghệ thông tin của mỗi giáo viên qua từng học kỳ...
Khi đã quy định bao nhiêu số tiết thì hết học kỳ nếu giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ thì ghi đã đành. Đằng này, mới đầu năm học là nhà trường đã "ra quân" hạch sách đủ điều.
Điều đáng nói nữa là trong kế hoạch giáo dục, giáo án của giáo viên thì đã có phần sử dụng đồ dùng dạy học rồi nhưng một số trường học vẫn bắt buộc giáo viên phải ghi vào sổ theo dõi sử dụng của thiết bị.
Rất khó để người thầy tự chủ trong chuyên môn khi mà nhà trường vẫn nặng nề về hồ sơ sổ sách, hành chính.
Giáo viên cứ phải thực hiện những điều vô lý mà không thực hiện thì bị ghi biên bản lưu vào hồ sơ cá nhân và tất nhiên những hồ sơ này sẽ đi theo giáo viên mãi mãi về sau.
Bộ muốn giải phóng cho giáo viên nhưng Bộ ở xa quá nên giáo viên dưới cơ sở vẫn áp lực về những hồ sơ sổ sách, vẫn phải thực hiện "đồng phục" những giấy tờ vô bổ nhưng có nói, có ý kiến cũng chẳng có ích gì.
Vì thế, áp lực vẫn bủa vây mà áp lực này đáng ra không cần có, không cần thiết nhưng nó vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác.
Tập huấn giáo viên theo chương trình mới bằng trực tuyến Bộ GD-ĐT đã triển khai chương trình tập huấn và bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông xoay quanh chương trình phổ thông mới và những thay đổi liên quan kiểm tra, đánh giá học sinh. Giáo viên tham gia các chương trình tập huấn - ĐÀO NGỌC THẠCH Theo chương trình tập huấn, mỗi...