Đức, Áo đồng ý tiếp nhận người nhập cư ở Hungary
Berlin và Vienna đồng ý tiếp nhận hàng trăm người nhập cư đang trên đường từ thủ đô Budapest , Hungary, tới khu vực biên giới giữa nước này và Áo.
Người nhập cư chuẩn bị lên xe buýt ở thủ đô Budapest, Hungary, để tới Áo, Đức. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Áo Werner Faymann đã thông báo với người đồng cấp Hungary Viktor Orban về quyết định đạt được khi tham vấn với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hãng tin APA của Áo cho biết.
“Do tình trạng khẩn cấp hiện nay ở biên giới Hungary, Áo và Đức nhất trí cho phép người tị nạn tiếp tục hành trình tới hai quốc gia”, Reuters dẫn lại nội dung ông Faymann đăng tải hôm nay trên Facebook cá nhân.
Hội Chữ thập Đỏ Áo ước tính có khoảng từ 800 đến 1.500 người sẽ tới trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở thị trấn biên giới Nickelsdorf trong vài giờ tiếp theo.
“Nhà chức trách thông báo chúng tôi dự kiến tiếp nhận từ 800 đến 1.500 người”, Thomas Horvath, người phát ngôn Hội Chữ thập Đỏ tại tỉnh Burgenland, Áo, giáp Hungary, nói. “Chúng tôi đang chuẩn bị giường, nơi ở tạm, thức ăn và đồ uống nóng cho họ. Dịch vụ y tế cũng sẵn sàng”.
Hàng trăm người nhập cư sáng sớm nay bắt đầu rời trung tâm thủ đô Budapest trên một đoàn xe buýt dài theo sự sắp xếp của chính phủ Hungary. Nhiều người mỉm cười, chào tạm biệt các tình nguyện viên Hungary từng cung cấp đồ ăn và nước uống cho họ trong nhiều ngày qua.
Video đang HOT
Tình trạng xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi buộc hàng trăm nghìn người phải mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Liên Hợp Quốc ước tính các quốc gia trong Liên minh châu Âu phải tiếp nhận tới 200.000 người tị nạn theo “chiến lược chung”, thay cho cách tiếp cận “từng phần” của khối đối với cuộc khủng hoảng di cư.
Như Tâm
Theo VNE
Người nhập cư lậu làm khó châu Âu
Làn sóng nhập cư lậu không ngừng tăng cao đang khiến các nước EU chao đảo vì "không kịp trở tay".
Người biểu tình đối đầu với cảnh sát Hungary bên ngoài nhà ga ở Budapest - Ảnh: Reuters
Sáng 2.9, tuyến tàu cao tốc Eurostar nối Paris (Pháp) với London (Anh) vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng sau khi một số người nhập cư lậu lẻn vào đường hầm xuyên biển Manche, theo tờ Le Monde. Ít nhất 6 đoàn tàu đã xuất bến phải quay lại hoặc bị "mắc kẹt" giữa đường trong hơn 8 giờ vì sự cố này. Cảnh sát phải can thiệp để giải tán những "khách không mời" để tàu Eurostar có thể hoạt động bình thường.
Hiện có khoảng 3.000 người nhập cư đang sống lây lất ở hải cảng Calais, tây bắc Pháp, để chờ đợi cơ hội đi lậu qua Anh bằng nhiều phương tiện. Lúc cao điểm vào cuối tháng 7 vừa qua, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt người tìm cách xâm nhập đường hầm xuyên biển Manche.
Nhiều mũi tiến công
Nhập cư lậu là vấn đề khiến các nước EU đau đầu đã nhiều năm qua nhưng đặc biệt trong vài tháng gần đây, tình trạng này gia tăng đột biến, làm nhiều nước không kịp trở tay. Các chuyên gia nhận định châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2.
AFP hôm 2.9 dẫn thông cáo của cảnh sát bang Bavaria, đông nam Đức cho biết chỉ trong hai ngày 31.8 và 1.9, chính quyền địa phương đã tiếp nhận hồ sơ xin tị nạn của hơn 2.000 người, một con số kỷ lục. Là nền kinh tế lớn nhất EU nên nước này cũng được xem là điểm đến thu hút nhiều người nhập cư nhất. Dự kiến, năm 2015, Đức sẽ phải tiếp nhận 800.000 trường hợp xin tị nạn, cao gấp 4 lần so với năm 2014.
Trước đây, vượt Địa Trung Hải để cập bến các đảo của Malta, Tây Ban Nha, Ý... vẫn được xem là giải pháp hàng đầu để "gõ cửa châu Âu" của người nhập cư trái phép, bất chấp nguy cơ cao phải bỏ mạng trên biển do bị nhồi nhét trong các loại tàu thuyền cũ kỹ, thô sơ. Sau nhiều tai nạn đắm tàu nghiêm trọng liên tiếp hồi tháng 4 làm hàng ngàn người chết, EU đã tăng cường các biện pháp an ninh và cứu hộ.
Khi an ninh tại Địa Trung Hải được siết chặt, bọn tội phạm đã chuyển sang một tuyến đường khác: từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển hoặc vượt sông sang Hy Lạp, sau đó băng qua khu vực Balkan để đến Tây Âu.
Tuyến đường này tuy không mới nhưng hiện đã quá tải do phải "gánh" một phần luồng nhập cư chuyển hướng từ Địa Trung Hải, lại thêm bất ổn ngày càng gia tăng tại khu vực Trung Đông do sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), làm người dân ồ ạt lánh nạn. Nửa đầu năm 2015, chỉ có những nước EU ven Địa Trung Hải như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp phải "kêu cứu" vì nạn nhập cư trái phép. Tình trạng này hiện đã lan đến gần như tất cả các nước trong khu vực.
Sự lúng túng thể hiện rõ qua việc nhiều nước EU liên tục thay đổi các quyết định liên quan đến người nhập cư trái phép. Hôm 2.9, Hungary đã ra lệnh cấm người nhập cư tiếp cận các đoàn tàu đi Áo và Đức. Lệnh cấm được đưa ra chỉ... một ngày sau khi chính phủ nước này cho phép họ rời trại tiếp đón để lên tàu đến Tây Âu và hậu quả là hàng ngàn người chen lấn, gây náo loạn và xô xát với cảnh sát ở ga quốc tế của thủ đô Budapest.
Cung đường tử thần
Quyết định "bật đèn xanh" trong một ngày của Hungary cũng khiến nước láng giềng Áo bị một phen toát mồ hôi vì phải đón tiếp đến hơn 3.600 người nhập cư - phần lớn không có thị thực nhập cảnh - chỉ trong ngày 1.9.
Hồi tuần trước, Áo đã thu hút sự chú ý của dư luận khi cảnh sát nước này tìm thấy 71 thi thể trong một xe tải đông lạnh đậu bên đường cao tốc. Các nạn nhân hầu hết là người Syria và nhiều khả năng đã chết ngạt do bị nhồi nhét quá lâu trong một không gian kín và chật hẹp. Chỉ 2 ngày sau phát hiện kinh hoàng nói trên, cảnh sát Áo lại chặn được một xe tải chở 26 người nhập cư lậu, trong đó có 3 trẻ em bị mất nước nặng.
Hôm 2.9, cảnh sát nước này tiếp tục phát hiện một xe tải loại nhỏ chở 24 trẻ vị thành niên người Afghanistan. Những thiếu niên chỉ 16 - 17 tuổi bị nhồi nhét "không khác gì đồ vật" trên "nhà tù di động", may mắn là sức khỏe của các em chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tài xế người Romania của "chuyến xe tử thần" đã bị bắt giữ.
Tại Tây Ban Nha, lực lượng an ninh vừa phát hiện một xe hơi 4 chỗ chở theo 2 người tị nạn. Trong đó, 1 người chui dưới băng ghế sau còn 1 người bị nhét trong ca pô xe.
Cũng trong những ngày đầu tuần qua, giới chức Bỉ, Thụy Điển cũng thông báo về "kỷ lục người nhập cư lậu" tại các nước này.
Cho đến nay, các nước EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nhập cư lậu nên khó có thể sớm tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề cực kỳ phức tạp này. Giới quan sát lo ngại nếu tình trạng nói trên kéo dài, bọn tội phạm sẽ càng có thêm cơ hội để trục lợi từ người tị nạn, bất chấp an toàn của họ và số lượng người chết trên các cung đường tử thần sẽ tiếp tục tăng.
Gần đây, nhiều nhà lãnh đạo EU, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã đề nghị phải xem xét lại chính sách mở cửa biên giới của các nước có ký kết hiệp ước Schengen nếu bài toán nhập cư lậu vẫn không tìm ra lời giải.
Lan Chi
Theo Thanhnien
EU với các nước tây bán đảo Balkan: Cầm chân giữ cầu, cầm chừng quan hệ Hội nghị cấp cao giữa EU với các nước phía tây bán đảo Balkan bị phủ bóng hoàn toàn bởi vấn đề tị nạn và nhập cư. Người nhập cư Syria trú mưa gần Asotthalom, Hungary ngày 27.7 sau khi di chuyển từ Serbia qua - Ảnh: Reuters Cả hai phía hiện đều bị thách thức bởi vấn đề này, vốn ngày càng...