Dự thảo quy chế của Bộ GD-ĐT vượt quyền và trái luật!
Đây là nhận định của các chuyên gia về luật xung quanh một số nội dung trong dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ, TC hệ chính quy mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến và gây bức xúc khi có những quy định lạ lùng.
Những quy định không hợp lý trong dự thảo quy chế công tác HS-SV gây băn khoăn kể cả với các chuyên gia về luật pháp
Nhà trường chỉ nên tập trung xử lý các vi phạm kỷ luật
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên chuyên ngành luật Hiến pháp hành chính, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cho biết nước ta hiện có 4 hình thức vi phạm pháp luật: hình sự, hành chính, dân sự và kỷ luật. Nhưng với góc độ nhà trường chỉ nên tập trung xử lý các vi phạm kỷ luật, còn các vi phạm khác thì đã có tòa án. Ví dụ sinh viên thực hiện môi giới mại dâm bị khởi tố hình sự thì đương nhiên buộc thôi học.
Trong dự thảo quy chế có ghi: “Trường hợp học sinh, sinh viên (HS-SV) bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình HS-SV biết để phối hợp quản lý, giáo dục”. Thạc sĩ Quang cho rằng, vi phạm về hoạt động mại dâm mà trường báo về địa phương là trái pháp luật. Bởi trong xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm trong hoạt động mại dâm không được công khai danh tính.
“Quy định này của Bộ không chỉ lấn sân sang các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật khác, mà thậm chí vượt quyền và có tính chất trái pháp luật”, thạc sĩ Quang nói.
Thạc sĩ Quang còn đặt vấn đề: “Ở góc độ giáo dục thì quy định này cũng rất đáng phải bàn ở nhiều khía cạnh. Ví dụ HS-SV vi phạm pháp luật, nhà trường là môi trường giáo dục mà đuổi học thì ai sẽ là người giáo dục họ? Tất nhiên vấn đề còn phải bàn nhiều nhưng có những quy định không khéo lại phản giáo dục”.
Chưa có luật biểu tình mà đưa vào quy định là sai
Một số quy định khác trong dự thảo này cũng gây thắc mắc cho cả những người đang nghiên cứu về luật.
Một giảng viên môn luật hành chính một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết quy định về hành vi vi phạm khiếu nại cũng không cần thiết vì các hành vi đó đều đã nêu trong luật khiếu nại và nghị định về an ninh trật tự về xử phạt liên quan các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước.
Còn hành vi biểu tình, cũng theo giảng viên này, hiện nay chưa có luật nên Bộ GD-ĐT đưa vào là sai vì phải có luật biểu tình rồi thì mới có các hành vi liên quan luật biểu tình. “Phải trên cơ sở luật biểu tình mới nói được là biểu tình trái pháp luật. Hơn nữa nghị định liên quan việc xử lý hành vi vi phạm liên quan biểu tình hiện vẫn chưa có, không có cơ sở pháp lý để đưa vào quy chế quy định này. “Quy chế mà bao quát hết tất cả những cái mà luật chưa có thì trái với nguyên tắc pháp chế”, giảng viên này nhấn mạnh.
Video đang HOT
Từ những quy định không đúng chuẩn của dự thảo, giảng viên này phân tích: Về góc độ luật, nhiều hành vi vi phạm đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác rồi. Trước pháp luật mọi người phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau. Do đó HS-SV hay người ngoài đều phải chịu trách nhiệm tất cả các vi phạm theo quy định của luật, từ luật hình sự đến luật hành chính. Vì thế, nếu đưa các nội dung vi phạm trên vào quy chế sẽ vừa thừa vừa thiếu, không bao quát và cũng không đầy đủ do đã có quy định trong văn bản khác và có thể dẫn đến chồng chéo giữa các văn bản luật. “Chỉ cần quy định một điểm chung là HS-SV nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật là đủ”, người này chia sẻ.
Ý KIẾN
Làm sao nhà trường phát hiện, xử lý?
“Các hành vi liên quan trật tự xã hội như chất gây nghiện, môi giới mại dâm, chứa mại dâm, an toàn giao thông,… thì pháp luật hành chính hay hình sự đã có quy định xử lý thì phải để cho cơ quan chức năng xử lý. Khi có kết quả xử lý của cơ quan chức năng thì nhà trường sẽ căn cứ đó mà xử lý kỷ luật HS-SV của trường. Cần gì phải quy định nếu “nghiêm trọng” thì giao cơ quan chức năng giải quyết, bởi các hành vi trên chủ yếu xảy ra ngoài phạm vi nhà trường, nằm ngoài sự quản lý của nhà trường thì làm sao nhà trường phát hiện xử lý hay nhận thấy nghiêm trọng mà chuyển cơ quan chức năng xử lý?”. Luật sư Nhàn cũng cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định những hành vi vi phạm kỷ luật, nội quy, quy chế xảy ra trong phạm vi nhà trường.
Luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn luật sư TP.HCM)
Không cần thiết
“Bộ quy định chi tiết xử phạt cụ thể mỗi hành vi khi đã có quy định xử phạt khác là không cần thiết. Vi phạm hành chính có nhiều loại và tính chất khác nhau. Có lẽ Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra một khung hình phạt với các lỗi vi phạm với nhiều cấp độ. Chẳng hạn, những hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng, vi phạm thuần phong mỹ tục thì vi phạm lần đầu cũng xứng đáng bị đuổi học. Những vi phạm ở cấp độ nhẹ hơn thì có thể cảnh cáo, sau đó đuổi học. Để xử lý vi phạm nào, Bộ chỉ cần trích dẫn những quyết định xử phạt hành chính đã có sẵn”.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM)
Đăng Nguyên (ghi)
Theo thanhnien
Sinh viên "bán hoa" 4 lần bị đuổi học: Vi phạm, không đủ tư cách làm nhà giáo
Qua quy định "sinh viên sư phạm "bán hoa" đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" cho thấy, Bộ GD-ĐT cần xem lại quy trình soạn thảo văn bản để tránh sai sót.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy do Bộ ban hành. Trong đó, có quy định "sinh viên sư phạm "bán hoa" đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" đang gây nhiều tranh cãi.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến về vấn đề này.
Ông Phạm Tất Thắng
PV: Ô ng có thể cho biết quan điểm của mình khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo đề cập việc "sinh viên sư phạm "bán hoa" đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học". Dự thảo này đưa ra, ngay sau đó được Bộ GD-ĐT rút lại ?
Ông Phạm Tất Thắng: Đó là dự thảo, văn bản chuẩn bị lấy ý kiến, có thể do các bộ phận chức năng của Bộ GD-ĐT làm. Sau khi có ý kiến dư luận xã hội và chuyên gia, Bộ GD-ĐT đã rút dự thảo khỏi trang thông tin của Bộ. Tôi cho rằng, đó là cách xử lý cầu thị, hợp lý.
Văn bản dự thảo có điểm chưa phù hợp. Việc xử lý văn bản dự thảo có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật. Đây là điều không đáng có. Theo tôi, văn bản dự thảo khi đã công bố trên trang thông tin chính thức của Bộ GD-ĐT phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, khi công bố ra thì dự thảo phải tương đối hoàn thiện, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, không mâu thuẫn với các văn bản tiền lệ.
Các bộ phận xây dựng dự thảo cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị các văn bản hướng dẫn.
PV: Thưa ông, với những sinh viên sư phạm "bán hoa" nêu trong dự thảo nên quy định xử lý như thế nào cho hợp lý?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi thấy ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, về mặt pháp lý, quy định như dự thảo không phù hợp. Bởi việc "bán hoa" lần thứ 4 mới bị đuổi học, những lần vi phạm trước sẽ có các mức xử lý khác. Khi xử lý đều phải công bố quyết định xử lý kỷ luật. Các chuyên gia đều cho rằng, đó là vi phạm quyền con người. Pháp luật cũng không quy định phải công khai nhất là trong trường học.
Quy định "sinh viên sư phạm "bán hoa" đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học" đang gây tranh cãi trong xã hội (ảnh minh họa)
Mặt khác, theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, lỗi như trong dự thảo cũng là xử lý vi phạm hành chính, không phải xử lý ở các hình thức khác. Nhưng nếu xử lý vi phạm hành chính thì đuổi học cũng có thể coi là một biện pháp.
Môi trường sư phạm rất đặc biệt. Lỗi này mặc dù quy định xử lý hành chính cũng đặc biệt trong môi trường giáo dục vì nó liên quan đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, liên quan đến người thầy sau này nên quy định đó dù là dự thảo thì cũng không phù hợp.
Trong môi trường giáo dục sư phạm thì những vi phạm như vậy đối với sinh viên đã là không đủ tư cách làm người thầy trong tương lai.
Cần xem xét lại quy trình để tránh sai sót
PV: Bên cạnh những phản bác điểm sai trong dự thảo cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng văn bản phải qua nhiều bước nên có thể có lỗ hổng. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Quy trình thuộc chuyện nội bộ của Bộ, nhưng khi đã đưa văn bản lấy ý kiến dư luận phải phù hợp với thực tế và các quy định khác.
Đây không phải lần đầu tiên một dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên các cơ quan quản lý phải chuẩn bị chu đáo.
Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gây tranh cãi là thuật ngữ "Thu giá" trong Luật Giáo dục sửa đổi. Văn bản khi đã công khai lấy ý kiến dư luận phải thực hiện đầy đủ quy trình cần thiết để đảm đảo chất lượng. Sự cố không phải lần đầu tiên nên rõ ràng cần xem xét lại quy trình để tránh sai sót trong tương lai.
PV: Theo ông, trách nhiệm của lãnh đạo B ộ trong xây dựng dự thảo như thế nào ?
Ông Phạm Tất Thắng: Bộ GD-ĐT cần xem lại quy trình xây dựng dự thảo đã phù hợp hay chưa. Có lẽ không nên yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả các công việc của Bộ mình vì bên cạnh Bộ trưởng còn bộ máy giúp việc, hoàn toàn có thể uỷ quyền cho các Thứ trưởng.
Đây cũng là văn bản dự thảo, Bộ trưởng có thể uỷ quyền cấp nào đó xem xét trước khi công bố.
Tất nhiên, trong ngành có vấn đề gì thì trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu nhưng trách nhiệm đó tuỳ theo tính chất công việc, theo phân công uỷ quyền của Bộ GD-ĐT.
Quy định này đã có từ năm 2016 dành cho sinh viên chính quy. Khi ban hành văn bản quản lý phải hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với các văn bản trước đó.
Trước đây, chúng ta chưa phát hiện ra bất cập, giờ có dự thảo mới phát hiện ra có sự bất cập thì Bộ phải xem xét, nếu chưa phù hợp phải sửa đổi. Tất nhiên, trong quá trình sửa đổi để xảy ra như thế, Bộ GD-ĐT cần quy trách nhiệm cho bộ phận được giao trách nhiệm soạn thảo.
Qua vụ việc này, chúng ta không nên vì một sự kiện mà đánh giá kết quả của một Bộ ngành nào đó. Tuy nhiên, việc ban hành một văn bản quản lý mà sai sót là không đáng có./.
Theo vov
Có nên đưa hoạt động mại dâm vào quy chế của học sinh, sinh viên!? Bộ GD-ĐT vừa công khai để lấy ý kiến dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Theo dự thảo quy chế, sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học - MÃ PHONG Trong mục lục một số...