“Đủ chuẩn thì bằng kỹ sư, bác sĩ mới tương đương thạc sĩ”
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết như vậy khi trao đổi về những thay đổi của giáo dục đại học sắp tới.
Phóng viên: Theo quy định mới, để chuyển thành “đại học”, thì trường đại học cần phải có: ít nhất 3 trường thành viên, 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người,v.v.. Những tiêu chí này được quy định xuất phát từ căn cứ nào?
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước con số 15.000 người để chuyển trường đại học thành đại học, nhiều người đặt ra câu hỏi “Tại sao lại phải là quy mô?”. Ở đây có câu hỏi ngược lại là: “Vậy tại sao lại phải chuyển thành đại học?”.
Không chuyển thành đại học, một trường đại học vẫn có thể có chất lượng đào tạo tốt. “Đại học” hay “trường đại học” không phải là yếu tố cơ bản để phản ánh chất lượng đào tạo. Khi chuyển trường đại học thành đại học, trước hết là muốn tạo nên một cơ sở giáo dục đại học lớn mạnh, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực – những ngành mà xã hội thực sự cần thiết, phản ánh thông qua việc thu hút được một lượng người học nhất định.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp thắc mắc của các trường đại học tại hội nghị triển khai nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sáng 6/1. Ảnh: Kim Hiền
Hình thành các đại học đa lĩnh vực còn để phối hợp, hỗ trợ nhau trong đào tạo, nghiên cứu liên ngành; chung tay giải quyết những vấn đề lớn, tổng thể về nền kinh tế xã hội của đất nước, vùng, miền…
Bên cạnh đó, phải có các đại học lớn có chất lượng thì tên tuổi của các đại học Việt Nam mới được ghi danh trên bản đồ các đại học trên thế giới. Gần đây, Việt Nam có 5 đại học lớn lọt vào một số bảng xếp hạng trong khu vực, thế giới. Trong khi có những trường rất tốt khác như Trường ĐH Y Hà Nội lại không lọt vào các bảng xếp hạng đó. Một trong những nguyên nhân là bởi quy mô trường còn nhỏ. Nếu tính tỉ lệ công bố khoa học bình quân, có thể trường Y không kém; nhưng do không phải trường đa ngành, đa lĩnh vực nên nếu nhìn ở tầm quốc tế thì đó chỉ là một chấm nhỏ, không “sánh vai được với các cường quốc” đại học trong các bảng xếp hạng uy tín.
Trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh chóng, yêu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề cũng thay đổi theo; một số ngành mới trở thành nhu cầu và một số ngành cũ có thể dần thu hẹp, thậm chí không còn cần thiết nữa… Với một trường đa lĩnh vực, khi ngành này giảm thì ngành kia tăng để gánh đỡ cho nhau. Như vậy sẽ không có tình trạng phải đóng cửa, giải thể hay “xóa sổ” một trường, làm phát sinh nhiều hệ luỵ phải giải quyết.
“Đủ chuẩn thì bằng kỹ sư, bác sĩ mới tương đương thạc sĩ”
Phóng viên: Chiếu theo khung năng lực quốc gia, bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ. Xin bà giải thích rõ hơn về sự tương đương này?
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Nói tất cả các bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ không hẳn đã chính xác.
Nguyên tắc xác định tương đương đã có quy định ở tại Khoản 2, Điều 14. Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn được quy định nêu trên chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.
Trong năm 2020, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình của các trình độ giáo dục đại học.
Chuẩn chương trình này là chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác nữa như chuẩn về phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá…
Mỗi trình độ đều có chuẩn riêng, những chuẩn này không phải đợi đến khi ban hành thông tư mới có mà thực tế, các chuẩn cơ bản đã có rồi nhưng chưa được tập hợp đầy đủ trong một văn bản.
Video đang HOT
Ví dụ chuẩn đầu vào, chuẩn khổi lượng học tập, chuẩn đầu ra đã có trong Khung trình độ quốc gia, chuẩn giảng viên có trong Luật GDĐH… Khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư này sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn và phải phù hợp với các văn bản có hiệu lực cao hơn nêu trên.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi tốt nghiệp kỹ sư có thể được công nhận tương đương thạc sĩ. Ảnh: HRRC
Bác sĩ, kỹ sư dược sĩ, kiến trúc sư… có được coi là tương đương thạc sĩ hay không thì phải căn cứ vào thực tế chương trình đào tạo chuyên sâu và chuẩn chương trình của trình độ ThS.
Thực ra đây chỉ là chuẩn hóa thêm một bước các văn bằng đã có. Trước đây kỹ sư, bác sĩ, cử nhân được xếp trong một mặt bằng của bằng tốt nghiệp đại học.
Khi chưa có quy định này, người ta hình dung tất cả trên một mặt bằng thì sẽ bất lợi cho những người đã tích lũy được nhiều hơn nhưng không được thừa nhận ở mức cao hơn.
Còn bây giờ, phân ra thành khung bậc 6, bậc 7… có bằng cử nhân, thạc sĩ và các văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù để công nhận các giá trị tích luỹ chi tiết hơn.
Vì vậy, bằng bác sĩ, kỹ sư theo đúng chuẩn tại Nghị định này sẽ được công nhận ở mức cao hơn bằng cử nhân; nếu đạt chuẩn bậc 7 thì sẽ được công nhận tương đương thạc sĩ.
Phóng viên: Với những người đã có văn bằng này trước đây có được bỏ qua giai đoạn thạc sĩ để học thẳng lên nghiên cứu sinh hay không?
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc có được học thẳng lên NCS hay không còn phụ thuộc vào quy định về tuyển sinh đầu vào trình độ tiến sĩ sau này.
Tuy nhiên, rất ít văn bản có đủ cơ sở để quy định chính sách “hồi tố”.
Việc này hiện đang được một số trường và các nhóm nghiên cứu phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách của Bộ nghiên cứu để có quy định phù hợp khi sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo kế hoạch năm 2020.
Với nguyên tắc đào tạo liên thông đang được thực hiện thì trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo có thể xem xét với từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở văn bằng người học đã được cấp cùng với bảng điểm, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, số tín chỉ đã tích lũy… để công nhận đạt điều kiện đầu vào trình độ tiến sĩ hoặc yêu cầu cập nhật, bổ sung thêm kiến thức.
Việc cần cập nhật bổ sung kiến thức (nếu có) cũng nên coi là điều rất bình thường vì ngay cả khi có bằng ThS nhưng đã được cấp khá lâu hoặc do cơ sở đào tạo khác cấp hoặc chương trình đào tạo ThS có định hướng khác… thì cơ sở đào tạo vẫn có thể yêu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức khi tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ để đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Nhìn chung, công nhận đủ điều kiện hay áp dụng liên thông đều cần phải có nguyên tắc chung để xem xét với những trường hợp cụ thể chứ không chỉ dựa vào tên gọi của bằng cấp hay số lượng tín chỉ.
Nếu trường cấp bằng kỹ sư nhưng chương trình đào tạo chỉ ở mức khoảng 120 tín chỉ, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra… không đảm bảo thì không thể nói người có bằng kỹ sư đó tương đương thạc sĩ. Bây giờ các chương trình đào tạo phần lớn theo tín chỉ. Các trường cũng có hội đồng liên thông nên hoàn toàn có thể định lượng được và có cách giải quyết.
Như vậy, Luật số 34 giao cho Bộ GDĐT xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH và việc Nghị định 99 quy định về hệ thống văn bằng GDĐH đã góp phần chuẩn hoá thêm một bước về bằng cấp GDĐH ở nước ta hiện nay.
Quyền tự chủ: Sẽ được quy định đồng bộ
Phóng viên: Nhìn tổng thể với những hành lang pháp lý mới này, chúng ta “cởi trói” được bao nhiêu phần trăm cho các trường tự chủ?
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Nghị định số 99/2019 đã hướng dẫn chi tiết những vấn đề mà Luật số 34 quy định Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, đặc biệt là thực hiện chủ trương mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Những nội dung hướng dẫn chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường ĐH đã được thể hiện khá rõ trong Nghị định.
Những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, các trường thực hiện theo những quy định chung của Luật số 34, Nghị định này và các quy định hiện hành. Nghị định 99/2019 cũng mở rộng quy định cho cơ sở GDĐH công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương, phụ cấp từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp.
Hiện nay, Chính phủ đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, thay thế một số văn bản như Nghị định số 55/2012/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập… Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập sẽ được quy định đồng bộ.
Phóng viên: Theo Luật, thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật có liên quan.Vậy quy định của Đảng và pháp luật có liên quan cụ thể là gì?
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Có một số quy định liên quan tới thủ tục này như Quy định số 105/QĐ-TƯ của BCH TƯ về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập…
Tuy nhiên, nếu đưa cụ thể vào Nghị định 99 này thì tuổi thọ của văn bản sẽ rất ngắn vì có văn bản như Nghị định số 41/2012 hiện đang được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói các trường không thành lập bộ phận pháp chế theo quy định sẽ gặp khó khăn trong công tác tuân thủ pháp luật.
Càng tự chủ, các hiệu trưởng càng cần có bộ phận pháp chế để tham mưu chứ không phải tự mình làm hết mọi thứ. Đơn vị chuyên trách này của nhà trường sẽ nắm được ở từng thời điểm, liên quan đến bổ nhiệm nhân sự hiệu trưởng phải thực hiện theo quy định nào.
Hạ Anh – Thuý Nga
Theo vietnamnet
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Nên chọn ngành nghề phù hợp với sở trường
Từ ngày 22/7 - 31/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến và phiếu đăng ký xét tuyển. Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2019 được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã có những lưu ý với thí sinh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Thí sinh phải xác định rõ năng lực trong lựa chọn ngành, nghề. Ảnh: Quý Trung
Nên có tư vấn chuyên nghiệp
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh có thể thay đổi số lượng nguyện vọng (NV), thứ tự NV, tổ hợp xét tuyển hay ngành học mà các em đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Theo quy định từ ngày 22/7 - 29/7, thí sinh sẽ được điều chỉnh NV ĐKXT bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 22/7 - 31/7, thí sinh được điều chỉnh NV ĐKXT bằng phiếu ĐKXT. Riêng với hình thức điều chỉnh NV bằng phiếu ĐKXT, nếu thí sinh thay đổi thì cần điền đầy đủ thông tin theo các mục và theo hướng dẫn trên phiếu.
Cho rằng, công tác tuyển sinh trong mấy năm nay tương đối ổn định, bà Phụng trao đổi, mùa tuyển sinh năm nay có một số điểm mới nhưng những nội dung này hầu như chúng ta đã thực hiện qua các năm. Chẳng hạn như: Cùng với nhóm ngành khối Sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe cũng có quy định về "điểm sàn". Theo đó, đối với nhóm ngành Sức khỏe, tùy từng ngành, nhóm ngành "điểm sàn" có thể ở mức từ 18 - 21 điểm. Đối với khối Sư phạm, "điểm sàn" ở trình độ đại học là 18 điểm, cao đẳng 16 điểm và trung cấp 14 điểm.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, ở thời điểm này thí sinh đã biết điểm thi của mình. Các em nên dựa trên cơ sở tương quan lực học và điều kiện hoàn cảnh gia đình để có sự lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở trường. Sau lần đăng ký ban đầu, các em đã khoanh vùng được những ngành học, trường học mà mình yêu thích.
Đồng thời, các em đã đăng ký môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển của các ngành, các trường đó. Vì thế, nhu cầu của các em ở thời điểm này là cần tư vấn chuyên sâu về các ngành, nhóm ngành đã dự kiến lựa chọn. Đã có những trường cung cấp cho thí sinh dự kiến điểm trúng tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành để các em có đầy đủ thông tin trước khi thay đổi NV. Từ đó, giúp cho việc thay đổi NV của các em thành công và hiệu quả hơn.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng
Chia sẻ với những băn khoăn lo lắng của thí sinh về việc có nên thay đổi NV ĐKXT đại học hay không, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, thay đổi NV không phải là việc quá quan trọng. Bởi vì với cơ chế xét tuyển như hiện nay sẽ cho phép các em đăng ký NV không giới hạn.
Không nên "ảo tưởng sức mạnh"
"Tất nhiên, chúng tôi không mong muốn các em đăng ký quá nhiều NV. Chúng tôi mong, các em tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp, đánh giá được năng lực của bản thân với những ngành nghề mà các em yêu thích và đúng với sở trường để khi vào học, cảm thấy hứng thú học tập hơn, đặc biệt khi đi làm sẽ không bị áp lực công việc. Và mỗi ngày đi làm, các em sẽ có được niềm vui" - TS Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, khi đã xác định được ngành nghề mà mình yêu thích, việc còn lại không quá phức tạp. Các em chỉ cần xem, hiện nay có những trường nào, ở khu vực nào đang đào tạo ngành đó. Đồng thời xem tương quan điểm thi của mình như thế nào so với những người cùng dự thi và cùng dự tuyển. Trên cơ sở đó, các em chọn trường đào tạo những ngành mà mình yêu thích nhưng phù hợp với điều kiện và mức điểm của mình.
Sau khi đã lựa chọn được rồi, các em nên xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 cho đến hết. Nếu như ngành nghề theo thứ tự ưu tiên đã đúng rồi thì các em chỉ cần ngồi đợi kết quả. Bởi vì cơ chế tuyển sinh sẽ xét theo thứ tự ưu tiên NV1. Nếu không trúng NV1, sẽ chuyển xuống NV2 và NV3... Các NV này do chính các em đã lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Khi xét tuyển thì tất cả các NV đều bình đẳng với nhau về điểm số. Vì vậy, các em không quá lo lắng khi thay đổi NV. Quan trọng là chúng ta có chọn được ngành học, trường học phù hợp hay không; có xếp được thứ tự ưu tiên hay không?
"Chúng tôi khuyến nghị, chỉ có thí sinh nào tăng số NV thì nên chọn hình thức điều chỉnh NV bằng phiếu ĐKXT. Các trường hợp còn lại nên thay đổi bằng hình thức trực tuyến để mình có thể làm chủ và kiểm soát được quá trình thay đổi NV" - TS Nguyễn Thị Kim Phụng khuyến cáo.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Đắk Lắk: Trưởng điểm thi dự phòng túi nilon để đựng bài thi phòng trời mưa 6h30 sáng 24/6, tại TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra khu vực in sao đề thi của Hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk. TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng vụ Giáo dục...