Đóng tiền cao, được học chương trình chất lượng cao!
Thế nhưng văn bằng tốt nghiệp thì vẫn là bằng cử nhân bình thường… Ít sinh viên, máy lạnh, thầy xịn = chất lượng cao.
Năm học này, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH công lập tự xác định chương trình đào tạo chất lượng cao và được tự xây dựng mức học phí. Chương trình này không có quy định chung về tiêu chí, sinh viên nào có tiền, có nhu cầu thì cứ tự nguyện đăng ký vào học. Do vậy, mỗi trường một kiểu khó tránh tình trạng đua nhau mở chương trình chất lượng cao để thu nhiều tiền.
Ít sinh viên, máy lạnh, thầy xịn = chất lượng cao
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tuyển 15 ngành cho chương trình đào tạo chất lượng cao với điểm xét tuyển từ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 trở lên, tức chỉ từ 13 đến 17 điểm tùy ngành. Trường ĐH Luật TP.HCM cũng chỉ cần sinh viên trúng tuyển vào trường là đủ điều kiện; sau đó sẽ kiểm tra tiếng Anh và phỏng vấn, tuy nhiên cụ thể thế nào gọi là đạt là do trường quyết định. Còn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM nếu sinh viên trúng tuyển đủ khả năng đóng học phí là được đăng ký.
Khá hơn một chút, bất cứ sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương đều được vào chương trình cử nhân chất lượng cao nếu có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL PBT 500, TOEFL IBT 65, IELTS 5,5, TOEIC 600 hoặc vượt qua kỳ kiểm tra TOEIC đầu vào tại trường từ 600 trở lên.
Một điểm dễ nhận thấy ở các lớp chất lượng cao này là trong khi lớp đại trà có hàng trăm sinh viên thì mỗi lớp chất lượng cao chỉ tối đa 30-50 sinh viên. Sinh viên cũng được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi như phòng học có máy lạnh; được ưu tiên trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập; được cung cấp giáo trình, tài liệu học tập; giảng viên giỏi, có uy tín. Ngoài ra, tại một số trường còn tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp xúc với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và ưu tiên giới thiệu việc làm…
LTT, sinh viên năm hai ngành kỹ thuật máy tính Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lớp ít sinh viên so với lớp đại trà nên giảng viên bao quát hết, nắm rõ tên từng sinh viên và giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên. Theo tôi quan sát, chương trình học giữa đại trà và chất lượng cao cũng sàn sàn nhau, cơ bản là được học giảng viên tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn”.
Video đang HOT
Học phí ngất ngưởng
Đây là năm đầu tiên trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu tuyển sinh lớp chất lượng cao với mức học phí 25 triệu đồng/năm. Không như lớp đại trà là phải sau 1,5 năm đại cương sinh viên mới được chọn chuyên ngành, sinh viên lớp chất lượng cao được chọn chuyên ngành ngay từ đầu.
Trường ĐH Ngoại thương đào tạo hai chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Học phí chương trình tiếng Anh là 14 triệu đồng/năm và học phí chương trình bằng tiếng Việt là 20 triệu đồng/năm. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với chương trình “đặc biệt” này, sinh viên sẽ đóng học phí 12 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, “chương trình đào tạo đặc biệt” của Trường ĐH Mở TP.HCM có học phí 15 triệu đồng/năm. NMT, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, nói: “Nếu có tiền, tôi đã chọn học lớp đào tạo đặc biệt vì lớp này được học tại trụ sở chính của trường, mỗi lớp chỉ khoảng 50 sinh viên, học phòng máy lạnh… Còn sinh viên các lớp bình thường phải chạy học khắp nơi từ quận 1, quận 4 đến Bình Thạnh, Phú Nhuận và cả Bình Tân”.
Có cả “chất lượng… gần cao”!
Trong khi nhiều chuyên gia giáo dục đang lo ngại việc các trường dành những điều kiện tốt nhất như giảng viên giỏi nhất, có học hàm học vị cao, phòng học máy lạnh, phòng thí nghiệm, thư viện… (là những cái chung của trường nhà nước) để phục vụ sinh viên “nhà giàu” thì Trường ĐH Luật TP.HCM lại có thêm chương trình đào tạo tăng cường theo chuẩn chất lượng cao.
Chương trình này gồm ba lớp, mỗi lớp khoảng 50 sinh viên và được tuyển song song với lớp đào tạo cử nhân luật chất lượng cao. Điểm khác biệt giữa hai chương trình này là trình độ tiếng Anh. Sinh viên đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh và qua phỏng vấn thì vào lớp chất lượng cao, nếu rớt kỳ sơ tuyển này thì được đăng ký vào các lớp “gần cao” để được bổ sung kiến thức, nhằm đạt chuẩn đầu ra của cử nhân luật chất lượng cao.
Do trình độ chênh lệch nên học phí giữa hai chương trình cũng chênh lệch khá cao. Năm thứ nhất, sinh viên “chất lượng cao” đóng khoảng 10,8 triệu đồng thì lớp “gần cao” phải đóng hơn 14,5 triệu đồng. Các năm tiếp theo cũng có khoảng cách tăng dần, năm thứ hai: 14 triệu đồng/19 triệu đồng, năm thứ ba: 17,6 triệu đồng/23,8 triệu đồng, năm cuối: 22,3 triệu đồng/30 triệu đồng. Một cán bộ tuyển sinh của trường lý giải học phí của “lớp tăng cường” cao hơn vì những sinh viên này chưa đạt yêu cầu của kỳ sơ tuyển nên phải bồi dưỡng thêm tiếng Anh.
Theo Quốc Dũng
Pháp luật TPHCM
Du học Canada - Thành công tuyệt đỉnh với hệ Đại học uy tín.
Hệ thống 95 trường Đại học Canada đều được nhà nước tài trợ trên quy mô lớn và đều có cơ sở vật chất và giáo dục chất lượng cao, đào tạo đa nghành và cấp đa dạng các văn bằng từ cử nhân, kỹ sư cho đến tiến sĩ, kể cả chứng chỉ và diploma chuyên môn.
Văn bằng của đại học Canada tương đương với văn bằng các trường hàng đầu tại Anh và Mỹ và được chấp nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tại Canada không có thi tuyển sinh đại học mà xét tuyển, tạo điều kiện tối đa cho mỗi học sinh trong việc tiếp thu kiến thức và theo đuổi trọn vẹn sự nghiệp nghiên cứu. Sinh viên nước ngoài hoàn toàn bình đẳng với các sinh viên trong nước cả về chương trình học tập nghiên cứu, học bổng, học trong các chương trình trao đổi sinh viên với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và được tạo điều kiện để làm việc trong thời gian học. Sau khi tốt nghiệp, thông qua một số chương trình sinh viên được cấp giấy phép làm việc trong các nghành tại nước sở tại.
Với những ưu thế về một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến, nên các trường đại học Canada có sinh viên của hầu hết các quốc gia trên thế giới theo học. Riêng Việt Nam có gần 200.000 du học sinh, đa số là sinh viên. Chi phí sinh hoạt và học tập ở Canada thấp hơn so với các nước có nền giáo dục cao trên thế giới...
Là quốc gia phát triển về kinh tế hàng đầu thế giới, thuộc khối G8, đa văn hoá, nhưng cuộc sống xã hội hết sức thanh bình. Du học sinh không chỉ học văn hoá từ nhà trường, mà học được nhiều trong ở môi trường xã hội lành mạnh để phát triển toàn diện về tri thức và nhân cách. Chính vì vậy, mỗi năm các trường đại học Canada chào đón hàng ngàn du học sinh viên quốc tế.
Xin nghi đôi lời của vài du học sinh đã trải nghiệm qua những năm học đầy ấn tượng tại một số trường đại học Canada.
"Đại học York là nơi đã cho tôi cơ hội thoát ra khỏi chính mình. Ở đây tôi được gặp gỡ các bạn đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, và hơn hết thảy, tôi được học thế nào là cuộc sống"( Shumu Haque, sinh viên Ấn Độ, học nghành Truyền thông & Nhân loại tại đại học York).
"Đại học Alberta mang đến cho tôi sự phong phú của chương trình học thuật trong các lớp học, các môn thể thao, những hoạt động tình nguyện, những hội thảo...Alberta đã đã thay đổi cuộc đời tôi." (Luis Lopez , Mexico, học nghành thương mại, đại học Alberta).
" Chương trình học của trường cực kỳ hữu ích, không những giúp sinh viên phát triển trí tuệ, mà còn về thể chất và phát triển nhân cách. Nền giáo dục với chất lượng học tập tuyệt vời, thầy cô hết sức nhiệt tình và quan tâm đến sinh viên như người cha, người mẹ...Trường có chương trình dã ngoại, thăm quan, em được đắm mình vào các lễ hội âm nhạc, nghệ thuật, được trải nghiệm những nét thú vị của môi trường đa văn hoá..." (Thanh Tâm sinh viên Việt Nam, sau khi học trường cao đẳng quốc tế Columbia, được nhận học bổng 44.000 CAD, tiếp tục theo học trường Đại học Alberta).
Đối với Đặng Bùi Hoàn - sinh viên VN đầu tiên nhận học bổng danh giá: Vanier Canada Graduate Scholarship (CGS). Hoàn từng là học sinh THCS ở trường Lê Quý Đôn (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), THPT của trường Hà Nội - Amsterdam. Năm 2001, Hoàn được học bổng Freeman du học ở Mỹ, tốt nghiệp cử nhân trường ĐH Wesleyan và Caltech, rồi làm thạc sĩ ngành vật lý ở Princeton. Hiện nay Hoàn đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện Vật lý lý thuyết Perimeter và trường ĐH Waterloo ở Canada về chuyên ngành thông tin lượng tử (Quantum information):"Đi du học không chỉ tận dụng những ưu thế trong nền giáo dục của các nước tiên tiến để nâng cao học vấn và kiến thức chuyên môn của mình mà còn để học cách sống, cách suy nghĩ và trưởng thành. Ở VN, sức ép về kết quả học tập đôi khi quá lớn khiến học sinh - sinh viên ít có thời gian tham gia vào các hoạt động khác". Từ kinh nghiệm của mình, Hoàn đúc kết : "Các học sinh - sinh viên VN cố gắng dành thêm thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc văn nghệ, thể thao. Nó không chỉ giúp các bạn có một bộ hồ sơ "hoàn chỉnh" hơn khi xin học bổng mà nó thật sự giúp bạn trở thành một công dân có ích hơn với xã hội, ngoài ra, nó giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn hơn".
Tuần lễ giáo dục Canada tại Việt Nam lần thứ ba (2011), bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh (23/10/2011) tại khách sạn Intercontinental, Đà Nẵng (26/10/2011) tại trường đại học Đà Nẵng và Hà Nội (29/10/2011) tại khách sạn Grand Plaza với sự tham dự của trên 70 trường đại học, cao đẳng, và trung học. Tuần lễ giáo dục Canada bao gồm các hoạt động tư vấn tuyển sinh, các hội thảo chuyên đề về hệ thống giáo dục Canada, học tập và cơ hội tại các tỉnh bang và hướng dẫn thủ tục xin visa du học. Ngoài ra, điểm mới và nổi bật của triển lãm năm nay là khu vực thông tin - giải trí Góc Canada với các hiệu ứng tương tác sinh động nhằm tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam khám phá và trải nghiệm nhiều điều lý thú về đất nước Canada. Để biết thêm nhiều thông tin mới và hữu ích, mời truy cập: www.duhoc-o-canada.com và www.educationau-incanada.ca ; http://quiz.duhoc-o-canada.com
Theo GD
Từ năm 2011, có 6 loại bằng đại học Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định mới ban hành, mẫu phôi bằng tốt nghiệp đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân được chia thành 6 loại. Ngày 26/9, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học, các học viện, viện và cơ sở đào tạo đại học trên cả nước khi có nhu cầu cấp phôi văn...