Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu: DN đá bóng trách nhiệm cho địa phương?
“Quan điểm của huyện là chỉ nhận bàn giao về đảm bảo ANTT, không để dân vào khai thác khoáng sản trái phép thôi. Còn cơ sở, hạ tầng, tài sản của DN thì họ phải có trách nhiệm quản lý. Họ chơi kiểu đá quả bóng qua huyện và sau này đổ thừa cho huyện nói mất tài sản thì ai chịu trách nhiệm. Tinh thần của huyện là cương quyết…” – Ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Quảng Nam khẳng định.
Chiều nay 27.6, Dân Việt được ngành chức năng Quảng Nam cung cấp, Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắc cty) vừa có giấy mời số 34 gửi cho Bộ TN&MT, Tổng cục địa chất khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Phú Ninh, UBND xã Tam Lãnh cùng một số ngành chức năng trên địa bàn tỉnh về việc “thực hiện yêu cầu rút lực lượng bảo vệ công ty tại khu vực cửa lò Núi Kẽm bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương để đảm bảo ANTT”.
Giấy mời của cty nêu rõ: “Tại buổi làm việc ngày 7.6 giữa lãnh đạo cty và lãnh đạo Huyện ủy Phú Ninh, sau khi nắm bắt tình hình ANTT chung tại khu vực cty và phân bố lực lượng an ninh hiện tại, lãnh đạo Huyện ủy Phú Ninh đã yêu cầu cty cho rút lực lượng bảo vệ của cty hiện đang chốt trực tại cửa lò Núi Kẽm, bàn giao Đồn Công an Tam Lãnh phối hợp với Công an Tam Lãnh đảm bảo ANTT tại khu vực hầm lò”.
Trụ sở làm việc của Cty Khai thác vàng Bồng Miêu tại xã Tam Lãnh. Ảnh – Trương Hồng
Nội dung giấy mời còn giống như “ra lệnh” cho các ngành chức năng của huyện Phú Ninh: “Bằng văn bản này, cty xin kính báo nội dung làm việc như trên tới quý cơ quan. Nếu quý cơ quan không có ý kiến chỉ đạo khác, thực hiện yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy Phú Ninh như đã nêu trên, chúng tôi sẽ rút lực lượng bảo vệ tại của lò Núi Kẽm; chỉ tập trung lực lượng bảo vệ an ninh tài sản tại khu vực nhà máy và khu nghỉ nhân viên. Các tài sản của cty trong khu vực cửa lò chính Núi Kẽm bao gồm các công trình cổng cửa, hàng rào bảo vệ xung quanh, khu vực bãi chứa đá thải và đầm lầy, hệ thống hồ lắng tháo khô mỏ, khu vực bãi chứa quặng với 250 tấn quặng đã khai thác… Các tải sản này là một phần của toàn bộ tài sản của cty vàng Bồng Miêu. Theo đó, chúng tôi sẽ chính thức bàn giao khu vực này cho chính quyền huyện Phú Ninh để triển khai lực lượng bảo vệ ANTT, an toàn để các tài sản của cty vàng Bồng Miêu trong khu vực này được xử lý đúng theo quy định của pháp luật để từ ngày 30.6.2017…” – ông Nguyễn Hải Nhung – Tổng giám đốc Cty Khai thác vàng Bồng Miêu nêu rõ trong giấy mời.
Trước việc này, trao đổi với P.V Dân Việt, ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tỏ ra bức xúc trước việc cty vàng Bồng Miêu gửi giấy mời với nội dung như “ra lệnh”. Ông Thạnh thẳng thắng: “Địa phương chỉ nhận việc đảm bảo ANTT tại khu vực Núi Kẽm, chứ không nhận quản lý tài sản của công ty. Hiện cty chưa xây dựng phương án đóng cửa mỏ, chưa hoàn thổ tại khu vực Núi Kẽm theo đúng quy định của pháp luật…”
Ông Thạnh tiếp tục nêu quan điểm: “Quan điểm của huyện là chỉ nhận bàn giao về đảm bảo ANTT, không để dân vào khai thác khoáng sản trái phép thôi. Còn cơ sở, hạ tầng, tài sản của cty thì cty phải có trách nhiệm quản lý. Họ “chơi” kiểu đá quả bóng qua huyện và sau này cty đổ thừa cho huyện nói mất tài sản thì ai chịu trách nhiệm. Tinh thần của huyện là cương quyết, mình không thể nhìn khoáng sản ngày càng bị mất dần, sao không xót được…”
Video đang HOT
Khu vực Núi Kẽm, nơi UBND Phú Ninh cương quyết chỉ nhận đảm bảo ANTT không nhận quản lý tài sản cho công ty. Ảnh – Trương Hồng
Ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (thuộc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Việc bàn giao khu vực Núi Kẽm cho địa phương quản lý, theo quy định là không đúng, anh phải đóng của mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau đó mới bàn giao cho địa phương. Cái này chỉ là tình thế của cty thôi, chắc là do lực lượng quản lý cty mỏng và bàn giao tạm…”.
Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu hiện đang nợ hơn 100 tỷ đồng tiền thuế đối với tỉnh Quảng Nam và nợ gần 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng. Theo Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng công khai danh sách nợ BH đối với hàng loạt công ty, doanh nghiệp, trong đó Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu nợ 3,824,383,883 đồng, trong đó nợ BHXH là 2,159,468,976, nợ BHYT 60,363,225 đồng, nợ BHTN 28,876,100…
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 1.9.2016, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn thông báo cho Cty việc tỉnh không xem xét đề nghị Bộ TN-MT cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu Cty dừng hoạt động khai thác vàng, khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý và chủ động xây dựng lại phương án tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi không được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Tiếp đến, ngày 19.7.2016, Bộ TN-MT có công văn yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích 358ha; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác, thực hiện nghĩa vụ khác như đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai…
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Danviet
Quảng Nam: Rùng mình với những cái chết ở mỏ vàng Bồng Miêu
Vì cuộc mưu sinh và khát vọng làm giàu, hàng chục phu vàng đã liều mình đánh đổi cả mạng sống rồi vĩnh viễn nằm sâu dưới hàng ngàn khối đất đá...
Mỏ vàng Bồng Miêu (Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là "xứ sở vàng" vừa bị UBND tỉnh đề xuất đóng cửa mỏ đối với Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu. Theo đó, ngoài việc Cty vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác, trên địa bàn cũng nổi lên nhiều "doanh trại" khai thác vàng trái phép. Bất chấp "lệnh cấm", các phu vàng vẫn miệt mài ngày đêm dưới hầm sâu, đất lạnh, rồi linh hồn mãi mãi nằm lại khi xảy ra sập hầm, bị vùi lấp...
Ngày 16.5, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 14 vụ sập hầm do khai thác vàng trái phép, trong đó có 24 người chết, 4 người bị thương.
"Hằng năm, xã liên tục phối hợp với lực lượng chức năng của Đồn Công an Tam Lãnh tổ chức truy quét, đẩy đuổi hàng trăm phu vàng. Thế nhưng khi lực lượng chức năng rút lui vài ngày, các phu vàng lại tiếp tục liều mình với giấc mơ làm giàu, kéo theo những cái chết tang thương. Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và đảm bảo an ninh trật tự sau khi đóng cửa mỏ, UBND xã Tam Lãnh đã kiến nghị với UBND huyện Phú Ninh cũng như tỉnh, yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu phải phục hồi môi trường, trả nợ thuế, kiểm tra, kiểm soát diện tích được giao để ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép vào khu vực" - ông Vinh nói.
Một thực tế đau lòng mà PV ghi nhận ở "xứ sở" vàng Bồng Miêu vẫn là kế mưu sinh, vô số phu vàng đã phải nằm lại vĩnh viễn dưới hàng trăm khối đất đá. Bi đát như vụ việc xảy ra vào năm 2008, cũng như nhiều thanh niên khác trong thôn, 2 con trai lớn của bà Huỳnh Thị Hoa (48 tuổi ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) là Huỳnh Văn Xin (SN 1982), Huỳnh Văn Linh (SN 1991) khăn gói vào bãi vàng ở núi Thánh Giá (huyện Phú Ninh) làm ăn. Trong một đêm mưa gió, lúc họ đang đào xới dưới hầm sâu, đất bỗng dưng đổ sập, chôn vùi cả 2 anh em trong chốc lát.
Một phu vàng liều mình chui xuống hầm sâu để khai thác vàng trái phép. Ảnh: Trương Hồng
Cũng như gia đình chị Hoa, vì muốn đổi đời từ "vàng", tháng 10.2008, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Dũng, chị Huỳnh Thị Tình cùng con trai lớn là Nguyễn Thành Trung (15 tuổi) đã bị chôn vùi dưới hầm sâu tại bãi vàng Sũng Mù (huyện Phú Ninh), để lại 3 đứa con thơ.
Cuộc mưu sinh với vàng không dừng lại ở những cái chết sập hầm, mà còn xảy ra khi chui vào hầm thăm dò rồi chết do bị ngạt khí. Theo đó, vào chiều 5.5.2013, lực lượng Công an huyện Phú Ninh cùng người dân địa phương xã Tam Lãnh đã đưa thi thể 3 phu vàng bị chết ngạt nhiều ngày dưới độ sâu gần 400m trong hầm vàng ở Ngách Chụm, thuộc khu vực núi Kẽm (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). 3 phu vàng chết ngạt tên là Trần Viết Hoạt (SN 1964, trú thôn An Bình, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), Hồ Văn Điền (19 tuổi, trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) và Hồ Văn Thương (18 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My.
Thi thể ba phu vàng chết ngạt được cơ quan chức năng đưa ra ngoài về mai táng. Ảnh: Trương Hồng
Mới đây nhất, vào khoảng 8h30 ngày 4.4, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, trú Quảng Trị) đang khai thác vàng tại một hầm vàng trái phép tại khu vực đồi Sim (xã Tam Lãnh, trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu) thì bất ngờ hầm vàng đổ sập. Bà Dương may mắn thoát chết, riêng ông Trọng bị mắc kẹt trong hầm. Dù cơ quan chức năng đã tổ chức lực lượng ứng cứu, đưa ông Trọng đến cơ sở y tế nhưng do bị thương nặng, ông Trọng đã tử vong.
Thiết nghĩ, sau khi đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, nếu không giải quyết triệt để nạn vàng tặc, không xóa sổ các tụ hầm trái phép, nạn khai thác vàng trái phép khó chấm dứt và tình trạng sập hầm vàng gây chết người cũng không dừng lại ở đó.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Danviet
Báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vi phạm khai thác vàng tại Quảng Nam Ngoài việc liên quan đến Cty vàng Bồng Miêu, Bộ TN&MT còn nhấn mạnh, Quảng Nam là một trong những "điểm nóng" về hoạt động khai thác vàng trái phép, chủ yếu xảy ra trên địa bàn miền núi phía Tây Quảng Nam. Ngày 17.5, ghi nhận của Dân Việt, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có báo cáo số 2155...