Đòn không kích giúp Nga phát thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ
Đòn oanh tạc diệt gần 80 phiến quân Syria của Nga được coi là thông điệp cảnh báo khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng hỗ trợ quân sự tại nhiều nơi.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang can dự vào một số cuộc xung đột lớn nhất thế giới gồm Syria, Libya và vùng Kavkaz, song gần như không đối đầu trực tiếp trên các chiến trường này. Hai nước hậu thuẫn các phe khác nhau, với hy vọng tăng cường hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị tại khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, trận không kích dữ dội hôm 26/10 của không quân Nga nhằm vào phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria, khiến ít nhất 78 tay súng thiệt mạng và hàng chục người bị thương, đánh dấu bước leo thang đáng kể trong quan hệ hai nước.
Giới chuyên gia nhận định đòn tấn công nhằm vào một trại huấn luyện của nhóm phiến quân Faylaq al-Sham ở Jebel al-Dweila thuộc tỉnh Idlib, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, là một thông điệp mạnh mẽ được Moskva gửi tới Ankara. Faylaq al-Sham là nhóm vũ trang lớn nhất do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong khu vực.
Cơ sở được cho là trại huấn luyện của phiến quân tại Idlib, Syria trúng đòn không kích của Nga ngày 26/10. Ảnh: RusVesna.
“Faylaq al-Sham là lực lượng ủy nhiệm thân cận nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib. Đây không phải là đòn tấn công Nga trút xuống đầu phe đối lập ở Syria mà là cú đánh trực diện mang nhiều thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ”, Charles Lister, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông đặt trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Lister nhận định mức độ dữ dội của đòn không kích nhiều khả năng được thúc đẩy bởi động cơ địa chính trị lớn hơn. Nó được tung ra sau 7 tháng tương đối yên tĩnh ở Idlib, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3 xúc tiến thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm phiến quân thân Ankara.
Nó cho thấy nhiều dấu hiệu leo thang căng thẳng giữa Moskva và Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào nhiều xung đột khác nhau để gia tăng ảnh hưởng. Một trong những động thái đáng chú ý nhất của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây là việc nước này công khai ủng hộ Azerbaijan trong xung đột vũ trang với lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh ngay tại khu vực Kavkaz, nơi được coi là “sân sau” của Nga.
Nga, với truyền thống gần gũi Armenia hơn, lên tiếng bày tỏ thất vọng trước thông tin lính đánh thuê Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn được điều tới tham chiến cùng quân đội Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Azerbaijan nhiều lần phủ nhận thông tin này, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ sự liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho đã cử hàng nghìn tay súng đánh thuê ở Syria sang tham chiến cùng lực lượng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Libya, chống lại phe nổi dậy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nga hậu thuẫn.
Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Semih Idiz nhận định thời điểm Nga tung đòn không kích nhằm vào phiến quân Syria là “rất đáng chú ý”, bởi nó diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đang “phô trương sức mạnh” ở Trung Đông và Kavkaz.
Video đang HOT
“Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan là vấn đề đặc biệt nhạy cảm vì diễn ra ở nơi Nga luôn tin là sân sau của mình và nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ”, Idiz nói.
Tỉnh Idlib (màu đỏ) của Syria. Đồ họa: Wikimedia.
Idiz cho biết lý do khác có thể dẫn đến vụ không kích là Thổ Nhĩ Kỳ không thể giải quyết dứt điểm các nhóm phiến quân bị coi là “cực đoan” tại Idlib, Syria.
Liên minh Mặt trận Giải phóng Quốc gia Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bao gồm 11 phe phái thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA), song không bao gồm Hayet Tahrir al-Sham (HTS), nhóm phiến quân từng là chi nhánh của al-Qaeda và đang kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Idlib.
Khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận lớn đầu tiên về Idlib, Moskva nêu điều kiện Ankara phải giải tán HTS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ “chưa thể hoặc chưa muốn” xóa bỏ HTS, trong khi Nga thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào vị trí của nhóm phiến quân này, Idiz nói.
“Trận không kích mới nhất là cách người Nga nói rằng sắp hết hoặc đã hết thời gian“, Idiz nói và nhắc lại thỏa thuận được Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhất trí hồi đầu năm.
Dareen Khalifa, chuyên gia về Syria thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định Nga sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu một số nhóm phiến quân tại Idlib để gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ. “Chiến thuật này phù hợp với cách tiếp cận của Nga đối với lệnh ngừng bắn tại Idlib”, Khalifa nói.
“Lệnh ngừng bắn mới nhất cùng các thỏa thuận trước đây vốn tồn tại lỗ hổng khi xây dựng trên tiền đề rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có biện pháp quyết liệt với một số nhóm đối lập mạnh nhất”.
Chuyên gia Khalifa nhận định nếu muốn bất cứ lệnh ngừng bắn nào kéo dài, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước hết phải giải quyết bất đồng trong các vấn đề, cụ thể là cách đối phó với một số nhóm phiến quân ở Idlib, bao gồm cả HTS.
Các cuộc tấn công trước đây của Nga trong khu vực nhằm đẩy lực lượng phiến quân ra xa cao tốc M4 chạy dọc khu vực miền bắc Syria, nơi nước này triển khai lực lượng tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những cuộc tuần tra chung ngừng lại vài tháng qua, tạo điều kiện cho Nga tăng cường độ không kích.
Idiz nhận định các cuộc tuần tra chung đạt được rất ít hiệu quả thực tế. “Chúng chỉ tạo ấn tượng về hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, Idiz nói. “Việc chấm dứt tuần tra chung là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngừng bắn đang dần bị bào mòn, chỉ còn lại lựa chọn quân sự”.
Lính quân cảnh Nga ngồi trên xe BTR-80 đi trước đoàn thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến tuần tra chung hồi tháng 3. Ảnh: AP.
Chuyên gia Lister cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng tự mình đáp trả đòn không kích của Nga và khiến tình hình thêm leo thang. Tuy nhiên, Idiz nói Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đáp trả nhằm vào lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Hôm 27/10, một ngày sau trận không kích của Nga, các nhóm phiến quân đối lập nã hàng trăm quả rocket và đạn pháo nhằm vào tiền đồn của lực lượng chính phủ Syria ở khu vực phía tây bắc.
“Nếu một trong những quả đạn này đánh trúng mục tiêu nhạy cảm của chính phủ Syria hoặc tiếp diễn, chúng ta sẽ thấy các đòn tấn công ăn miếng trả miếng, đẩy các bên vào vòng xoáy thù địch không thể kiểm soát”, Lister nói.
Một cuộc xung đột toàn diện mới sẽ là thảm họa với người dân Idlib vốn đã mệt mỏi vì chiến sự và đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 trong lúc mùa đông đến.
“Chừng nào tương lai của Idlib còn xoay quanh tính toán khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, nơi này sẽ tiếp tục được hai bên dùng làm thứ để mặc cả”, chuyên gia Khalifa cảnh báo.
Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi gửi quân giúp Azerbaijan
Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ điều 4.000 phiến quân Syria hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toghanyan hôm nay cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 4.000 tay súng phiến quân và chuyên gia quân sự từ bắc Syria đến chiến đấu tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, thêm rằng Ankara đã cung cấp nhiều máy bay không người lái (UAV) cho Baku.
Hikmat Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, bác bỏ thông tin này. "Lực lượng vũ trang của chúng tôi có thừa đủ nhân lực và quân dự bị", ông nói. Azerbaijan hôm nay đã ban bố tình trạng thiết quân luật và huy động một phần lực lượng dự bị.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dargyahly cũng cáo buộc Armenia "đang sử dụng lực lượng đánh thuê từ Syria và một số quốc gia Trung Đông", thêm rằng điều này giúp "che giấu con số thương vong thực tế trong các trận đánh".
Tuy nhiên, quan chức Armenia và Azerbaijan đều không đưa ra được bằng chứng ủng hộ những phát biểu của mình.
Quân đội Azerbaijan pháo kích vị trí Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 28/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.
Ankara chưa bình luận về cáo buộc. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 27/9 cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ tiếp tục đứng về phía những người anh em ở Azerbaijan như từng làm" trong xung đột với Armenia.
Hai tay súng Syria giấu tên thuộc nhóm phiến quân Ahrar al-Sham và Jaish al-Nukhba được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tuần trước cho biết họ sẽ được triển khai đến Azerbaijan theo chỉ đạo từ Ankara. Mỗi người được trả khoảng 1.500 USD/tháng để bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhưng không trực tiếp tham chiến.
Quân đội Armenia và Azerbaijan ngày 27/9 bất ngờ đụng độ dữ dội, khi hai bên cáo buộc nhau tấn công trước vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh. Các cuộc không kích và pháo kích của hai bên sau đó gây nhiều thiệt hại cho đối phương, với hàng loạt xe tăng, thiết giáp, tổ hợp phòng không bị phá hủy, nhiều dân thường thương vong.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo đã tiêu diệt 550 binh sĩ, 22 thiết giáp, 15 tổ hợp phòng không 9K33 Osa, 18 UAV, 8 trận địa pháo và ba kho đạn của Armenia. Armenia bác thông tin này, đồng thời cho biết Azerbaijan mất khoảng 200 binh sĩ và 30 tăng thiết giáp. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia nói 16 binh sĩ nước này thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Giới chuyên gia nhận định đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia tuần trước ác liệt hơn hồi tháng 7 do cả hai nước đã đưa nhiều khí tài hạng nặng ra khu vực giao tranh. Đụng độ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bày tỏ "quan ngại sâu sắc", đề nghị Armenia và Azerbaijan "làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đang xem xét tình hình xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh, bày tỏ mong muốn Armenia và Azerbaijan chấm dứt giao tranh.
Khu vực Nagorno-Karabakh. Đồ họa: SETA.
Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân tỉnh này là người Armenia, vốn chiếm thiểu số tại Azerbaijan và luôn tìm cách ly khai để sáp nhập vào Armenia. Tranh chấp chủ quyền tồn tại nhiều năm lên tới đỉnh điểm khi Azerbaijan và Armenia xung đột vũ trang vào tháng 2/1988, thời điểm cả hai vẫn thuộc Liên Xô, và kéo dài tới tháng 5/1994, sau khi Liên Xô tan rã.
Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng đòi chủ quyền... bán đảo Crimea Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Tayyiv Erdogan đã bắt đầu đưa ra yêu sách với Nga về quyền sở hữu một phần lãnh thổ thuộc bán đảo Crimea. Các phương tiện thông tin đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, sau khi tiến quân vào khu vực Kavkaz, Ankara dự định sẽ sớm đưa ra yêu sách với Nga về...