Đốm sáng trong ngôi nhà cũ
Nguyễn Thành Lợi lớn lên ở làng mai Bình Lợi ( huyện Bình Chánh, TP.HCM), bạn vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Cuộc sống của Lợi là hành trình của sự nỗ lực – Video: CÔNG TRIỆU – HUỲNH VY – TRINH TRÀ
Nỗi sợ của Lợi mỗi mùa mưa về là những tấm tôn đã mục gỉ – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cha của Lợi không may qua đời khi bạn mới học lớp 7. Mẹ bạn vốn hay đau ốm, nay gồng gánh một mình nuôi hai con nhỏ nên gia đình càng lúc càng khổ. Nghèo, mẹ gửi Lợi lại cho ông bà nội rồi dọn về Bến Tre sống bằng nghề nhặt ve chai. Bà không thể đưa Lợi theo cùng vì quê nghèo điều kiện học sẽ không được tốt như ở TP.
Nhiều năm sống một mình
Khi Lợi học tới lớp 10 thì cũng là lúc ông nội đổ bạo bệnh và mất. Bà nội vì bệnh tai biến nên được đưa về quê nghỉ dưỡng. Từ đó, Lợi bắt đầu cuộc sống một mình. Căn nhà bạn sống nằm lọt thỏm giữa ruộng vườn, ẩm thấp và cũ kỹ. Chỗ duy nhất trong nhà không bị dột khi mưa là gian bàn thờ của tổ tiên, ông bà.
“Cố lên”. Đó là dòng chữ trên tấm ván để ở thành giường do Lợi khắc lên, trong một lần cậu tự trấn an mình. Đêm đó trời đổ mưa gió. Vì nền nhà thấp hơn mặt đường gần 2m nên bao nhiêu bùn đất, rác rến cứ thế theo dòng nước mưa ào ạt chảy đổ vào nhà. Gió lớn nổi lên cuốn phăng vài miếng mái ngói ở nhà trước, tấm tôn lớn ở nhà dưới bay đi. Trong đêm khuya, Lợi soi đèn lục đục đi tìm đinh búa, đội mưa một mình lợp lại mái.
“Miếng ngói nặng nên rơi xuống là vỡ vụn phải bỏ đi, còn mái tôn bay tận sau vườn, đi tìm, kéo về nhưng vì mưa gió nên cũng che chắn tạm đợi mai tính tiếp”, Lợi nhớ lại.
Một mình chật vật trong đêm khiến Lợi vừa tủi vừa sợ. Suốt đêm đó bạn không thể rời mắt khỏi mái nhà và khoảng đêm đen mịt mù. Lợi tâm sự, lúc đó Lợi chỉ ước có cha ở bên. “Càng nhớ cha bao nhiêu thì trời càng mưa gió bấy nhiêu. Lúc đó mình chỉ biết nép vào góc giường rồi cắn răng chịu đựng, phải cố gắng vượt qua thôi” – cậu lý giải về dòng chữ khắc trên tấm ván.
Nhặt lá mai, bưng trà sữa
Tiền mẹ gửi chỉ vừa đủ lo học phí. Còn mọi sinh hoạt Lợi tự xoay xở. Lợi tìm các quán trà sữa trong huyện xin một chân phục vụ. Bạn cũng là “mối quen” của các nhà hàng tiệc cưới, đội bưng bê tráp cưới. Đến gần tết, Lợi lân la khắp cả làng mai Bình Lợi để xin lặt lá mai. Mỗi giờ làm việc Lợi được trả chừng 20.000 đồng. “Mỗi tuần chăm chỉ cũng kiếm được hơn 200.000 đồng, cũng đủ ăn trong một tuần” – Lợi cười.
Mỗi lần được trả công, Lợi chia thành nhiều khoản rồi nhét vào các ngóc ngách khắp nhà. Khoản nhỏ cậu chi ra để mua gạo, mì gói và nước mắm là lương thực cho cả tháng. Khoản nữa cậu để dành cuối tháng trả tiền điện, nước. Phần ít còn lại cậu để phòng khi xe hư, đau ốm. Có lần hết tiền, trong nhà lại không còn gì để ăn, Lợi đã mượn bạn 20.000 đồng rồi ra chợ mua 2kg gạo rẻ nhất về ăn dần với muối. Chiếc bếp gas trong nhà đã hết gas nhưng Lợi không đủ tiền để đổi.
Cô Bùi Thị Huyền Trang, trợ lý thanh niên Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao huyện Bình Chánh, nói cuộc sống của Lợi là hành trình của sự nỗ lực. “Không những tôi mà rất nhiều giáo viên, học sinh trong trường đều rất mến phục Lợi về nghị lực vượt qua được những khó khăn, không phải ai cũng làm được”, cô Trang chia sẻ.
Mẹ của Lợi người gầy yếu hì hục đẩy chiếc xe đạp chở đầy ve chai lên con dốc gần nhà. Đối diện với nụ cười của mẹ là dòng nước mắt lăn dài của Lợi. “Tôi nhận ra rằng mẹ đã cô độc, khổ cực hơn gấp vạn lần tôi, vậy mà có lúc tôi hờn trách ba mẹ không cho tôi đủ đầy”, Lợi nói, không giấu được tiếng nấc.
Chỉ cần được nghỉ hè, nghỉ tết là Lợi lại về quê đi mua ve chai cùng mẹ. Lợi tâm sự chính nỗi nhọc nhằn mà cậu thấm hiểu từ những lần bươn chải theo chân mẹ đã thôi thúc bạn dồn quyết tâm vào học hành.
Ngày gọi điện báo tin đậu vào ngành kỹ thuật kiến trúc (ĐH Kiến trúc TP.HCM) với số điểm 22,5 (khối A.00), mẹ Lợi khóc. Lợi nói với mẹ rằng bạn sẽ tự tay thiết kế, sửa sang lại căn nhà của nội rồi đón mẹ và em lên ở cùng…
Chiếc áo mới
Hành trang của Lợi đến với giảng đường đại học gồm: ba bộ đồ đã bạc màu, chiếc máy tính cũ được anh họ cho mượn và một balô đã rách quai… Ngoài ra, bạn cũng lên cho mình một kế hoạch “săn” học bổng, kiếm việc làm.
Chiếc áo mới nhất của Lợi là áo đoàn thanh niên được mua cách đây gần hai năm. Lợi nói rằng để bản thân được như hôm nay cũng nhờ một phần vào các chương trình hoạt động Đoàn ở trường. “Từ khi đi sinh hoạt Đoàn, tham gia vào ban chấp hành Đoàn trường thì tôi mới học được sự tự tin, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt là học được ý chí không bỏ cuộc”, Lợi tâm sự.
Cõng em qua gian khó nhọc nhằn
'Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình' - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Trần Tuấn Anh kể lại hành trình kể từ khi được tiếp sức đến trường năm 2015 - Video: HÀ THANH - HUỲNH VY
Không thể đi lại nhưng Tuấn Anh vẫn sáng tạo bằng đôi tay và khối óc của mình - Ảnh: H.THANH
9 năm đi học nhờ đôi vai, tấm lưng gầy guộc của chị gái, chàng trai khuyết tật đã ra trường, kiếm được công việc lập trình theo đúng chuyên ngành.
Rồi con trai đầu lòng của người chị mắc phải căn bệnh ung thư. Thương chị, mỗi ngày chàng trai hiền lành miệt mài lao động để sẻ bớt gánh nặng đang oằn trên vai chị.
Lập trình viên mê công nghệ
Mắc chứng rối loạn gene, Trần Tuấn Anh (ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không thể đi lại hay tự làm được những việc vệ sinh cá nhân nhỏ nhặt nhất. Chiếc máy tính nơi căn phòng nhỏ đã mở ra cho Tuấn Anh một thế giới mới, giúp anh nuôi dưỡng đam mê công nghệ.
Cha mất vì ung thư, người mẹ sức khỏe yếu, trên hành trình chinh phục ước mơ của Tuấn Anh chẳng thể nào thiếu được hình dáng tấm lưng gầy guộc của chị gái. Suốt 4 năm ở giảng đường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đôi chân của người chị không biết bao nhiêu lần run rẩy khi cõng em trai đến lớp theo đuổi học tập.
"Hiện em ấy đã có công ăn việc làm, biết tiết kiệm tiền nữa, mẹ và chị mừng lắm. Em rất thương chị và đỡ đần thêm cho gia đình" - chị Trần Thị Xuân (chị gái Tuấn Anh) tự hào nhắc đến em trai.
Căn phòng nhỏ nơi tầng 1 là không gian sáng tạo riêng của chàng trai trẻ. Mỗi ngày, Tuấn Anh miệt mài ngồi trước màn hình máy tính với công việc lập trình web cho một công ty của Nhật Bản. Được công ty tạo điều kiện cho làm việc tại nhà, nên dù đôi chân chẳng thể đi lại, Tuấn Anh vẫn có thể lao động bằng đôi tay, khối óc của mình, thỏa sức sáng tạo với công việc đúng chuyên ngành.
"Trước kia đi thực tập, tôi được chị Xuân chở đến chỗ làm, nhưng từ ngày gia đình xảy ra biến cố cháu Minh (con trai chị Xuân) bị ốm, tôi xin tạm nghỉ. May mắn được phía công ty tạo điều kiện, giúp đỡ để tôi tiếp tục công việc này. Giai đoạn đầu cũng khó khăn vì chưa nhiều kinh nghiệm, tôi phải lên mạng tự tìm hiểu kiến thức, nhờ các anh chị ở công ty hướng dẫn thêm, bây giờ thì đã thuần thục hơn trước", Tuấn Anh chia sẻ.
Làm việc tại nhà, mức lương dù không cao so với mặt bằng chung của dân công nghệ nhưng trong nhà ai cũng mừng vì Tuấn Anh có được một công việc ổn định. Hễ nhắc đến con trai, bà Thịnh không giấu được xúc động. Giọt nước mắt của người mẹ nay xen lẫn niềm vui, niềm tự hào. "Không lo nữa, con đã kiếm được tiền, đã nuôi được mình rồi. Giờ chỉ mong sao con luôn khỏe mạnh" - bà Thịnh ước mong.
Ngoài công việc ở công ty, hiện nay Tuấn Anh còn nhận thêm công việc chỉnh sửa ảnh hỗ trợ anh chị chạy quảng cáo, bán hàng qua mạng kiếm thêm thu nhập.
"Với mức lương hiện tại, cuộc sống ở quê cũng dần ổn định hơn. Mình có tiền mua sắm quần áo, đồ dùng cho bản thân. Trước đó mình không biết tiêu tiền đâu, giờ tự đặt mua hàng qua mạng, thích gì mình cũng mua được hết", chàng trai trẻ cười vui.
Tiếp nghị lực cho sinh viên
Câu chuyện người chị gái ngày ngày chở em đến trường trong video tư liệu Tiếp sức đến trường 2015
Đã gần 7 năm trôi qua kể từ ngày được học bổng Tiếp sức đến trường tìm đến nhà, tiếp thêm sức mạnh cho tấm lưng gầy guộc của người chị gái, tiếp thêm động lực cho cậu tân sinh viên hiếu học ở vùng đất Vân Canh được đến trường, chàng trai trẻ vẫn không quên được ân tình ngày đó.
Nhớ lại những ngày đầu, Tuấn Anh nói nhờ số tiền học bổng tiếp sức, nhờ chiếc máy tính được nhà tài trợ hỗ trợ, anh có thêm điều kiện tài chính, công cụ học tập để theo đuổi việc học trong những năm tháng ở giảng đường đại học. Sau ngày nhận học bổng, Tuấn Anh còn để dành một khoản tiền để gửi tặng chị gái góp thêm mua chiếc xe máy mới thay cho chiếc xe cà tàng đã theo bước hành trình của hai chị em suốt nhiều năm qua.
Năm học đầu kết quả học tập chưa được tốt, nhưng đến những năm học sau Tuấn Anh đều cố gắng, nỗ lực đạt học lực giỏi. Ở trường, anh còn được miễn học phí, được nhận thêm học bổng dành cho người khuyết tật, nhờ đó giúp gia đình san sẻ phần nào nỗi lo về chi phí học tập.
"Với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như chúng mình mới bước vào trường đại học gặp rất nhiều khó khăn, học bổng rất đáng quý để có thể chắp cánh cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình có thêm nghị lực, bớt lo lắng phần nào vì những chi phí ban đầu" - Tuấn Anh bộc bạch.
Giờ đây về mảnh đất Vân Canh, hỏi thăm chàng trai khuyết tật đam mê công nghệ ai cũng tận tình chỉ dẫn tận nơi. Mới đây Tuấn Anh dành dụm gần 20 triệu đồng mua được một chiếc xe lăn điện để chủ động trong việc di chuyển.
Kể từ ngày có chiếc xe lăn, mẹ và chị không còn vất vả như ngày trước nữa, chỉ cần cõng anh từ căn phòng ra đến chiếc xe lăn. Có "người bạn mới", Tuấn Anh có thể tự điều khiển theo ý thích, đi dạo quanh đường làng, gặp gỡ mọi người, bước ra ngoài khám phá cuộc sống.
"Mình mong muốn các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên khuyết tật hãy tự tin vào lựa chọn của mình. Đến trường đại học sẽ được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng mình có thể hoàn thành ước mơ trên giảng đường đại học" - Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Đồng hành cùng con trai
Ngày em trai cầm tấm bằng cử nhân, chưa kịp chung vui cùng em thì chị Xuân nhận tin như sét đánh ngang tai: Minh - con trai chị - mắc phải căn bệnh ung thư hạch. Khối u quái ác đã khiến đôi mắt của con mờ dần, cho đến nay không còn nhìn được thế giới xung quanh. Sau 4 năm chở em trai đến giảng đường, nay chị tiếp tục đồng hành cùng con trai trên hành trình 20km từ nhà đến Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
"Ngày đó bảo Tuấn Anh 'khi em ra trường là chị nhàn rồi', nhưng số mình vậy rồi, biết làm sao" - người mẹ trẻ giãi bày.
Đều đặn mỗi sáng chị xin tranh thủ đi làm thêm công việc dọn vệ sinh, còn lại chị dành toàn thời gian để toàn tâm toàn ý chăm lo, hướng dẫn con học tập. Trong mùa dịch, việc học trực tuyến càng khó khăn hơn cho các bạn khiếm thị nhưng người mẹ trẻ tin tưởng có mẹ luôn ở bên sẽ giúp con vượt thắng được khó khăn, bệnh tật.
Trường Đại học USTH khai giảng năm học mới Ngày 27/10/2021, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 chào đón gần 800 tân sinh viên, học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Lễ Khai giảng được diễn ra dưới hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Zoom với số lượng người hạn chế tham dự...