Đổi mới thế nào khi Bộ cứ thống nhất mẫu giáo án, cầm tay chỉ việc giáo viên
Giáo viên cứ mãi loay hoay với Kế hoạch bài dạy ( giáo án) chỉ để làm đẹp hồ sơ thì lấy đâu ra thời gian, công sức để đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn?
Khi Bộ Giáo dục cầm tay chỉ việc
Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. [1]
Theo đó, Bộ Giáo dục yêu cầu xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường bao gồm 3 nội dung: xây dựng Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình); xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Đối với Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án), Bộ Giáo dục chỉ đạo: căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo khung Kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục III); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV).
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy thông qua các hình thức: hỏi – đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Đối với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho học sinh tự học; chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của học sinh theo yêu cầu của câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập đã được nêu cụ thể trong Kế hoạch bài dạy.
Trong các trường hợp cần thiết, việc đánh giá bài dạy được thực hiện theo các tiêu chí đánh giá Kế hoạch bài dạy và hoạt động dạy học đã được thực hiện (theo mẫu Phiếu đánh giá bài dạy tại Phụ lục V).
Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH cũng không có một dòng nào ghi chú Kế hoạch bài dạy (giáo án) ở Phụ lục IV chỉ mang tính tham khảo nên giáo viên trên cả nước phải thay đổi mẫu giáo án cho đúng quy định.
(Ảnh minh hoạ: Hoatieu.vn)
Soạn giáo án theo khuôn mẫu là đi ngược với tinh thần khai phóng của giáo viên
Thứ nhất, tên gọi Kế hoạch giáo dục của giáo viên thực ra là Khung phân phối chương trình. Từ năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục chỉ ban hành Khung phân phối chương trình quy định thời lượng cho từng phần Chương trình (chương, bài học, mô-đun, chủ đề, …), trong đó quy định thời lượng luyện tập, bài tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành và kiểm tra định kỳ. [2]
Nghĩa là, Khung phân phối chương trình chỉ có 2 nội dung: tên bài dạy và số tiết theo phân phối chương trình.
Còn khung Kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục III của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH gồm: phân phối chương trình (bài học; số tiết; thời điểm; thiết bị dạy học; địa điểm dạy học);
Chuyên đề lựa chọn (đối với cấp trung học phổ thông) gồm: chuyên đề; số tiết; thời điểm; thiết bị dạy học; địa điểm dạy học;
Nhiệm vụ khác (nếu có): (bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức hoạt động giáo dục…)
Lẽ ra, Kế hoạch giáo dục của giáo viên chỉ cần theo mẫu Khung phân phối chương trình và thêm phần ghi chú là đủ.
Thứ hai, Kế hoạch bài dạy là giáo án lên lớp của giáo viên nhưng không hiểu vì sao Bộ Giáo dục lại thay đổi tên gọi?
Từ năm học 2019-2020 trở về trước, một giáo án được thể hiện qua 5 bước: mục tiêu; phương pháp; chuẩn bị; tiến trình lên lớp; củng cố; dặn dò. [3]
Nhưng trong phần Phụ lục IV Khung kế hoạch bài dạy, Bộ Giáo dục đưa ra mẫu giáo án mới. Cụ thể, mỗi bài học được hướng dẫn triển khai 4 hoạt động: 1- xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu; 2- hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ; 3- luyện tập; 4- vận dụng.
Như thế, để soạn một tiết dạy cho bậc phổ thông thì giáo án có độ dài từ 5-7 trang (hoặc hơn thế nữa). Các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học… giáo viên phải oằn mình soạn bài rất vất vả.
Bên cạnh đó, quy định chi tiết mỗi giờ dạy gồm 4 hoạt động, mỗi hoạt động phải có 4 bước (mục tiêu; nội dung; sản phẩm; tổ chức thực hiện) là phi thực tế, không có cơ sở khoa học nào cả. Bởi giáo án môn Khoa học tự nhiên khác với môn Khoa học xã hội, càng khác xa với các môn mang tính đặc thù như Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Video đang HOT
Ngoài ra, phần Ghi chú (Phụ lục IV) còn hướng dẫn Kế hoạch bài dạy rất chi li, như: “Trong Kế hoạch bài dạy không cần nêu cụ thể lời nói của giáo viên, học sinh mà tập trung mô tả rõ hoạt động cụ thể của giáo viên: giáo viên giao nhiệm vụ/yêu cầu/quan sát/theo dõi/hướng dẫn/nhận xét/gợi ý/kiểm tra/đánh giá; học sinh thực hiện/đọc/nghe/nhìn/viết/trình bày/báo cáo/thí nghiệm/thực hành/”.
Quy định Kế hoạch bài dạy không cần nêu cụ thể lời nói của giáo viên, học sinh cũng không có cơ sở. Ví dụ, giáo viên dạy bài “Tấm Cám” (lớp 10) có thể phát vấn bằng hệ thống câu hỏi như sau:
Vì sao nhà vua tới trò chuyện thân mật với Tấm, thích Tấm?; Vì sao Tấm không bị mẹ con con Cám phát hiện là đã đến dự tiệc, đã gặp nhà vua?; Vì sao Cám không được nhà vua đoái hoài?; Vì sao Tấm bị mẹ con con Cám giết?
Như thế để thấy rằng, việc thay đổi tên gọi từ giáo án đến Kế hoạch bài dạy là dài dòng, rối rắm, không phù hợp với cách gọi quen thuộc của giáo viên, học sinh bấy lâu nay.
Hơn nữa, giáo viên soạn giáo án theo mẫu chủ yếu là để đối phó với tổ chuyên môn, Ban Giám hiệu, Phòng giáo dục, Sở giáo dục. Còn lãnh đạo khi kiểm tra giáo án thì xem giáo viên soạn có đúng mẫu Phụ lục IV Công văn 5512 hay không – là cách làm hình thức, không thể lượng hóa được chất lượng chuyên môn.
Cho dù lãnh đạo có đi dự giờ thăm lớp thì cùng lắm cùng lắm cũng chỉ đánh giá qua một hai tiết dạy, còn chuyện giáo viên dạy trên lớp thế nào thì không ai giám sát nổi.
Thế mà nhiều lãnh đạo cứ chăm chăm soi giáo viên có soạn giáo án đúng theo mẫu quy định hay không. Trong khi đó, ai cũng biết rằng, giáo án trường công khác với trường tư; giáo án lớp yếu khác với lớp giỏi; giáo án vùng khó khăn khác với vùng đồng bằng…
Cá nhân người viết cho rằng, giáo viên có thâm niên dạy học trên 10 năm, việc thiết kế một giáo án đôi khi chỉ cần những cái gạch ngang đầu dòng ghi nội dung chính, ghi chú, không cần phải viết lê thê nhiều trang.
Nhìn chung, một giáo án tốt đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của giáo viên viên trong việc nghiên cứu bài giảng, tìm tòi tài liệu, học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp… chứ không phải “đồng phục” được một ai đó làm cho kiểu mẫu đưa sẵn.
Giáo viên đã qua 4 năm học đại học sư phạm (hoặc học lên sau đại học), có nhiều năm đứng lớp, chắc chắn sẽ nắm vững cách thức soạn một giáo án sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, không phải cầm tay chỉ việc.
Có thể khẳng định, việc soạn giáo án còn theo khuôn mẫu tức là đi ngược với tinh thần khai phóng của giáo viên, thì khó có chuyện “học thật, thi thật, nhân tài thật mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại trụ sở Chính phủ ngày 6/5/2021 trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Tài liệu tham khảo:
[1] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx
[2] //gdtrunghoc.hcm.edu.vn/van-ban/van-ban-so-7608-bgddt-gdtrh-ve-khung-phan-phoi-chuong-trinh-mon-hoc-vbct40999-58719.aspx
[3] //thcsphulao.pgdlacthuy.edu.vn/cong-van-2377-quy-dinh-noi-dung-hinh-thuc-giao-an-cua-giao-vien-trung-hoc.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Mẫu kế hoạch bài dạy 5512 quá dài dòng vô bổ, nhiều thày cô chỉ soạn đối phó
Cần bỏ ngay việc kiểm tra hồ sơ sổ sách mà nên tập trung vào việc kiểm tra chất lượng giờ dạy, kiểm tra chất lượng học sinh là chính xác nhất.
Giáo án lên lớp của giáo viên đã được đổi tên đến vài lần, nào là đổi thành thiết kế bài dạy, nào là kế hoạch bài dạy. Mỗi lần đổi tên cũng kèm theo đổi luôn hình thức, cách soạn một bài dạy lên lớp.
(Ảnh minh họa: Tailieugiangday.com)
Tuy nhiên, nhìn quy định soạn một kế hoạch bài dạy mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, nhiều giáo viên đã thật sự "choáng".
Chúng tôi "choáng" vì nếu soạn đúng theo tinh thần của công văn thì mỗi kế hoạch bài dạy sẽ có độ dài hàng chục trang giấy, "choáng" vì lo ngại sẽ lấy thời gian đâu để mà soạn, "choáng" vì mỗi ngày nếu dạy 5 tiết mà có tới 5 kế hoạch bài dạy dài hàng dăm chục trang như thế sẽ thế nào?
Những quy định máy móc, hình thức và dài dòng
Đầu tiên phần mục tiêu, yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất mà mục nào cũng quy định nêu cụ thể nội dung kiến thức học sinh cần học trong bài, nêu cụ thể yêu cầu học sinh làm được gì, nêu cụ thể yêu cầu về hành vi, thái độ...
Phần thiết bị dạy học và học liệu cũng yêu cầu nêu cụ thể các thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong bài dạy.
Phần tiến trình dạy học gồm các hoạt động dạy học trên lớp, từng hoạt động đều có mục tiêu riêng, nội dung, sản phẩm, cách tổ chức hoạt động. Cụ thể:
Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động)
a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh xác định được vấn đề/nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học.
b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể mà học sinh phải thực hiện (xử lí tình huống, câu hỏi, bài tập, thí nghiệm, thực hành...) để xác định vấn đề cần giải quyết/nhiệm vụ học tập cần thực hiện và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề/cách thức thực hiện nhiệm vụ.
c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm hoạt động theo nội dung yêu cầu/nhiệm vụ mà học sinh phải hoàn thành: kết quả xử lí tình huống; đáp án của câu hỏi, bài tập; kết quả thí nghiệm, thực hành; trình bày, mô tả được vấn đề cần giải quyết hoặc nhiệm vụ học tập phải thực hiện tiếp theo và đề xuất giải pháp thực hiện.
d) Tổ chức thực hiện: Trình bày cụ thể các bước tổ chức hoạt động học cho học sinh từ chuyển giao nhiệm vụ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm học tập.
2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).
a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập để chiếm lĩnh kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1.
b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể của học sinh làm việc với sách giáo khoa, thiết bị dạy học, học liệu cụ thể (đọc/xem/nghe/nói/làm) để chiếm lĩnh/vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề/nhiệm vụ học tập đã đặt ra từ Hoạt động 1.
c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể về kiến thức mới/kết quả giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ học tập mà học sinh cần viết ra, trình bày được.
d) Tổ chức thực hiện: Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện hoạt động của học sinh.
3. Hoạt động 3: Luyện tập
a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu vận dụng kiến thức đã học và yêu cầu phát triển các kĩ năng vận dụng kiến thức cho học sinh.
b) Nội dung: Nêu rõ nội dung cụ thể của hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm giao cho học sinh thực hiện.
c) Sản phẩm: Đáp án, lời giải của các câu hỏi, bài tập; các bài thực hành, thí nghiệm do học sinh thực hiện, viết báo cáo, thuyết trình.
d) Tổ chức thực hiện: Nêu rõ cách thức giao nhiệm vụ cho học sinh; hướng dẫn hỗ trợ học sinh thực hiện; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
4. Hoạt động 4: Vận dụng
a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu phát triển năng lực của học sinh thông qua nhiệm vụ/yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn (theo từng bài hoặc nhóm bài có nội dung phù hợp).
b) Nội dung: Mô tả rõ yêu cầu học sinh phát hiện/đề xuất các vấn đề/tình huống trong thực tiễn gắn với nội dung bài học và vận dụng kiến thức mới học để giải quyết.
c) Sản phẩm: Nêu rõ yêu cầu về nội dung và hình thức báo cáo phát hiện và giải quyết tình huống/vấn đề trong thực tiễn.
d) Tổ chức thực hiện: Giao cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp và nộp báo cáo để trao đổi, chia sẻ và đánh giá vào các thời điểm phù hợp trong kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục của giáo viên.
Giáo án dài lê thê, chỉ lo cho việc soạn thì thời gian nào nghiên cứu bài dạy?
Nếu theo đúng những yêu cầu về cách thiết kế một kế hoạch bài dạy trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì một thiết kế hoàn chỉnh sẽ có độ dài hơn 10 trang giấy.
Cô giáo Thanh Tâm bức xúc: "Chỉ một hoạt động mà đã soạn không dưới 2 trang giấy, một tiết dạy không dưới 10 trang, một ngày 5 tiết sẽ ra sao, còn thời gian chấm bài nữa hay không?".
Chưa nói đến tự soạn mà chỉ copy, sao chép một lúc dăm chục trang kế hoạch cũng chẳng đủ sức để làm.
Bạn Phạm Hoan thắc mắc: "Rất máy móc khi yêu cầu giáo án phải chung một mẫu giáo án. Có cần thiết phải ghi tên trường, tổ chuyên môn, tên giáo viên trong mỗi bài soạn không?
Có nhất thiết hoạt động nào cũng yêu cầu nêu mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện hay không?
Đã có rất nhiều giáo viên nói soạn theo công văn 5512 chỉ để kiểm tra (tức là đối phó) còn thực tế trên lớp không ai làm như vậy. Thời gian 45 phút mà thực hiện các hoạt động đó trong khi học sinh không có sự chuẩn bị bài thì chỉ giỏi lắm được 1/3 yêu cầu".
Bao nhiêu giáo viên đi dạy phải nhìn giáo án?
Bạn Vũ Thị Hạnh nói rằng: "Bản thân mình dạy không bao giờ xem giáo án. Nó chỉ là thứ để kiểm tra. Cái quan trọng là bàn xem với kiểu bài này, với kiểu học sinh này thì sẽ dạy thế nào? Đừng đưa ra lý thuyết hàn lâm rồi thầy cô cứ gò mình ra ép các bài dạy trên giấy cho nó giống với lý thuyết ấy làm gì?"
Bạn Kim Phạm nói: "Tôi nghĩ là làm sao cho các em học sinh nắm kiến thức cơ bản, ngắn gọn, dễ nhớ nhất và vận dụng vào chính đời sống thực tế của học sinh là đã thành công chứ bày ra soạn giáo án theo chủ đề dài lê thê mà giáo viên lên lớp cũng không rập khuôn như kế hoạch bài dạy được.
Trong mỗi lớp có nhiều đối tượng khác nhau nên phương pháp truyền tải kiến thức cũng rất khác nhau trong mỗi lớp".
Bạn Đỗ Hoàng Giang cho biết: "Tôi 27 năm công tác lên lớp gần như không cần giáo án, soạn chỉ để kiểm tra, quan trọng là học sinh nắm được gì chúng có thích mình dạy không?" .
Những kiến nghị của giáo viên
Bạn Nguyễn Nhàn bày tỏ: "Thật ra giáo án cũng chỉ hình thức, nó không thể phù hợp hết tất cả học sinh và hầu như mình thấy chưa thầy cô nào dạy theo giáo án. Chỉ thấy tốn giấy mực mỗi khi kiểm tra xong rồi vứt đó".
Bạn Trần Văn Thanh: "Tôi đồng tình với quan điểm "quan trọng nhất không phải hồ sơ như thế nào mà là giáo viên dạy như thế nào trên lớp".
Đối với một giáo viên đã có kinh nghiệm (khoảng 5 năm trở lên) việc soạn một giáo án quá chi tiết, quá dài dòng chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc (giấy mực) chứ chẳng mang lại hiệu quả gì cho giáo viên và học sinh".
Bạn Lê Hồng Quân đề nghị: "Hãy để giáo viên được tự chủ trong việc chuẩn bị kế hoạch bài giảng của riêng mình. Không nhất thiết phải đồng phục, quy chuẩn, miễn sao giáo viên thực hiện tốt tiết lên lớp của mình là được.
Thiết nghĩ ngành giáo dục nên cởi trói cho giáo viên, quản lý bằng kết quả đáp ứng chuẩn đầu ra chứ đừng đánh giá quá trình".
Nếu không có kế hoạch bài dạy, nhà trường sẽ kiểm tra giáo viên thế nào?
Cần bỏ ngay việc kiểm tra hồ sơ sổ sách mà nên tập trung vào việc kiểm tra chất lượng giờ dạy, kiểm tra chất lượng học sinh là chính xác nhất.
Nhưng muốn việc đánh giá chính xác giáo viên dạy như thế nào? Học sinh học ra sao thì thầy cô giáo phải được quyền sát hạch đầu vào để xác nhận chất lượng học sinh.
Từ đó, các thầy cô giáo sẽ đảm bảo bằng chất lượng đầu ra cho mỗi lớp. Có thế, giáo viên mới thật sự nỗ lực trong mỗi giờ dạy chứ không phải kiểu giảng dạy đối phó (dạy thì lớt phớt mà chăm sóc hồ sơ kỹ càng để xếp loại tốt) như hiện nay.
Giáo án phải theo 1 mẫu chung, tác hại khôn lường Kế hoạch bài dạy phải theo mẫu thống nhất của Bộ đã tạo nên thị trường mua bán giáo án, tệ nạn "văn mẫu" lại nở rộ ngay chính trong nội tại thầy cô giáo. Chuyện học sinh chúng ta bị trói buộc, thiếu sáng tạo trong cách dạy áp đặt một chiều của thầy cô đã được dư luận lên tiếng từ...