Đổi mới phương pháp giảng dạy – nhìn từ hội thi giáo viên giỏi Hà Tĩnh
Hội thi giáo viên giỏi tỉnh các cấp học đã chuyển tải thông điệp đáng mừng về kết quả trong đổi mới phương pháp giảng dạy của mỗi thầy cô giáo và các trường học ở Hà Tĩnh.
Chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng dạy học
Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021 (diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi ngành giáo dục đã và đang từng bước chuyển mình sang giai đoạn mới với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đây cũng là năm đầu tiên Hà Tĩnh tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh theo thông tư mới với điều kiện, tiêu chuẩn và nội dung thi mới.
Hội thi giáo viên giỏi tỉnh năm nay có nhiều thay đổi, giờ dạy thực hành của giáo viên được thực hiện theo tinh thần đổi mới phương pháp. (Ảnh: Một giờ dạy của giáo viên tiểu học tại hội thi giáo viên giỏi tỉnh)
Theo đó, thay vì phần sáng kiến kinh nghiệm như trước, giáo viên tham gia hội thi thực hiện phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học tại đơn vị mình công tác. 2 tiết giảng thực hành như trước cũng đã được thay thế bằng một tiết dạy theo chủ đề được bắt thăm, giáo viên thực hiện bài giảng theo tinh thần đổi mới phương pháp.
Cô Lê Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Hương Khê – giải nhất môn Tiếng Anh hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh cho biết: “Lần đầu tiên nội dung trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học được đưa vào hội thi nhưng chúng tôi không bỡ ngỡ. Bởi với chúng tôi, đây chính là những trăn trở, những kinh nghiệm được bản thân đúc rút trong quá trình dạy học trên địa bàn”.
Cô Lê Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Hương Khê ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tạo sự hấp dẫn trong mỗi giờ học
Phần thi thực hành là sự trăn trở của các giáo viên trong xây dựng kế hoạch bài học, xác định đúng mục tiêu, vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hợp lý.
“Nhìn chung, các bài giảng được thiết kế theo 4 hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng, làm nổi bật được vai trò trung tâm, tự chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng bài học của học sinh; cách giao việc rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng, vì vậy, học sinh học hứng thú, tích cực. Không khí giờ học trở nên thân thiện, cởi mở, nhẹ nhàng mà hiệu quả, hơn. Đây cũng chính là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang hướng tới”, thầy Trần Hậu Tú – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT cho biết.
Lan tỏa phong trào đổi mới phương pháp dạy học
Với việc ứng dụng phương pháp STEM vào phần thực hành giờ dạy khám phá cầu vồng, cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường Mầm non 1 thành phố Hà Tĩnh – giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh đã thể hiện được quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, phương pháp “học bằng chơi, chơi mà học”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường Mầm non 1 – giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh.
Theo đó trẻ đã phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự khám phá, thảo luận và đưa ra cách thực hiện vấn đề bài học yêu cầu.
Cô Nguyễn Thị Mỹ cho biết: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã trở thành hoạt động thường xuyên từ trước tới nay của giáo viên nhà trường. Qua những chuyên đề đổi mới, chúng tôi đã luôn tự cập nhật, tự trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tự làm mới mình trong từng tiết để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.
Học sinh Trường Mầm non 1 phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong từng giờ học
Cùng chung một mục tiêu phát huy vai trò của người học, lấy học sinh làm trung tâm, cô Nguyễn Thị Gia Phú – giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ, giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cho biết: “Chúng tôi đã thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin để bài học thêm sinh động, hấp dẫn. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng được thực hiện bằng các hoạt động trải nghiệm qua những bài học chính khóa, sân chơi kiến thức, tình huống thực tế, tại các di tích lịch sử”.
Những giờ giảng của cô Nguyễn Thị Gia Phú – Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ luôn được học sinh mong đợi
Đến từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng mỗi thầy cô giáo đều có chung một suy nghĩ, đó là mang đến hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh những kinh nghiệm, tâm huyết, trăn trở của mình để giới thiệu, chia sẻ với đồng nghiệp để học hỏi lẫn nhau.
Vượt qua mong đợi, hội thi đã thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chuyên môn đặc biệt của những hạt nhân trong phong trào đổi mới giáo dục tại các trường học. Đây cũng là động lực góp phần thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Cô giáo huyện miền núi Hà Tĩnh nhất hội thi giáo viên giỏi tỉnh môn tiếng Anh
Giải nhất hội thi giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh là phần thưởng tuyệt vời và cũng là động lực để cô giáo Tâm thực hiện ước mơ lan tỏa niềm yêu thích học tiếng Anh trên địa bàn miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh).
Video về tiết dạy: The 22nd Sea Games - Lesson Reading
Thể hiện xuất sắc các phần thi: trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học và giờ dạy thực hành, cô Lê Thị Tâm - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Khê đã xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.
Cô Lê Thị Tâm là một trong 7 giáo viên giành giải nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020-2021
"Đây là năm đầu tiên nội dung trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học được đưa vào hội thi nhưng tôi không bỡ ngỡ. Tôi chọn giải pháp phát động phong trào học tiếng Anh cho học sinh trên địa bàn huyện miền núi bởi tôi thấy chất lượng bộ môn này ở Hương Khê còn thấp, trong khi tiếng Anh rất quan trọng đối với các em trong bước đường tương lai. Có lẽ tính thực tiễn của giải pháp và những kế hoạch đã và đang thực hiện giúp tôi thuyết phục được ban giám khảo", cô Tâm cho biết.
Ở phần dạy thực hành, cô Tâm được Ban Giám khảo đánh giá cao bởi sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, chú trọng phát triển năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực tự học, năng lực hợp tác và thảo luận nhóm.
Ngoài ra, phong cách lên lớp tự tin, phát âm chuẩn, việc chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh phù hợp, nhịp nhàng đã biến bài dạy kĩ năng viết một bức thư - một bài dạy được xem là khó và buồn tẻ, trở nên hấp dẫn, cuốn hút học sinh.
Cô Tâm chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Giải nhất hội thi giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh là phần thưởng tuyệt vời ghi nhận những nỗ lực miệt mài của cô giáo Lê Thị Tâm trong sự nghiệp dạy học. Đây cũng là động lực để cô thực hiện ước mơ lan tỏa niềm yêu thích, phong trào học tập tiếng Anh trên địa bàn miền núi.
Lê Thị Tâm sinh năm 1981 trong gia đình thuần nông ở Hương Khê. Những vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ đã sớm in đậm trong tuổi thơ và trở thành động lực để Tâm quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập. Tâm học giỏi tất cả các môn, lớp 5 đã được vào đội dự tuyển quốc gia học sinh giỏi môn Văn nhưng đến những năm học tiếp theo, Tâm thấy mình có niềm say mê đặc biệt đối với môn tiếng Anh.
Cũng từ đó, Tâm đã trở thành gương mặt thân quen trong các kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh.
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THPT Hương Khê trở nên hấp dẫn hơn với phương pháp truyền đạt hiện đại của cô giáo Lê Thị Tâm.
Năm 1999, ước mơ trở thành sinh viên tiếng Anh thành hiện thực khi Tâm là một trong những học sinh đầu tiên ở miền núi Hương Khê đậu Đại học Ngọai ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm số cao. Ước mơ được "truyền lửa" niềm say mê học tiếng Anh cho học sinh miền núi đã trở thành hiện thực, khi năm 2003 Tâm được phân công về công tác tại quê nhà.
Thầy Phan Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết: "Là người từng giảng dạy Tâm, tôi luôn dõi theo sự trưởng thành của em đối với nghề. Và tôi rất vui khi thấy cô học trò cưng, người đồng nghiệp trẻ của mình sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại những ngôi trường trên quê hương (THPT Phúc Trạch, THPT Hàm Nghi và THPT Hương Khê) vẫn luôn giữ cho mình bầu nhiệt huyết được góp sức giúp học sinh miền núi yêu thích môn tiếng Anh cải thiện năng lực môn học này".
Việc đổi mới phương pháp dạy học qua hình thức thảo luận nhóm đã góp phần phát huy năng lực hợp tác của học sinh trong mỗi giờ học.
Năm học 2017 - 2018, Lê Thị Tâm đã vinh dự trở thành 1 trong 3 giáo viên xuất sắc trên toàn quốc giành được học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chương trình trao đổi giáo viên xuất sắc trên toàn cầu. 2 tháng trải nghiệm tại California, Hoa Kỳ đã cho cô những trải nghiệm quý giá, được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy với những giáo viên xuất sắc trên thế giới. Đến tận bây giờ cô vẫn luôn giữ liên lạc, kết nối với những người bạn ấy để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Cùng với những nỗ lực trong việc đổi mới phong trào dạy học, cô Tâm còn hấp dẫn học sinh đến với môn tiếng Anh bằng việc tổ chức các câu lạc bộ, các buổi chào cờ, ngoại khóa làm báo tường bằng tiếng Anh... Trong dịp hè năm học vừa qua, cô đã mở các lớp tình nguyện giúp gần 200 học sinh tiểu học ở các xã Hương Vĩnh, Hương Xuân, Phú Phong làm quen với tiếng Anh...
Tại hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, Trường THPT Hương Khê có 5 giáo viên dự thi, cả 5 đều đạt giải. Trong đó có 1 giải nhất, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích. Đây là năm trường gặt hái được thành tích cao nhất trong kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh từ trước đến nay".
Thầy Phan Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê
Tự hào ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập Những ngày tháng 4 lịch sử, trên mảnh đất anh hùng và nhân ái, thầy trò Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đang sôi nổi phong trào thi đua dạy tốt, học tốt hướng tới kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Tâm huyết, trăn trở của các thầy cô giáo trong mỗi...