Đổi mới giáo dục không phải ở khẩu hiệu
Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam tồn tại khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân, không có chuyện giáo dục kém chỉ vì một khẩu hiệu.
Đổi mới giáo dục không phải ở khẩu hiệu mà ở phương pháp.
Lỗi không nằm ở chữ “Lễ”
Liên quan đến đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” của GS. Trần Ngọc Thêm với mục đích là nhằm khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của con người, nhiều nhà giáo và các chuyên gia cho rằng không thể đồng tình với quan điểm này.
Bởi, dù tư duy phản biện là cần thiết nhưng không có nghĩa là học sinh được phép bỏ qua chuyện lễ nghĩa. Và để khai mở tư duy phản biện cũng không cần thiết phải bỏ khẩu hiệu vốn đã trở nên quen thuộc với người Việt.
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để đổi mới giáo dục và đào tạo cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa, có trọng tâm, trọng điểm. Chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục. Đồng nghĩa, để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động.
Tôi và các nhà giáo dục vẫn quan niệm chữ “Lễ” trong câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là đạo đức, lối sống, cách ứng xử lịch sự, lễ phép. Đó cũng là cách chúng tôi giảng giải cho học sinh từ trước tới nay. Việc sử dụng câu khẩu hiệu này trong giờ giảng dạy của chúng tôi chủ yếu đề cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn đức cho học sinh. Những vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vô văn hóa, vô giáo dục bị lên án và coi những người vi phạm đó là không có… lễ.
Nhiều người băn khoăn liệu chữ “Lễ” có biến người học trở nên thụ động, lệ thuộc vào người thầy, đánh mất sự chủ động, sáng tạo và tư duy phản biện hay không? Thực tế, mỗi chữ trong tiếng Việt cổ đều có nhiều nghĩa. Với người này, chúng ta coi chữ “Lễ” là áp đặt, là giáo dục kiểu thụ động, với người khác chữ “Lễ” lại có ý nghĩa là đạo đức. Cùng một chữ, có nhiều nghĩa là bình thường.
Video đang HOT
Theo tôi, không nhất thiết phải xóa bỏ đi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà có thể hiểu chữ “Lễ” ở góc độ phù hợp với thời đại và giáo dục ngày nay.
Nhìn rộng ra, các nước phương Đông vẫn giữ khá nhiều nếp cũ, nhưng họ vẫn cởi mở đón nhận những tư tưởng mới, đón nhận cách suy nghĩ mới. Giáo dục mà thản nhiên đập bỏ truyền thống để hi vọng tân tiến là cách làm thiếu thận trọng.
Do đó, vấn đề cần thay đổi ở đây là cách tiếp cận và việc đổi mới giáo dục không nằm ở bỏ khẩu hiệu. Thực tế, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không phải là triết lý giáo dục của Việt Nam.
Hiện nay, triết lý giáo dục của chúng ta là giáo dục phát triển năng lực. Vì thế, sự tồn tại của khẩu hiệu này không hề ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy của giáo dục Việt Nam. Nếu theo khẩu hiệu trên, giờ đạo đức phải chiếm 30 – 50% mới đúng.
Khẩu hiệu trên cũng không đi vào đời sống học sinh từ lâu lắm rồi khi hạnh kiểm giờ chỉ tồn tại trên giấy. Ngoài ra, những vấn đề của giáo dục hiện nay nằm ở phương thức quản lý giáo dục đã lỗi thời, nhiều bất cập. Để giải quyết các vấn đề trong giáo dục, nhất thiết phải có sự cải tổ trong các phương thức quản lý giáo dục.
Bỏ “Lễ”, đạo đức các con sẽ ra sao?
Trong khi đó, bên cạnh thực trạng bạo lực học đường, còn rất nhiều các vấn đề nóng khác của học sinh Việt Nam mà chủ yếu tập trung chính ở đạo đức, lối sống. Trẻ Việt Nam giờ “Lễ” có nhiều vấn đề. Nói tục, chửi bậy thành cửa miệng, nói trống không, cư xử thiếu văn hóa… Chữ “Lễ” chưa bao giờ yếu như thế, vậy giờ lại bỏ “Lễ”, đạo đức các con sẽ ra sao? Do đó, chữ “Lễ” càng nên được coi trọng trong giáo dục nhà trường.
Bệnh thành tích khiến cho nhiều đứa trẻ lạc vào ma trận học hành, thi cử không mệt mỏi; khiến cho giá trị của giáo viên phụ thuộc vào thành tích của học sinh, vào những giờ dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi… Rõ ràng, dù nói rằng tồn tại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng các trường học vẫn tiếp tục đề cao việc học kiến thức chứ ít quan tâm đến chữ “Lễ”.
Nếu chúng ta xóa bỏ khẩu hiệu này, hiệu ứng có thể sẽ rất lớn. Hiện nay, cái tôi của trẻ Việt đã được đẩy lên quá cao. Giáo dục khai phóng quan tâm đến quan niệm và ý tưởng của trẻ. Nhưng ở không ít gia đình và trong lớp học hiện nay, ý thích, đòi hỏi của trẻ cũng khá cao. Điều này gây nguy hại cho tính cách và hình thành nhân cách của trẻ. Có không ít gia đình đã nhận ra, cảm thấy hối hận khi đáp ứng mọi yêu cầu và sở thích của con.
Hơn nữa, các trường học hiện nay đâu bắt buộc phải treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi trường có những slogan (khẩu hiệu) của riêng mình. Vậy lý do gì phải “khai tử” một trong các khẩu hiệu vốn rất quan trọng với giáo dục?
Nói một cách công bằng thì giáo dục không đi theo một khẩu hiệu. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân, không có chuyện giáo dục kém chỉ vì một khẩu hiệu.
'Bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ là bỏ chức năng cơ bản nhất của giáo dục'
"Xã hội xưa hay nay đều thế, bỏ chữ Lễ là hạ thấp hoặc xóa đi chức năng trồng người của giáo dục", PGS.TS Lê Quý Đức nói về đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ...".
Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) về việc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong trường học đang được bàn luận sôi nổi với nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Các ý kiến phản đối cho rằng, khẩu hiệu này không đơn thuần là triết lý về giáo dục mà còn là nét văn hóa đẹp của dân tộc.
"Lỗi không ở chữ Lễ"
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sau khi đọc bài tham luận của GS.TS Trần Ngọc Thêm, ông ủng hộ quan điểm, khi bước vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển của đất nước bằng tri thức thì cần giáo dục con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phản biện và là con người phát triển.
Tuy nhiên, TS Đức không đồng tình với những quan điểm bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". " Lỗi là do chúng ta diễn giải chữ lễ và chữ văn chứ không phải lỗi ở khái niệm. Vấn đề cốt lõi của chúng ta là diễn giải Tiên học lễ, hậu học văn trong thời đại mới thế nào, chứ không cần loại bỏ nó", ông nhấn mạnh.
Khi diễn giải, chúng ta không nên quy chữ "lễ" là các khuôn mẫu đạo đức cũ của xã hội phong kiến với truyền thống nông nghiệp, tiểu nông cục bộ, và cũng không nên hiểu đơn giản "văn là tri thức" (tri thức tự nhiên và tri thức khoa học kỹ thuật...). Nếu đóng khuôn như vậy vô hình trung đã bó hẹp ý nghĩa và dẫn đến bỏ đi khẩu hiệu đó.
"Tiên học lễ, hậu học văn" không có nghĩa là chúng ta tách hoàn toàn chữ "lễ" ra khỏi chữ "văn". Trước học lễ, sau học văn thì mới có con người phát triển đầy đủ nhân cách và trí thức. Và đó mới là con người toàn diện.
Ông Đức cũng cho rằng, chúng ta cần những triết lý giáo dục mới, dạy con người chủ động sáng tạo phát triển chứ không phải dạy con người nghe lời (một trong số đó là nghe lời thầy). Học trò chỉ không nên nghe lời thầy một cách tiêu cực.
Về cơ bản, trò không nghe lời thầy cũng là không đúng. Điều tiêu cực ở đây là thầy tưởng tất cả những điều thầy nói là chân lý, là không thể vượt qua. Từ việc thầy có quyền bắt học trò nghe lời dẫn đến thầy áp đặt cái gì lên trò cũng được. Rất nhiều thầy cô đã lợi dụng chữ "lễ" để ứng xử tiêu cực với học trò.
"Vậy lỗi không phải là chữ lễ mà lỗi ở chỗ người thầy không hiểu hết ý nghĩa của chữ lễ. Do đó, việc của chúng ta không phải là bỏ chữ lễ đi mà sửa lại làm sao cho triết lý giáo dục mới dạy con người sáng tạo, tự chủ, phát triển chủ động. Thầy cô phải hiểu điều đó để dạy học trò. Nên nhớ, lỗi không nằm ở chữ "ễ và lỗi cũng không ở việc người ta đề cao chữ lễ", PGS.TS Lê Quý Đức kết luận, đồng thời nói thêm, bản thân người làm giáo dục (người thầy, cán bộ quản lý giáo dục) phải hiểu rõ công việc, chức năng, nhiệm vụ của mình và đặc biệt là triết lý giáo dục của nền giáo dục mới hiện nay.
Ông nhấn mạnh, cần hiểu chữ "lễ" là giáo dục những khuôn mẫu của đời sống xã hội, khuôn mẫu ấy có thể là khuôn mẫu đạo đức, hành vi, khuôn mẫu văn minh; chữ "lễ" rất rộng. "X ã hội xưa hay nay đều thế, bỏ chữ lễ đi tức là hạ thấp hoặc xóa đi chức năng trồng người của giáo dục. Tóm lại, xã hội phát triển cần có triết lý giáo dục mới, đó vẫn là dạy con người cả đạo đức, nhân cách lẫn tài năng trí tuệ, như vậy Tiên học lễ, hậu học văn vẫn sẽ còn mãi, chỉ có điều cần luận giải nó, đưa triết lý giáo dục vào thế nào cho phù hợp", PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
"Đổi mới không có nghĩa đoạn tuyệt quá khứ"
Bày tỏ quan điểm về đề xuất trên, chị Trần Thị Hồng (phụ huynh ở Can Lộc - Hà Tĩnh) đồng ý phải đề cao tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, nhưng không tán thành việc xóa bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Theo chị, hai yếu tố này không mâu thuẫn, không nhất thiết chọn cái này thì phải bỏ cái kia, chúng phải bổ khuyết cho nhau, tạo nên nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện. "Lẽ nào học trò không chào thầy cô, không học lễ nghĩa mới là đổi mới, sáng tạo hay sao?", chị Hồng nói.
Vị phụ huynh này cũng phân tích: "Mục tiêu giáo dục sẽ đổi mới theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhưng đổi mới giáo dục không đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ mà phải kế thừa và phát triển. Thực tế cho thấy, giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng không đồng tình với quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm. Ông cho rằng, với mỗi con người, "đức" là gốc cơ bản. Ở đây có thể hiểu "lễ" là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình, cơ quan, nhà trường..., "đức" rất quan trọng.
Nhiều người cho rằng, "lễ" là bề trên nói, bề dưới răm rắp nghe theo, nhưng hiểu đơn thuần như vậy thì chưa đúng. Nội hàm của từ này thể hiện đức hạnh của con người, không nên quy về nghi thức lễ giáo, phong kiến. Dù thời nào thì đức vẫn là cốt lõi, quan trọng nhất. Người không có đức nghĩa là không có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Vì vậy, trong triết lý giáo dục của nhiều gia đình, việc dạy con trước hết là phải dạy hiếu nghĩa, đức hạnh với ông bà, cha mẹ. Một người dù giỏi bao nhiêu đi chăng nữa nhưng không có đạo đức thì cũng không chấp nhận được.
"Ử bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn đều hoàn toàn đúng, nên không nhất thiết phải bỏ. Đổi mới giáo dục ở phương pháp chứ không phải khẩu hiệu", ông nhấn mạnh.
Cần diễn giải "Tiên học lễ, hậu học văn" trong thời đại mới như thế nào? "Tôi không đồng tình với những quan điểm bác bỏ khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Vấn đề cốt lõi của chúng ta diễn giải "Tiên học lễ, hậu học văn" trong thời đại mới như thế nào?" Dư luận đang có nhiều phản ứng gay gắt, trái chiều trước đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"...