Đổi mới giáo dục đại học: Đội ngũ giảng viên là chủ công
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, quyết liệt đổi mới và nâng tầm hệ thống là mục tiêu quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT Việt Nam.
Trong tiến trình đổi mới đó, đội ngũ giảng viên được xác định đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động. Vậy các trường cần làm gì để vai trò “chủ công” của đội ngũ giảng viên được phát huy một cách tốt nhất?
Giảng viên Trường ĐH quốc tế Sài Gòn
Cho giảng viên không gian học thuật và sáng tạo
TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tin rằng: Quyết định sự thành bại trong yêu cầu đổi mới GDĐH nằm ở con người. Con người ấy chính là đội ngũ giảng viên, CBQL. Trong đó, đội ngũ GV chính là “chìa khóa” trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì vậy, nâng cao chất lượng, vị thế, vai trò của đội ngũ GV, CBQL giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu và tối quan trọng ở các trường.
Theo TS Trần Đình Lý, nền tảng của sự phát triển con người là tri thức và những đóng góp quan trọng nhất đến từ bậc phổ thông và đại học. Do đó, các trường đại học cần phát triển theo tinh thần khai sáng và lý tưởng tự do học thuật. Người thầy phải là trung tâm cho mọi hoạt động đổi mới. Nếu người thầy lên lớp dạy rất hay và thú vị bằng những phương pháp sư phạm mới mẻ, phù hợp, dễ thu hút người học là điều quá tuyệt vời.
Tuy nhiên, TS Lý cho rằng, với sự phát triển không ngừng của nhiều loại hình giáo dục như hiện nay, như thế vẫn là chưa đủ. Giảng viên ngoài kỹ năng sư phạm cần phải có trải nghiệm thực tế, các tình huống thực tiễn, cách giải quyết những câu chuyện thực tiễn cả về tri thức, lý luận khoa học hài hòa.
Muốn nâng cao chất lượng GDĐH thì cần phải nâng tầm vị trí GV và cả công tác NCKH. Thực tế, NCKH là hoạt động không còn lạ lẫm, mới mẻ với giảng viên và sinh viên các trường ĐH. NCKH chính là một chuỗi các hoạt động đòi hỏi tư duy sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện… TS Trần Đình Lý tin nếu các trường có chính sách khuyến khích hoạt động NCKH tốt, có chính sách khen thưởng, thậm chí là đặt hàng cho sản phẩm NCKH thì chất lượng giáo dục của đơn vị ấy sẽ tiến rất nhanh.
“Hoạt động NCKH là môi trường để GV và sinh viên nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê NCKH; giúp GV, SV phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học, sự tìm tòi, tư duy sáng tạo, ý thức mong muốn cải tiến và đổi mới trong chính mỗi sản phẩm nghiên cứu của mình. Khi tinh thần NCKH tăng cao, không gian học thuật mở rộng, sự thay đổi về chất lượng là điều có thể tin tưởng” – TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS Trần Đình Lý, PGS.TS Phạm Hoàng Quân – Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn tin rằng, nếu ban giám hiệu các trường đại học ý thức và xác định rõ mục tiêu mà mình cần tiến tới là giá trị con người, sản phẩm của tiến trình đào tạo, chắc chắn họ sẽ lựa chọn việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV, xem GV là thước đo cho mọi chuẩn mực trong đào tạo và đảm bảo chất lượng.
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, vài năm trở lại đây các trường đại học đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra và công tác NCKH. Song song đó là công tác bồi dưỡng nâng cao đội ngũ, đưa những cán bộ nòng cốt đi nước ngoài học tập và bồi dưỡng để hình thành cho mình một hệ thống quản trị tốt nhất, với đội ngũ tinh hoa nhất, nhằm hướng đến hội nhập, cũng như đáp ứng các chuẩn mực của thị trường lao động quốc tế.
Nghiên cứu khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Video đang HOT
“Rõ ràng trong mọi sự đổi mới về chất lượng đào tạo, nâng tầm hệ thống GDĐH thì đội ngũ GV đóng vai trò chủ đạo. Chúng ta có thể thay đổi phương thức quản trị, gia tăng đầu tư cho công tác NCKH, cơ sở hạ tầng và phòng thí nghiệm… Nhưng nếu đội ngũ không chuẩn, không tiệm cận với những sự thay đổi thì rất khó để thay đổi cả hệ thống.
Có nhiều cách để khuyến khích GV, các trường cùng thay đổi, như việc các trường sư phạm lớn trên cả nước nếu chấ#p nhận cùng nhau hòa vào “mạng lưới” cùng nhau chia sẻ công khai tài nguyên giảng dạy, giáo trình và cả các công trình khoa học về phương pháp nghiên cứu giảng dạy cho nhau… chắc chắn việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ GV sẽ tốt hơn” – PGS.TS Phạm Hoàng Quân nhấn mạnh.
Đào tạo hướng đến sự thích ứng tuyệt đối
Trong buổi nói chuyện mới đây với sinh viên ĐHQG TP HCM Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận và đánh giá mục tiêu của giáo dục đại học không nhằm tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi. Vì lẽ đó, ngoài sự chuyển dịch của các trường, đội ngũ CBQL, GV cũng cần phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc mà tri thức phát triển không ngừng, vượt qua các khoảng cách về không gian và thời gian.
Đồng tình với những gì mà hệ thống GDĐH đang hướng đến, với vai trò “hạt nhân” trong đổi mới là lực lượng GV, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: đội ngũ GV đóng vai trò là nhân tố cơ bản trong việc tạo ra các giá trị và đặc trưng về phong cách, văn hóa của mỗi trường đại học. Một trường đại học mạnh đồng nghĩa với việc nó được tạo dựng bởi đội ngũ GV giỏi, lao động tích cực, sáng tạo và tâm huyết với nghề. Điều đó phụ thuộc vào cách thức, phương pháp mà nhà quản lý sử dụng để tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và NCKH.
“Trong những năm qua, Trường ĐH Lạc Hồng đã mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ quá trình giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường luôn khuyến khích tinh thần tự do, khai phóng trong đổi mới giảng dạy của giảng viên, mở lối để giảng viên mạnh dạn phá bỏ phương pháp truyền đạt cứng nhắc, một chiều.
Trường cũng thực hiện nhiều cải về chính sách tài chính, nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn dành cho giảng viên tham gia NCKH và đổi mới, sáng tạo, xem nó như một đòn bẩy để GV yên tâm làm việc và NCKH. Tùy vào chất lượng của các công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học, nhà trường có chính sách hỗ trợ kinh phí đăng bài, đi lại, ăn ở và khen thưởng cho các giảng viên của trường; đồng thời, coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua hàng năm đối với GV” – TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, muốn giúp GV thoát khỏi tư duy bị trói buộc, hết mình và đam mê với sáng tạo, NCKH thì các trường đại học cần tạo lập môi trường NCKH thuận lợi và chính sách hỗ trợ, khen thưởng về vật chất xứng đáng trong quá trình nghiên cứu của GV. Đặc biệt, các trường cần coi NCKH là một tiêu chí quan trọng để nâng lương trước thời hạn cho GV có thành tích trong NCKH. Ngoài ra, các thủ tục thanh quyết toán cũng cần nhanh gọn, tránh những phiền hà không cần thiết cho GV giúp họ nhận thấy vai trò “chủ công” của mình trong nâng cao chất lượng đào tạo và nâng tầm hệ thống GDĐH nước nhà.
Anh Tú
Theo GDTĐ
Xây dựng thương hiệu đại học: Chất lượng dịch vụ giáo dục là yếu tố cốt lõi
Muốn nâng cao vị thế, nâng tầm hệ thống GDĐH hướng đến hội nhập, ngoài việc khẳng định hướng đi, các trường buộc phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Chỉ khi có thương hiệu, định hình được thương hiệu nhà trường thì mong mỏi hội nhập quốc tế, vươn tầm của một trường đại học mới có tính thực tế.
Thư viện hiện đại của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Xây dựng thương hiệu nhà trường - điều tất yếu
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một trong những thiệt thòi của các trường ĐH Việt Nam trong quá trình hội nhập là vấn đề thương hiệu. Mặc dù, thương hiệu trường học là khái niệm không xa lạ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, vấn đề xây dựng thương hiệu trường học vẫn còn trong giai đoạn phát triển sơ khai.
Nhìn ra thế giới, các trường ĐH lớn và đa ngành hiện nay như Havard (Mỹ), Tokyo (Nhật), Cambridge (Anh), Leiden (Hà Lan)..., tên tuổi và uy tín của họ là niềm tự hào của sinh viên và các bậc phụ huynh có con em được theo học. Các trường này có thương hiệu vì họ biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu. Do đó, việc xây dựng thương hiệu để thu hút người học theo TS Trần Đình Lý là một trong những vấn đề cần được quan tâm.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/7/2019 và Luật Giáo dục (mới) có hiệu lực từ 1/7/2020 mở ra nhiều cơ hội, không gian tự chủ, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho các trường, đặc biệt là các ĐH địa phương.
"Bối cảnh hội nhập và không gian pháp lý nói trên đòi hỏi các trường phải có sự thay đổi và xác định cho mình lối đi riêng nhằm thích nghi, phù hợp với yêu cầu mới và tạo dựng được một thương hiệu mạnh. Chỉ khi có thương hiệu, định hình được thương hiệu nhà trường thì mong mỏi hội nhập quốc tế, vươn tầm của một trường đại học mới có tính thực tế."
TS Trần Đình Lý
Vậy làm cách nào để xây dựng thương hiệu nhà trường một cách hiệu quả? Theo TS Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, muốn xây dựng thương hiệu nhà trường, điều quan trọng nhất là phải xác định được đâu là vấn đề cốt lõi. Bởi thương hiệu là kết quả được tạo nên bởi nhiều yếu tố, bao gồm dịch vụ giáo dục đào tạo, chất lượng giáo dục đào tạo, văn hóa học thuật, giá trị lợi ích mà cơ sở giáo dục cung cấp phải tương xứng với chi phí mà các bên liên quan phải bỏ ra để thụ hưởng từ trường.
"Nó có thể là sự đổi mới và cải tiến không ngừng về chất lượng các dịch vụ, hình ảnh và hiệu quả của công tác truyền thông, chất lượng đào tạo, môi trường học thuật... Khi nhà trường không thể cùng lúc đảm bảo các tiêu chí cơ bản này thì xác định được vấn đề nào cần được ưu tiên để có hướng đi phù hợp" - TS Lê Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm với TS Lê Lâm, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: Tùy vào mục tiêu, chiến lược phát triển của mỗi trường mà lựa chọn đâu là yếu tố cốt lõi trong xây dựng thương hiệu.
"Ở Trường ĐH Lạc Hồng, chúng tôi đề cao tinh thần sáng tạo, sự khai phóng. Hạnh phúc của sinh viên là hạnh phúc của trường. Đó là nguồn cội tạo nên chất lượng và các giá trị của trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường luôn đảm bảo và tạo dựng không gian để thực thi các cam kết của chúng tôi đối với các bên liên quan, trước hết là với chính các em sinh viên, giảng viên, với các doanh nghiệp và xã hội" - TS Quỳnh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều trường học tạo dựng thương hiệu cho mình từ những giá trị tích lũy được trong suốt quá trình dài, nghĩa là kết quả của một quá trình phát triển với bề dày những thành tích. Nhưng cũng có những thương hiệu được tạo nên bởi sự bứt phá ngoạn mục, đồng bộ, và cũng có những thương hiệu được biết đến bởi những sản phẩm nổi bật, độc đáo.
Chẳng hạn, nói đến Trường ĐH Lạc Hồng - người ta nghĩ ngay đến Robocon, đến xe tiết kiệm nhiên liệu... và ngược lại, khi nói đến Robocon, xe tiết kiệm nhiên liệu... người ta nghĩ ngay đến Trường ĐH Lạc Hồng. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu của Trường ĐH Lạc Hồng, là cầu nối để người học đến với những giá trị khác mà nhà trường đang song hành dựng xây.
Việc xây dựng thương hiệu trường học nhằm thu hút người học vốn được nhận thức và bàn luận nhiều. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà vấn đề này chưa được chú trọng, thậm chí nhiều trường vấp phải khó khăn.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, một trong những hạn chế có thể kể ra, đó là không ít quan điểm xem giáo dục là hoạt động phúc lợi xã hội, chứ không phải là hoạt động thương mại, nên các trường đại học ngại tiếp thị và quảng bá tên tuổi. Ngoài ra, chất lượng giải trình kém, hoặc chưa coi trọng công tác truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều trường không thể định hình được thương hiệu trong lòng người học, phụ huynh và xã hội. Nếu các trường dỡ bỏ được rào cản tâm lý này, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tạo dựng thương hiệu mạnh cho các trường đại học.
Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng trong giờ thực hành
Chất lượng đào tạo -hướng đi chung của các trường
Thực tế, khi phương thức quản lý mở hơn, cơ chế tự chủ cho các trường khoáng đạt hơn, việc hướng đến mục tiêu khẳng định thương hiệu bằng hướng đi chất lượng đào tạo là điều gần như trường nào cũng hướng đến. Bởi thực tế, trong bối cảnh các phương thức học tập ngày càng đa dạng và linh hoạt, cơ hội chuyển tiếp và du học ngày càng dễ dàng hơn, việc khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo là "chìa khóa" để các trường cạnh tranh, thu hút người học.
Có nhiều cách và phương thức để các trường tiếp cận, định hình thương hiệu cho mình. Đó có thể là chất lượng đào tạo, môi trường và thế mạnh trong nghiên cứu chuyển giao thành tựu KHCN, đó có thể là dịch vụ phục vụ sinh viên hoặc cam kết đầu ra việc làm, thậm chí là so kè, tham gia vào các bảng xếp hạng đại học danh tiếng trên thế giới bởi các chỉ số NCKH, các bài báo quốc tế....
Dù bằng cách nào thì rõ ràng, trong bối cảnh mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ giữa nhóm trường công với trường tư, giữa các trường đại học trong nước và quốc tế, việc xây dựng thương hiệu nhà trường không chỉ xem như yếu tố sống còn, mà nó còn gián tiếp thúc đẩy cho tiến trình hội nhập, vươn mình ra khỏi biên giới quốc gia của trường đó.
Đơn cử có thể thấy bài toán xây dựng thương hiệu nhà trường bằng "chìa khóa" nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học, môi trường học thuật, chất lượng đào tạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hay Trường ĐH FPT trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vòng 5 năm, bằng chính sách xây dựng môi trường học thuật nghiêm túc, thúc đẩy GV trẻ gia tăng nghiên cứu khoa học, gia tăng các công trình nghiên cứu tầm quốc tế...thương hiệu nhà trường không chỉ thăng hạng nhanh chóng trên bản đồ hệ thống GDĐH Việt Nam mà đã lọt vào top các trường đại học tốt trên thế giới.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng vậy, bằng chính sách cam kết chất lượng đào tạo, tham gia mạnh mẽ vào các chương trình kiểm định quốc tế (đạt chuẩn 4 sao của Tổ chức QS - Stars, Anh Quốc), thương hiệu của nhà trường đã không chỉ định hình rõ ràng trong sự lựa chọn là môi trường học tập của học sinh, phụ huynh mà còn tạo ra tiền đề và niềm tin cho nhà trường mạnh dạn "bước chân" ra khỏi sân nhà so kè với các trường trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhìn nhận: Việc định hình và chọn hướng đi trong quá trình xây dựng thương hiệu mỗi trường sẽ khác nhau. Và tất nhiên, việc xây dựng thương hiệu của một trường đại học không thể đến một sớm, một chiều nhưng đó là việc các trường buộc phải làm trong bối cảnh hội nhập.
"Cái khó của các trường ngoài công lập trong việc xây dựng thương hiệu chính là làm sao xóa bỏ định kiến nơi người học, xã hội rằng chất lượng đào tạo không tốt. Để làm được việc đó không gì khác bằng việc phải chứng minh mình, chứng minh chất lượng đào tạo với xã hội, với doanh nghiệp.
Muốn xã hội thấy điều đó, mình cần phải tham gia mạnh mẽ về công tác kiểm định chất lượng đào tạo, chuẩn hóa giáo trình và đẩy mạnh hội nhập quốc tế bằng chất lượng học thuật của chính sinh viên, giảng viên của mình. Sinh viên ra trường có tỉ lệ việc làm đúng chuyên môn đạt gần 100%, doanh nghiệp đánh giá năng lực thích nghi của lao động tốt, đội ngũ sư phạm sẵn sàng cọ xát với đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên các trường quốc tế trong môi trường NCKH thì đó là mình đã và đang xây dựng được thương hiệu cho trường mình" - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu nhà trường là một trong ba yếu tố tạo nên sự ổn định cho mỗi trường đại học ngoài yếu tố quản trị, chất lượng đào tạo, thạc sĩ Hồ Đức Sinh - Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp HUTECH cho rằng, chất lượng đào tạo là yếu tố gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nhà trường tốt hơn.
"Anh có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt cho mọi nhu cầu của sinh viên trong quá trình học tập. Anh có thể xây dựng tốt môi trường học thuật, NCKH và văn hóa trong cộng đồng sinh viên, giảng viên. Nhưng chỉ cần anh thiếu sự kết nối mọi thành tố trên với nhu cầu căn bản của cuối quá trình đào tạo, đó là việc làm cho sinh viên, mọi cố gắng sẽ khó có thể tốt được.
Anh làm tốt mọi mặt, nhưng anh thiếu sự kết nối giữa đào tạo với thực tiễn, với doanh nghiệp tuyển dụng, sinh viên ra trường mà không tìm được việc làm, "vệt dầu loang" ấy sẽ là những cơn sóng lớn xô đổ mọi giá trị trong việc xây dựng thương hiệu của một ngôi trường. Vì vậy, chất lượng đào tạo tốt phải gắn với vị trí việc làm tốt cho sinh viên, song hành cùng các thành tố trên thì việc xây dựng thương hiệu của nhà trường mới hiệu quả và thành công"- Thạc sĩ Hồ Đức Sinh nói.
Anh Tú
Theo GDTĐ
Gần 5.000 học sinh tham gia ngày hội Toán học mở 2019 Ngày 24/11, gần 5.000 học sinh, giáo viên đến từ các trường học trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận có chung niềm yêu thích với Toán học đã tham gia ngày hội Toán học mở (MOD) 2019 diễn ra tại Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sài Gòn). PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn phát...