Độc đáo phiên chợ vùng cao, thu hút hàng ngàn người tham gia
Phiên chợ vùng cao Quảng Trị không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá các sản vật của địa phương mà còn tạo ra không gian du lịch, giao lưu văn hóa truyền thống.
Nhằm quảng bá, giới thiệu các sản vật của địa phương và những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vừa tổ chức phiên chợ vùng cao năm 2020 với hàng ngàn lượt người tham gia.
Đây là lần đầu tiên phiên chợ vùng cao được tổ chức với trên 30 gian hàng bày bán những nông sản đặc trưng, mang tính thương hiệu của địa phương như cà phê, hồ tiêu, chuối, măng rừng, nếp cẩm, men lá, tinh bột nghệ. Các sản vật này được người dân trên địa bàn tự tay làm ra mà không dùng đến bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Phiên chợ vùng cao bày bán nhiều sản vật của địa phương
Cùng với việc giới thiệu các sản vật, phiên chợ cũng quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, trong đó nổi bật là nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát. Đến với phiên chợ, người dân, du khách còn được trải nghiệm hoạt động như giã gạo, đi cà kheo, bắn nỏ, thưởng thức bia cần và các làn điệu dân ca cùng các loại nhạc cụ truyền thống độc đáo.
Clip: Phiên chợ vùng cao lần đầu tiên được tổ chức tại huyện miền núi Hướng Hóa
Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, phiên chợ vùng cao tuy mới tổ chức lần đầu nhưng thu hút hàng ngàn người tham gia, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tham mưu cấp trên tổ chức phiên chợ vùng cao thành nhiều phiên nhằm thu hút du lịch, giao lưu văn hóa và trao đổi hàng hóa, đặc biệt là trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Một số hình ảnh phiên chợ vùng cao Quảng Trị:
Chủ gian hàng giới thiệu nông sản cho khách tại phiên chợ
Nhiều nhạc cụ dân tộc được trưng bày tại phiên chợ vùng cao
Phiên chợ lần này có trên 30 gian hàng bày bán các sản vật địa phương
Du khách nước ngoài thích thú tại phiên chợ vùng cao
Theo Người Lao Động
Chợ phiên vùng cao
Chợ phiên vùng núi phía Bắc luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước nhờ sự độc đáo, đa dạng văn hóa các dân tộc.
Chợ phiên không chỉ là nơi để bà con mua bán, trao đổi các sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc mà đến đây, du khách có thể đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm, trong những nụ cười hồn hậu, không khí ấm cúng thân thiện, mộc mạc của những con người nơi đây...
Sắc màu rực rỡ - những hình ảnh quen thuộc ở chợ phiên vùng cao.
Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) thường họp vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Chợ nổi tiếng vì còn giữ được vẻ nguyên sơ và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Việt Nam. Đến chợ, những người phụ nữ diện váy áo sặc sỡ đủ màu. Nam thanh nữ tú giao duyên kết bạn.
Không đông đúc như chợ Bắc Hà, chợ phiên Cán Cấu ở Si Ma Cai vẫn còn nguyên những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Chợ họp vào các ngày thứ bảy hàng tuần hoặc những ngày lễ, tết trong năm. Đây cũng là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc với hàng trăm con trâu được giao dịch trong mỗi phiên chợ. Bên trên khu đất cao là chợ dân sinh, ở dưới là khu chợ trâu với hàng trăm con trâu đứng đen đặc cả khu đất rộng.
Cũng như những phiên chợ khác, từ sáng sớm khi lớp sương mù chưa kịp tan, người dân bản đã ríu rít xuống chợ, mang theo những sản vật như mật ong rừng, rau rừng, nấm hương, mộc nhĩ, măng, gà bản, vịt bản, lợn cắp nách...Với đồng bào vùng cao, đến chợ không chỉ để mua bán mà còn là dịp giao lưu, hỏi han sức khỏe, trao đổi cách làm ăn.
Còn ở Hà Giang, chợ Đồng Văn vốn là khu chợ cổ, nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, đây là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá và văn hoá lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc. Mỗi tuần chợ họp một phiên duy nhất vào ngày Chủ nhật. Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ của trang phục người Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô... đổ về từ các ngả núi xuống chợ. Nét độc đáo ở phiên chợ Đồng Văn ở những mặt hàng mà đồng bào mang đến chợ chủ yếu là nông sản, sản vật trong vùng do họ làm ra như: Trâu, bò, lợn, gà, rau, vải thổ cẩm, rượu ...
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là 1 trong 2 phiên chợ lùi độc đáo ở huyện vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên, cứ 6 ngày 1 phiên, chợ thường họp vào ngày Tý và ngày Hợi. Từ sáng sớm, mọi con đường dẫn đến chợ rộn ràng những tiếng chân ngựa, xe máy, pha lẫn tiếng khèn, tiếng sáo hòa thành một âm thanh vô cùng đặc biệt. Nét độc đáo của chợ phiên Tả Sìn Thàng còn được thể hiện ở các quầy bán hàng truyền thống như tơ lụa, nông sản, nông cụ và đặc biệt là rượu ngô...
Nếu có dịp, hãy đến với những phiên chợ vùng cao, bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Minh Hà
Theo daidoanket.vn
Phiên chợ vùng cao - "Không có phiên chợ nào lặp lại" Hãy cùng nhìn những hình ảnh của phiên chợ vùng cao xưa. Khi những phiên chợ là một ngày hội, nơi mà người đi chợ có thể làm được những thứ không thể làm được ở nhà trong ngày thường. Đặc biệt, không có phiên chợ nào giống phiên chợ nào. Theo VTV